Hotline 24/7
08983-08983

Có nên xét xử lưu động?

“Chúng tôi cân nhắc việc này, thấy cần thiết để răn đe tội phạm và ổn định tình hình tại địa phương. Do đây là một vụ án lớn nên cần tuyên truyền rộng rãi để mọi người cùng biết

Hàng ngàn người dân đã tới dự phiên tòa xét xử lưu động vụ án thảm sát 6 người trong một gia đình tại tỉnh Bình Phước - Ảnh: Thanh Tùng
Hàng ngàn người dân đã tới dự phiên tòa xét xử lưu động vụ án thảm sát 6 người trong một gia đình tại tỉnh Bình Phước - Ảnh: Thanh Tùng

CẦN THIẾT

* Ông Nguyễn Hữu Trí (chánh án TAND tỉnh Bình Phước):

Răn đe tội phạm

Tôi là chủ tọa phiên tòa xét xử vụ thảm sát sáu người. Theo tôi, đưa Nguyễn Hải Dương và đồng phạm ra xét xử lưu động là thẩm quyền của tòa, chúng tôi cân nhắc việc này là cần thiết để răn đe tội phạm và ổn định tình hình tại địa phương.

Đây là một vụ án chấn động cả nước nên cần phải tuyên truyền rộng rãi để mọi người cùng biết.

Về ý kiến cho rằng với gia đình các bị cáo, họ không có tội gì, nếu xử công khai sẽ như một “bản án tinh thần” đối với họ thì tôi nghĩ việc này đúng là tế nhị, tòa phải cân nhắc.

Trong vụ án Nguyễn Hải Dương và đồng phạm, chúng tôi không mời gia đình các bị cáo để tránh mặc cảm cho họ, hơn nữa bản thân các bị cáo đều trưởng thành, tự mình có thể chịu trách nhiệm hình sự.

Tôi cho rằng việc đưa ra xét xử lưu động một vụ án đúng là có tác động hai mặt, cả tích cực và tiêu cực.

Việc cáo trạng công bố quá trình phạm tội của các bị cáo có thể có “tác dụng ngược” nhưng công bố cáo trạng là một thủ tục bắt buộc của phiên tòa.

Còn trong quá trình xét hỏi, chúng tôi không hỏi sâu vào mô tả cách giết người của các bị cáo để tránh gây bức xúc cho gia đình nạn nhân và không lây lan tội phạm.

Ông Nguyễn Hữu Trí - Ảnh: Bá Sơm
Ông Nguyễn Hữu Trí - Ảnh: Bá Sơm

* Ths Trần Duy Bình (TAND tỉnh An Giang):

Góp phần tuyên truyền pháp luật

Theo quy định tại khoản 3, điều 103 Hiến pháp năm 2013: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”.

Tòa án thông qua phiên tòa, đặc biệt là các phiên tòa xét xử lưu động, đã tạo điều kiện thuận lợi để những người tham dự phiên tòa cũng như quần chúng nhân dân tiếp cận pháp luật; trang bị cho người dân những kiến thức pháp luật cần thiết để tự bản thân họ tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật, qua đó giáo dục con em của mình tuân thủ pháp luật, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong đời sống hằng ngày.

Thông qua phiên tòa xét xử trực tiếp, cùng với việc báo chí đưa tin về hành vi phạm tội của bị cáo, người dân có thêm thông tin về các thủ đoạn phạm tội mới, qua đó nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh phòng và chống tội phạm trong tình hình hiện nay, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Do đó, tôi không đồng ý quan điểm cho rằng việc đưa ra xét xử lưu động, mà gần đây là các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng ở Yên Bái và Bình Phước... sẽ ảnh hưởng đến quyền của bị cáo như phải chấp nhận thêm sự trừng phạt của dư luận, việc báo chí mô tả hành vi phạm tội sẽ gây phản cảm trong dư luận nhân dân.

* Thẩm phán Hoàng Trọng Hồng (chánh tòa hình sự TAND 
tỉnh Yên Bái):

Mặt được vẫn nhiều hơn

Việc không ủng hộ xét xử lưu động chỉ là quan điểm của một số cá nhân. Thực tế một số vụ được đưa ra xét xử lưu động thời gian gần đây như xét xử vụ thảm sát tại Yên Bái, Bình Phước đều có tác dụng răn đe giáo dục cao.

