Hotline 24/7
08983-08983

'Cuộc chiến' bánh mỳ ở Venezuela

Sau khi phải sống thiếu điện, nước, thuốc, tiền và bia, người Venezuela giờ lại phải chật vật tìm một trong những thực phẩm cơ bản nhất - bánh mỳ.

Người Venezuela rất khó tìm mua một chiếc bánh mỳ tại các hiệu bánh trong nước. Các tiệm này cho rằng Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đã không nhập khẩu đủ bột mỳ cho họ.

Tuy nhiên, ông Maduro lại kết tội các hiệu bánh tích trữ bột mỳ để làm rối loạn Chính phủ của ông. Ông khẳng định họ đã dùng chúng vào những loại bánh đắt tiền, hơn là loại bánh mỳ giá rẻ được trợ cấp.

Tỷ lệ ủng hộ ông Maduro đã lao dốc trong đợt suy thoái kéo dài 3 năm qua của Venezuela. Ông đã ra lệnh cho quân đội, cảnh sát hộ tống các quan chức Chính phủ điều tra các hiệu bánh.

"Họ đang giấu bánh mỳ, không cho người dân biết", ông cho biết trong một chương trình truyền hình tuần trước, "Họ sẽ phải trả giá cho việc này, tôi thề đấy. Những người tạo ra Cuộc chiến Bánh mỳ này sẽ phải trả giá".

cuoc-chien-banh-my-o-venezuela

Một nhân viên hiệu bánh đang chờ khách tại Caracas (Venezuela). Ảnh: AFP

Tuần trước, họ đã bắt giữ 4 người và sung công 2 hiệu bánh vì bán bánh mỳ cao hơn giá chính thức. Một video được Chính phủ nước này đăng tải cho thấy trưởng nhóm thanh tra - Williams Contreras đang chỉ đạo một đợt khám xét.

"Ở đây sắp có người bị bắt rồi", ông cho biết sau khi nhìn thấy một biển hiệu ghi "Khi nào có bánh sẽ thông báo". "Họ có 100 bao bột mỳ, bơ và đường. Tất cả nguyên liệu cần thiết đều ở bên trong", ông cho biết sau khi cảnh sát bắt những người quản lý hiệu bánh.

Là quốc gia có dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới, Venezuela đã trượt dài trong khủng hoảng kinh tế khi giá dầu lao dốc gần 3 năm nay. Nguyên nhân là nước này quá phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu. Ông Maduro thì đổ lỗi việc này cho một "cuộc chiến kinh tế" mà Mỹ gây ra nhằm lật đổ ông.

Các loại thực phẩm cơ bản được trợ giá khá mạnh tay tại Venezuela, thông qua một cơ chế tỷ giá nhân tạo. Tuy nhiên, doanh thu từ dầu mỏ giảm đã khiến họ thiếu hụt số đôla Mỹ cần thiết để duy trì cơ chế này.

Các hiệu bánh được phép mua bột mỳ trợ cấp. Tuy nhiên, họ phải dùng 90% số đó cho bánh mỳ và chỉ 10% cho các loại bánh đắt tiền khác.

Tuần trước, Phó Tổng thống Venezuela - Tareck El Aissami kết tội các hiệu bánh đã vi phạm quy định do làm quá nhiều bánh đắt tiền. Trong khi đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất Bánh mỳ tại Venezuela lại không cho là vậy. Nhóm này cho biết 8.000 hiệu bánh trong nước nhận được 30.000 tấn bột mỳ một tháng, chỉ bằng một phần tư nhu cầu.

"Khi nào có bột mỳ, chúng tôi mới bán bánh mỳ được. Nhưng 15 - 20 ngày họ mới giao hàng một lần. Mỗi lần 20 bao (loại 50kg). Thông thường, chỗ đó chỉ 8 ngày là hết", Fran Suero - nhân viên một hiệu bánh ở Caracas (Venezuela) cho biết.

Kể cả với bột mỳ đã trợ cấp, các hiệu bánh cho biết giá bánh mỳ chính thức - 250 bolivar (0,35 USD theo tỷ giá chính thức) cũng không đủ bù chi phí sản xuất. Trên thị trường chợ đen, giá này là 900 bolivar.

Việc điều tra cũng khiến các chủ hiệu bánh lo lắng. Ông Mario - quản lý một hiệu bánh ở gần Caracas cho biết các điều tra viên đã ghé qua hiệu bánh của ông tuần trước và đe dọa bắt. May mắn là mẻ bánh mỳ ra lò kịp lúc.

"Mọi người không có bột mỳ, gạo hay bột ngô ở nhà, nên họ mới phải đi mua bánh mỳ. Nhưng chính các hiệu bánh cũng còn chẳng đủ nữa là. Chính phủ là cơ quan nhập tất cả những thứ này. Thế mà giờ họ lại đổ lỗi cho chúng tôi", ông than thở.

Theo Hà Thu - Anh Tú - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X