Hotline 24/7
08983-08983

Cuộc trùng phùng sau 37 năm chiến tranh biên giới phía Bắc

Tại cầu Tài Hồ Sìn (Hòa An, Cao Bằng), nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường gặp cô bộ đội và em bé trong bức ảnh ông chụp cách đây 37 năm, khi cuộc chiến biên giới phía Bắc nổ ra.

Chiều 20/12, tại cầu Tài Hồ Sìn thuộc xã Bạch Đằng (Hòa An, Cao Bằng), nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường đã hội ngộ với bà Bùi Thị Mùi (58 tuổi) và chị Hoàng Thị Thu Hiền (40 tuổi).

Đây là hai nhân vật trong bức ảnh cô bộ đội bế em bé ông chụp ngày 24/2/1979, vài ngày sau khi quân Trung Quốc nổ súng tấn công 6 tỉnh biên giới Việt Nam, trong đó có Cao Bằng. Tại cây cầu này 37 năm trước, họ gặp nhau vội vã và chỉ kịp ghi lại một tấm hình.

Bị liệt nửa người, bà Mùi được đưa từ Phú Thọ sang Cao Bằng trên chiếc xe cứu thương và ngồi xe lăn trò chuyện. Gặp lại "bé Hiền" từng được cứu 37 năm trước, bà thốt lên "Con gái ơi, mẹ vẫn thấy đèo lắc lư dữ dội như ngày xưa".

cuoc-trung-phung-sau-37-nam-chien-tranh-bien-gioi-phia-bac

Hình ảnh cô bộ đội bế em bé được ông Trần Mạnh Thường ghi lại vào ngày 24/2/1979 tại cầu Tài Hồ Sìn (xã Thạch Bằng, Hòa An, Cao Bằng).

Tình quân dân trong mịt mù lửa đạn

Trong cuộc giao lưu sau đó do báo Thanh niên tổ chức tại TP Cao Bằng, từ sự chắp nối ký ức của ba người, câu chuyện 37 năm trước được tái hiện rõ ràng.

Tháng 2/1979, ông Trần Mạnh Thường là cán bộ phòng nhiếp ảnh, NXB Văn hóa được cử lên Cao Bằng công tác. Chiến sự nổ ra vào rạng sáng 17/2, quân Trung Quốc đồng loạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc từ Lai Châu đến Quảng Ninh.

Khi đó, ông Thường đang ở Tà Lùng (huyện Phục Hòa) vội vã rút về tuyến sau. Sáng 24/2 đến cầu Tài Hồ Sìn (huyện Hòa An), ông gặp tốp bộ đội đang đưa một phụ nữ bị thương nặng do quân Trung Quốc bắn lên xe. Bên cạnh, một cô bộ đội ôm bé gái khoảng 2 tuổi dỗ dành. Ông đoán hai mẹ con là người trong vùng gặp nạn khi quân Trung Quốc nã đạn. 

"Với bản năng nghề nghiệp của một phóng viên, tôi chỉ kịp gọi đồng chí ơi, cho tôi chụp tấm hình rồi vội vàng bấm máy mà không kịp hỏi tên. Tôi cũng không nghĩ rằng mình sẽ được gặp lại hai người trong bức ảnh này", ông Thường kể và chia sẻ nhớ mãi khoảnh khắc đứa bé tựa đầu vào vai cô bộ đội, một hình ảnh bình yên nhất giữa mịt mù lửa đạn chiến tranh.

Tưởng người mẹ đã chết, ông gửi ảnh cho báo Nhân dân với chú thích "Mẹ của em bé? Không phải. Mẹ của em bị quân Trung Quốc xâm lược giết hại tại ngã ba Khâu Đồn ngày 24/2/1979 và đây là cô bộ đội đã cứu em".

Em bé năm xưa - chị Hoàng Thị Thu Hiền giờ đã 40 tuổi, là mẹ của hai con. Chị Hiền hiện là cán bộ địa chính xã Hoàng Tung (TP Cao Bằng). Còn cô bộ đội Bùi Thị Mùi trẻ trung năm nào giờ gần 60 tuổi, sống cùng chồng ở Hanh Cù (Thanh Ba, Phú Thọ).

cuoc-trung-phung-sau-37-nam-chien-tranh-bien-gioi-phia-bac-1

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường hội ngộ cùng "cô bộ đội" Trần Thị Mùi và "em bé" Hoàng Thị Thu Hiền trên cầu Tài Hồ Sìn sau 37 năm chiến tranh biên giới. Ảnh: Hoàng Phương.

Chị Hiền chia sẻ, sau khi được tốp trinh sát cứu và chuyển về tuyến sau, mẹ chị được đưa về Quân y viện ở Phổ Yên (Thái Nguyên) chữa trị, còn chị được người nhà đón khi đoàn xe quân sự tới Bắc Kạn. "Khi đó tôi mới 2 tuổi, còn quá nhỏ nên cũng không nhớ được nhiều", chị nói.

