Hotline 24/7
08983-08983

Cố vấn 31 tuổi đứng sau lệnh cấm nhập cư của Trump

Ở tuổi 31, Stephen Miller trở thành nhân vật quyền lực ở Nhà Trắng, thúc đẩy những quyết định cứng rắn và bất ngờ của Tổng thống Donald Trump.

Stephen Miller bộc lộ các quan điểm chính trị quyết liệt của mình từ khi còn là thiếu niên. Đến năm 31 tuổi, chính trị gia người California này đưa những quan điểm đó vào trong các chính sách của tổng thống Mỹ.

Ông âm thầm thúc đẩy việc ban hành lệnh cấm nhập cư đối với công dân 7 nước Hồi giáo mà hầu như không thông qua các cơ quan chính phủ Mỹ. Dù sắc lệnh này có vẻ được ban hành nóng vội, một quan chức Nhà Trắng cho biết Miller thực ra đã mất hàng tháng để soạn thảo.

Bộ đôi quyền lực ở Nhà Trắng

Cùng với Steve Bannon, một cố vấn cao cấp khác tại Nhà Trắng, Miller là tiếng nói quan trọng đối với Trump về vấn đề nhập cư.

Để mở đường cho sắc lệnh, bộ đôi này đã có lúc chống lại Bộ An ninh Nội địa bằng việc chỉ đạo các quan chức liên bang ngăn chặn những người có thẻ xanh từ 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Những người hợp pháp này giờ cần nộp đơn xin miễn thị thực để xuất hoặc nhập cảnh vào Mỹ trong ít nhất 90 ngày nữa.

Co van 31 tuoi dung sau lenh cam nhap cu cua Trump hinh anh 1
Stephen Miller, người từng viết diễn văn nhậm chức cho Tổng thống Trump, được cho là tác giả của lệnh cấm nhập cư gây tranh cãi. Ảnh: AFP/Getty.

Việc giữ bí mật về quá trình soạn thảo sắc lệnh đã khiến các đảng viên Cộng hòa ở Điện Capitol “khá tức giận khi sự việc thất bại thế này”, một trợ lý đổ lỗi cho Miller trong cuộc phỏng vấn với CNN. Sắc lệnh được giữ kín tới phút chót cũng gây hỗn loạn khi Bộ An ninh Nội địa và các quan chức phải vật lộn tìm cách thực thi mệnh lệnh bất ngờ trên.

Để biện giải cho chính sách mới, Miller phát biểu trên CBS rằng động thái này là nhằm “đảm bảo những người nhập cảnh vào đất nước của chúng ta thực sự yêu và ủng hộ Mỹ”.

Không giống một số người đến sau, Miller đã sát cánh cùng Trump từ tháng 1/2016 và đóng vai trò “hoạt náo viên” tại các cuộc vận động tranh cử sơ bộ.

Người phụ tá ăn mặc chải chuốt này thường bước lên sân khấu trước khi Trump xuất hiện. Ông khuấy động hàng nghìn người bên dưới với thông điệp nhất quán: Những kẻ nắm quyền muốn kéo họ xuống còn Donald Trump ở đây là để vực họ dậy.

“Tất cả những người phản đối Donald Trump là những những người đã khiến đất nước này kiệt quệ”, Miller phát biểu trong một cuộc vận động ở Texas. “Tất cả những điều sai lầm hôm nay của đất nước này, những người chống đối Donald Trump phải chịu trách nhiệm về chúng”.

Theo đuổi chính trị từ thời trung học

Theo các bạn học của Miller ở Trường Trung học Santa Monica, phụ tá của Trump từng nổi tiếng với tư tưởng bảo thủ trong môi trường khá tả ở đó.

“Toàn bộ quan điểm về vấn đề nhập cư của Miller bắt nguồn từ thời trung học”, Adrian Karima, luật sư 31 tuổi, bạn học của Miller, cho biết. Karima kể rằng trong lớp học về hoạt động của chính phủ, Miller thường tỏ ra thẳng thắn và không ngại phản biện với giáo viên. Ông cho rằng ngôi trường mà mình theo học, nơi có nhiều thành phần gốc Phi và gốc Latin, đang tìm cách tẩy não học sinh.

