Hotline 24/7
08983-08983

Đã có 18 người chết, mất tích do lũ

Theo thống kê sơ bộ, tính đến 7g30 ngày 16/11, mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã làm 18 người chết, mất tích.

Cụ thể Quảng Ngãi 7 người, Bình Định 6 người, Quảng Nam 2 người, Phú Yên 1 người, Gia Lai 1 người và 1 người mất tích là Nguyễn Thị Yến ở Gia Lai.

Ngoài ra mưa, lũ gây ngập lụt tại 29 xã thuộc 4 huyện: Đại Lộc, Điện Bàn, Nông Sơn và Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Chính quyền địa phương đã tổ chức di dời được 2.504 hộ với 4.801 nhân khẩu.

Tại Quảng Ngãi, có 9 xã thuộc 3 huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành bị cô lập do mưa lũ. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động cán bộ chiến sỹ, dân quân tự vệ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giúp dân di dời được 12.278 hộ với 47.635 nhân khẩu.

Tỉnh Bình Định có 14 xã, phường thuộc các huyện, thị gồm huyện: Vân Canh, Tuy Phước, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, thị xã An Nhơn, và thành phố Quy Nhơn bị ngập nặng. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương di dời được 750 hộ với 2.773 nhân khẩu.

Tại Phú Yên, thị xã Sông Cầu và huyện Đồng Xuân mưa lớn làm ngập lụt cục bộ 8 xã ven sông Kỳ Lộ, sông Cô. Các lực lượng chức năng đã tổ chức đã tổ chức di dời 880 hộ với 2.391 nhân khẩu.

Gia Lai, nước trên sông Ba lên, thủy điện Knát xả lũ làm ngập cục bộ huyện Kbang và xã An Khê. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động cán bộ chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương giúp dân khắc phục hậu quả.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trưa, chiều 16-11, lũ hạ lưu sông Thu Bồn sẽ đạt đỉnh; hạ lưu sông Ba sẽ đạt đỉnh vào sáng sớm 17-11. Đỉnh lũ tại Câu Lâu đạt mức 4,6m, trên báo động 3: 0,6m; tại Hội An đạt mức 2,7m, trên báo động 3: 0,7m; tại Ayunpa đạt mức 156,6m, trên báo động 3: 0,6m; tại Củng Sơn đạt mức 32,5m, trên báo động 2: 0,5m; tại Phú Lâm đạt mức báo động 2.

Lũ các sông khác từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và Bắc Tây Nguyên tiếp tục xuống. Đến tối 16-11, nước trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Bắc Khánh Hòa xuống mức báo động 2 - báo động 3, riêng hạ lưu sông Vu Gia, sông Vệ và sông Kôn xuống mức báo động 3, có nơi còn trên báo động 3. Các sông ở Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên xuống mức báo động 1 - báo động 2. Do vậy, cần đề phòng sạt lở đất tại vùng núi, ven sông và tình trạng ngập lụt tại vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và Gia Lai.

Bình Định trắng đêm chạy lũ

Đến sáng 16/11, lũ các sông trên địa bàn tỉnh Bình Định đang tiếp tục xuống chậm nhưng vẫn còn ở mức cao.

Nước lũ đã làm cho nhiều khu dân cư tại các vùng hạ lưu sông thuộc địa bàn các huyện: Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn… ngập sâu. Thống kê sơ bộ của các địa phương cho biết, cả tỉnh đã có thêm 3 người ở TP. Quy Nhơn, huyện Tây Sơn và thị xã An Nhơn bị nước lũ cuốn trôi và mất tích, 1 người ở huyện Hoài Nhơn bị thương.

Như vậy, đến sáng 16/11 cả tỉnh Bình Định đã có 6 người chết và mất tích do lũ. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng nặng. Thượng tá Mạc Văn Cuộc, Trưởng phòng cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Bình Định cho biết: đến sáng nay, quốc lộ 19 vẫn còn bị ách tắc tại km 64 trên đèo An Khê do sạt lở núi dài khoảng 100m, vùi lấp hơn nửa đường và các lực lượng cứu hộ đang khẩn trương khắc phục sự cố.

Từ 3g15 sáng nay, Quốc lộ 1 bị chia cắt tại khu vực phường Bình Định, thị xã An Nhơn. Phòng cảnh sát giao thông - công an tỉnh Bình Định đã điều động lực lượng tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực này.

Cũng tại thị xã An Nhơn có 3 nhà sập đổ. Các xã, phường của thị xã đều bị ngập sâu từ 30 đến 100%. Tại huyện Hoài Ân có 1.500 hộ bị ngập nước tại các xã Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông, Ân Mỹ, Ân Nghĩa, Ân Hữu.

Cho đến trưa nay nước thượng nguồn đổ về đã làm ngập nhiếu khu dân cư trên địa bàn các xã khu đông huyện Tuy Phước; các phường Bình Định, Nhơn Hòa, thị xã Nhơn An…

Đêm qua, người dân không còn chỗ để trú ẩn, phảidi dờitất cả tài sản.

Cộng tác viên Tuổi Trẻ đã thức trắng đêm cùng dòng người chạy lũ trong đêm lạnh cóng và đói lả.

