Hotline 24/7
08983-08983

CSGT núp cây bắn tốc độ: Dân có được quay camera?

Đó là câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Mai Bộ - đoàn đại biểu An Giang trước văn bản Bộ Công an trả lời kiến nghị cử tri.

CSGT núp, dân được quay camera?

Theo đó, cử tri An Giang cho biết họ không đồng tình với hình ảnh CSGT thường xuyên núp bụi cây để bắn tốc độ.

Phúc đáp lại kiến nghị trên lãnh đạo Bộ Công an đã lên tiếng khẳng định việc CSGT kết hợp giữa hình thức đo tốc độ công khai và bí mật là xuất phát từ đòi hỏi của tình hình thực tế.

Đứng trên phương diện là người đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của cử tri, ông Bộ cho biết ý kiến của cử tri cũng cần được quan tâm nhưng văn bản trả lời của Bộ Công an cũng là hợp lý.

Bởi lẽ, về phía lực lượng công an, thời gian qua văn hóa, ý thức chấp hành pháp luật còn nhiều hạn chế.

Nhiều nơi, nhiều lúc còn có tình trạng đánh võng, lạng lách, phóng nhanh, vượt ấu... Thậm chí, còn có người tham gia giao thông tỏ rõ thái độ cố tình vi phạm, thách thức pháp luật.

Ông Bộ kể: 'Tôi đã từng đi xe khách, taxi và theo ghi nhận của tôi các lái xe chỉ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định luật pháp về an toàn giao thông khi thấy công an. Ngược lại, chỉ cần khuất bóng là lại xảy ra phóng nhanh, vượt ẩu.

Thậm chí, tôi còn thấy các lái xe đi ngược chiều nhau đã có những ám hiệu như nháy đèn, giơ ngón tay chỉ lên hoặc chỉ xuống....

Khi tôi hỏi thì được biết đó là ám hiệu các lái xe thông báo cho nhau đoạn nào có công an, đoạn đường nào không có để tránh bị phạt'.

Dựa trên thực tế đó, theo vị ĐBQH, việc núp bóng cây của lực lượng CSGT cũng là để đối phó với các hiện tượng vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông. Không nên chỉ nhìn theo hướng tiêu cực rằng, cứ CSGT núp bóng ây là để xử phạt lấy tiền.

Nhìn nhận từ các hiện tượng vi phạm giao thông, sẽ thấy nếu CSGT không có được một giải pháp hiệu quả để đối phó với các hành vi vi phạm giao thông cũng sẽ rất nguy hiểm tới trật tự an toàn giao thông, tới an toàn tính mạng cho người đi đường.

Bộ Công an khẳng định việc CSGT kết hợp giữa hình thức đo tốc độ công khai và bí mật là xuất phát từ đòi hỏi của tình hình thực tế. Ảnh: Công lý

'Vấn đề cao nhất bây giờ là vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông. Vì thế, việc CSGT phải mật phục để bắt người vi phạm giao thông cũng là cần thiết.

Chỉ cần người tham gia giao thông tuân thủ tốt pháp luật, không vi phạm luật giao thông thì CSGT có núp bóng cũng không có gì đáng sợ', ông Bộ nói.

Về phía cử tri, phản ứng của cử tri cũng là xuất phát từ những hình ảnh được cho là không đẹp, không minh bạch, đàng hoàng của lực lượng CSGT trong quá trình thực thi pháp luật.

Vì thế, ông Bộ băn khoăn khi công an mật phục, núp bóng để xử lý vi phạm thì người dân có được quyền quay lại hình ảnh lực lượng CSGT xử lý vi phạm không?

Tự trả lời cho câu hỏi của mình, ông Bộ cho rằng 'người dân hoàn toàn có quyền được quay lại hình ảnh CSGT xử lý vi phạm' vì:

'Nếu người tham gia giao thông không vi phạm sẽ không sợ bị CSGT mai phục hay núp bóng. Ngược lại, lực lượng CSGT đàng hoàng, minh bạch thì cũng không có gì phải e ngại khi bị người dân quay camera', ông Bộ nói.

Ông Bộ cũng lưu ý, việc quay camera của người dân chỉ được sử dụng trong trường hợp có khiếu nại, tố cáo liên quan tới công tác xử lý sai phạm của lực lượng CSGT.

Cũng không nên nghĩ rằng người dân có quyền quay camera là có thể sử dụng những hình ảnh đó để gây phiền nhiễu, làm nhục lực lượng CSGT, ông Bộ lưu ý.

Nay núp mai làm gì?

Tương tự đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đoàn ĐBQH An Giang cũng cho rằng nếu đứng về phía cử tri, bà phải có những ý kiến bảo vệ quyền lợi cho cử tri.

Tuy nhiên, bà Tuyết lưu ý An Giang là địa phương có địa hình phức tạp, ý thức người tham gia giao thông chưa cao vì vậy, để áp dụng các biện pháp thông thường trong xử lý vi phạm giao thông chưa chắc đã đem lại hiệu quả.

CSGT núp bụi cây bắn tốc độ: Đòi hỏi của thực tế

Theo nữ đại An Giang, việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trong thực thi pháp luật còn tùy thuộc vào đặc thù của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn.

Trường hợp CSGT mật phục, núp bóng để xử lý vi phạm có thể chấp nhận được trong trường hợp phải đối phó với những hành vi vi phạm quá tinh vi, nhiều chiêu trò của người tham gia giao thông.

Nhưng đây không phải là điều bà Tuyết mong đợi. Vì CSGT là đơn vị đại diện cho lực lượng quản lý nhà nước thì phải có một giải pháp điều hành, quản lý mang tính tổng thể hơn, khách quan hơn, minh bạch hơn và quan trọng là phải đúng pháp luật.

'Vấn đề mấu chốt vẫn là làm sao để người tham gia giao thông tự ý thức được hành vi nào là sai, hành vi nào là trái luật và không được làm.

Phải làm sao để người dân chấp hành tốt luật an toàn giao thông ngay cả khi không có lực lượng CSGT đó mới là giải pháp chấn chỉnh lâu dài vừa giúp lực lượng CSGT điều hành giao thông minh bạch, công khai, đúng pháp luật vừa giúp người tham gia giao thông tham gia an toàn', bà Tuyết nhấn mạnh.

Vị đại biểu kết luận, giải pháp núp bóng cây chỉ là giải pháp tình thế, không căn cơ vì 'ngày hôm nay người vi phạm ra ám hiệu thì CSGT mật phục, núp bóng vậy mai người vi phạm lại có hành vi khác thì CSGT sẽ lại làm gì?'

Theo Hoài An - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X