Hotline 24/7
08983-08983

Chuyện ông bố Đặng Hữu Nghị xin lỗi mạnh thường quân

Sau những phản biện bất ngờ từ phía người vợ về cuộc sống thực tế của anh Nghị - người đàn ông một mình nuôi hai con trai bị bại não thì mới đây anh đã lên tiếng thanh minh.

Hình như cứ vài tháng thì Sài Gòn lại rộ lên một vụ việc thương cảm. Năm ngoái là vụ người cha làm thuê nuôi hai đứa con gái ở vỉa hè. Bao nhiêu tiền bạc đổ đến, nhưng sau đó hai cháu bé có cuộc sống tốt hơn không thì bạn chỉ cần Google một cái để biết rõ.

Còn nhân vật chính của mấy hôm nay khiến vô số người rơi nước mắt - anh Đặng Hữu Nghị với câu chuyện "Vợ bỏ, một mình đi bán kẹo nuôi hai con bị bại não", thì còn hơn thế nữa.

Ít nhất trong vô số bài báo, status trên mạng xã hội, clip của báo chí, truyền hình, của các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước, tôi thấy câu chuyện của anh đã được kể đi kể lại liên tục suốt năm năm nay. Thậm chí lần gần nhất trên báo Thanh Niên (chưa kể vụ hát trên truyền hình vừa xong) chỉ là mới trước Tết.

Và đã thành thông lệ, lần nào anh cũng được rất nhiều người đổ xô đến cho tiền, cho quà. Ngay khi bạn đang đọc những dòng chữ này, tôi chắc chắn dòng tiền từ khắp nơi vẫn đang được đổ đến tay anh Nghị.

Sau những phản biện bất ngờ từ phía người vợ và những người đã chứng kiến anh Nghị sống từ lâu nay, dư luận vẫn chia ra hai luồng ý kiến. Một bên bảo phải cẩn trọng xem xét thực hư và tìm cách giúp đỡ lâu dài chứ không thể chỉ lâu lâu thấy xã hội nhốn nhao lên thì đến dúi tiền rồi biến mất.

Một bên thì bảo suy nghĩ nhiều làm gì, dù sao anh ta cũng nuôi con mình chứ không tiêu hoang nhậu nhẹt, đặt mình vào hoàn cảnh anh ấy đi, liệu có nuôi được hai đứa con bại não như anh ấy không mà phán, biết bao nhiêu tiền cho đủ.

Chuyện ông bố Đặng Hữu Nghị xin lỗi mạnh thường quân và người Sài Gòn thương người lắm - Ảnh 1.Nhiều mạnh thường quân giơ điện thoại quay chụp, livestream lên mạng xã hội và nghe anh kể về cuộc sống của mình

Những tranh cãi như thế khiến tôi nhớ đến các câu chuyện tương tự.

1. Tháng trước, tôi đi cùng một tổ chức thiện nguyện phi chính phủ chuyên hoạt động phòng chống xâm hại tình dục trẻ em gái xuống một tỉnh miền Tây. Nơi đây vừa gây rúng động dư luận với các vụ mà chính người trong nhà hiếp dâm con gái/cháu gái.

Có nhiều kinh nghiệm trong việc này, chúng tôi muốn đưa các cháu bé tạm cách ly khỏi môi trường luôn gợi lại cho cháu những ký ức sợ hãi và cả những quan tâm không đúng cách của người xung quanh nữa.

Những thứ đó đều có thể gây tác hại không lường nổi cho việc chữa lành và hình thành tâm lý của cháu khi lớn lên. Được gia đình đồng ý, chúng tôi sẽ đưa bé về nhà OBV, nơi các cháu được nuôi dưỡng và cho đi học miễn phí, có các chuyên viên tâm lý theo sát điều trị từng cháu bé một.

Chúng tôi mang tâm trạng nặng nề. Phần vì những câu chuyện phi luân vượt ngoài sức tưởng tượng, phần vì ngay trước đó chúng tôi vừa chịu một đòn quá đau. Một cháu bé cũng ở một tỉnh miền Tây này, trong diện chăm sóc của nhà OBV, đã tự tử trước đó vài tháng. Đau nhất là trước đó mẹ cháu đã hứa đưa cháu lên Nhà, nhưng vì cận Tết nên cô ấy hẹn chờ ăn Tết xong cho vui vẻ. Vừa qua Tết chưa lâu thì cháu tự tử.

Theo những thông tin chúng tôi thu thập được, cháu bị kẻ hàng xóm hiếp dâm. Gia đình đã tố cáo nhưng sau đó người này chưa bị bắt mà vẫn hàng ngày lượn lờ như cũ khiến bé rất hoảng loạn.

