Hotline 24/7
08983-08983

​Cứu người Việt trồng cần sa ở Anh

Những mong được đổi đời, nhiều người Việt bị đưa lậu sang Anh để trồng cần sa trong điều kiện sống tồi tệ. Sau đây là phóng sự của Hãng tin Reuters.

Bên trong một trại trồng cần sa trị giá 2,3 triệu USD ở Hull bị cảnh sát Anh phá dỡ hồi tháng 6/2014. Hai người Việt cầm đầu nơi này là Nguyễn Văn Thư và Nguyễn Văn Thắng - Ảnh: AFP

Luật sư Philippa Southwell chỉ vào tập hồ sơ dày cộp trên bàn trong văn phòng nhỏ của bà ở nam London. Bên dưới sàn, các chồng hồ sơ đầy kín chứng tỏ hồ sơ vụ việc bà theo đuổi đang tăng lên.

Nạn nhân của bọn buôn người

Những năm gần đây, bà Southwell chuyên biệt “cãi” cho số khách hàng cụ thể: các thanh niên bị bọn buôn người đưa từ VN sang Anh để làm việc quần quật trong các trại trồng cần sa. Họ chủ yếu đến từ các gia đình nghèo, hi vọng sang châu Âu để mong đổi đời.

Bộ Nội vụ Anh ước tính có tới 13.000 nạn nhân của tình trạng nô lệ hiện đại ở Anh trong năm 2013. Các nạn nhân hầu hết đến từ Albania, Nigeria, VN và Romania.

Ngành kinh doanh béo bở

Cần sa bị xem phạm pháp ở Anh từ năm 1928 nhưng đây vẫn là thứ ma túy thông dụng nhất ở nước này cho đến nay. Có tới 2,7 triệu người tiêu thụ hơn 1.000 tấn cần sa mỗi năm, trị giá ước tính 5,9 triệu bảng Anh (9,17 triệu USD).

Số liệu cảnh sát cho biết hầu hết cần sa tiêu thụ ở Anh là do trong nước trồng. Năm 2011-2012 số trại trồng cần sa lậu đã tăng gấp đôi so với bốn năm trước đó, lên gần 8.000 điểm.


Nhiều nạn nhân VN là trẻ em từng phải vượt qua hàng ngàn kilômet bằng đi bộ, tàu thuyền, xe tải và chuyến đi kéo dài hàng tháng trời trước khi tới được bờ biển nước Anh. Luật sư Southwell khẳng định: “Họ bị vận chuyển qua ngõ Nga, Ðức, Pháp.

Một số phải đi bộ qua những cánh rừng hàng ngày trời. Họ ngủ trong lán trại dựng tạm và sau đó được giấu trong thùng xe tải trong những điều kiện dơ bẩn, tệ hại”. Theo bà, các nạn nhân phải im như thóc trong thùng xe tải đã được cải tiến để giấu người, thiếu không khí để thở, thậm chí họ phải tiểu tiện ngay tại chỗ.

Sang đến Anh, các nạn nhân bị những kẻ buôn người giam giữ như tù nhân và buộc phải trồng cần sa trong những ngôi nhà có hệ thống làm nóng phức tạp và đèn cao áp để trả số tiền họ nợ, đôi khi lên đến 46.000 USD. “Ở đấy rất nguy hiểm. Dây điện ở khắp nơi. Cửa sổ bị đóng đinh chặt để họ không thể bỏ trốn. Không có chút ánh sáng mặt trời” - bà Southwell mô tả.

Thông thường nạn nhân bị đưa đi tản mát khắp nước Anh, tránh xa các thành phố lớn để tránh tầm ngắm của cảnh sát. Nhưng theo các nhà hoạt động bảo vệ quyền con người, khi bị phát hiện, thường là trong các đợt truy quét của cảnh sát, những người nhập cư lậu này lại bị coi như tội phạm chứ không phải nạn nhân.

Luật đang thay đổi

Năm 2013, tòa án ở Anh ra phán quyết các nạn nhân của nạn buôn người không nên bị truy tố khi tòa hủy bỏ phán quyết kết tội ba người VN, trong đó có một thân chủ của luật sư Southwell, vì các tội liên quan đến ma túy. Nhưng từ đó trở đi mọi chuyện ít có tiến triển.

Còn giám đốc tổ chức từ thiện giúp đỡ những trẻ em bị buôn người ECPAT ở Anh Chloe Setter  cho rằng cảnh sát vẫn bắt giữ những người trồng cần sa trong khi lại không truy tìm chứng cứ giúp lật tẩy ông trùm các đường dây buôn người. Ví dụ, cảnh sát hiếm khi điều tra các số điện thoại trong điện thoại di động thu giữ được từ những nạn nhân trồng cần sa.

Luật sư Southwell còn kể rằng trong nhiều trường hợp, luật sư của các em thường khuyên các em nhận tội khi bị bắt mà không nhận ra rằng các em có thể là nạn nhân của nạn buôn người. Bởi thế, công việc của bà Southwell ngày càng bận rộn do tìm cách đảo ngược các bản án và giúp truy tố các nạn nhân.

Năm 2013, Chính phủ Anh đã công bố một dự luật nhằm giải quyết các vụ buôn người và nô lệ đang tăng lên. Ðạo luật nô lệ hiện đại, dự kiến được thông qua trước kỳ bầu cử vào tháng 5, ghi nhận rằng các nạn nhân của nạn buôn người có thể bị cưỡng ép phạm các tội hình sự.

Bà Setter nhớ lại trường hợp một em trai đã khai: “Bọn chúng dọa chị của em. Em đành phải đi”. Bà kết luận: “Ðó là nô lệ thời hiện đại. Không phải lúc nào cũng có xiềng xích và bị nhốt. Ðó là cách kiểm soát về tinh thần”.

Sau khi thụ án xong, các nạn nhân thường bị trục xuất về nước. Nhưng với tiền án và thiếu sự hỗ trợ, họ quay lại đường dây buôn người cũ.

Quy mô trồng cần sa đã thu hẹp

Trao đổi qua điện thoại với Tuổi Trẻ ngày 26/2, đại diện Ðại sứ quán VN tại Anh xác nhận có tình trạng người Việt tham gia việc trồng cần sa tại nước này trong những năm gần đây. Ðại sứ quán VN đã phối hợp với Chính phủ Anh xử lý những trường hợp này theo đúng luật pháp nước sở tại, đồng thời tiến hành bảo hộ công dân theo công ước quốc tế ký kết với Anh.

Vị đại diện này khẳng định quy mô và số lượng người Việt tham gia trồng cần sa ở Anh đã thu hẹp trong thời gian gần đây. Ðể ngăn chặn tình trạng này, Ðại sứ quán VN phối hợp với Chính phủ Anh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo bà con hành động trồng cần sa là bất hợp pháp và không được Chính phủ Anh chấp nhận.

Những trường hợp bị phát hiện sẽ phải nhận hình phạt nghiêm khắc và gánh chịu hậu quả khó lường.

Ðại diện Ðại sứ quán VN đề nghị các cơ quan truyền thông ở VN tuyên truyền rộng rãi cho người dân rằng trồng cần sa ở Anh là bất hợp pháp.

Vị đại diện cho biết người dân có thể liên hệ đường dây nóng của Ðại sứ quán VN tại Anh, đường dây nóng bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao, hoặc tổng đài bảo hộ công dân (04.62.844.844, nếu gọi từ nước ngoài 00.84.4.62.844.844) để được cung cấp thêm thông tin.

Quỳnh Trung ghi


Theo Việt Phương - Tuổi Trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X