Hotline 24/7
08983-08983

Đã tắt một nụ cười rất ấm

Ông Dương Đình Thảo, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy TPHCM, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ, Giám đốc Sở VH&TT TPHCM, vừa qua đời tối 15/1.

Tin bác Dương Đình Thảo qua đời đã gây ra một khoảng trống, một khoảng lặng cho những người thuộc thế hệ lớn lên sau chiến tranh như tôi. Thế hệ ông là thế hệ vàng - những con người xuất thân từ những ngôi trường danh giá, đỗ đạt, vinh hoa phú quý đang chào đón lại từ bỏ tất cả để tham gia cách mạng, sẵn sàng chấp nhận tù đày, cái chết, dấn thân vào gian khổ chung quy vì lòng ái quốc mãnh liệt.

Với vốn tri thức và thực tiễn cách mạng phong phú, sau này ông trở thành một nhân vật quan trọng trong đoàn tham dự hội nghị đàm phán Hiệp định Paris với vai trò là thành viên kiêm người phát ngôn của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Ông thông thái vì đọc nhiều, sống nhiều, dấn thân và chấp nhận trả giá cho con đường mình chọn lựa nên tôi hiểu vì sao sau ngày thống nhất đất nước, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Giám đốc Sở Ngoại vụ, giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM, chuyên viên cấp cao của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trưởng Ban Tuyên huấn Thành ủy TPHCM…

Thật cảm động khi một con người được xem là cây đại thụ của cách mạng miền Nam, uyên bác và chức vụ cao như thế khi gặp tôi đã chủ động nắm tay tôi, nở nụ cười thân thiện và cất lời động viên tôi.

Ông nói: “Chú đã đọc cuốn Đêm trắng của Đức Giáo Tông của cháu. Đúng là chúng ta còn mắc nợ rất nhiều đối với lòng yêu nước của tầng lớp địa chủ, những người được gọi là tầng lớp trên như đốc phủ, thậm chí quan lại đã đóng góp nhiều vật lực, nhân lực cho cuộc kháng chiến. Địa chủ ở Nam Bộ khác lắm. Đó là điều rất lạ, rất hay, rất đặc sắc. Rất cần những cây bút có tâm, có tài để khơi dậy, đưa những công lao, nỗi niềm của họ ra ánh sáng. Nhiều năm liền họ đã chịu lắm oan khuất! Cần có nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh, sân khấu vinh danh những con người yêu nước rất đặc biệt ấy. Trách nhiệm ấy trao lại cho những người trẻ, còn sức viết. Thế hệ chú là nhân chứng, biết nhiều nhưng giờ già yếu rồi. Cháu hãy tiếp tục, có cần tìm hiểu tư liệu gì qua gặp chú!”.

Đã tắt một nụ cười rất ấm  - ảnh 1Ông Dương Đình Thảo (bìa trái) tại Hội nghị thanh niên sinh viên thế giới năm 1965. Ảnh: N.TRÀ (Chụp lại từ ảnh tư liệu do gia đình cung cấp)

Tôi gặp ông nhiều lần khi tham gia viết chuyên đề cho lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ, lịch sử Nam Bộ kháng chiến. Bao giờ ông cũng dành cho tôi nụ cười rất tươi, cái nắm tay rất chặt, rất ấm. Tôi rất cảm động khi ông chịu khó đọc quyển truyện ký Mẹ - viết về những bà mẹ Việt Nam anh hùng mà tôi được gặp trên những nẻo đường đất nước, hay Sài Gòn đêm không ngủ viết về sự kiện Mậu Thân 1968. Ông đọc cả những bài viết của tôi trên các báo. Tôi biết được điều này là do ông gọi điện thoại hoặc khi gặp tôi, ông kể về những câu chuyện mà tôi đã viết, kèm theo lời khen ngợi, động viên và những góp ý chân tình.

Không phải riêng tôi, ông chịu khó đọc nhiều tác giả trẻ và luôn có những nhận xét, đánh giá rất cụ thể, chi tiết. Tôi cảm động vì tuy rất bận nhưng ông đã dành cho chúng tôi sự quan tâm, sự truyền lửa mà giá trị của nó thật vô giá. Nhờ đó chúng tôi thấy mình luôn được động viên, được truyền cảm hứng, thấy nỗ lực lao động nghề nghiệp của mình được trân trọng, thấy tâm huyết của mình được chia sẻ, được tiếp sức…

Dương Đình Thảo đã sống rất trọn vẹn, hết mình với những người ông gần gũi, kính trọng. Những năm cuối đời dù phải chống chọi với bệnh tật nhưng ông vẫn dành thời gian để giúp bà Ngô Thị Huệ, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cùng một số cộng sự hoàn chỉnh bản thảo hồi ký Tiếng sóng bủa ghềnh của bà. Ông làm điều đó bởi ông luôn ý thức trách nhiệm của mình, bởi ông đã từng là chuyên viên cấp cao của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ông hiểu được những trăn trở của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong những tình huống ngặt nghèo, những thời khắc mang tính quyết định của lịch sử. Chuyện ấy ông không góp phần làm thì thật khó có người thay!