Có ý kiến cho rằng khi xét xử lưu động, hành vi phạm tội bị phơi bày giữa đám đông, nhiều người sẽ bắt chước khiến tội ác được “nhân bản”. Tôi nghĩ nếu ý thức kém thì có một số người sẽ làm tương tự nhưng số lượng này rất ít.

Có vụ án khi chúng tôi đi khảo sát địa điểm để xét xử lưu động, gia đình họ hàng bị cáo xin tòa đừng đưa ra xét xử, họ rất xấu hổ với địa phương. Dù vậy, chúng tôi thấy cần thiết cho công tác tuyên truyền pháp luật nên vẫn phải tiến hành.

Tôi cho rằng việc xét xử lưu động có cả mặt được lẫn hạn chế nhưng 
mặt được vẫn nhiều hơn.

NÊN BỎ

Ông Ngô Cường - Ảnh: Tâm Lụa
Ông Ngô Cường - Ảnh: Tâm Lụa

* Ông Ngô Cường (vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, TAND tối cao):

Không đồng tình

Pháp luật VN không có quy định về xét xử lưu động. Chỉ có quy định tòa án xét xử công khai. Tôi làm việc với đại diện tòa án các nước rất nhiều, đa số họ không xử lưu động. Họ rất ngạc nhiên khi tôi nói ở VN xử lưu động. Họ hỏi xử lưu động làm gì?

Tại sao muốn tuyên truyền pháp luật lại đi xét xử lưu động? Ở nước ngoài, việc xét xử được thực hiện rất nghiêm minh tại trụ sở tòa án.

Tôi không đồng tình với việc tổ chức xét xử lưu động. Ở các phiên tòa lưu động, các hành vi như giết người, hiếp dâm, xâm phạm tình dục với các chi tiết tỉ mỉ, rùng rợn được công bố, ảnh hưởng không ít đến người tham dự, trong đó có các cháu nhỏ.

Việc đưa bị cáo ra xét xử trước hàng trăm, hàng ngàn người dân còn vi phạm quyền con người của bị cáo, đồng thời gây tốn kém khi phải tổ chức, huy động lực lượng phục vụ, bảo vệ phiên tòa. Theo tôi, quan điểm xét xử lưu động để tuyên truyền pháp luật là quan điểm cũ.

Ở các nước tiên tiến trên thế giới, tòa án không phải cơ quan tuyên truyền pháp luật. Nhiệm vụ của tòa án là ra bản án đúng người đúng tội để người ta tin vào công lý. Ở VN, biện pháp tốt nhất là làm sao để nâng cao năng lực xét xử, ra bản án chính xác.

* Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên phó chánh án TAND tối cao, nguyên chánh án Tòa án quân sự trung ương):

Hiệu quả không cao

Xét xử lưu động với mục đích nhằm tuyên truyền giáo dục pháp luật nhưng việc xử lưu động có hiệu quả như thế nào thì chưa ai đánh giá.

Dưới góc độ là người hoạt động tư pháp và làm công tác xét xử, tôi thấy hiệu quả này không cao. Chúng ta cần tôn trọng nguyên tắc xét xử công khai, công bằng, khách quan. Có câu hỏi được đặt ra: tại sao có người được xét xử trong phòng xử án nhưng có người lại bị đưa về nơi công tác hoặc đưa về địa phương nơi sinh sống để xét xử?

Nên nhớ, xét xử lưu động không những ảnh hưởng đến bị cáo mà còn ảnh hưởng đến gia đình bị cáo, người bị hại, trong đó có những vấn đề họ không muốn công khai rộng rãi cho mọi người cùng biết.

Vấn đề thứ hai, tôi từng tổ chức nhiều phiên tòa lưu động điển hình, tôi thấy người dân đến dự tòa vì tò mò nhiều hơn là để hiểu các quy định của pháp luật. Từ đó tôi đánh giá tác dụng giáo dục không cao.

Thứ ba, việc xét xử lưu động sẽ tạo áp lực không đáng có cho hội đồng xét xử.

Đa số các vụ được đưa ra xét xử lưu động là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây công phẫn trong dư luận, cho nên hội đồng xét xử chịu áp lực không nhỏ, ảnh hưởng đến tính khách quan. Họ thường xử nghiêm khắc hơn để đảm bảo tính răn đe. Đó là chưa kể xét xử lưu động còn cực kỳ tốn kém và gây lãng phí không cần thiết, trong khi đất nước còn nghèo.

