Hotline 24/7
08983-08983

"Con rơi" y tế dự phòng

Từ năm 2008, Quốc hội đã có nghị quyết yêu cầu phải dành 30% chi ngân sách y tế cho dự phòng nhưng nhiều địa phương chỉ dành tỉ lệ khoảng 18% cho công tác này.

Người dân đưa con khám bệnh tại Trung tâm Y tế dự phòng Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA
Người dân đưa con khám bệnh tại Trung tâm Y tế dự phòng Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TPHCM - Ảnh: HỮU KHOA

Thậm chí, có địa phương đầu tư rất ít cho y tế dự phòng. Điểm đáng chú ý là 70% gánh nặng điều trị đến từ các bệnh không truyền nhiễm liên quan đến tim mạch, tiểu đường... nhưng mới chỉ có 12% kinh phí y tế dự phòng dành cho các nhóm bệnh này, phần lớn dành cho những bệnh lây nhiễm.

Nếu đầu tư cho dự phòng thì 5-10 năm tới sẽ giảm hẳn số người vào viện, giảm chi cho điều trị

Ông NGUYỄN NHẬT CẢM

Chi nhỏ giọt, 
y tế dự phòng cầm cự

Một khảo sát về nguồn chi cho y tế dự phòng (gồm các hoạt động dự phòng dịch bệnh, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, dự phòng bệnh không lây nhiễm rất hạn hẹp) cho thấy đều không đạt yêu cầu trong nghị quyết 18 năm 2008 của Quốc hội.

Phần lớn các tỉnh thành chi 18-22%/tổng chi y tế cho y tế dự phòng thay vì 30%, cá biệt có tỉnh chỉ chi khoảng 10% và đến trên 80% trong số này là chi lương, điện nước, chi thường xuyên của các đơn vị.

Chi thực tế cho dự phòng chỉ khoảng 15% kinh phí được cấp, tức là chỉ đủ cho y tế dự phòng... cầm cự khi có dịch khẩn cấp.

Tiền về thì... hết dịch

Tháng 8/2016 vừa qua, dịch sốt xuất huyết ở Tây nguyên ở mức báo động đỏ, xuất hiện tại 48/50 huyện của bốn tỉnh Tây nguyên. Gia Lai và Đắk Lắk là hai tỉnh có dịch sốt xuất huyết nặng nhất trong vùng.

Có những lúc khoa nhiễm của bệnh viện tỉnh quá tải gấp ba quy mô giường bệnh và để chống dịch thì cần tiền để phun hóa chất phòng dịch, tuyên truyền để người dân tham gia diệt muỗi, loăng quăng nhưng không có kinh phí cho hoạt động này.

Và thời điểm đó Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu cấp đột xuất 2 tỉ đồng cho Tây nguyên dồn sức chống dịch và cho biết sẽ chuyển sớm kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia (lúc đó đã là tháng 8 trong khi dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng ở Tây nguyên từ tháng 5-2016).

“Các bệnh không lây nhiễm đang chiếm 2/3 số tử vong nhưng kinh phí để dự phòng bệnh không lây nhiễm chỉ đạt khoảng 3,5%/tổng chi y tế”- một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết.

Thừa nhận thực trạng chi cho y tế dự phòng quá ít ỏi, ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng khoản kinh phí dành cho y tế dự phòng hiện chỉ đáp ứng được các hoạt động chống dịch khẩn cấp.

Với dự phòng bệnh không lây nhiễm, ông Phu đề nghị phải dành nhiều kinh phí hơn. “Nếu đã ung thư, đái tháo đường, tăng huyết áp... thì chi cho điều trị còn lớn hơn trong khi chất lượng sống của người bệnh lại thấp. Dự phòng để phòng bệnh hiệu quả cao hơn nhiều”- ông Phu nói.

Bệnh viện rộng bao nhiêu cũng không đủ

Khảo sát của Tuổi Trẻ cuối tuần trước tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, một trong những bệnh viện tỉnh có nhiều tiến bộ về ứng dụng kỹ thuật mới vào điều trị cho thấy bệnh viện này quá tải, phải xếp 2-3 bệnh nhân/giường bệnh.

Tại Bệnh viện K, chuyến khảo sát của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng thời gian này cũng cho thấy có những khoa phòng xếp 4 bệnh nhân/giường, trong khi bệnh viện vừa được đầu tư mở rộng thêm cơ sở 3 hiện đại.