Thế hệ vàng của ông Dương Đình Thảo đã giải quyết được nhiều chuyện khó cho đất nước. Dù đã lui về hậu trường nhưng những chuyện khó ngày nay như chủ quyền đất nước, tham nhũng, lợi ích nhóm, vấn nạn ô nhiễm, biến đổi khí hậu… vẫn khiến ông trăn trở rất nhiều. Mỗi lần gặp tôi, sau cái nắm tay thật chặt cùng nụ cười rất ấm, tôi đôi lần lại nghe được những tiếng thở dài đầy trăn trở của ông. Khoảng lặng sau tiếng thở dài của ông khiến tôi thấu cảm để hiểu rằng những người viết trẻ đang gánh trên vai trách nhiệm công dân từ ngòi bút của mình.

Cám ơn cái nắm tay rất chặt, nụ cười rất ấm của ông đã dành cho những người viết trẻ chúng tôi. Xin nghiêng mình tiễn ông.

“Vùng giải phóng ở trong lòng dân”

Bắt đầu từ 16g ngày 16/1, rất đông các đoàn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TPHCM, cán bộ cùng người thân, nghệ sĩ, đồng nghiệp đã đến Nhà tang lễ Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) viếng ông Dương Đình Thảo (Sáu Thảo). Ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, đã đến viếng và chia buồn cùng gia đình ông Sáu Thảo.

Đã tắt một nụ cười rất ấm  - ảnh 2
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cùng đoàn cán bộ Thành ủy TPHCM đang chia buồn cùng gia quyến ông Dương Đình Thảo. Ảnh: N.TRÀ

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn năm nay 80 tuổi (năm 1968, ông cũng chính là một trong những thành viên của phái đoàn Việt Nam tham gia hiệp thương ở Hội nghị Paris để chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam) chia sẻ: “Trên mặt trận ngoại giao thời điểm đó, nhiều tờ báo quốc tế ví ông là “cái lưỡi của Việt cộng ở Paris””. Giải thích về cái tên này, ông Huỳnh Ngọc Ẩn cho biết đó là do sự sắc sảo trong đường lối ngoại giao của ông Sáu Thảo.

Vào năm 1968, hằng tuần ở Paris sẽ có một cuộc họp báo quy tụ đa số các hãng truyền thông quốc tế hàng đầu. Một PV nước ngoài lúc đó đã đứng lên dõng dạc hỏi rằng: “Vùng giải phóng của các ông ở đâu, các ông chỉ cho chúng tôi xem”. Cả hội trường nín lặng chờ câu trả lời. Chiến tranh còn chưa kết thúc, làm sao xác định được đâu là vùng giải phóng. Câu hỏi những tưởng chẳng bao giờ có lời giải đáp nhưng lại được ông Thảo trả lời gọn ghẽ, đanh thép: “Tôi không nhớ chính xác từng từ nhưng nội dung chính, ông Sáu Thảo nói rằng: “Vùng giải phóng không xác định bởi vùng hay vị trí địa lý mà ở lòng dân. Ở đâu dân tộc tôi có khát khao độc lập, khát khao giải phóng, trong lòng dân có cách mạng và ủng hộ cách mạng thì ở đó chắc chắn sẽ được giải phóng. Vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi”” - ông Ẩn kể.

NGUYỄN TRÀ

________________________________

Ông Dương Đình Thảo tên thật là Nguyễn Văn Lợi, sinh ngày 2/1/1924 tại Sài Gòn, Gia Định. Ông từ trần vào lúc 22g30 ngày 15/1/2017 (nhằm ngày 18 tháng Chạp năm Bính Thân), hưởng thọ 94 tuổi. Ông tham gia cách mạng rất sớm và được tặng huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Ông được biết đến như một nhân chứng lịch sử quan trọng tại hội nghị đàm phán Hiệp định Paris với vai trò là thành viên kiêm người phát ngôn của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại hội nghị này.

Sau năm 1975, ông là ủy viên Thường vụ Thành ủy, từng đảm nhận các chức vụ trưởng Ban Tuyên huấn Thành ủy TPHCM, giám đốc Sở Ngoại vụ, giám đốc Sở VH&TT TPHCM.

Lễ nhập quan diễn ra lúc 13g ngày 16/1 và lễ viếng bắt đầu từ 16 giờ cùng ngày. Lễ truy điệu sẽ bắt đầu lúc 8g30 ngày 19/1. Sau đó linh cữu của ông sẽ được đưa đi an táng tại Nghĩa trang TP (quận Thủ Đức).

Theo Nhà văn Trầm Hương - Pháp luật TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X