Mẹ bé đi làm công nhân ở xa, bé sống với người thân nhưng nỗi sợ hãi trong lòng khó giải tỏa được. Nghe kể lại, có một số chi tiết khác khiến cháu bé nghĩ vụ việc sẽ bị chìm xuồng, kẻ thủ ác sẽ nhởn nhơ ở ngoài mà không bị đền tội, nên cháu quẫn bách nghĩ đến cái chết.

Nên mục đích của chúng tôi là khi xem xét thực tế thấy gia đình quá nghèo không đủ sức nuôi bé ăn học đến nơi đến chốn, quá neo đơn không đủ sức bảo vệ bé hoặc môi trường cũ không thuận lợi, thì xin cứu bé về Nhà tạm lánh ngay lập tức, để những sự việc đau lòng không lặp lại.

Chuyện ông bố Đặng Hữu Nghị xin lỗi mạnh thường quân và người Sài Gòn thương người lắm - Ảnh 2.

Hai gia đình đầu, mọi việc suôn sẻ.

Đến gia đình thứ ba. Cháu bé bị chính cha dượng hiếp dâm.

Trong căn phòng trọ nhỏ chỉ vừa đủ kê một chiếc nệm cỡ 1,6 m, một chiếc sào quần áo và kệ bếp bừa bộn, cháu đang sống với em trai và mẹ. Mẹ làm công nhân. Gã cha dượng đã bị bắt.

Chúng tôi gặp cả dì của cháu bé. Chị kể mẹ của cháu có hai con với người chồng đầu tiên "nhưng bà ngoại nuôi hết từ nhỏ tới lớn, mới đây bà ngoại mất rồi mới giao con về cho mẹ nuôi thôi hà".

13 tuổi nhưng bé mới chỉ học lớp 1 chung với em trai. Trước đó cháu không đi học.

Mẹ bé cũng chỉ nuôi hai đứa nhỏ, còn cháu gái lớn đã được cậu nuôi từ lâu.

Thế nhưng trước khi vào gặp, cô chuyên viên của Nhà OBV ghé tai tôi: "Trường hợp này căng lắm chị. Mẹ bé ra điều kiện nếu mình đón cả hai đứa về nuôi thì mới cho cứu bé gái".

Xâu chuỗi tất cả dữ kiện, tôi thấy gợn trong lòng lắm. Nếu chúng tôi đón cả hai đứa con lên Nhà thì quả thực trách nhiệm làm mẹ của cô ấy bắt đầu và tạm kết thúc thật nhẹ nhàng. Nhẹ đến có thể gọi là rũ bỏ!

Chúng tôi cố gắng thuyết phục bằng đủ mọi cách. Nhà chỉ nhận bé gái nên không thể đón bé trai về theo luôn được. Vả lại, chỉ còn phải nuôi một đứa con với số lương 3,5 triệu đồng/tháng của cô ấy tằn tiện cũng đủ, đã nhẹ gánh hơn rất nhiều. Còn tương lai bé gái thì được đảm bảo tốt.

Nhưng sau tất cả, kể cả sau khi vào ở tận trong ngôi nhà OBV, biết rõ con mình sẽ được chăm sóc tốt hơn rất nhiều, cô ấy từ chối thẳng. Lý do vẫn như cũ.

Tôi hiểu đấy chỉ là cái cớ. Cô ấy vẫn muốn ra điều kiện!

2. Một trường hợp khác chúng tôi vừa gặp chỉ cách đây vài tuần. Có một người bạn muốn tặng quần áo cho người nghèo nên chúng tôi đi tìm họ. Họ ở chung trong một ngôi nhà, có vài người nhanh nhẹn và khỏe mạnh hơn cả đứng ra tổ chức công việc và quản lý. Lần đầu chúng tôi đến, những người này rất niềm nở. Thế nhưng chúng tôi không muốn dừng lại ở việc mang quần áo đến cho mà muốn bàn cách giúp họ lâu dài.

Hoàng Long, em đạo diễn trẻ đồng nghiệp của tôi từng làm trong một tổ chức xã hội phi chính phủ chuyên giúp đỡ trẻ em đường phố nên hình dung công việc rất bài bản: lường trước số tiền và sự giúp đỡ sẽ nhận được, yêu cầu họ mua bảo hiểm y tế vì hầu hết đều mắc nhiều bệnh nhưng việc chạy chữa rất qua quýt, đưa họ đi chữa bệnh, sửa lại ngôi nhà cho sạch sẽ thoáng khí và nếu có thể thì lập sổ tiết kiệm để giúp họ quản lý số tiền, vân vân...

Ban đầu do có những người khuyết tật vận động nên chúng tôi muốn tìm xe lăn. Nhưng khi leo lên cái gác ọp ẹp, tôi đếm được đến năm sáu chiếc xe lăn cả cũ lẫn mới đang xếp xó ở mọi góc. Hỏi vì sao không dùng, đáp vì bánh xe hỏng rồi nhưng không có tiền thay.

