Hotline 24/7
08983-08983

Đề xuất cấm xe máy ở TPHCM: Liệu có khả thi?

Để loại bỏ hoàn toàn xe máy và chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, ô tô cá nhân, TPHCM cần khoảng 470 tỷ từ 2015-2025 liệu khả thi.

Tại hội thảo: "Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe máy cá nhân trên địa bàn TPHCM - Thực trạng và giải pháp", PGS. TS Phạm Xuân Mai, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách Khoa TPHCM, đã đưa ra đề xuất thành phố nên "làm cuộc cách mạng" hạn chế, tiến tới cấm hẳn xe máy như nhiều nước đã làm, theo tin tức trên báo Vietnamnet.

Để loại bỏ hoàn toàn xe máy và chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, TPHCM cần 470 tỷ USD. Ảnh Vietnamnet.

"Xe máy tại Sài Gòn đang nhiều nhất thế giới và là "thủ phạm" gây ùn tắc. Trung bình TPHCM có 910 xe máy trên 1.000 dân, tỷ lệ cao nhất thế giới. Qua nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi cho rằng xe máy chính là thủ phạm gây tắc đường, tai nạn giao thông, tiêu tốn nhiên liệu và ô nhiễm môi trường", ông Mai cho biết. 

Theo ước tính, tổng thiệt hại do xe máy gây ra hàng năm là hơn 6,1 tỷ USD, chiếm 13,4% GDP của TPHCM, kéo lùi sự phát triển 7-8%. Một cách gián tiếp, xe máy đang làm giảm đà tăng trưởng của thành phố.

Ngoài các tác hại nêu trên, còn nhiều ý kiến 'kết tội' xe máy là nguyên nhân gây ra tình trạng “nông thôn hóa đô thị”. Những gánh hàng rong, chợ cóc, chợ tạm, vỉa hè ăn uống lấn át lề đường... tồn tại chủ yếu là để phục vụ người đi xe máy, vốn có thói quen "gạt chân chống" mua hàng.

Trong khi đó, chuyên gia giao thông Phạm Sanh (Giảng viên ĐH Giao thông Vận tải) lại cho rằng, tình trạng kẹt xe hiện nay xuất phát từ nhu cầu đi lại. Các cơ quan chuyên ngành giao thông cần phải công tâm, thực tế đánh giá, không thể đổ lỗi kẹt xe là do xe máy, báo Pháp luật Plus đưa tin.

"Nhu cầu của người dân là đi từ điểm này đến điểm khác, bằng đường nào, phương tiện gì, đạt đến giờ giấc ra sao, chi phí, hiệu quả? Ngành giao thông cần phải quản lý, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện nhu cầu có thật này", ông Sanh nói.

Theo ông, thành phố phải làm tốt hạ tầng, mạng lưới giao thông công cộng. Nếu được như vậy, người dân sẽ không chạy xe máy lòng vòng ngoài đường cho cực khổ.

Đồng quan điểm, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM - TS Võ Kim Cương cũng cho rằng xe máy là phương tiện cứu cánh giao thông đô thị trong điều kiện thành phố chưa đảm bảo phát triển xe buýt; hệ thống đường thiếu, chưa đồng bộ, khu dân cư toàn đường hẻm…

"Xe máy không phải nguyên nhân, mà ngược lại làm giảm tắc nghẽn giao thông. Nó có lưu lượng lớn và nhanh hơn xe buýt, có thể đi vào các đường hẻm. Không những vậy, đi xe máy cũng cho năng xuất lao động cao hơn vì quỹ thời gian mất ít hơn cho việc di chuyển", ông Cương nói.

Tuy nhiên, TS Cương cũng nhìn nhận, về lâu dài cần hạn chế xe máy để thành phố văn minh hiện đại. Xe máy thiếu an toàn, không phù hợp với điều kiện kinh tế của người giàu… Do đó, không nên cấm hoàn toàn xe máy mà chỉ nên thí điểm cấm một số khu vực.

TPHCM thời gian qua, đã đưa ra định hướng quy hoạch để loại bỏ xe máy và chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, ô tô cá nhân. 

Theo đó, sẽ phải xây dựng 15 đô thị vệ tinh, hệ thống giao thông gồm 4 vành đai và cao tốc nối với các tỉnh, có 6 tuyến xe điện ngầm, 3 tuyến xe điện nổi và 25 tuyến xe buýt nhanh, đáp ứng 35-40% nhu cầu đi lại của người dân. Kinh phí để thực hiện cần khoảng 470 tỷ USD, trong giai đoạn 2015-2025.

Đây là số vốn khổng lồ, kiếm ở đâu ra? Với thực tế hiện nay thì biết cấm xe máy là một hướng đúng nhưng để làm được quả là một phép thách đố. Bài toán này có lẽ chúng ta nên tính dần cho kế hoạch dài hơi trong tương lai.

Theo Trân Châu - Doanh nghiệp Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X