Hotline 24/7
08983-08983

Cổ đông Vinamilk thắc mắc việc đại gia xây dựng vào Hội đồng quản trị

Đề xuất đưa ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch một doanh nghiệp trái ngành là Coteccons - vào HĐQT khiến cổ đông Vinamilk lo ảnh hưởng đến công ty.

Cuộc họp Đại hội cổ đông Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk, mã CK: VNM) tổ chức sáng 15/4 ở TPHCM sôi động với những chất vấn của cổ đông về nhân sự Hội đồng quản trị (HĐQT) mới. Trường hợp được quan tâm nhất là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Coteccons - Nguyễn Bá Dương, một trong hai cá nhân được ban lãnh đạo đưa vào danh sách đề xuất với vai trò thành viên HĐQT độc lập.

Theo những ý kiến phát biểu tại cuộc họp, ông Dương là lãnh đạo một doanh nghiệp khác ngành, cũng bị dư luận than phiền về một số dự án. "Vậy mời ông Dương tham gia HĐQT của Vinamilk là với mục tiêu gì?", một cổ đông chất vấn.

Đáp lại thắc mắc, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên chia sẻ bà thấy hơi buồn khi cổ đông nghĩ về thành viên mới như vậy, bởi việc lựa chọn đã được HĐQT nghiên cứu rất kỹ.

"Sở dĩ chúng tôi chọn ông Dương là vì cơ cấu mới trong HĐQT có 3 thành viên độc lập phụ trách 3 tiểu ban quan trọng là nhân sự, ban kiểm toán và lương thưởng. Ông Dương là một trong top 10 nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của doanh nghiệp Việt, lại có rất nhiều kinh nghiệm trong quản lý. Do vậy, HĐQT cử ông làm trưởng tiểu ban lương thưởng để làm sao chi lương thưởng hài hòa cho cán bộ công nhân viên", bà Liên giải thích và hy vọng cổ đông chấp thuận thông qua.

Với việc thay đổi cơ cấu quản trị, kiểm soát mới thì từ năm nay, Vinamilk sẽ tăng số lượng thành viên HĐQT từ 6 lên 9 người, danh sách ứng viên cũng xuất hiện nhiều gương mặt mới, trong đó có lãnh đạo Coteccons, Big C.

co-dong-lo-lang-khi-ong-tran-ba-duong-lam-lanh-dao-vinamilk

Vinamilk nâng thành viên HĐQT từ 6 lên 9 người. Ảnh: Thi Hà.

Với kế hoạch kinh doanh mà Vinamilk trình, nhiều cổ đông cho rằng còn khá thận trong. Tuy nhiên, bà Liên lý giải đó là kế hoạch tối thiểu mà công ty đạt được, với nguyên tắc là phải lấy được thị phần, phát triển bền vững... "Dẫu vậy, công ty sẽ luôn vượt kế hoạch đề ra và chia cổ tức cho cổ đông luôn cao hơn mức dự kiến", nữ lãnh đạo này cam kết.

Một ví dụ được bà Mai Kiều Liên đưa ra là với sữa đậu nành, kem... Tuy doanh số đạt vài nghìn tỷ đồng một năm hiện nay chưa phải là lớn so với những mảng khác, song với nguyên tắc trên, khi có cơ hội, Vinamilk sẽ tập trung mạnh để đánh chiếm.

Về thị trường nước ngoài, vị này cho rằng vẫn chưa thể nói trước thị trường nào sẽ mang lại tăng trưởng cho công ty nhưng kỳ vọng đến năm 2021, doanh số ngoài Việt Nam sẽ đạt 19.000 tỷ đồng, chiếm 25% tổng doanh thu thông qua hoạt động xuất khẩu và M&A.

Đối với lộ trình thoái vốn của SCIC, lãnh đạo Vinamilk cho hay kế hoạch bán cổ phần đợt hai đang được trình lên Chính phủ. SCIC sẽ tuân thủ thông lệ thị trường  tối ưu hóa vốn nhà nước và lựa chọn nhà đầu tư cam kết lâu dài, mang lại giá trị bền vững cho công ty. "Cổ đông cũng không nên quá lo lắng khi lãnh đạo đối tác Thái Lan nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại doanh nghiệp. Bởi lẽ, chúng ta đang chung một thuyền và sẽ làm sao để thương hiệu càng phát triển, lợi nhuận ngày càng tăng", bà Liên nói.

Cũng tại đại hội, lãnh đạo Vinamilk cũng chia sẻ doanh thu quý I đã tăng hơn 16% và lợi nhuận sau thuế hơn 34%. Hiện công ty có 10 trang trại nuôi bò sữa và sẽ hướng tới tự động hóa trong tương lai. Năm nay, Vinamilk đặt kế hoạch doanh thu 51.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.735 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 4% so với 2016. Cổ tức dự kiến tối thiếu 50% lợi nhuận sau thuế.

Thù lao cho HĐQT nếu hoàn thành kế hoạch trên sẽ tăng lên 20 tỷ đồng. Cổ đông cũng đã thông qua phương án đưa số thành viên hội đồng lên 9 người cũng như cơ cấu nhân sự mà ban lãnh đạo đề xuất (trong đó có trường hợp ông Nguyễn Bá Dương).

Với kế hoạch 5 năm tới (2017 - 2021), Vinamilk kỳ vọng trở thành công ty sữa tạo ra giá trị gia tăng nhiều nhất tại Đông Nam Á. Theo đó, doanh nghiệp sẽ đầu tư vào các thị trường đang phát triển và mới nổi tại Đông Nam Á để xây dựng các công ty con thành công thông qua việc M&A và hợp tác. Vinamilk cũng sẽ tìm kiếm cơ hội tại Mỹ và khu vực Australia - New Zealand để tăng cường năng lực sản xuất và nguồn nguyên liệu.

Tổng doanh thu mục tiêu là 80.000 tỷ đồng, trong đó nội địa góp 61.000 tỷ đồng (chiếm 75%), doanh thu tại các thị trường nước ngoài 19.000 tỷ đồng (chiếm 25%). Đến năm 2021, tổng số lượng đàn bò tại các trang trại dự kiến đạt 44.400 con, mạng lại lượng sữa 157.000 tấn một năm, cùng với 251.000 tấn thu mua từ nông dân.

Theo Thi Hà - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X