Hotline 24/7
08983-08983

Cuộc đua công nghệ tàu ngầm chiến lược Nga và Mỹ

Nga và Mỹ đang không ngừng chạy đua các dự án chế tạo tàu ngầm chiến lược hiện đại mang tên lửa đạn đạo cho hải quân.

Sức mạnh hạt nhân

Trong những thập kỷ qua, tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo luôn là một trong những thành tố quan trọng nhất của lực lượng hạt nhân chiến lược. Với tính bí mật, các tàu ngầm có thể ẩn mình trong các đại dương, nhận lệnh và sau đó tấn công vào các mục tiêu của đối phương.

Khả năng chiến đấu cao của loại vũ khí chiến lược này đã dẫn tới một điều là tất cả các quốc gia lớn và phát triển trên thế giới đều đã và đang chế tạo tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo cho hải quân.

 - 1Lợi thế hàng đầu của tàu ngầm là khả năng ẩn mình dưới nước

Hiện nay, chỉ các quốc gia trong "Câu lạc bộ hạt nhân" mới có được các tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa đạn đạo (PLARB-viết tắt theo tiếng Nga). Điều này có liên quan tới hàng loạt yếu tố: từ sự phức tạp trong chế tạo và vận hành cho đến những đặc thù riêng trong chiến đấu.

Có thể coi Nga và Mỹ là hai nước đi đầu trong số các quốc gia có kinh nghiệm phong phú về khai thác PLARB bởi họ đã sở hữu loại vũ khí này từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Các nước sở hữu PLARB không chỉ khai thác các tàu hiện có mà còn lập các kế hoạch hiện đại hóa hoặc thay thế bằng các mẫu mới. Một số nước đã bắt tay vào đóng PLARB loại mới, trong khi một số nước khác mới chỉ đang ở giai đoạn thiết kế.

Sau đây là một số dự án tiềm năng mà các quốc gia trong "Câu lạc bộ hạt nhân" tiến hành, mà trước hết là Nga và Mỹ.

Nga

Có thời kỳ, trong suốt 20 năm, hải quân Nga không hề nhận được bất kỳ chiếc tàu ngầm mới nào có khả năng mang tên lửa đạn đạo. Chiếc cuối cùng là K-407 Novomoskovsk thuộc Dự án 667BDRM được đưa vào biên chế từ năm 1990.

Sau đó, phải tới cuối năm 2012, hải quân Nga mới tiếp nhận chiếc PLARB tiếp theo. Đó là chiếc tàu đầu tiên thuộc Dự án 955 Borei - K-535 Yuri Dolgoruki vốn được đóng xong từ năm 1996. Đây có thể coi là bước đi đầu tiên của Nga nhằm hiện đại hóa các thành tố chiến lược của hải quân.

 - 2Chiếc K-407 Novomoskovsk

Các nhà máy đóng tàu của Nga hiện đang thực hiện chương trình đóng mới 8 chiếc PLARB thuộc Dự án 955. Ba chiếc trong số này đã được đóng xong, đã thử nghiệm và đưa vào biên chế cho hải quân Nga. Ba chiếc khác đang tiếp tục được hoàn thành ở các giai đoạn khác nhau. Trong năm 2015, Nga dự kiến sẽ bắt đầu đóng chiếc thứ bảy và tám.

Với tốc độ này, Nga dự kiến sẽ đưa vào trang bị cho hải quân toàn bộ 8 tàu mới trước năm 2020. Trong số 8 tàu này, chỉ có 3 chiếc đầu tiên là Yuri Dolgoruki, Alexandr Nevski và Vladimir Monomakh là thuộc Dự án 955 cơ bản. Bắt đầu từ chiếc Knyaz Valadimir, các tàu sẽ được đóng theo dự án 955A hiện đại hóa với nhiều khác biệt về đặc điểm, trang thiết bị…

Các tàu ngầm thuộc Dự án 955 và 955A có lượng dãn nước ở mức 24.000 tấn và dài 170 m. Với kích cỡ như vậy, tàu có đủ chỗ cho 16 tổ hợp phóng tên lửa D-30. Vũ khí chủ yếu của các tàu ngầm Borei là tên lửa đạn đạo R-30 Bulava.

Các tên lửa này có tầm bắn từ 8.000 - 9.000 km và mang các loại đầu đạn khác nhau với các khối chiến đấu được dẫn đường riêng biệt. Theo các tài liệu công khai, với khối lượng phóng 36,8 tấn, tên lửa R-30 có thể mang theo trọng lượng "có ích" 1.100 kg.