Tuy nhiên, các lãnh đạo Sở Y tế vẫn đang chú ý nhiều đến xây dựng bệnh viện, chưa chú ý đến y tế dự phòng nhiều.

Ông Hồ Đức Hải, giám đốc Sở Y tế Phú Thọ, cho biết các bệnh viện thuộc tỉnh này chuẩn bị đầu tư thêm 1.300 tỉ cho mở rộng, xây mới, nâng cấp bệnh viện.

Nhưng nói đến đầu tư cho y tế dự phòng theo hướng quản lý sức khỏe cá nhân, dự phòng sớm, tư vấn cho họ thì ông Hải 
cho rằng “khó”.

Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Hà Nội đã tách lương, chi thường xuyên, chi thực tế cho y tế dự phòng, nhưng không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương khác còn đang vướng về định mức chi.

Mức chi trả cho giám sát dịch tễ chỉ 30.000 đồng/ngày/người, công phun hóa chất phòng dịch chỉ 100.000 đồng/ngày...

Nhưng ông Cảm cũng cho biết nhiều đồng nghiệp các địa phương khác chưa được cấp kinh phí như ở Hà Nội và thường gặp khó khăn mỗi khi có dịch.

* Ông P.T.Đ. (62 tuổi, Q.Bình Thạnh, TPHCM):

Phải đề cao khâu phòng bệnh

Ai cũng hiểu rất rõ là “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nhưng tôi thấy hiện nay ngành y tế mới chỉ chú trọng đến việc điều trị, trong khi việc phòng ngừa các bệnh mới là quan trọng thì lại ít được quan tâm.

Tôi đọc báo thấy ở độ tuổi của tôi có thể mắc nhiều bệnh, nên được tầm soát bệnh định kỳ. Tôi chỉ đề cập đến một việc rất nhỏ là chiếc răng.

Việc khám răng định kỳ là rất cần thiết, quan trọng hơn nhiều so với việc điều trị, khám răng định kỳ cũng ít tốn kém hơn khi mắc các bệnh lý về răng.

Thế nhưng, tôi không thể sử dụng thẻ BHYT để khám răng khi chưa có bệnh gì về răng mà chỉ khi răng đã sâu phải nhổ hay mắc một bệnh lý nào đó về răng... mới được BHYT thanh toán.

Cách làm như vậy vô tình đã đề cao việc chữa bệnh chứ không phải phòng bệnh.

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh tốt, theo tôi, Nhà nước nên kiểm soát chặt hơn nữa vấn đề vệ sinh thực phẩm, môi trường, nguồn nước... vì đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra các loại bệnh.

Muốn ngừa 
các bệnh, 
kinh phí phải có

TS.BS Phạm Xuân Dũng, phó chủ tịch Hội Ung thư TPHCM, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết các bệnh không truyền nhiễm như ung thư, tim mạch, béo phì, tiểu đường... đang ngày càng gia tăng và 80% các nguyên nhân gây tử vong đều liên quan đến môi trường.

Riêng bệnh ung thư, hơn 1/3 các trường hợp mắc bệnh có thể phòng ngừa được.

Hiện đã có chương trình phòng chống bệnh ung thư quốc gia nhưng cần phải đẩy mạnh chương trình này hơn nữa.

Trong chiến lược phòng ngừa bệnh ung thư có 3 bước: tránh được những tác nhân gây ung thư, tầm soát và phát hiện sớm bệnh và điều trị, giúp người bệnh hồi phục.

Hiện nay, thế giới khuyến cáo nên phòng ngừa ở bước 1 là đừng để mắc bệnh ung thư, tức là ngăn ngừa tất cả những nguy cơ có thể đưa đến bệnh ung thư.

Muốn phòng chống được các bệnh không truyền nhiễm phải có nhiều kinh phí để triển khai trong cộng đồng.

Hiện nước ta mới triển khai được chích ngừa viêm gan siêu vi B, còn chưa triển khai được văcxin phòng chống ung thư cổ tử cung trong cộng đồng.

Một trong những biện pháp phòng chống bệnh béo phì là cần xây dựng trường học rộng, có sân chơi cho học sinh...

Theo Lan Anh - Thùy Dương - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X