Hotline 24/7
08983-08983

"Cô giáo ung thư" xinh đẹp và những lời nhắn gửi cho cuộc đời

Nếu bỗng một ngày bạn nhận tin dữ mình bị ung thư giai đoạn cuối, liệu bạn có chắc mình vẫn tươi cười mà vượt qua.

"Không bao giờ nghĩ mình bị ung thư"

Những dòng nhật ký được chính bệnh nhân viết trên Facebook cá nhân của mình đã gây "bão" nhiều ngày qua, được biết cô mới 28 tuổi:

Ngày 19/12/2016: "Tôi 27 tuổi, là giáo viên cấp 2. Hằng ngày tôi đi dạy, thỉnh thoảng tụ tập bạn bè, lâu lâu đi phượt. Tôi mới thi xong giáo viên dạy giỏi cấp huyện và rất vinh dự sắp được thi chung khảo để đi thi thành phố. Và bỗng 1 ngày cuộc sống của tôi hoàn toàn bị đảo lộn sau khi nhận được kết quả mắc bệnh ung thư trực tràng.

Tôi phải nằm viện, không thể hàng ngày đến trường dạy học, không thể làm điều mình thích hay đi đến nơi mình muốn. Tương lai mù mịt. Đi làm vài năm tiết kiệm được chút tiền cũng phải rút hết để chữa trị lại thành trắng tay.

Cảnh tỉnh mọi người!!!

Hãy đi khám sức khỏe định kì 6 tháng 1 lần. Có biểu hiện hơi khác thường phải đến bệnh viện kiểm tra ngay.

Hãy ăn thức ăn nhiều chất xơ, ít ăn mỡ và thịt đỏ, không rượu bia, thuốc lá!

Mỗi ngày tập thể dục ít nhất 30 phút".


Hình ảnh của Hằng những ngày đầu nằm viện. Giờ, cô bảo mình mắc bệnh nghiện ảnh đẹp, đang ở viện nên xấu xí lắm, không muốn chụp ảnh đâu.
Hình ảnh của Hằng những ngày đầu nằm viện. Giờ, cô bảo "mình mắc "bệnh" nghiện ảnh đẹp, đang ở viện nên xấu xí lắm, không muốn chụp ảnh đâu".

Đó là Nguyễn Phạm Thanh Hằng (SN 1989, trú tại Gia Lâm, Hà Nội). Chiều 21/2, gặp cô tại BV Ung bướu Trung ương, chúng tôi không khỏi bất ngờ vì nhìn lướt qua thì không ai nghĩ Hằng là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, cho đến khi chững lại trên mái tóc thưa thớt và đã bị cắt ngắn ngang vai…

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm, cô vào giảng dạy môn Âm nhạc tại trường THCS Lệ Chi (Gia Lâm). Vào tháng 12/2016, cô cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, một ngày đi vệ sinh 28 lần nên nghi ngờ cơ thể đang có vấn đề. Ngày15/12/2016, cô đến bệnh viện thì mới hay tin mình đã rơi vào giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư trực tràng, di căn vào phổi.

Thực ra, cơ thể Hằng đã ủ bệnh từ 4 năm trước nhưng do không để ý, biểu hiện mờ nhạt nên không được biết từ sớm.

Hằng kể: "Mỗi nhóm 6 người lần lượt đi khám rồi chờ kết quả. Mình là người cuối cùng trong nhóm đó, những người khác thì bác sĩ báo tình hình và kê thuốc luôn nhưng đến lượt mình thì ông lại hỏi "người nhà em đâu, anh cần gặp người nhà". Lúc đó, nét mặt bác sĩ rất căng thẳng, cũng đoán được có lẽ mình mắc bệnh nặng nhưng chỉ nghĩ chắc là viêm gì đó thôi.

Mẹ vào nói chuyện với bác sĩ rất lâu. Lúc ra thì không nói gì mà gọi điện cho anh trai và chị dâu luôn. Mẹ để quên bệnh án trên ghế chờ nên mình xem, nhìn thấy "K trực tràng", bật khóc luôn! Chưa bao giờ lại nghĩ mình có thể mắc phải ung thư như vậy…!".

Cũng chỉ là một cái "đinh" thôi

"28/12/2016: 14g30 rút kim xong, mình lả đi, nằm mê man không thể dậy được. 16g anh đến dọn đồ chở về thì cũng là lúc mình bắt đầu đau đớn. Những cơn đau bụng chỉ cách nhau 1 - 2 phút, bụng nổi cục cứng giống như khối u trồi lên, muốn vỡ ra, không thở được, tim giống như bị ai bóp nghẹt lại, mình đi ngoài ra máu. 21g hết thuốc giảm đau, lại đau y hệt như lúc chiều... Mình khóc và đã gọi "bố cho con đi theo với con không chịu đựng được", mẹ nằm cạnh và nắm chặt tay, ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

3/1/2017: 20 ngày kể từ ngày biết bệnh, cuộc sống đảo lộn hoàn toàn. Thèm váy đẹp tung tăng, thèm guốc cao xinh xắn, thèm túi xách xúng xính. Hàng ngày đến trường dạy học. Thèm một cái Tết bình thường...".

Những dòng nhật ký sau những cơn đau, khiến người đọc không khỏi xót xa... 2 tháng trị bệnh, 4 đợt truyền hóa chất (tổng 12 đợt trong 6 tháng) khiến mái tóc của Hằng càng rụng đi nhiều và phải cắt ngắn. Đổi lại, niềm vui là cơ thể Hằng nhận thuốc, tinh thần ổn định, ăn uống tốt nên đã... tăng được 2 kg. Mỗi khi vào viện thì mọi người đều nghĩ cô là người nhà, thậm chí còn bị bảo vệ đuổi ra vì hiểu nhầm.