 - 3Tàu ngầm hạt nhân Borei của Nga

Với 8 tàu ngầm Borei, hải quân Nga có thể cùng lúc triển khai 128 tên lửa đạn đạo loại mới. Trong khi đó, với 3 tàu ngầm 667BDR Kalmar và 6 chiếc 667BDRM Dolphin hiện có trong biên chế của hải quân, Nga cũng có khả năng triển khai một số lượng tên lửa tương tự.

Tuy nhiên, với việc từng bước đưa ra khỏi biên chế các tàu ngầm Kalmar đã lạc hậu, khả năng triển khai tên lửa sẽ bị thu hẹp lại. Các tàu ngầm thuộc dự án 955A sẽ giúp bù đắp cho việc cắt giảm số lượng song lại nâng cao về mặt chất lượng cho hạm đội tàu ngầm chiến lược của Nga.

Về trung hạn, việc hoàn tất 8 chiếc tàu ngầm Borei sẽ cho phép Nga duy trì, và ở mức độ nhất định, tăng cường tiềm lực tấn công của thành tố hải quân trong bộ ba hạt nhân của mình.

Trước đây, Nga đã từng thảo luận việc đóng tối thiểu 10, thậm chí là 12 chiếc tàu ngầm thuộc dự án 955/955A. Tuy nhiên, trong chương trình vũ khí quốc gia đến năm 2020, ngân sách chỉ chi cho 8 chiếc Borei.

 - 4Tàu ngầm lớp Borei Yuri Dolgoruki của Nga

Thực tế là Nga không thể đóng một số lượng lớn tàu ngầm Borei do những nguyên nhân cả về kinh tế và chính trị-quân sự. Nga phải thực thi Hiệp ước SNV-3 (hay còn gọi là START mới được Nga và Mỹ ký kết năm 2010, có hiệu lực năm 2011) về hạn chế số lượng tối đa các đầu đạn hạt nhân và phương tiện mang chúng.

Như vậy, Nga xác định số lượng PLARB cần thiết không chỉ căn cứ vào khả năng kinh tế mà còn phải phù hợp với việc xây dựng và phát triển lực lượng hạt nhân chiến lược, trước hết là việc phân chia phương tiện mang và số đầu đạn hạt nhân giữa hải quân, lục quân và không quân.

Mỹ

Từ đầu những năm 1980, Mỹ bắt đầu khai thác các PLARB lớp Ohio. Ban đầu, Mỹ dự định đóng 24 chiếc loại này nhưng cuối cùng, số lượng bị cắt giảm xuống còn 18 chiếc.

Đầu những năm 2000, Mỹ đã quyết định cắt giảm số lượng các phương tiện mang tên lửa chiến lược bằng cách tái trang bị các tàu ngầm Ohio thành các tàu ngầm nguyên tử đa năng. Từ năm 2002 đến 2010, 4 chiếc tàu ngầm Ohio đã được sửa chữa và hiện đại hóa theo hướng này. Như vậy, hiện nay Mỹ chỉ còn 14 chiếc PLARB lớp Ohio.

 - 5Tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ

Vũ khí chủ yếu của 8 chiếc Ohio đầu tiên là tên lửa Trident I C4. Những chiếc tàu sau được đóng theo thiết kế hiện đại hơn và được trang bị tên lửa Trident II D5. Trong 5 năm qua, tất cả các tàu ngầm lớp này còn hoạt động đều đã được tái trang bị để có thể sử dụng tên lửa mới hơn.

Tuy nhiên, có một đặc điểm không thay đổi là số lượng các ống phóng tên lửa trên tàu. Tất cả các tàu ngầm Ohio đều có 24 ống phóng tên lửa. Các tên lửa Trident II D5 có khả năng mang theo 12 đầu đạn và có tầm bắn 11.300 km.

Theo kế hoạch hiện hành của Lầu Năm Góc, các tàu ngầm lớp Ohio phiên bản mang tên lửa chiến lược sẽ tiếp tục hoạt động tối thiểu tới cuối những năm 2020 và sau đó mới bị thải loại.

Đến khi đó, Mỹ cần chế tạo các tàu ngầm mới thay thế. Dự án tương lai hiện vẫn chưa được đặt tên cụ thể nên tạm được gọi là Tàu ngầm Thay thế Ohio (Ohio Replacement Submarine) và SSBN-X. Tên gọi chính thức chỉ có sau khi việc thiết kế hoàn tất và bắt đầu tiến hành đóng mới.