“Ông ấy nhìn nhận vai trò của mình như là người nỗ lực duy trì bất cứ ý tưởng chủ nghĩa vì nước Mỹ, đặc biệt là việc thúc đẩy nói tiếng Anh”, Karima nói.

Co van 31 tuoi dung sau lenh cam nhap cu cua Trump hinh anh 2
Trong số các cố vấn hàng đầu của Tổng thống Trump, Stephen Bannon đứng ngoài cùng bên phải và Stephen Miller kế tiếp. Ảnh: AP.

Tháng 3/2002, ở tuổi 16, Miller viết bài xã luận dài trên Santa Monica Outlook, lập luận rằng có rất ít học sinh gốc Latin được xếp hạng xuất sắc vì nhà trường luôn cung cấp “phao cứu sinh” cho những người không nói tiếng Anh bằng việc “viết tất cả thông báo bằng cả tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh”.

Ông cũng nói rằng ngôi trường mình theo học không đủ yêu nước. “Osama Bin Laden sẽ cảm thấy được hoan nghênh ở Trường Trung học Santa Monica”, Miller viết.

Sau Trung học, Miller vào học ở Đại học Duke, nơi ông tiếp tục thể hiện tiếng nói bảo thủ. Trên tờ báo trườngDuke Chronicle, Miller, vốn theo đạo Do Thái, viết các bài chống Giáng sinh, thắt chặt nhập cư để bảo vệ an ninh quốc gia và vấn đề bảo tồn văn hóa Mỹ.

Sau Đại học, Miller chuyển đến Washington, nơi ông bắt đầu hiện thực hóa những quan điểm chính trị của mình. Công việc đầu tiên của ông là làm thư ký báo chí cho Michele Bachmann, nữ nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Trả lời trên CNN, cựu hạ nghị sĩ này cho biết bà “đặt cược” vào Miller, người chưa từng có kinh nghiệm gì cho vị trí công việc trên.

“Tôi quyết định cho cậu ấy một cơ hội vì tôi thấy cậu ấy là người rất nghiêm túc”, Bachmann nói. Bà cũng nhận xét Miller là người “thông minh, chăm chỉ và rất tài năng”. Bachmann cho biết dù già dặn trước tuổi, Miller vẫn “rất thận trọng không vượt quá bất kỳ giới hạn nào”. Điều mà Miller lúc đó thiếu chính là sự độc lập.

Đặt chân vào Nhà Trắng

Sau này, Miller trở thành giám đốc truyền thông cho Hạ nghị sĩ John Shadegg rồi chuyển sang làm việc cho Thượng nghị sĩ Jeff Sessions, người được Trump đề cử cho vị trí bộ trưởng tư pháp.

Chính trong thời gian làm việc với Sessions, Miller tạo dựng được danh tiếng là người điều hành có tài và kiên định với chính sách nhập cư bảo thủ.

Miller giúp Sessions trở thành tiếng nói chỉ trích quan trọng nhất đối với dự luật cải cách nhập cư năm 2013. Ở hậu trường, Sessions là người dẫn đầu phe phản đối. Dự luật sau đó bị dập tắt ở Hạ viện dù đã được Thượng viện thông qua.

Sessions cũng là thượng nghị sĩ tại vị đầu tiên xác nhận ủng hộ Trump khi đội chiếc mũ “Làm cho nước Mỹ vĩ đại một lần nữa” trong một cuộc vận động tranh cử ở Madison, Alabama vào tháng 2/2015.

Sự gắn kết của Trump và Sessions đã củng cố sự nghiệp của Miller, dẫn chính trị gia trẻ tuổi này thẳng hướng tới Cánh Tây của Nhà Trắng và trở thành cánh tay đắc lực của người đứng đầu nước Mỹ.

Tuy nhiên, trong mắt một số đảng viên Cộng hòa, Miller chưa đủ sức cho vai trò này. “Tại sao Stephen Miller phải nỗ lực đến thế để đưa ra sắc lệnh này vào thứ 6 mà không nói với bất cứ ai ở các cơ quan khác?”, Joe Scarborough, cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa, phát biểu hôm 30/1.

“Chúng ta có một người rất trẻ ở Nhà Trắng nắm giữ quyền lực lớn và nghĩ rằng chỉ cần viết ra các sắc lệnh rồi để các thành viên nội các phải khổ sở”, ông nói.

Theo Tuyết Mai - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X