Hotline 24/7
08983-08983

Con gái PGS Văn Như Cương: "Bố hãy sống đến khi nào tóc con dài ra như cũ, bố nhé"

"Khi cắt tóc về, bố vuốt lên mái tóc của tôi, cảm giác khi đó thật khó diễn tả thành lời. Tôi bảo với bố: "Bố hãy sống đến khi nào tóc con dài ra như cũ, bố nhé".

Dù là người phụ nữ cá tính, mạnh mẽ và rất phong cách, nhưng chị Văn Thùy Dương, con gái thầy giáo, PGS Văn Như Cương vẫn không giấu nổi sự xúc động qua ánh mắt đỏ hoe khi nói về bố mình.

"Ở bên bố, với tôi ngày nào cũng là đáng nhớ..."

Cách đây gần một năm, những ai yêu mến gia đình PGS Văn Như Cương cũng như các thế hệ học trò trường THPT Lương Thế Vinh không khỏi sửng sốt khi hay tin thầy mắc trong bệnh.

Mới đây, chị - cô giáo Văn Thùy Dương, con gái của thầy Văn Như Cương đã khiến dư luận xúc động, cảm mến và cả ngưỡng mộ về tình cảm cha - con trong gia đình truyền thống này.

Cô giáo này đã đưa ra một quyết định rất táo bạo, rất khó khăn đối với người làm nghề nhà giáo: Xuống tóc.

Điều gì đã khiến người con gái cá tính, mạnh mẽ nhưng cũng rất điệu này hy sinh mái tóc dài thướt tha - vốn là thế mạnh của mình?

Chị Văn Thùy Dương đã dành những chia sẻ rất chân thành với PV Báo điện tử Trí Thức Trẻ xung quanh câu chuyện này.

Gặp chị ngay dưới sân tòa nhà chung cư, tôi không khỏi giật mình sửng sốt bởi mái tóc dài xanh đen ngày nào đã nhường chỗ cho mái tóc cụt ngủn của người nơi cửa chùa.

Chia sẻ với PV, chị Văn Thùy Dương nhớ lại: "Khoảng tháng 7/2015, chúng tôi choáng váng khi nhận được tin bố mắc trọng bệnh. Bác sỹ bảo, căn bệnh quái ác ấy có thể cướp bố đi bất kể lúc nào.

Tôi hoang hoải đến vô cùng. Dường như mất niềm tin vào tất cả. Tôi quyết định tìm cho mình một niềm tin, để tin rằng bố tôi sẽ vượt qua được bạo bệnh".

Thế rồi, kể từ ngày đó, trừ những hôm ốm đau, ngày nào chị Dương cũng dành thời gian vào chùa Hàm Long để tụng kinh, cầu an.

Người phụ nữ này chia sẻ, vẫn biết cầu khấn, tụng kinh không phải là liệu pháp chữa bệnh. Nhưng ít nhất đã mang lại cho chị một niềm tin. "Mỗi khi cầu an, tôi không cầu cho chính mình mà cầu cho bố", chị nói.


Đây là hình ảnh chị Văn Thùy Dương với mái tóc đen láy, thướt tha trước ngày chị quyết định xuống tóc (ảnh nhân vật cung cấp)
Đây là hình ảnh chị Văn Thùy Dương với mái tóc đen láy, thướt tha trước ngày chị quyết định xuống tóc (ảnh nhân vật cung cấp)

Trong những ngày tháng ấy, chị Dương tự hứa với lòng mình, sẽ làm một cái gì đó để tạ ơn Trời Phật nếu những điều cầu an của chị thành sự thật, nghĩa là bố chị khỏe lại.

"Mình thì có gì? Hẳn là Trời Phật không màng đến tiền bạc. Tôi chỉ có mái tóc, nó là một phần cơ thể của tôi và từng là niềm kiêu hãnh của mình. Nên tôi quyết định sẽ xuống tóc nếu bố khỏe lại", chị nói.

Thế rồi, sức khỏe của thầy Văn Như Cương có chuyển biến tích cực, thầy có thể tự ngồi dậy, ngồi vào bàn làm việc và xem máy tính.

Chị Thùy Dương quyết định vào chùa xuống tóc để tạ ơn Trời Phật, giãy bày tấm lòng thành của mình vì đã thấu hiểu những điều mà chị cầu khẩn.

"Tôi xuống tóc là để tạ ơn Trời Phật, nhưng cũng để động viên bố hãy cố gắng chiến đấu với bệnh tật, tôi muốn đó là liều thuốc tinh thần giúp bố vượt qua được căn bệnh quái ác.

Việc cắt đi mái tóc vốn rất đẹp, rất xanh đen của mình, tôi muốn bố nhìn thấy, bố gượng dậy và thay đổi tích cực hơn trong liệu pháp điều trị. Có như thế, chúng tôi mới được ở bên bố lâu hơn", chị Văn Thùy Dương chia sẻ.

Vốn là người phụ nữ mạnh mẽ, đầy cá tính, nhưng chị vẫn không dấu hết được những lo lắng, khắc khoải và nét ưu phiền qua từng khóe mắt. Ánh mắt ấy vẫn đỏ hoe mỗi khi nói về bố mình.

"Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất khi ở bên bố ư? Với tôi, được ở bên bố thì lúc nào cũng đáng nhớ. Nhất là những ngày biết ông bị bệnh, thực lòng mỗi lần ở bên ông, tôi lại lo lắng không biết đây có phải là lần cuối cùng", chị chia sẻ.

Nhớ mãi bức thư tay của bố

Thực sự, với một người làm trong ngành sư phạm, việc xuống tóc hẳn là một quyết định không dễ dàng gì. Bởi lẽ, quanh chị luôn là những học trò nhỏ, rồi cả những ánh mắt của phụ huynh.

Chị kể, sau khi đưa hình ảnh xuống tóc lên facebook cá nhân, đã có không ít bình luận của học sinh, phụ huynh và cả bạn bè. Trong số đó, cũng có những ý kiến khen chê khác nhau.

Nhưng với chị, tình cảm của con người, tình cảm của con dành cho cha mẹ không phải ai cũng giống ai và mỗi người có một cách thể hiện.

"Không hẳn cứ xây nhà cao, thuê nhiều người chăm sóc cho bố mẹ đã là yêu thương bố mẹ. Với tôi, hạnh phúc của mình là khi thấy bố mẹ mình khỏe mạnh, hạnh phúc", chị nói.

Chị vui mừng chia sẻ, sau khi xuống tóc để tạ ơn Trời Phật và động viên tinh thần bố, sức khỏe và tinh thần của thầy Văn Như Cương cũng khá hơn. Đến hôm nay, thầy đã có thể lướt facebook.

"Khi cắt tóc về, bố vuốt lên mái tóc của tôi. Cảm giác khi đó thật khó diễn tả thành lời. Tôi bảo với bố: "Bố hãy sống đến khi nào tóc con dài ra như cũ, bố nhé", chị kể.

"Mái tóc này tôi nuôi rất lâu đấy nhé. Chỉ mong bố ở lại lâu hơn nữa với chúng tôi", trong ánh mắt chị sáng lên những tia hy vọng.


Và đây là hình ảnh khiến nhiều người sửng sốt lẫn cảm phục, ngưỡng mộ lòng hiếu thuận của chị. Hẳn, đó không phải là quyết định mà ai cũng dám làm.
Và đây là hình ảnh khiến nhiều người sửng sốt lẫn cảm phục, ngưỡng mộ lòng hiếu thuận của chị. Hẳn, đó không phải là quyết định mà ai cũng dám làm

Kiều Anh - cô con dâu của chị Thùy Dương chia sẻ, trước đây mái tóc của mẹ chồng rất dài và rất đẹp. "Mẹ chăm chút và điệu đà với mái tóc thướt tha ấy lắm. Những bức ảnh ngày đó của mẹ đẹp lắm", cô nói.

Rồi hai mẹ con chị lấy máy tính xem đi xem lại những bức ảnh ngày ấy. Hẳn sẽ có một chút nuối tiếc, nhưng trong đôi mắt ấy vẫn dâng tràn một tình yêu, một niềm tự hào về bố của mình.

"Tình cảm của chúng tôi giản dị lắm. Có những niềm vui tôi mang đến cho bố rất nhẹ nhàng và có những niềm vui ông mang đến cho tôi rất đơn giản.

Đôi khi, chỉ là một bài thơ tôi viết dành riêng cho ông. Hoặc đôi khi nhìn thấy ông like hoặc bình luận về status của tôi cũng đủ khiến cho tôi vui. Bởi, ông ít làm những điều như vậy", chị nói.

Chị Văn Thùy Dương kể lại, ngày chị mới đi làm, bố đã viết cho chị một bức thư tay với những lời dặn dò sâu sắc mà suốt cuộc đời này chị không thể nào quên.

"Tôi vẫn nhớ như in những nội dung trong bức thư ấy. Bố dặn tôi, làm giáo viên không chỉ đơn giản là dạy học, hãy coi học trò như con mình và con hãy coi mình là niềm tin, là chỗ dựa để các em chia sẽ, bày tỏ tất cả", chị kể.

Hẳn việc cô giáo Văn Thùy Dương xuống tóc để tạ ơn và động viên bố vượt qua bạo bệnh sẽ còn nhiều lời bàn luận.

Nhưng đã cho thấy tình yêu thương, lòng hiếu thuận của con cái dành cho bố mẹ không chỉ có một cách thể hiện duy nhất.

Ít ra, cũng cho thấy rằng, nếu việc gì xuất phát từ trái tim sẽ khiến trái tim của những người trong cuộc và những người chứng kiến rung động, cảm phục.

Đức năng thắng số - có lẽ đúng với bố tôi

"Khi thấy bố tôi khỏe lại, bác sỹ cũng rất ngạc nhiên và không nghĩ căn bệnh đó lại có thể thuyên giảm được. Người ta bảo, "Đức năng thắng số" có lẽ đúng với bố tôi trong trường hợp này. Vì thế, chúng tôi càng phải tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho bố. Bố - người đàn ông của chúng tôi - hãy cố lên bố nhé", chị nói.


Theo Hà Khê - Trí thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X