Hotline 24/7
08983-08983

'Đế chế' Samsung hùng mạnh đến mức... có thể sống một cuộc sống 'chỉ Samsung'

Một loạt bê bối trong thập kỷ trước đã dẫn tới việc kết án nhiều quan chức điều hành của Samsung với tội đưa hối lộ.

Năm 2008, ông Lee Kun-hee, người giàu nhất Hàn Quốc, bị buộc phải rời chức Chủ tịch Samsung và phải nộp phạt 100 triệu USD sau khi bị kết tội trốn thuế và lạm dụng tín nhiệm.

Nhưng theo tờ Independent, chỉ 1 năm sau, tổng thống có tư tưởng ủng hộ doanh nhân Lee Myung-bak đã tha bổng ông Lee, một hành động gây tranh cãi. Lãnh đạo Samsung nhận hoàn toàn trách nhiệm về vụ bê bối nhưng cho rằng ông không làm gì sai.

“Tôi không làm việc đó. Tôi không bao giờ nghĩ Samsung là một tổ chức tội phạm, và tôi nghĩ chính giới truyền thông đã vẽ ra một hình ảnh Samsung xấu xí”, ông Lee Kun-hee nói khi đã quay trở lại ghế chủ tịch chaebol hàng đầu Hàn Quốc.

Vượt mặt đối thủ Nhật Bản

Đối với nhiều người các vụ bê bối và kết cục của chúng có vẻ đã xác nhận giả thuyết tệ hại nhất mà họ đã nghĩ tới: hối lộ và mua bán ảnh hưởng đã giúp biến “đế chế” được cha ông Lee Kun-hee, ngài Lee Byung-chul đã quá cố sáng lập, thành một chaebol gần như bất khả xâm phạm ngay từ lúc khởi đầu trong những năm 1930, lúc đó là một công ty dệt may. (Ở thời điểm hiện tại, ông Lee Jae-yong, phó chủ tịch, con trai ông Lee Kun-hee cũng đã được cảnh sát thả về sau khi bị bắt để điều tra tội hối lộ - PV).

13-51-57_lee_kun-heeÔng Lee Kun-hee đã biến Samsung từ một công ty dệt may thành một đế chế kinh doanh (Ảnh: wikipedia)

Tầm ảnh hưởng đối với hoạt động kinh doanh của gia đình nhà Lee là rất rộng: Con gái ông Lee Kun-hee điều hành một chuỗi khách sạn hạng sang; con trai điều hành Công ty điện tử Samsung Electronics, em trai ông quản lý một “đế chế” về thực phẩm và giải trí; cháu trai điều hành một doanh nghiệp nhận nhượng quyền thương mại từ các hãng nổi tiếng thế giới, ví như hãng cà phê Starbucks danh tiếng của Mỹ. Thậm chí em gái ông cũng kết hôn với một lãnh đạo của tập đoàn LG.

Bản thân ông Lee Kun-hee đã biến công ty ông được tiếp quản từ cha một phần tư thế kỷ trước thành một tập đoàn có tầm ảnh hưởng quốc tế và doanh thu tăng tới 40 lần. Từng nhiều lần nói với nhân viên “chúng ta có thể thay đổi mọi thứ trừ vợ và con ta”, Lee Kun-Hee quay trở lại sau bê bối trốn thuế và trở thành Chủ tịch Samsung Electronics, công ty lớn nhất và có doanh thu cao nhất trong tập đoàn, tầm hoạt động rất rộng, từ xây dựng, đóng tàu tới tài chính. Từ vị trí này, ông đã lèo lái con tàu Samsung tiến theo chiến lược kỹ thuật số, giúp tập đoàn vượt lên, cho các đối thủ Nhật Bản “ngửi khói”.

Theo tờ Economist, “tập đoàn Samsung” thực ra không rõ ràng về mặt pháp lý, loại hình công ty: 83 công ty con của nó nằm dưới một “cái ô” đóng vai trò công ty mẹ. Gia đình ông Lee nắm giữ 46% cổ phần công ty mẹ.

Kim Yong-chul, luật sư kỳ cựu từng làm việc cho Samsung nói công ty này đã thành lập một quỹ đen với ngân khoản 200 triệu USD để “mua” các chính trị gia và công tố viên. Luật sư này nói đã viết một cuốn sách nói về việc hối lộ, ấn định giá cả và tham nhũng của Samsung nhưng cuốn sách đã bị truyền thông Hàn Quốc từ chối đăng tải.

“Samsung rõ ràng đang kiểm soát các công tố viên ở Hàn Quốc, hủy hoại sự nghiệp của những ai dám chống lại công ty này”, Michael Kim, một cựu giám đốc của Samsung nói với Independent. “Hầu hết các công tố viên đơn giản là nhận tiền và để công ty này yên”. Ông Kim nói quan chức một cơ quan chống tham nhũng của chính phủ có lần nói thẳng với ông “họ không có quyền xét xử Samsung”.

Sức mạnh mạ vàng của chaebol

Quyền lực của 10 chaebol lớn nhất Hàn Quốc từng là vấn đề nóng bỏng trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 2012, thậm chí còn nóng hơn các quan ngại của Seoul về “ông láng giềng đầy rắc rối” CHDCND Triều Tiên. Tổng thống Lee Myung-bak bị xem là quá mềm mỏng với giới tài phiệt (ông Lee từng điều hành công ty xây dựng thuộc chaebol Hyundai - PV), để tham nhũng tràn lan và sự chèn ép của các công ty khổng lồ với giới doanh nghiệp vừa và nhỏ diễn ra thường xuyên.

13-51-57_prk_geun-hye_8724400493_croppedBà Park Geun-hye đã không giữ lời “tấn công vào giới chaebol” như lúc vận động tranh cử (Ảnh: wikipedia)

Khi tranh cử, bà Park Geun-hye từng hứa theo đuổi cái mà bà gọi là “dân chủ hóa nền kinh tế” mà theo lời bà, nhằm tới việc xử lý tình trạng sở hữu chéo trong các chaebol, tăng hình phạt đối với các hành vi phản cạnh tranh và buộc các công tố viên phải cứng rắn hơn.

“Chúng ta đã không chú ý tới sự công bằng”, con gái cựu Tổng thống Park Chung-hee nói trong chiến dịch tranh cử của mình. “Các công ty lớn tập trung hoạt động kinh doanh trong khối, chiếm đoạt công nghệ từ các công ty nhỏ và họ tự định đoạt giá cả hàng hóa”.

Nhưng nhiều nhà quan sát tỏ ra hoài nghi về những cam kết này (và những gì đang diễn ra cho thấy họ hoàn toàn đúng). “Tấn công vào chaebol” đã trở thành một thứ ngôn ngữ trong bầu cử ở Hàn Quốc, nhưng rất hiếm khi các chính trị gia sẵn lòng theo đuổi các chính sách cứng rắn với các đại công ty.

Tờ Washington Post mô tả: "Đế chế Samsung” hiện nay hùng mạnh đến mức một số người Hàn Quốc nói họ có thể sống một cuộc sống “chỉ Samsung”: Bạn có thể dùng thẻ tín dụng do Samsung phát hành mua tivi Samsung cho phòng khách trong căn hộ do Samsung xây, xem đội bóng chày do Samsung sở hữu thi đấu.


Theo Anh Minh - Nông nghiệp Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X