Sau này nghe bố mẹ kể chị mới biết giữa tháng 2/1979, bà Hoàng Thị Phiến đang làm việc trong mỏ thiếc Tĩnh Túc (huyện Nguyên Bình) xin nghỉ phép về thăm nhà, rồi đưa con gái nhỏ tên Hiền về quê ngoại ở xã Đức Long (huyện Hòa An).

Đi được nửa đường thì chiến sự nổ ra, hai mẹ con hòa cùng dòng người chạy giặc. Cõng con gái luồn rừng tìm đường về Hòa An, đến Bản Tấn, bà Phiến bị đạn quân Trung Quốc bắn thương nặng ở đùi. Hai mẹ con ngã xuống rãnh nước ven đường mòn, người mẹ bất tỉnh còn bé Hiền gào khóc suốt đêm bên mẹ.

Rạng sáng 22/2, tổ trinh sát của bộ đội làm nhiệm vụ qua thì tình cờ phát hiện. Người mẹ bị thương nặng ở đùi, máu chảy nhiều, rất yếu và có thể mất mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhóm trinh sát quyết định đưa hai mẹ con về tuyến sau. "Tôi còn nhớ anh Thành trinh sát nói rằng, bằng bất cứ giá nào cũng phải cứu sống và đưa hai mẹ con ra khỏi vòng vây", bà Bùi Thị Mùi kể.

Nhóm trinh sát thuộc đường nên luồn rừng để đi, mỗi người cách nhau 5 m phòng chẳng may dính đạn thì cũng giảm thiểu thương vong. Không ai dám nói với nhau câu nào, chỉ ra ám hiệu vì sợ địch phát hiện ra. Lúc vượt qua chốt của quân Trung Quốc, cả nhóm nhặt tạm vài thanh lương khô bị bỏ lại để ăn lấy sức.

Dọc đường đi, cô bộ đội nhai lương khô mớm cho bé Hiền ăn, cuộn lá múc nước suối cho bé uống. "Tôi lật khẩu AK ra phía sau lưng và ôm bé trước ngực đi suốt ngày đêm. Cô bé rất ngoan, không khóc mà cứ ôm chặt lấy tôi", bà Mùi nhớ lại.

cuoc-trung-phung-sau-37-nam-chien-tranh-bien-gioi-phia-bac-2

Cầu Tài Hồ Sìn, địa điểm chụp bức ảnh 37 năm trước. Ảnh: Hoàng Phương.

Đi hết một ngày đêm, nhóm trinh sát vượt khỏi vòng vây về đến cầu Tài Hồ Sìn thì gặp hai chiếc Gaz 66 chở thương binh. Trinh sát Thành cõng người mẹ lên xe trước. Khi bà Mùi ôm bé Hiền chuẩn bị lên chiếc xe còn lại thì gặp ông Trần Mạnh Thường xin chụp ảnh. Cô bộ đội vội khoác balo ra sau lưng, ôm bé gái chụp một tấm hình rồi hai cô cháu trèo lên chiếc Gaz 66 để về trạm phẫu.

"Khi giao Hiền cho y tá bế thì cháu không muốn rời, hai tay nắm chặt cổ áo tôi, gỡ mãi mới dứt được. Dù không muốn xa nhưng tôi vẫn phải quay về tuyến sau để tiếp tục chiến đấu. 37 năm qua, tôi luôn nhớ cô bé và tự hỏi không biết cháu giờ ra sao. Ước gì tôi được gặp lại cô bé ngày xưa một lần", bà Mùi vừa khóc vừa kể.

Năm ấy, bà Mùi 21 tuổi, vào quân ngũ được 3 năm, thuộc biên chế Đại đội 3, Tiểu đoàn 19 vận tải, Sư đoàn 346 (Quân khu 1). Cuộc chiến biên giới nổ ra, đơn vị đóng quân tại Nam Tuấn (Hòa An, Cao Bằng) bị thiệt hại nặng. Tiểu đội nữ vận tải chỉ kịp chôn vội đồng đội hy sinh rồi luồn rừng lui về phía sau. Khi đến Bản Tấn thì gặp mẹ con bé Hiền bị nạn.

Đau đáu mong gặp lại nhau suốt 37 năm

Chị Hoàng Thị Thu Hiền chia sẻ, khi bố mẹ còn sống cũng có tâm nguyện tìm lại nhóm trinh sát đã cứu hai mẹ con năm xưa, đặc biệt là cô bộ đội. Từ năm 1982, vợ chồng bà Hoàng Thị Phiến đi dò hỏi các đơn vị từng tham gia chiến đấu bảo vệ Cao Bằng năm 1979 nhưng không có tin tức. Đầu mối duy nhất là bức ảnh cô bộ đội bế bé Hiền đăng trên báo, được gia đình cắt ra và lưu giữ lại để đi tìm.

Cho đến khi hai ông bà qua đời, tâm nguyện vẫn chưa hoàn thành nên chị Hiền tiếp tục. "Trước khi mất, bố mẹ tôi vẫn dặn dò cố gắng tìm lại những người đã cứu mình", chị Hiền kể. Trong thâm tâm, em bé năm xưa luôn mong mỏi gặp lại cô bộ đội, dù sau khi lập gia đình vì hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện đi tìm liên tục như trước.

