Hotline 24/7
08983-08983

Để dân có nhà đúng nghĩa

Hàng loạt dự án xóa nhà “ổ chuột” để đưa người dân vào những ngôi nhà đúng nghĩa đang được ráo riết thực hiện.

Xóa nhà “ổ chuột” ven kênh, rạch không phải là chuyện mới của TPHCM. Thế nhưng, việc quyết tâm xóa bằng hết nhà “ổ chuột” một cách mạnh mẽ nhất là lúc này - khi TP đưa vấn đề chỉnh trang đô thị vào 1 trong 7 chương trình đột phá trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Chuẩn bị “hô biến” 8.300 “ổ chuột”

Là địa bàn nằm sát quận 1 nhưng theo thống kê của UBND quận Bình Thạnh, hiện toàn quận còn tổng cộng 2.500 hộ dân sống trên và ven kênh rạch trong những căn nhà lụp xụp. Quyết không để những căn nhà này “bôi bẩn” cảnh quan, ông Huỳnh Bá Trung Nam, Phó Chánh Văn phòng UBND quận Bình Thạnh, cho biết hiện quận đang gấp rút lên phương án và tiến hành xóa các căn nhà “ổ chuột” trên rạch Văn Thánh, Xuyên Tâm, Bùi Hữu Nghĩa.

Người dân sống trong các căn nhà lụp xụp ven rạch Văn Thánh tin rằng cuộc sống sau di dời sẽ tốt hơn Ảnh: Hoàng Triều
Người dân sống trong các căn nhà lụp xụp ven rạch Văn Thánh tin rằng cuộc sống sau di dời sẽ tốt hơn Ảnh: Hoàng Triều

Hiện 3 con rạch trên đã có 3 dự án cải tạo và UBND TPHCM đã chấp nhận chủ trương tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. “Việc “làm sạch” rạch Bùi Hữu Nghĩa là thuận lợi nhất bởi liên quan đến dự án này, UBND TPHCM đã chấp thuận việc thay thế bằng cống hộp và đang thực hiện  khảo sát để lên phương án trình UBND TP việc bồi thường, giải tỏa mặt bằng” - ông Nam cho biết và thông tin thêm: Tiến hành song song với dự án cải tạo rạch Bùi Hữu Nghĩa là dự án rạch Văn Thánh.

Cũng theo ông Nam, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cải tạo rạch Bùi Hữu Nghĩa dự kiến sẽ hoàn thành vào khoảng quý II/2017. Dự án rạch Văn Thánh cũng dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017.

Một dự án nữa sắp triển khai để “hô biến” gần 6.000 căn nhà lụp xụp ven kênh rạch, đưa con kênh Đôi - Tẻ trở nên xanh, sạch, đẹp như Tàu Hủ - Bến Nghé và Nhiêu Lộc - Thị Nghè là dự án Cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 3.

Ông Lương Minh Phúc, Trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông - đô thị TP - đơn vị chủ đầu tư, cho biết dự án có diện tích 1.600 ha, nằm phía Nam và cũng là đoạn cuối trong lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - Tẻ, qua địa bàn các quận 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh.

Các hạng mục chính của dự án gồm di dời và tái định cư cho 5.800 hộ dân và 29 cơ quan, xây dựng hệ thống thu gom nước thải lưu vực Nam Sài Gòn gồm 10 km tuyến cống nhánh và 33 km tuyến cống nhánh, xây nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt công suất 100.000 - 170.000 m3/ngày…

Tổng kinh phí thực hiện ước khoảng 13.560 tỉ đồng, trong đó 4.860 tỉ đồng từ vốn ngân sách phục vụ công tác bồi thường, tái định cư, số còn lại đề nghị JICA xem xét hỗ trợ để phục vụ cho công tác xây lắp.

“Hiện dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và sẽ trình UBND TP trong quý I/ 2016” - ông Phúc cho biết.

Hãy yên tâm!

“Khu vực rạch Bùi Hữu Nghĩa dù có 215 căn bị giải tỏa nhưng chỉ có 2 hộ dân bị giải tỏa hoàn toàn nên việc di dời, bố trí nơi tái định cư sẽ không khó. Riêng đối với dự án rạch Văn Thánh, số lượng nhà bị giải tỏa trắng lên đến 737 căn nên giải pháp đưa ra để không tái diễn cảnh người dân có nhà mới nhưng bị mất việc làm là chính quyền tiến hành bố trí các căn nhà tái định cư ngay trên địa bàn quận” - ông Phan Ngọc Anh Huy, Trưởng Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, cho biết.

