Hotline 24/7
08983-08983

Đau mắt đỏ vào mùa dịch sớm ở miền Bắc

Lượng người đến BV mắt Trung ương khám những ngày qua tăng nhanh, trong đó 50% mắc bệnh đau mắt đỏ. Theo bác sĩ, năm nay dịch đến sớm trong khi hàng năm mùa bệnh vào tháng 9, 10.

Chiều 30/6, tại BV Mắt Trung ương, lượng bệnh nhân đến khám rất đông. Có cả gia đình kéo nhau đến khám bởi bệnh lây lan quá nhanh trong nhà. TS Phạm Ngọc Đông, Trưởng Khoa kết giác mạc BV Mắt Trung ương cho biết:

"Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng khó chịu ở mắt như chói, cộm, chảy nước mắt, mắt sưng thậm chí sưng đến mức không mở mắt ra được". Tiến triển của bệnh thường rất nhanh, buổi sáng mắt chỉ có cảm giác cộm mà tới chiều đã sưng đỏ, người bệnh phải đến viện khám ngay.

Thời tiết nắng nóng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh, trong đó có bệnh đau mắt đỏ. Theo BS Đông, thông thường dịch đau mắt đỏ vào mùa tại miền Bắc khoảng tháng 9, 10. Năm nay bệnh đau mắt đỏ vào mùa sớm hơn, tốc độ lây lan cũng nhanh chóng hơn.

dau-mat-2103-1435665897.jpg Bệnh nhân khám mắt tại BV Mắt Trung ương - Ảnh: Linh Nga

Thống kê của BV Mắt Trung ương, năm nay từ đầu tháng 6 đến nay số bệnh nhân đến khám và điều trị vì các bệnh lý về mắt gia tăng một cách nhanh chóng. Trong đó 50% bệnh nhân khám đau mắt đỏ, trẻ em chiếm số đông.

Theo BS Đông, trẻ em thường nhạy cảm với các loại virus nói chung, do vậy khả năng bị nhiễm bệnh đau mắt đỏ sẽ cao hơn. Đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và các bà mẹ đang trong thời gian cho con bú thì cách phòng ngừa và điều trị khó khăn.

Tại BV Mắt Trung ương, chị Nguyễn Thị Hoài (26 tuổi, trú tại Lĩnh Nam, Hà Nội) đang dỗ dành con gái khóc vì vừa khám đau mắt đỏ. Mắt cháu bé đỏ ngầu và gỉ cả máu ở khóe mắt. Chị Hoài cho biết chị bị lây đau mắt đỏ từ đồng nghiệp, sau đó về lây sang con.

Chị dùng thuốc kháng sinh đã khỏi, tuy nhiên con gái mới được 7 tháng nên chị chỉ dùng thuốc nhỏ mắt và vệ sinh mắt cho cháu. Cuối cùng bé vẫn bị lây mắt đỏ.

Đã mấy ngày trôi qua mà bệnh vẫn không khỏi, sợ để lâu dẫn đến mù lòa nên chị đưa con đến bệnh viện khám. Kết quả mắt con chị có giả mạc, bác sĩ phải bóc lớp giả mạc rồi mới cho dùng thuốc nhỏ.

Những bà mẹ đang trong thời gian cho con bú được cảnh báo là tình trạng lây bệnh sang con rất dễ dàng. Để không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé cũng như mẹ bị mất sữa, BS Đông khuyến cáo nên lập tức đưa con đến các cơ sở y tế để kịp thời cứu chữa. Đối với những bà mẹ đau mắt đỏ, viêm loét giác mạc, tắc mạch máu võng mạc... thì phải đi khám bác sĩ để được kê đơn.

Hiện nay, một số loại thuốc được chỉ định có thể sử dụng những bà mẹ đang cho con bú như tobramycine 0,3% (tobrex, toeycine), quinolone (oflovid, okacin, vigamox), neomycine và polymycine B (cebemycine). Sử dụng nước muối sinh lý 0,9% cũng có tác dụng rửa trôi mầm bệnh, rửa trôi chất tiết và gỉ mắt, làm dịu mắt đang bị cộm rát khó chịu.

Đối với trẻ sơ sinh, người mẹ nên dùng nước muối sinh lý 0,9% để vệ sinh mắt cho con. Ngoài ra các mẹ không nên tự ý dùng thuốc nhỏ mắt cho con mà nên đưa đến các trung tâm y tế để được tư vấn dùng thuốc.

Trong thời gian này, mẹ vẫn phải cho con bú đều đặn, cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho con, tránh tiếp xúc với những nơi đông người. Đặc biệt, không nên dùng chung khăn, chậu rửa mặt, tránh dụi mắt, luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân và nơi sinh hoạt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo kính râm khi ra đường.

Theo Linh Nga - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X