Hotline 24/7
08983-08983

Cô gái bệnh tật làm bạn với đôi nạng đến giảng đường

Bị lupus ban đỏ hệ thống kéo theo hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, giờ đây Bích Diệp, á khoa ĐH Khoa học Tự nhiên tiếp tục cuộc chiến với bệnh tật nhờ sự giúp sức của cây nạng.

Trong khu A Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng của BV Bạch Mai, Nguyễn Thị Bích Diệp (Triệu Sơn, Thanh Hóa) tập tễnh đi lại bằng nạng. Xung quanh cô gái 19 tuổi, nhiều bệnh nhân lupus nặng sưng phù mặt mũi, tróc da.

diep2-8914-1392962033.jpg

Hàng ngày, Bích Diệp vẫn tập đi lại dọc hành lang của Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai. Ảnh: Hoàng Phương

Bị bệnh lupus ban đỏ hệ thống từ năm lớp 12, Bích Diệp vẫn thi đậu đại học với 28 điểm, là Á khoa của ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Trở thành sinh viên lớp Cử nhân tài năng Sinh học, lịch học dày đặc khiến cô gái khá mệt nhưng vẫn vui vì được đến giảng đường.

Diệp ở trong ký túc xá, có bạn học giúp đỡ nên mẹ em không phải khăn gói ra Hà Nội chăm con gái. Bệnh lupus buộc em phải kiêng khem nhiều khi ăn uống, do đó em ngày càng sút cân, duy chỉ có nụ cười không bao giờ tắt. Vất vả nhất là lớp học trên tầng 5, không có thang máy nên nhiều hôm trời lạnh, chân tay đau nhức khiến em phải vịn cầu thang hoặc bám vào vai để bạn bè dìu đi.

Thời gian trước Tết, Diệp thấy nhức hai bên đùi nhưng vẫn nghĩ là đau khớp nên cố gắng giữ ấm cho cơ thể. Những cơn gió lạnh của mùa đông Hà Nội khiến em ho, sốt triền miên. Ăn Tết xong, Diệp cố đi học buổi đầu tiên của năm mới. Hôm đó, chân em mỏi rã rời, người đau nhức nhưng vẫn gắng gượng đi bộ từ bến xe bus về ký túc xá. Về đến phòng, em không nhấc nổi người, khẽ cựa cũng đau nên phải nhập viện luôn sáng ngày hôm sau.

Khi bác sĩ kết luận Diệp bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, em vẫn bình tĩnh hỏi thêm thông tin bệnh. Biết không có cách nào để chữa khỏi mà chỉ có thể kéo dài quá trình, Diệp tự nhủ phải xốc lại tinh thần và chiến đấu tiếp thôi.

diep3-8925-1392962033.jpg

Nụ cười chưa bao giờ tắt trên khuôn mặt kể từ ngày em biết mình bị bệnh lupus. Ảnh: Hoàng Phương

"Bây giờ chỏm xương đùi của em mới bắt đầu hoại tử. Khi di chuyển bằng nạng, trọng lực của phần thân trên dồn bớt lên nạng và giảm tải cho đôi chân. Đến lúc chỏm xương bị hoại tử hết, bác sĩ sẽ phẫu thuật thay chỏm xương nhân tạo nhưng tuổi thọ của nó không cao, kéo dài từ 20 đến 30 năm", Diệp giải thích.

BS Phạm Huy Thông, Phó giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng, BV Bạch Mai, người trực tiếp điều trị, thường xuyên động viên Diệp cố gắng sử dụng nạng. "Việc phẫu thuật hay không còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe bệnh nhân và quá trình hoại tử. Điều đáng mừng là Bích Diệp cười rất nhiều, luôn giữ được tinh thần lạc quan trong suốt quá trình điều trị", bác sĩ Thông cho hay.