“Với việc bố trí tái định cư ngay trên địa bàn quận thực tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi rất lớn trong công tác giải phóng mặt bằng, cũng như trong việc ổn định công việc của người dân chúng tôi” - ông Trần Thanh Hòa, một hộ dân đang sinh sống trên rạch Văn Thánh, nói.

Và theo ông Hòa, dù hiện tại việc giải tỏa đền bù, tái định cư dự án cải tạo rạch Văn Thánh chưa bắt đầu nhưng ông ủng hộ vì khi được bố trí tái định cư ngay trên địa bàn quận ông sẽ không mất công, mất sức đi đến chỗ làm của mình vốn ở gần nhà.

“Đâu ai muốn ở trong những căn nhà lụp xụp suốt đời. Mình khổ, con cái cũng khổ với bệnh tật và ô nhiễm nhưng đi thì chí ít cũng phải hơn bây giờ dân mới đi. Chính quyền làm được thì hà cớ gì dân không ủng hộ” - ông Hòa khẳng định.

Liên quan đến việc di dời 5.800 căn nhà trên kênh Đôi - Tẻ, ông Lương Minh Phúc cho rằng rút kinh nghiệm từ những dự án trước đây, người dân bị di dời không muốn tái định cư quá xa, muốn ở gần nơi ở cũ để đời sống, sinh hoạt, học tập ít bị biến động.

Theo đó, các đơn vị liên quan đã có kế hoạch làm bằng được việc này. Bởi mục tiêu lớn nhất vẫn là lợi ích của người dân, người dân thấy hài lòng, có cuộc sống mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Riêng ông Mori Mutsaya, Trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam, nhận định Cải thiện môi trường nước thành phố giai đoạn 3 là một dự án hoàn toàn khả thi và rất phù hợp để JICA hỗ trợ nguồn vốn.

“Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để JICA quyết định là chất lượng của phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Không chỉ đơn thuần là đưa người dân từ nơi này đến nơi khác mà phải bảo đảm được chất lượng cuộc sống của họ sau đó. Những người dân đóng thuế yêu cầu JICA phải có trách nhiệm kiểm soát được hiệu quả đồng vốn cho vay” - ông Mori Mutsaya nhấn mạnh và đưa ra đề nghị: Vì thế đối với 5.800 hộ dân phải di dời, JICA đề nghị phải phỏng vấn từng hộ dân và JICA sẽ cung cấp những hướng dẫn mới về việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định TP nhận thức rất rõ về tầm quan trọng từ sự đồng thuận của người dân trong việc triển khai các dự án chỉnh trang đô thị nên luôn lắng nghe ý kiến từ người dân. “Chủ trương của TP là người dân tái định cư phải có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng so với nơi ở cũ” - ông Phong nhấn mạnh.

“Với những gì đang diễn ra, những hộ dân đang sống trong các căn nhà “ổ chuột” bao năm chênh vênh, hoàn toàn có thể thấy được tương lai tốt hơn ở những căn nhà đúng với cái nghĩa nhà vốn có” - một cán bộ quận 8 khẳng định.

Hàng loạt kế hoạch chỉnh trang

Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 là di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân sống ven kênh rạch; chỉnh trang chung cư hiện hữu và tháo dỡ, xây dựng mới chung cư cũ; chỉnh trang đô thị và phát triển các đô thị mới.

Sẽ có khoảng 2.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch được di dời trong năm 2016. Tiến tới năm 2025 toàn TP không còn những căn nhà lụp xụp ven kênh rạch. Trong quý II/2016, TP sẽ di dời toàn bộ 299 hộ dân tại chung cư lô IV-VI Thanh Đa, quận Bình Thạnh để tiến hành tháo dỡ. Cũng trong năm 2016, TP sẽ xây dựng, phát triển các khu đô thị mới gồm khu đô thị mới Thủ Thiêm quy mô 737 ha, khu đô thị Nam TP quy mô 8.052 ha, khu phức hợp Tân Cảng Sài Gòn quy mô 42,21 ha...

Theo Nhóm PV - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X