Tháng 2/2016, từ sự kết nối của nhóm phóng viên Báo Thanh niên, chị Hiền cuối cùng cũng gặp được bà Bùi Thị Mùi tại Hanh Cù (Thanh Ba, Phú Thọ). Trùng phùng sau 37 năm, cả hai chỉ biết rơi nước mắt. "Sau khi Hiền bước vào, tôi nhận ra ngay vì cái cằm và đôi mắt rất giống ngày xưa", bà Mùi nói.

Cô bộ đội ấy giờ tuổi đã cao, bị liệt nửa người trong một lần đi rừng lấy củi vào đầu năm 2015. Mọi sinh hoạt cá nhân đều do ông Nguyễn Thanh Long, chồng bà chăm sóc. Hơn 35 năm nên duyên vợ chồng, ông bà không có con nên nương tựa lẫn nhau mà sống.

Biết hoàn cảnh, chị Hiền nhận bà làm mẹ nuôi và đưa chồng con từ Cao Bằng sang Phú Thọ thăm. Mỗi tối, hai mẹ con thường gọi điện tâm sự, chia sẻ với nhau nhiều chuyện trong cuộc sống. Dù 37 năm chưa quay lại Cao Bằng, nhưng qua các cuộc trò chuyện trước đó, chị Hiền biết bà vẫn rất nhớ phong tục, tập quán, tiếng nói người dân tộc nơi đây.

"Bố mẹ đều không còn nhưng giờ tôi lại có thêm một người mẹ. Lần này bà trở lại Cao Bằng, hai mẹ con sẽ có thời gian bên nhau nhiều hơn", chị xúc động nói.

cuoc-trung-phung-sau-37-nam-chien-tranh-bien-gioi-phia-bac-3

Nhiều năm qua, chị Hiền luôn giữ tấm ảnh cô bộ đội bế mình được cắt ra từ báo, mong gặp lại ân nhân. Ảnh: Hoàng Phương.

Ông Nguyễn Danh Hải (52 tuổi), một trong số người dân Cao Bằng giúp cô bộ đội và em bé kết nối với nhau, xúc động khi chứng kiến cuộc hội ngộ sau 37 năm. Tháng 2/1979, ông Hải khi đó mới là cậu bé 15 tuổi, theo dòng người vội vã di tản về tuyến sau khi TP Cao Bằng nằm trong vùng chiến sự.

Ông kể, khi ấy dòng người sơ tán rất đông, chủ yếu băng theo đường rừng để ra quốc lộ 3 về hướng Thái Nguyên, còn lại đi xe đạp hoặc ôtô vận tải thì theo đường lớn qua cầu Tài Hồ Sìn xuôi về Bắc Kạn. Cây cầu cách thành phố Cao Bằng 20 km, khi ấy là điểm dừng chân của người dân sơ tán. 

"Chiến tranh gây ra nhiều đau thương, nhưng cũng có những câu chuyện đầy nhân văn. Từ một bức ảnh đã đưa đường cho hai phụ nữ trở thành mẹ con của nhau, đó là câu chuyện kỳ diệu về tình người trong chiến tranh", ông xúc động nói.

Rạng sáng 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ đưa hơn nửa triệu quân cùng hàng nghìn xe tăng, xe cơ giới tràn qua biên giới Việt Nam, đồng loạt tấn công 6 tỉnh phía Bắc từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) trên chiều dài 1.200 km biên giới.

Ở hướng Cao Bằng, hai quân đoàn tăng cường của Trung Quốc hình thành hai cánh quân lớn từ phía tây bắc theo đường Thông Nông đánh xuống và từ phía đông bắc qua Thạch An, Quảng Hòa đánh lên nhằm hợp điểm ở thị xã Cao Bằng.

Cuộc chiến nổ ra giữa lúc các quân đoàn chủ lực của Việt Nam đang chiến đấu với quân Khmer Đỏ ở Campuchia. Dọc tuyến biên giới chỉ có lực lượng chủ lực của các quân khu, bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc khoảng 50.000 quân. Các lực lượng vũ trang tại chỗ và đồng bào dân tộc 6 tỉnh biên giới dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, lấy ít địch nhiều đánh bại "chiến thuật biển người, thọc sâu phá hoại" của quân Trung Quốc.

Cuộc chiến diễn ra từ ngày 17/2 đến ngày 5/3/1979 nhưng xung đột biên giới kéo dài dai dẳng đến tận năm 1988. Nhiều đợt nhập ngũ diễn ra, các đơn vị chủ lực của quân đội Việt Nam thay phiên nhau đưa quân lên bổ sung cho chiến trường phía Bắc. Hàng chục nghìn thanh niên Việt Nam tuổi 18-20 đã mãi mãi nằm lại biên cương trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.


Theo Hoàng Phương - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X