Thế nhưng cũng chính họ cho tôi biết trước đó một bác sĩ người Việt sống ở nước ngoài ngỏ ý muốn sơn sửa lại ngôi nhà cho đàng hoàng sạch đẹp hơn, nhưng họ không đồng ý. "Muốn giúp bao nhiêu thì chia tiền ra cho bà con, bà con muốn xài sao thì xài chứ sửa nhà cho đẹp mất công chủ lấy lại" - người đại diện nói.

Cũng với lý do đó, những chiếc xe lăn được nhiều nơi trao tặng đã lần lượt bị bỏ xó, rồi sẽ bán ve chai với giá 50.000 đồng, trong khi giá mới mua của nó phải là - tôi vừa kiểm tra đây - thấp nhất là 1.400.000 đồng đến hơn 2.500.000 đồng cho loại thông thường.

Không phải họ không có tiền thay cái bánh xe để đi lại cho dễ. Vấn đề là nhìn khổ khổ thì kiếm được nhiều tiền hơn. Tiền trên trời rơi xuống thì xài dễ dãi hơn.

Lần cuối cùng chúng tôi đến ngôi nhà ấy là sau hôm vác ba bao lèn chặt quần áo đến. Khoảng hơn trăm bộ, chính tay chúng tôi lựa chọn và xếp thật gọn để bỏ được nhiều hơn.

Một phụ nữ nhanh tay chọn những bộ quần áo đẹp nhất xếp sang một bên, miệng sung sướng nói to với chồng: "Mấy bộ này con A (con dâu thứ nhất) mặc đẹp nè... mấy bộ này thì con B mặc đẹp".

Bà hỏi chúng tôi:Có quần áo con nít không? Cho đi, để mang về quê cho con cháu mặc.

3. Bạn ạ, bà ấy không khốn khổ đến mức không có quần áo mặc đâu. Bà có tiền đủ sống tốt. Bà chỉ đơn giản đã được quá nhiều người cho, từ thực phẩm, quần áo đến đồ dùng, từ vật phẩm đến tiền bạc. Và bà nghĩ là bà còn đến ba bốn gia đình con cháu ở quê và những người từ tâm (dân Sài Gòn thương người lắm-bà nói) đã cho bà thì nên cho cả những gia đình ấy nữa.

Nhưng chúng tôi không có gì cho nữa. Không tiền, cũng không hứa sẽ cho tiền. Vài hôm sau, thấy chúng tôi lại đến thăm, bà khó chịu ra mặt. Bà nói toẹt ra với chồng ngay trước mặt: "Bữa nay nhứt thống luôn đi (bà nói nhầm từ thống nhất), đừng có đến nữa. Đến gì đến hoài!".

Trong những câu chuyện của nghề làm báo, chúng tôi gặp không ít những người có suy nghĩ như người phụ nữ trên, hoặc đã chứng kiến quá trình hình thành nên nếp nghĩ đó của họ.

Chuyện ông bố Đặng Hữu Nghị xin lỗi mạnh thường quân và người Sài Gòn thương người lắm - Ảnh 3.

Mở ngoặc - cái xã hội mình lạ lắm. Ngày thường hàng xóm nhìn bà mẹ lột truồng đứa bé gái ra thay đồ hay xi tè ngay giữa nơi công cộng giữa cả đám đàn ông đang ngồi nhậu, chẳng ai khuyên can gì.

Nhưng chẳng may đứa bé bị xâm hại thì ùn ùn, người ta kéo đoàn kéo lũ đến thăm, phẫn nộ, chia sẻ, an ủi và rút ví hào phóng ngoài sức tưởng tượng. Đôi khi tôi nghĩ cách chia sẻ đó cứ như là âm bản của sự khuyến khích vậy - cứ gặp nạn đi rồi sẽ được che chở (nhưng mà phải gặp nạn trước đã nhé!)

4. Trưa hôm kia, đồng nghiệp của tôi cho xem tấm ảnh anh Đặng Hữu Nghị đang kiệu đứa con bị bại não lên vai giữa trùng trùng điện thoại của các mạnh thường quân livestream.

Chuyện ông bố Đặng Hữu Nghị xin lỗi mạnh thường quân và người Sài Gòn thương người lắm - Ảnh 4.

Chiều hôm qua, các em kể trong hai tiếng đồng hồ ở nhà anh, đã đếm được người ta đến cho 40 triệu đồng. "Ban đầu một anh Việt kiều đi SH đến cho 10 triệu, rồi một anh thanh niên chạy cái ào tới không nói tên tuổi giới thiệu gì hết, đưa ra một xấp toàn tờ 500.000 đồng, đếm cũng được 10 triệu rồi lại chạy cái ào đi mất. Lúc tụi em về là thấy một đoàn Việt kiều đang đi tới sau đó nữa".

