Hotline 24/7
08983-08983

Đất vàng bỏ hoang, công dân vẫn tiếp khiếu

Từ năm 1995 đến nay, hơn 22.000m2 đất tại góc ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TPHCM, vẫn là khu đất hoang nhưng lại có tên là Dự án (D.A) 1bis 1kép.

Đất vàng bỏ hoang, công dân vẫn tiếp khiếu
D.A 1bis 1kép vẫn là bãi đất hoang được rào tôn tại ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu và đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: N.G

Hàng loạt bất cập về cơ chế chính sách đền bù, giải tỏa, tái định cư liên quan đến nhà đất của 219 hộ dân vẫn chưa được các cơ quan chức năng địa phương giải quyết đúng thẩm quyền, với tiêu chí thấu lý đạt tình nhằm giải quyết dứt điểm khiếu nại ngay tại cơ sở.

Nhập nhèm chính sách

Theo các văn bản được nhiều cơ quan của TPHCM ban hành thì sau 20 năm từ ngày có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt D.A khu nhà ở cao tầng và văn phòng tại số 1bis 1kép đường Nguyễn Đình Chiểu, đã có nhiều chủ đầu tư tham gia thực hiện D.A nhưng đến nay quyết định thu hồi nhà đất, phương án đền bù, chính sách tái định cư, quan điểm giải quyết khiếu nại vẫn đang là... ẩn số.

Đối chiếu với quy định của pháp luật, toàn bộ các hộ dân trong diện thu hồi nhà đất tại số 1bis 1kép đường Nguyễn Đình Chiểu đều đủ điều kiện đền bù, tái định cư.

Về nguồn gốc nhà đất phần lớn được Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM cấp trước ngày Luật Đất đai 1993 có hiệu lực. Ngoài ra, các hộ dân khác đã mua lại quyền sử dụng nhà đất của các hộ được cấp, cũng như sử dụng một số diện tích đất ngoài quyết định cấp đất ở của cơ quan chủ quản trước ngày 15/10/1993, không tranh chấp với tổ chức, cá nhân nào trước ngày UBND TPHCM trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 634/TTg ngày 30/9/1995 về  phê duyệt D.A khu nhà ở cao tầng và văn phòng tại số 1bis 1kép đường Nguyễn Đình Chiểu.

Sau hàng chục năm ròng rã khiếu nại, những hộ dân thuộc diện thu hồi tại D.A 1bis 1kép chỉ nhận được hàng chục văn bản chuyển đơn, thông báo trả lời, thông báo lịch hẹn. Quá mệt mỏi và thất vọng, nhiều hộ dân lại mong ước nếu thời gian có quay trở lại, họ sẽ được ở yên một chỗ như ngày xưa để chờ đợi công lý thay vì chấp hành để rồi... thiệt thòi.

Là những hộ dân đã đóng góp công sức cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đầu năm 1998, khi được UBND quận 1 vận động, hơn 150 hộ dân đã chủ động nhận trước một số tiền đền bù khoảng từ 2,5 triệu đồng/m2 đến 4 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí nhà đất. Trong cam kết của UBND quận 1 với từng hộ dân đã ghi rõ nếu chính sách đền bù có thay đổi thì người dân sẽ tiếp tục được hưởng thêm.

Khi các hộ dân chưa di dời kiến nghị về mức giá đền bù đất ở, ngày 27/9/2001, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 86/2001/QĐ-UB sửa đổi, bổ sung quy định đền bù hỗ trợ thiệt hại và tái định cư tại D.A số 1bis 1kép. Sau quyết định này, giá đền bù đất ở là 9 triệu đồng/m2 nhưng các hộ dân đã di dời từ năm 1998 chỉ nhận được 60% vì một lý do rất vô lý là họ không có chủ quyền nhà.

Điều kỳ lạ hơn là 10 tỷ đồng trong số kinh phí đền bù thêm này lại bị ông Lê Quốc Cường - Trưởng Ban Đền bù giải phóng mặt bằng quận 1 ém nhẹm.

Mãi đến năm 2013, các hộ dân mới được nhận phần tiền đền bù không minh bạch này sau khi ông Cường bị khởi tố về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

D.A càng kéo dài thì lại càng phát sinh những vấn đề bất cập nên ngày 19/7/2005, UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục ban hành Quyết định số 124/2005 điều chỉnh mức giá đền bù nhà đất lên mức 24 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, mức đền bù này lại chỉ áp dụng với các hộ dân có chủ quyền nhà đất, còn các hộ dân khác chỉ nhận được nhận 60%. Mức đền bù không công bằng này đã dẫn đến việc những hộ đã di dời liên tục khiếu nại, còn 70 hộ chưa chấp thuận di dời vẫn khiếu nại về diện tích đền bù nhà đất theo hiện trạng sử dụng.

Thiếu minh bạch với dân

Đến thời điểm này, các hộ dân trong diện thu hồi nhà đất vẫn kiến nghị được Chủ tịch UBND TPHCM tiếp để trình bày những bất cập, sai phạm, thiếu công bằng trong quá trình triển khai chính sách đền bù, giải tỏa, cưỡng chế thu hồi nhà đất.

Theo đơn khiếu nại gửi Tổng Thanh tra, Ban Tiếp công dân Trung ương, lãnh đạo UBND TPHCM, đại diện các hộ dân đề nghị làm rõ hàng loạt vấn đề như: Tại sao quyết định thu hồi nhà đất không được UBND quận 1 công khai cho người bị thu hồi nhà đất? Tại sao người dân không nhận được phương án bồi thường, tái định cư tổng thể, cũng như phương án cụ thể của từng hộ? Tại sao người dân không được hưởng chế độ tái định cư theo quy định? Tại sao quá trình chuyển đổi chủ đầu tư không được công khai minh bạch? Tại sao khiếu nại của công dân về giá đền bù, chính sách tái định cư không được UBND quận 1 thụ lý, giải quyết đúng pháp luật?

Trao đổi với báo chí, chị Ngô Thị Ngọc Sương đại diện các hộ dân đã di dời từ năm 1998, cho rằng: Ngay từ đầu đây là DA do Cty Phát triển và Dịch vụ nhà quận 1 làm chủ đầu tư. Toàn bộ chi phí đền bù, giải tỏa, tái định cư là từ ngân sách nên khi 150 hộ dân chấp nhận di dời thì phần lớn trong số 22.000m2 đất là thuộc sở hữu Nhà nước. Nếu muốn đem lại lợi ích hài hòa giữa người dân và Nhà nước thì phần diện tích đất này cần đấu giá công khai sẽ thu được nhiều kinh phí cho ngân sách sau khi trừ đi phần chi phí đền bù, tái định cư. Không hiểu vì sao D.A đã được Cty Phát triển và Dịch vụ nhà quận 1 đem góp vốn với Cty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Đông Dương. Cuối cùng là diễn ra tranh chấp giữa Cty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Đông Dương với Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thủy khi mức giá đền bù được UBND quận 1 đề xuất tháng 8/2007 là 48 triệu đồng/m2.

Những hộ dân bị thu hồi nhà đất chỉ biết câu chuyện này qua báo chí, trong khi khiếu nại của người dân về phương án đền bù, quyết định thu hồi đất, chính sách tái định cư... vẫn chưa được cơ quan chức năng địa phương giải quyết dứt điểm, minh bạch, đúng thẩm quyền.

Theo Ngọc Giang - Thanh Tra

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X