Hotline 24/7
08983-08983

Đau lòng nam sinh tự tử sau khi bị công an mời

Bị công an đến tận lớp mời về trụ sở làm việc vì nghi án trộm cắp, nam sinh lớp 9 uống thuốc diệt cỏ tự tử. Nhiều vấn đề đặt ra trong vụ công an "mời" học sinh này.

Lá thư để lại của em Nguyễn Thanh Tâm - Ảnh: Trần Mai.
Lá thư để lại của em Nguyễn Thanh Tâm - Ảnh: Trần Mai

Theo người nhà em Nguyễn Thanh Tâm (17 tuổi, học sinh lớp 9 Trường THCS Tịnh Bắc, Quảng Ngãi), sáng 11/1 khi em đang học trên lớp thì phó công an xã và một công an viên đến trường nói với cô giáo cho gặp rồi đưa Tâm đi khỏi trường, về trụ sở UBND xã làm việc mà gia đình không biết.

Giáo viên chủ nhiệm của Tâm cũng cho hay có một công an viên vào gặp cô nói cho gặp em rồi dẫn Tâm về trụ sở lúc nào không biết.

Có dấu hiệu bất thường

Vụ việc thông tin trên Tuổi Trẻ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Bạn đọc Tuệ Lâm gửi phản hồi về Tuổi Trẻ cho rằng: về nguyên tắc học sinh lớp 9 khi bị công an mời về làm việc thì phải có người giám hộ đi cùng. 

Ông Bùi Anh Lân cũng nhận định: “Các biên bản lập không có sự chứng kiến của người giám hộ đều không có giá trị pháp lý. Nếu thực sự có hành vi trộm cắp thì công an xã phải chuyển hồ sơ cho công an huyện chứ không thể tự ý thực hiện điều tra”.

Một bạn đọc là giáo viên bức xúc: “Học sinh hay công an có phạm pháp hay không chưa biết, nhưng câu trả lời của nhà trường là vô trách nhiệm. Thầy cô làm gì ở trường mà công an vào mời học sinh rồi dắt đi không biết? Không thể tin câu trả lời đó!”.

Nhà trường phải báo cho phụ huynh đầu tiên

TS tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở Lao động - thương binh và xã hội TPHCM) cho rằng: “Quản lý học sinh trong nhà trường cần có sự phối hợp của ba bên: nhà trường, gia đình, xã hội. Trong đó nhà trường và gia đình là hai đối tượng cần đặc biệt quan tâm”.

Theo ông Quân, bất cứ vấn đề gì liên quan đến cuộc sống, đạo đức, cách ứng xử của học sinh thì càng cần phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình.

Trong trường hợp của học sinh Thanh Tâm, việc đầu tiên nhà trường cần làm và gần như bắt buộc là phải báo với phụ huynh.

GS.TS nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh - viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người - nhấn mạnh:

“Nhà trường không có quyền thay mặt phụ huynh học sinh làm người giám hộ mà cho phép công an đưa học sinh đi, chưa kể khi vụ việc xảy ra mà nhà trường cũng không quan tâm, theo dõi. Thật sự rất vô trách nhiệm”.

GS Kỳ Anh cho rằng lẽ ra nhà trường phải hỏi công an để biết học sinh mình liên quan đến vấn đề gì, sau đó mời em lên tìm hiểu rồi báo gia đình biết. Còn việc công an giải quyết ra sao là chuyện công an làm việc với gia đình các em.

TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết khi công an vào trường mời em Tâm về trụ sở làm việc thì nhà trường bắt buộc phải có nghĩa vụ thông báo cho phụ huynh của em biết.

Chỉ trong trường hợp phụ huynh có mặt mới được giao em Tâm cho phụ huynh để phụ huynh cùng đến cơ quan công an làm việc.

Ông Trạch lý giải: “Sau khi phụ huynh đưa con em đến trường để học thì trách nhiệm của nhà trường lúc này là quản lý học sinh. Nhà trường không được tự ý giao học sinh cho cơ quan công an khi chưa có sự đồng ý của cha mẹ các em”.

Nhà trường không thể tùy tiện giao học sinh

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng hiện có rất nhiều giáo viên không hiểu luật pháp, nhất là các quy định liên quan đến độ tuổi học sinh.

Nhiều trường hợp lớp đang học, có người vào xin gặp em A, em B là giáo viên đứng lớp cho các em ra gặp ngay mà không cần biết họ là ai, quan hệ thế nào, gặp có việc gì. Không ít lần cũng từ những trường hợp như thế mà các em bị bắt cóc, đe dọa, hành hung.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch Hội Luật gia TPHCM) cho biết: “Cứ tùy tiện trong quản lý học sinh như vậy thì sau này hễ có ai mặc đồng phục công an vào trường thì nhà trường đều cho phép cho dẫn học sinh đi cả?”.

“Giờ của mình đứng lớp thì mình có toàn quyền quyết định và phải có trách nhiệm trong việc quản lý học sinh. Phải giáo dục pháp luật cho giáo viên để họ biết bảo vệ học sinh của mình, chứ không phải cứ sai phạm là “tống cổ” cho công an” - GS Kỳ Anh khẳng định.

Ông Kỳ Anh cho biết thêm tâm lý học sinh thường nhút nhát, nhất là khi gặp công an vì sợ bị la, bị gia đình, nhà trường biết rồi hạ hạnh kiểm. Do vậy không loại trừ khả năng các em cung cấp những thông tin thiếu chính xác.

Luật sư Thế Trạch đồng tình: “Ngành giáo dục nên tập huấn những kiến thức cơ bản về trách nhiệm của nhà trường đối với học sinh, phụ huynh; cơ chế phối hợp giữa nhà trường và các cơ quan bảo vệ pháp luật… để tránh những hậu quả đáng tiếc”.

Gia đình phải đồng hành cùng con

TS tâm lý Bùi Hồng Quân cho rằng xét về mặt lứa tuổi, trưởng thành có nhiều mốc để xác định nhưng ít nhất là phải 18 tuổi trở lên mới có độ chính chắn trong hành vi ứng xử. Do vậy ở tuổi chưa thành niên, bản thân các em rất cần sự trợ giúp của gia đình.

Khi bị công an mời lên làm việc, các em đã chịu nhiều áp lực khi bị bạn bè, thầy cô nhìn nhận về hành vi của mình.

Lúc này gia đình cần tìm hiểu, chia sẻ để đồng hành cùng con em. Nếu có oan sai phải cùng các em lên tiếng. Sự tin tưởng sẽ giúp con em chia sẻ về những việc đã xảy ra và có cách giải quyết phù hợp.

Ngược lại, các em sẽ bị lo lắng, hoảng loạn. Khi niềm hi vọng cuối cùng không còn thì các em rất dễ làm những điều đáng tiếc. Công an là người thực thi công lý, còn bảo vệ con cái bằng tình yêu là nhiệm vụ của gia đình.

Theo Đặng Tươi - Mạnh Khang - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X