Năm 2007, Mỹ bắt đầu tiến hành bước đi đầu tiên về xây dựng các yêu cầu và xác định vấn đề tài chính cho dự án mới. Các tính toán khi đó chỉ ra rằng các tàu ngầm có khả năng thay thế các PLARB lớp Ohio hiện nay đòi hỏi một khoản ngân sách vào khoảng 4 tỷ USD cho mỗi chiếc.

Sau đó, người ta tiếp tục đưa ra các mức giá khác nhau, có lúc lên tới 8 tỷ USD cho mỗi chiếc. Hiện nay, tại Mỹ vẫn đang tiếp tục cuộc tranh luận về số lượng tàu ngầm cần thiết. Có ý kiến cho rằng chỉ cần 12 tàu ngầm mới là đủ thay thế cho những chiếc hiện có.

 - 6Khoang lái của tàu ngầm USS Florida (SSGN-728) thuộc lớp Ohio

Mỹ đã xác định thời hạn tương đối để thực hiện dự án này. Theo đó, để đảm bảo hoàn thành vào cuối những năm 2020 thì dự án phải được bắt đầu vào năm 2014. Riêng việc thiết kế PLARB SSBN-X cũng mất khoảng 60 triệu giờ công.

Theo kế hoạch từ năm 2011, việc đóng các tàu ngầm thay thế lớp Ohio sẽ bắt đầu vào năm 2019. Đến năm 2026, tàu sẽ được hạ thủy và 3 năm sau phải được đưa vào thử nghiệm. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho biết vì nhiều lý do khác nhau, kế hoạch sẽ bị lui lại chút ít.

Mùa xuân năm 2014, Bộ tư lệnh Hải quân Mỹ và các đơn vị thầu đã hoàn tất việc xây dựng hình dáng bên ngoài của PLARB tương lai. Các yêu cầu cơ bản và đặc điểm thiết kế con tàu đã được xác định để làm căn cứ cho các công việc tiếp theo.

Một số yêu cầu đối với loại tàu ngầm mới của Mỹ đã được tiết lộ. Chiều dài tàu gần 170 m, rộng 13 m. Lượng dãn nước trên 20.000 - 21.000 tấn. Thời hạn phục vụ của tàu dự kiến sẽ là 42 năm.

Trong thời gian này, mỗi tàu sẽ phải hoàn thành trên 120 cuộc hành quân và tuần tra tác chiến. Các tàu sẽ được trang bị lò phản ứng hạt nhân loại mới không cần thay thế nhiên liệu trong suốt quá trình phục vụ. Một lần nạp nhiên liệu sẽ đủ cho hơn 40 năm làm việc liên tục.

Vũ khí chính của các tàu ngầm tương lai này sẽ vẫn là các tên lửa đạn đạo Trident II D5. Mỗi tàu ngầm có thể được bố trí 16 ống phóng tên lửa thẳng đứng. Có thông tin cho biết con số này có thể giảm xuống còn 12.

Ngoài ra, tàu ngầm tương lai này cũng được trang bị các máy phóng ngư lôi. Hiệu quả tác chiến cao của tàu sẽ được đảm bảo nhờ giảm độ ồn và sử dụng các trang thiết bị hiện đại bậc nhất.

 - 7Tên lửa Trident II D5 của Mỹ trong một lần bắn thử

Cho đến nay, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm vẫn là phương tiện tấn công chủ yếu của lực lượng hạt nhân chiến lược Mỹ. Toàn bộ 14 chiếc tàu ngầm lớp Ohio hiện có của nước này có thể mang tổng cộng 336 quả Trident. Tuy nhiên, khi các tàu ngầm mới thay thế cho Ohio, con số này sẽ giảm đi đáng kể, xuống còn 192 tên lửa (phương án 12 tàu, mỗi tàu 16 tên lửa).

Điều đó có nghĩa là trong tương lai, Mỹ sẽ phải có kế hoạch thay đổi bố trí các phương tiện mang và đầu đạn hạt nhân giữa các thành tố của bộ ba hạt nhân. Ngoài ra, điều này còn nói lên rằng Mỹ có thể muốn cắt giảm sức mạnh hạt nhân chiến lược để chuyển một phần chức năng của chúng cho các hệ thống mới nhằm thực hiện "đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu".

Theo An Ninh - Khám phá

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X