Hotline 24/7
08983-08983

CSGT Hà Nội: Xe ngoại tỉnh không phải nguyên nhân chính gây ùn tắc dịp Tết

Đại tá Đào Vịnh Thắng (Trưởng phòng CSGT Hà Nội) đánh giá hạ tầng, quy hoạch là hai nguyên nhân quan trọng nhất khiến giao thông Hà Nội bị quá tải ngày thường, và ùn tắc hơn dịp trước Tết.

- Đâu là nguyên nhân khiến Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trầm trọng vào dịp trước Tết, thưa ông? 

- Những ngày cuối năm áp lực giao thông tăng cao gấp nhiều lần do lưu lượng người tham gia giao thông từ ngoại thành đổ vào và người dân đi lại mua sắm, họp hành nhộn nhịp hơn.

csgt-ha-noi-xe-ngoai-tinh-khong-phai-nguyen-nhan-chinh-gay-un-tac-dip-tet

Đại tá Đào Vịnh Thắng.

Đặc biệt, dịp gần Tết việc buôn bán, lấn chấm lòng đường vỉa hè diễn ra phổ biến. Nhiều điểm chợ hoa mọc tự phát. Đường phố thường ngày vốn đã hẹp, các phương tiện lưu thông chen chúc nay thêm hàng hóa bày biện lấn chiếm, khiến tình trạng ùn tắc diễn ra nhiều hơn, phổ biến hơn.

- Có ý kiến cho là cuối năm Hà Nội ùn tắc hơn vì xe ngoại tỉnh về nhiều. Cơ quan chức năng ghi nhận thực tế diễn ra như thế nào?

- Cuối năm nào cũng có việc hội họp nhiều, xe ở ngoại thành, ngoại tỉnh đổ về có đông hơn ngày thường nhưng đây không phải lý do chính. 

Vấn đề chính vẫn là câu chuyện hạ tầng giao thông. Hà Nội có hàng chục công trình đang thi công, 27 điểm rào chắn, chiếm 1/3 diện tích lòng đường. Tại nhiều nơi, các phương tiện lưu thông xen kẽ với công trình đang thi công, dẫn đến tốc độ xe chạy chậm lại, gây ra ùn ứ.

Ngoài ra, có một vấn đề liên quan đến quy hoạch. Tốc độ phát triển chung cư cao tầng, siêu thị..., ở Thủ đô ngày càng tăng lên, trong khi đó các tuyến đường không được mở rộng. Có những tuyến đường như Minh Khai, hay các phố trung tâm hơn 60 năm qua không thay đổi, nhưng ở đó đã có hàng loạt cao ốc, khu mua bán tập trung mọc lên.

Hạ tầng giao thông không đáp ứng sẽ dẫn đến những xung đột, gia tăng áp lực lên các tuyến đường và ùn tắc là tất yếu.

- Vì sao năm nay ùn tắc giao thông dịp trước Tết ở Hà Nội diễn ra nặng nề hơn trước, có những tuyến phố nửa đêm vẫn tắc?

- Người dân đi làm ban ngày, nhiều lúc họ tranh thủ buổi tối đi mua sắm, hơn nữa thời tiết thất thường, lúc mưa, lúc rét, lượng người sử dụng phương tiện cá nhân tăng cao nên dẫn đến việc nửa đêm vẫn ùn tắc. Nhưng tình hình này không phải phổ biến. Việc ùn tắc không có gì bất thường mà đã được dự báo trước vì lượng phương tiện tăng lên 6-7 lần.

csgt-ha-noi-xe-ngoai-tinh-khong-phai-nguyen-nhan-chinh-gay-un-tac-dip-tet-1

Đại tá Thắng cho rằng, đường phố Hà Nội đang quá tải 6-7 lần, trong khi đó tốc độ chung cư, siêu thị mọc lên ngày cành nhanh gây áp lực lên giao thông. Ảnh minh họa: Bá Đô

Tốc độ đăng ký xe vào cuối năm tăng cao. Theo thống kê, năm nay lượng đăng ký ôtô tăng 23%, nâng tổng số xe hiện có lên trên 600.000 chiếc; xe máy tăng 8,8%, tức là hiện nay mỗi tháng có khoảng 16.000 xe máy được đăng ký mới tại Hà Nội (tổng số 16 triệu chiếc), chưa tính đến phương tiện cá nhân ở các tỉnh đổ về, xe công, xe quân đội... dẫn đến áp lực giao thông rất lớn.  

- Ông có đánh giá gì về việc tổ chức giao thông và ý thức tham gia giao thông ở Thủ đô?

- Như tôi đã nói ở trên, từ quy hoạch đến tổ chức giao thông chưa thực sự khoa học, nhiều tuyến đường nhỏ hẹp gánh vác hàng triệu người thì làm sao mà tốt được.

Nếu quy hoạch tốt, giảm nhà cao tầng ở nội đô, tăng diện tích mặt đường lên thì mới tổ chức giao thông tốt được, còn ngược lại thì không có sức người nào có thể đứng đường mãi để giải quyết được.

Điều quan trọng nữa là hiện ý thức tham gia giao thông của nhiều người dân rất tệ. Cố tình chen lấn, không có công an là vượt đèn đỏ, lấn làn, thậm chí khi cảnh sát dừng xe còn không chấp hành mà hành hung hoặc phản ứng không tốt. Tình trạng mạnh ai nấy đi khiến giao thông vốn chịu áp lực lớn lại càng rối thêm.

- Đơn vị ông quản lý có những giải pháp nào để góp phần giảm ùn tắc dịp Tết?

- Chúng tôi đã có kế hoạch trước đây nhiều ngày, huy động 100% lực lượng hiện có, kể cả cảnh sát làm văn phòng, giờ cao điểm đều phải có mặt ở hơn 300 nút giao để chỉ huy, phân luồng điều tiết giao thông.

Ngoài ra, đơn vị cũng tham mưu với giám đốc Công an Hà Nội tăng cường 200 cán bộ, chiến sỹ cảnh sát cơ động, công an phường, quận huyện ra đường để chống ùn tắc. Tuy nhiên với từng đó chưa đủ, với áp lực giao thông hiện nay thì vấn đề chính là phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông.

Chúng tôi đề xuất cần phải có các biện pháp mạnh tay hơn nữa, cụ thể như muốn hạn chế xe cá nhân vào dừng đỗ ở nội thành thì cần phải thu giá gửi xe cao hơn. Thậm chí nghiên cứu việc chỉ cấp cho mỗi người một biển số xe, được mua một xe ôtô.

Việc áp dụng khoa học công nghệ vào xử phạt, phân luồng thông minh cũng có ý nghĩa quan trọng. Phải tăng dày hệ thống camera để phạt nguội nhiều hơn, áp dụng biện pháp trừ vào tài khoản người vi phạm giao thông.

Theo Bá Đô - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X