Theo tôi, dần dần nên hạn chế xét xử lưu động, xét xử chỉ cần thực hiện ở trụ sở và công khai là đủ. Các tòa án cũng không nên lấy việc xét xử lưu động làm tiêu chí thi đua trong năm như hiện nay.

* Anh T.V.Q. (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước):

Chủ yếu đáp ứng hiếu kỳ của người dân

Nhà tôi ở gần nhà các nạn nhân nên rất quan tâm tới vụ án này. Tôi thấy việc xét xử lưu động chủ yếu làm thỏa mãn sự hiếu kỳ của người dân chứ chưa biết “răn đe” được bao nhiêu.

Theo tôi, nếu xét xử tại trụ sở tòa nhưng thông tin công khai, có mức án nghiêm khắc, đúng người đúng tội thì cũng đủ sức trừng phạt và răn đe tội phạm rồi. Còn việc xét xử lưu động rất tốn kém. Như vụ án này tôi đọc báo nói có tới hàng trăm cảnh sát phải bảo vệ. Còn người dân thì bỏ công bỏ việc chỉ để đi “nhìn mặt Nguyễn Hải Dương một lần cho biết”.

* Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội): 

Hình phạt khủng khiếp

“Pháp luật tố tụng hình sự, dân sự và hành chính đều không quy định về việc xét xử lưu động. Tuy nhiên để góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, trong những năm qua ngành tòa án thường tăng cường đưa các vụ án (chủ yếu là án hình sự) đi xét xử lưu động.

Có quan điểm cho rằng ở mức độ nào đó, xét xử lưu động còn thể hiện tính công khai minh bạch, dân chủ của hoạt động tư pháp.

Các phiên tòa lưu động càng được đánh giá cao hơn khi đặt nó trong bối cảnh các tòa án địa phương còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, nhân lực, địa hình, địa lý... để đưa công lý tiếp cận gần dân.

Tuy nhiên, trong một nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang hướng tới thì tự do và phẩm giá con người, cho dù là bị cáo, vẫn được đưa lên hàng đầu. Điều này đặt ra vấn đề nên hay không nên duy trì các phiên tòa lưu động?

Tôi thường nghe các bị cáo và thân nhân của những người bị đưa ra xét xử lưu động nói họ vô cùng bức xúc và xấu hổ với bà con khu phố khi con họ bị đưa ra xét xử. Con họ có tội thì phải chịu, tại sao họ cũng phải chịu bản án dư luận ghẻ lạnh, coi thường của xã hội.

Trên thực tế, nhiều bị cáo cho rằng đưa họ về xét xử tại quê hương bản quán trước anh em họ hàng... là một hình phạt khủng khiếp không kém gì hình phạt tù. Ngay cả những người thân của họ cũng phải chịu sức ép ghê gớm từ dư luận, nếu chỉ xét xử tại công đường thì nỗi đau này có lẽ được giảm đi ít nhiều.

Cần phải nhấn mạnh, với nguyên tắc suy đoán vô tội thì bị can, bị cáo được coi là không có tội cho đến khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật. Thế nhưng thực tế thật khó đưa ra xét xử lưu động một vụ án mà chứng cứ, tội danh còn nhiều vấn đề phải kiểm tra, tranh tụng làm rõ tại phiên tòa.

Sự khác nhau này vô hình trung làm giảm đi hiệu quả của công tác tuyên truyền.

Là một luật sư bào chữa thực tiễn, tôi thấy ngành tòa án cần bỏ ngay quy định xét xử lưu động, thay vào đó tòa án nên công khai các bản án, quyết định của tòa án trên mạng (khi công bố cần phải sửa tên nhân thân bằng x, y, z để đảm bảo bí mật đời tư) nhằm tuyên truyền phổ biến pháp luật là phù hợp thực tiễn của xã hội hiện nay.

Như chương trình Tòa tuyên án (VTV6) cũng là hình thức tuyên truyền pháp luật rất văn minh, hiệu quả, nhưng chỉ với truyền hình, còn về mặt báo chí, web... thì đang bỏ ngỏ.


Theo Tâm Lụa - Bá Sơn - Tuổi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X