Hotline 24/7
08983-08983

Đại án nghìn tỷ, sếp ngân hàng khét tiếng sa lưới

Năm 2016, nhiều đại gia ngân hàng khét tiếng một thời lần lượt ra tòa trước sự ngỡ ngàng của dư luận, nhất là khi số tiền gây thiệt hại cho nhà nước lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Xây dựng

Chỉ trong thời gian ngắn, Phạm Công Danh đã nhanh chóng trở thành thành viên rồi Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Xây dựng (VNBC). Nhưng rồi cũng chỉ sau chớp mắt, cái tên Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Trong thời gian 2012 -2014, ông Danh và đồng phạm đã cấu kết thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng của VNCB. Hành vi của các bị cáo gây ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng, quản lý kinh tế của nhà nước.

Đại án nghìn tỷ, sếp ngân hàng khét tiếng sa lưới
Phạm Công Danh

Ngày 9/9, sau gần 2 tháng xét xử và nghị án, TAND TP.HCM tuyên phạt Phạm Công Danh (52 tuổi, cựu Chủ tịch VNCB) mức án 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tổng hợp hình phạt bị cáo phải nhận 30 năm tù - mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn.

Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch tập đoàn Đại Dương, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank)

Hà Văn Thắm (SN 1972, quê Bắc Giang) là Chủ tịch tập đoàn Đại Dương, Chủ tịch HĐQT Oceanbank cho tới ngày 24/10/2014.

Năm 2012, ông ta đứng thứ 8 trong số những người giàu nhất thị trường chứng khoán, với lượng cổ phiếu trị giá 1.800 tỷ đồng. Năm 2014, với tổng tài sản ước trên 1 tỷ USD, ông Thắm được cho là người giàu có thứ hai.

Đại gia này "gặp hạn" lớn khi bị cơ quan điều tra khơi ra hàng loạt sai phạm. Cuối năm 2016, cáo trạng truy tố Hà Văn Thắm cùng 47 bị can liên quan đến những sai phạm xảy ra tại ngân hàng Oceanbank được hoàn tất.

Đại án nghìn tỷ, sếp ngân hàng khét tiếng sa lưới
Hà Văn Thắm

Cáo trạng cho rằng, trong quá trình hoạt động, tại Oceanbank đã xảy ra nhiều vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng.

Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, Hà Văn Thắm là chủ mưu, cầm đầu. Trong hành vi Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng của cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank được xác định liên quan đến cựu Chủ tịch HĐQT VNCB Phạm Công Danh, gây thiệt hại cho Oceanbank gần 500 tỷ đồng.

Đối với tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Hà Văn Thắm đã cấu kết với Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962, cựu TGĐ Oceanbank), là đại diện góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại ngân hàng, đề ra chủ trương thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá, trái quy định của NHNN để trả lãi suất ngoài hợp đồng. Hình thức thu phí của khách hàng thông qua công ty BSC (công ty con của Thắm), gây thiệt hại cho Oceanbank gần 69 tỷ đồng.

Trong hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Hà Văn Thắm chỉ đạo việc chi lãi suất ngoài nhằm huy động vốn của khách gửi tiền trên toàn hệ thống, gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền trên 1.500 tỷ đồng.

Phạm Thị Bích Lương, nguyên GĐ chi nhánh ngân hàng Agribank Nam Hà Nội

Bắt tay với doanh nghiệp tạo lập hợp đồng khống, bà Phạm Thị Bích Lương (SN 1969, cựu Giám đốc chi nhánh ngân hàng Agribank Nam Hà Nội) đã khiến Agribank thiệt hại gần 2.500 tỷ đồng

Sáng 27/12, sau nhiều ngày xét xử, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên y án bị cáo Phạm Thị Bích Lương với 20 năm về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và 15 năm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Đại án nghìn tỷ, sếp ngân hàng khét tiếng sa lưới

Phạm Thị Bích Lương. Ảnh: Minh Quang

Tổng hình phạt bị cáo này phải chịu là 30 năm tù. HĐXX buộc bị cáo phải bồi thường hơn 1.000 tỷ đồng cho Agribank.

Nguyên Tổng giám đốc DongABank bị bắt

Mới đây nhất, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an (C46) đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với một số cán bộ nguyên là lãnh đạo của DongA Bank do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động tiền tệ ngân hàng, trong đó có ông Trần Phương Bình - nguyên Tổng giám đốc DongA Bank, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân - nguyên Phó tổng giám đốc và 3 nhân viên.

Theo thông tin ban đầu, ông Bình là lãnh đạo nhưng đã không thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn của mình, bỏ qua những quy định của ngân hàng, chỉ đạo cấp dưới giải ngân số tiền lớn ngoài sổ sách, không có chứng từ kế toán, để sử dụng làm ăn cá nhân.

Theo T.Nhung - VietNamNet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X