Một người đọc khác comment cho biết tối qua công ty của cô đã qua biếu anh Nghị 50 triệu đồng.

Tôi kể em ấy nghe việc tổ chức thiện nguyện - Nhà OBV tôi nhắc ở trên - hiện vẫn đang nuôi vài em bé không bình thường về tâm thần, gửi tại một cơ sở nuôi dưỡng rất tốt của các bà xơ và phải trả 50% chi phí hàng tháng.

Một nơi nuôi trẻ kém may mắn khác rất nổi tiếng - mái ấm Vinh Sơn tại Kon Tum cũng đang nuôi cả những trẻ bị bại não.

Anh Đặng Hữu Nghị hoàn toàn có thể gửi hai đứa con vào những cơ sở từ thiện để được chăm sóc nuôi dưỡng một cách đầy đủ chuyên môn, còn bản thân anh thì đi làm kiếm tiền lo 50% chi phí còn lại. Anh cũng hoàn toàn có thể vào thăm con bất cứ khi nào muốn.

- Tại sao ông ấy không chọn điều đó? Có ai gợi ý cho ông ấy không em?"- Tôi hỏi.

- Có nhiều người nói thế lắm chị ạ. Cả trong nước lẫn nước ngoài cơ. Giúp tận nơi cơ. Nhưng ông ấy kể cho mọi người nghe câu chuyện đứa bé bị cụt chân rồi cha mẹ khó khăn đưa vào nhà nuôi trẻ, lâu lâu vào thăm mà lớn lên đứa bé ấy rất oán trách cha mẹ, bảo là không thương nó. Ông ấy bảo ông ấy không nỡ làm với con ông ấy như thế.

Không nỡ làm như thế? Thế nhưng ngồi ở nhà ôm hai đứa con, không nghề nghiệp, không vốn liếng, tất cả chờ chực vào sự bố thí của xã hội (trào lên từng cơn, rất định kỳ theo những thông tin bi ai kể lể trên báo chí, truyền hình) thì đấy là cách thương con tốt hơn sao?

Nếu lâu lâu "người cha bị vợ bỏ nuôi hai đứa con teo não" không có cách nào mới để khuấy động sự dễ xúc động của dân mình thì ba cha con ông sống bằng gì? Tiền lời từ mấy cái kẹo đủ nuôi họ ư? Ông ấy thương con hay đang nhờ xã hội thương và nuôi cả ba cha con hộ mình? Tôi ngờ ngợ nhưng chưa dám khẳng định.

Chuyện ông bố Đặng Hữu Nghị xin lỗi mạnh thường quân và người Sài Gòn thương người lắm - Ảnh 5.

5. Sáng nay thì đã có rất nhiều thông tin phản biện nhiều chiều.Anh Nghị đã xin lỗi người vợ bị mắc tiếng oan là bỏ chồng bỏ con tật nguyền để hưởng sướng một mình. Anh cũng đã xin lỗi các mạnh thường quân và đính chính là giờ anh không thiếu tiền nữa nhưng vẫn muốn đi làm để có tiền dành dụm về sau.

Dành dụm bằng cách đi bán mấy cái kẹo á? Anh Nghị ơi, anh vẫn cho tôi đi từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Dù sao câu chuyện vẫn đang tiếp tục. Và sự thật, tôi nghĩ, chẳng còn bao lâu nữa thì minh bạch trắng đen.

Thế nhưng những câu chuyện như thế này sẽ còn lặp lại. Tần số lặp lại phụ thuộc vào sự tỉnh táo, vào cách làm điều thiện có lý trí của mọi người. Làm điều thiện với mong muốn giúp đỡ người kém may mắn giải quyết khó khăn sau đó có thể tự mình sống tốt (khó lắm, cần kiên nhẫn để làm lâu dài), hay làm điều thiện là quăng ra một mớ tiền rồi tự ghi sổ thành tích với Phật, với Chúa - như một cách "ra giá" để đổi lấy niềm tin sẽ xí được chỗ trên Niết bàn sau này-bạn phải tự hỏi mình để chọn. Cần có hiểu biết và trải nghiệm mới làm được điều đó.

Còn nếu vẫn chưa hiểu, bạn hãy search cụm từ"Hào Anh, bị hành hạ, Cà Mau".

Và tôi sẽ giúp bạn vài cụm từ nữa.

Đây:

- Hào Anh từ đứa bé được cả nước thương tâm đến vòng lao lý

- Hết tiền, cha của 2 bé Huyền - Thoại lại sống vỉa hè.

Theo Hoàng Xuân - Thời đại

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X