Chạy dọc đường ray qua địa phận phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, hàng trăm người dân căng những tấm bạt làm lều tạm bợ che mưa, che gió chịu cảnh màn trời chiếu đất. Trong bóng đêm vẫn còn nhìn rõ mặt nước mênh mông, trắng xóa bủa vây hàng trăm ngôi nhà.

Chị Nguyễn Thị Xuân Đào co ro trong chiếc áo mưa đã rách bươm, lập cập nói: "Lo chạy lũ, lo tính mạng và tài sản nên cả ngày nay chưa có gì trong bụng. Bây giờ gạo ướt, không có củi, không có nước, ngay cả gói mì tôm cũng không có ăn nói gì đến cháo cơm".

Về vấn đề người dân làm lều ngay trên đường ray liệu có cản trở cho việc tàu chạy không, trao đổi với CTV Tuổi Trẻ, ông Lưu Phúc Bình, trường ga Quy Nhơn cho biết: "Đó là tuyến đường sắt nội bộ, mỗi ngày có hai chuyến đi về TP.HCM - Quy Nhơn. Tuy nhiên 2 ngày nay đường sắt bị ngập nên tàu không thể chạy. Việc người dân lên đường sắt che lều ở tạm chúng tôi biết. Khi nào tàu chạy, chúng tôi sẽ thông báo cho người dân và kiểm tra đường trước khi tàu chuyển bánh".

Trong đêm lạnh, người thì mệt lả nằm gác đầu lên đường ray ngủ vùi, một số tụ tập đốt lửa sưởi ấm, số thì ngồi nhìn thẫn thờ vào đêm tối, họ lo cho những con gà, con heo chưa mang theo được liệu có còn sống nổi không.

Chị Nguyễn Thị Thu Vân thút thít kể: "Tôi dồn hết vốn nuôi 200 con gà để bán tết, bây giờ chỉ còn 4 con, số còn lại đã bị lũ cuốn trôi sạch. Lúc chiều tôi đứng trên bờ nhìn đàn gà ướt sũng trôi cùng với nhiều con heo của những người khác mà không biết làm gì".

Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Cúc (77 tuổi) sống neo đơn đã được hàng xóm cứu khỏi dòng nước mà không kịp mang theo một thứ gì. Đã hơn 2g sáng nhưng bà không ngủ được, cứ ngồi nhìn đăm đăm về phía ngôi nhà đã bị ngập cùng tất cả tài sản là 3 con gà, chiếc ti vi cũ và cái giường đơn hằng ngày bà nằm.

Đi qua những đoạn đường ray dày đặc những căn lều tạm, những tiếng thở dài lẫn cùng với tiếng ăng ẳng của bầy chó vừa đẻ, tiếng kêu của ổ gà nở và tiếng gõ móng của những con bò không quen ngủ trên đường ray làm cho mọi thứ thêm ngổn ngang.

Kon Tum: quốc lộ 24 bị cắt đứt

Ngày 16/11, UBND tỉnh Kon Tum - cho biết do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường, trên địa bàn tỉnh Kon Tum liên tục có mưa to, các khu vực trên địa bàn tỉnh đạt từ 55-100mm, riêng khu vực các huyện Kon Plong, Kon Rẫy và Tu Mơ Rông đã có lượng mưa từ 140-210mm.

Do lượng mưa quá lớn nên đã xuất hiện lũ ống, lũ quét trên địa bàn, quốc lộ 24 đoạn đi qua địa bàn xã Pờ Ê đã bị sạt lở 5 điểm (phía ta-luy dương) và một điểm dài khoảng 20 mét bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, xã Pờ Ê bị cô lập khiến giao thông giữa hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi tê liệt.

Mưa lũ đã cuốn trôi chị Y Hiên (38 tuổi, ngụ tại thôn Đăk Bút, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông) khi đang trên đường đi làm rẫy trở về, thi thể nạn nhân đã được người dân tìm thấy sau đó ít giờ.

Hiện Sở GT-VT Kon Tum đang huy động các phương tiện khắc phục hậu quả để bảo đảm giao thông, cố gắng thông xe trong thời gian sớm nhất.

Quảng Ngãi: Dân điện thoại cầu cứu ngành chức năng trong đêm

Sáng 16/11, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp để tiếp tục triển khaichống lũ, cứu hộ, cứu nạn.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi, do mưa lớn ở thượng nguồn, trong ngày 15-11, mực nước các sông Trà Khúc, sông Vệ lên quá nhanh, vượt đỉnh lũ năm 1999 từ 0,1- 0,4 mét làm cho nhiều vùng bị ngập sâu, cô lập. Nước lũ còn vượt qua đê bao sông Trà Khúc, "tấn công" vào TP Quảng Ngãi.

Mưa lũ đã làm cho 2 người chết là em Vương Thị Thu Thảo ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành và ông Lâm Quang Vinh, ở xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh. Trong đêm qua đã có nhiều vùng, người dân điện thoại cầu cứu ngành chức năng xin cứu hộ.

Cũng theo Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Ngãi, trong ngày hôm qua tỉnh đã có cuộc di dân khá lớn với trên 11.540 hộ với 50 ngàn người. Huyện Tư Nghĩa di dời dân cao nhất với trên 3600 hộ, huyện Nghĩa Hành dời trên 2500 hộ.

AloBacsi.vn
Theo Tuổi Trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X