Mái tóc dài của cô giáo trẻ giờ không còn nữa. Mùng 4 Tết, cô chia sẻ: Công việc đều đặn hàng ngày sau khi chải đầu là dọn tóc. Em chuẩn bị thanh lí lược.
Mái tóc dài của cô giáo trẻ giờ không còn nữa. Mùng 4 Tết, cô chia sẻ: "Công việc đều đặn hàng ngày sau khi chải đầu là dọn tóc. Em chuẩn bị thanh lí lược".

"Cũng không biết tại sao nhưng mình cảm thấy bình thường. Khóc mất hai, ba hôm đầu, mệt quá chẳng ăn được. Rồi chỉ nghĩ đơn giản là mình buồn thì cả nhà sẽ buồn, chán ăn theo, mình vui thì cả nhà sẽ vui theo. Nếu không đi khám thì cuộc sống vẫn sẽ bình thường, vậy khám rồi thì tại sao chỉ vì một dòng chữ mà mình lại phải thay đổi mình và cuộc sống?".

Không ngờ rằng, cách nói chuyện đơn giản, pha trò của cô lại dẹp tan mọi lo lắng và sự thương hại của người đối diện. Một sự sống mỏng manh trước ngưỡng cửa tử thần, cô lại mang đến niềm vui, sự lạc quan đến cho người khác:

"Tại sao mọi người cứ nghĩ ung thư là cái gì đó ghê gớm. Mình thì thấy chả làm sao cả, mình không sợ mà chỉ thấy buồn. Ban đầu, cả nhà choáng, mọi người xung quanh đều thái độ thương hại như kiểu mình sắp "đi" rồi. Những đêm đi vệ sinh, nghe tiếng mẹ khóc giấu trong phòng càng buồn hơn. Thế nên chỉ nghĩ mình vui vẻ thì mẹ mới vui được, thế là cố gắng ăn uống, tập thể dục huỳnh huỵch, mẹ nhìn thấy vậy cũng mừng rỡ. Đi chơi, cười toe toét, mọi người bảo "bệnh gì mà lại thế này?".

Nhiều lúc buồn vì thấy mình xấu xí. Khi đó, Hằng lại trang điểm, ăn mặc đẹp rồi... tự ngắm mình trước gương. Mọi người nhìn thấy lại hỏi "mày đi đâu?", cô cứ cười vui vẻ "không, con đi rửa mặt thôi". Hiện tại, sức khỏe Hằng đang khá lên và có thể cô sẽ trở lại trường vào năm học sau, vì "nhớ trường, nhớ học trò lắm!".


Cô giáo Hằng khi vừa kết thúc thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thời điểm trước khi đi khám và phát hiện bệnh nặng.
Cô giáo Hằng khi vừa kết thúc thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thời điểm trước khi đi khám và phát hiện bệnh nặng

Hỏi về điều đang cảm thấy nuối tiếc ở hiện tại, cô chỉ nói về cô con gái, chỉ mong được ở lại nuôi con lớn, ít nhất là đến khi con lấy chồng: "Không ai nói đâu nhưng con gái nghe được. Ở nhà không nói gì nhưng đến lớp thì khóc và nói với bạn. Con bé không nói nhưng nếu động vào là dễ khóc lắm! Hôm nọ hai mẹ con còn trêu nhau: "Mẹ phấn đấu sống đến khi nào con lấy chồng. Chẳng may mày mà ế thì bao giờ mẹ mới... chết được, nhỉ?" Con gái nhõng nhẽo nói lại "thế mẹ nghĩ con gái mẹ ế ạ, con sao mà ế được!".

Từ trong đau đớn, điều cô làm được không chỉ là tự giải thoát "địa ngục" trong lòng mình, kéo gia đình ra khỏi nỗi sợ đánh mất người thân mà còn giúp đỡ những con người khác - những người ở phương xa tự nhìn lại mình khi đọc được những dòng nhất ký chống bệnh của cô. Cũng vì thế, cô có thêm nhiều bạn:


Cô đã khiến nhiều người phải thay đổi suy nghĩ, và rồi điều mà cô nhận lại tưởng như rất vô hình nhưng lại thật ý nghĩa!
Cô đã khiến nhiều người phải thay đổi suy nghĩ, và rồi điều mà cô nhận lại tưởng như rất vô hình nhưng lại thật ý nghĩa!

"Ấn tượng nhất là một bạn ở miền Nam bị tai nạn, phải ngồi xe lăn 10 năm nay. Cô ấy bảo: "Tôi nghĩ tôi đã khổ lắm rồi nhưng không ngờ bà còn khổ hơn, chuyện của bà đã giúp tôi muốn được sống tiếp!". Mình bảo "Sau này tôi trọc, tôi xấu, tôi thích tóc dài nên bà phải để tóc dài đẹp, phải xinh đẹp, phải ăn nhiều, tôi vào chơi tôi sẽ ôm bà" thì cô ấy nói "tôi sẵn sàng cạo trọc đầu để giống bà".

Nói về ước mong được làm điều gì đó cho xã hội, cô muốn đưa ra lời nhắn nhủ: "Nếu được, mình cũng muốn cảnh tỉnh để thay đổi suy nghĩ của mọi người, nhất là giới trẻ bây giờ, vì ung thư không trừ một ai. Thứ hai, phải cảnh giác trước thực phẩm bẩn. Thứ ba là căn bệnh này không đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ. Còn với những người phụ nữ, mọi người hãy vô tư, yêu đời và xinh đẹp nhất có thể".

"Dù mai có "đi" thì hôm nay vẫn cười. Ung thư cũng chỉ là một căn bệnh, một cái "đinh" mà thôi".

Theo Nông Thuyết - Gia đình và Xã hội
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X