Cuộc chiến chống lupus và kéo dài quá trình hoại tử chỏm xương của cô á khoa giờ có thêm cây nạng mẹ mới mua cho. Hàng ngày, Diệp vẫn tự đi khỏi phòng bệnh, lên xuống cầu thang dù rất đau đớn. Diệp còn tính sắp tới ra viện sẽ mua một chiếc xe đạp và rủ bạn cùng phòng đi chung. Hai người chở nhau đi học sẽ đỡ mệt hơn.

Ở bệnh viện chật chội, nhiều khi giường lên đến bốn người, nữ sinh phải xuống gầm giường nằm để nhường chỗ cho bệnh nhân có bầu. Hậu quả là ngày hôm sau, Bích Diệp ho đến mất cả giọng. "Dù sao em vẫn còn thường xuyên được nằm trên giường, chỉ thương mẹ ra ngoài này chăm, đêm nào cũng phải trải chăn ngủ dưới nền phòng lạnh lẽo vì bệnh viện không có chỗ", Diệp ngậm ngùi.

Bác sĩ và bệnh nhân trong khu này ai cũng biết cô gái tóc ngắn, có lúm đồng tiền cười nói suốt ngày. Diệp kể, những người nằm ở đây đều bị bệnh nặng. Nhiều người suy sụp tinh thần vì bị chồng và gia đình đối xử hờ hững. Có em bé nằm viện lâu lắm mà chưa thấy nở nụ cười bao giờ. Diệp tự nhận thấy tình trạng của mình khá hơn những người khác có lẽ vì em lạc quan hơn.

diep1.jpg

Bích Diệp những ngày đầu làm tân sinh viên. Em chia sẻ "Cuộc sống phía trước còn nhiều điều để khám phá, chưa khi nào em thôi hyvọng về tương lai". Ảnh: Vũ Sơn

Diệp kể, hôm nào bố em cũng nhắn tin động viên và được con gái nhận xét là rất "sến". Bố không dám gọi điện vì sợ thương con rồi lại khóc. Cô giáo chủ nhiệm hay đưa học trò đi tái khám. Bạn lớp trưởng dễ thương thi thoảng chở về ký túc xá khi đi học về. Bạn cùng lớp đến bệnh viện thăm, còn bàn nhau lập "đội đặc nhiệm", giao cho ba bạn nam cõng em từ cầu thang lên tầng 5 nếu chẳng may Diệp không thể bước đi.

Chưa bao giờ khóc vì những đau đớn của bệnh tật, nhưng hôm vừa rồi gọi điện về nhà, Diệp khóc tu tu khi biết cậu em trai không chịu chuyên tâm học hành. Diệp tâm sự, người truyền cảm hứng cho em nhiều nhất trong thời gian này là tài năng khoa học trẻ Đỗ Duy Hiếu. "Anh Hiếu là đồng hương quê Thanh, bị mất hai chân sau tai nạn mà vẫn tốt nghiệp loại xuất sắc, trở thành thủ khoa đầu ra của ĐH Khoa học Tự nhiên. Anh đến giảng đường bằng đôi nạng suốt 4 năm, em nghĩ mình cũng sẽ làm được. Không có thành công nào trải thảm hoa hồng mà", Diệp chia sẻ.

Nhắc đến kết quả học tập, Diệp hơi buồn khi hết học kỳ một năm nhất chỉ xếp loại khá. Diệp đặt mục tiêu sang kỳ hai nhất định phải làm một cú lội ngược dòng. "Có nạng rồi em sẽ tự xoay sở. Sinh viên lớn rồi sao phụ thuộc vào bố mẹ mãi được. Khi nào em khỏi chân tay thì em sẽ khỏe vô địch đấy. Bạn nào thi vật tay với tớ thì bơi hết vào đây nhé", Diệp hài hước chia sẻ.

Nghe con gái kể, chị Ngô Thị Hường cho hay: "Con bé này lỳ lắm, từ khi biết bị bệnh mà chẳng khóc bao giờ. Nhiều khi con còn động viên ngược lại mẹ, bảo khi nào con ra viện là mẹ phải về quê ngay, con có đôi nạng chăm sóc rồi", chị Hường ngân ngấn nước mắt kể.

AloBacsi.vn
Theo Hoàng Phương - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X