Hotline 24/7
08983-08983

Chuyện ở cung đèo tử thần

Câu chuyện về 1 chiếc xe chở 37 hành khách du lịch bị mất thắng trên cung đèo Bảo Lộc được 1 tài xế xe tải dũng cảm kè rê xuống nơi an toàn trở thành đề tài nóng hổi...

Dư luận ca ngợi tài trí, can trường của 2 tài xế đã phối hợp nhịp nhàng, ăn ý trong tình huống sinh tử mong manh như tơ.

Từ chuyện thoát hiểm thần kỳ đó, chuyện “hiển linh” của ngôi miếu Ba Cô ở cung đèo tử thần (nơi xảy ra vụ việc) lại có dịp bùng lên râm ran.

Phút giây sinh tử

Trưa 6/9/2016, chiếc xe vận chuyển khách du lịch mang biển số BKS 53N-2824 do tài xế Phan Huy Toàn cầm lái trên đường tham quan du lịch TP Đà Lạt trở về Long An. Khi đến khúc cua tử thần trên đèo Bảo Lộc thì chiếc xe bỗng dưng mất thắng lao với vận tốc hơn 80km/h xuống dốc đèo về hướng TPHCM.

Một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực thẳm sâu hun hút, nhưng tài xế Phan Huy Toàn đã giữ được bình tĩnh điều khiển chiếc xe vượt hơn 2km qua 4 cung đèo gấp khúc, vượt một số xe khác và cuối cùng húc vào đuôi chiếc xe tải (BKS 49C-098.52) do tài xế Phan Văn Bắc cầm lái đang chạy cùng chiều.

Hiện trường vụ tai nạn mất thắng

Nhờ sự phối hợp khéo léo, ăn ý, của 2 tài xế, 2 chiếc xe tựa vào nhau giảm tốc dần trên đoạn đường dốc hơn 500m và dừng lại an toàn ở khúc cuối đèo Bảo Lộc (km97, QL20, thuộc địa phận Đạ M'ri, Đạ Hoai). Vụ "kè" hy hữu đã cứu sống 41 người trên cả hai xe.

Nhớ lại khoảnh khắc nguy hiểm, cận kề cái chết đó, tài tế Phan Huy Toàn kể: "Không thể giải thích được vì sao thời khắc đó tôi bình tĩnh đến lạ thường. Tôi tự nhủ phía sau lưng mình là sinh mạng hàng chục người, giữ được tay lái đến đâu hay đến đó. Có lẽ nhờ bà Cô độ (?) nên tôi gặp được chiếc xe tải cứu tinh của anh Bắc. Nếu không có anh Bắc, bây giờ tôi không biết sự tình ra sao".

Xen trong câu chuyện kể về phút giây nguy cấp đó, nhiều lần anh Phan Huy Toàn có nhắc đến việc trước khi xảy ra tai nạn, anh dừng xe ở miếu Ba Cô cho du khách thắp nhang khấn nguyện. Anh kể: "Khi đi vào đèo, xe tôi và chiếc xe con 7 chỗ của anh Ngà (người chủ thuê xe anh Toàn chở công nhân đi du lịch) có ghé vào thắp nhang miếu Ba Cô. Chúng tôi rời miếu được vài trăm mét thì xảy ra sự cố. Là tài xế, lần nào đi ngang tôi cũng phải ghé vào viếng Cô xin độ trì tay lái".

Ngay khi thoát nạn, một nam du khách đề nghị giấu tên kể: "Xe đang chạy bình thường, bỗng dưng chao nghiêng liên tục là mọi người đoán biết xe có sự cố rồi. Nhiều người la hoảng, ông chủ xe bảo mọi người im lặng để tài xế bình tĩnh lái. Đồ đạc trong xe xô dạt qua lại liên tục. Tôi nghĩ chết tới nơi rồi! Có người liên tục cầu khấn Cô độ(?) Cô đã dìu xe tụi tôi an toàn cho đến khi gặp xe anh Bắc, không thì toi mạng hết cả xe rồi".

Giai thoại về ngôi miếu Ba Cô trên cung đèo tử thần

Vụ "tai qua nạn khỏi" trên khiến một số người liên tưởng đến phép nhiệm mầu từ cõi tâm linh mà cụ thể là ngôi miếu Ba Cô ở tại cung đèo km103.

Hầu hết cánh tài xế đường trường có tuyến chạy ngang đèo Bảo Lộc đều tín ngưỡng Ba Cô. Mỗi khi chạy ngang nơi này, họ đều ghé vào cúng viếng hoặc nhấn 3 tiếng còi để "chào Ba Cô".

Cánh tài xế truyền miệng nhau lời đồn rằng, thời Pháp thuộc, có 3 cô gái ở Sài Gòn đi du lịch Đà Lạt. Khi đi ngang khúc cua cùi chỏ ở km103 thì bị lật xe, tử nạn. Đó là khúc cua hẹp nhất, nguy hiểm nhất trong số 107 khúc cua trên đèo Bảo Lộc mà cánh tài xế luôn thận trọng khi vượt qua. Sau một thời gian, cánh tài xế chạy đêm qua nơi đó thường trông thấy 3 cô gái đứng ven đường vẫy tay làm hiệu trợ giúp cho xe vượt qua cua gắt ấy.

Miếu Ông Hà (tức miếu Ba Cô).

Một đêm năm 1952, một xe tải chở rau quả từ Đà Lạt về Sài Gòn đã trật bánh lật xuống thung lũng sâu. Chiếc xe tan nát nhưng người chủ hàng và tài xế vẫn an toàn nhờ vướng vào một nhánh cây mọc lưng chừng thung lũng. Trong lúc rơi xuống thung sâu, người tài xế thoáng trông thấy mấy tà áo trắng phấp phới trước mặt(?). Cho rằng, đó là vạt áo của vong linh ba cô gái đã xuất hiện kéo họ vào nhánh cây, người tài xế và chủ hàng đã bỏ tiền xây ngôi miếu nhỏ tại đó để tạ ơn.

Từ đó, cánh tài xế lan truyền rất nhiều câu chuyện liêu trai, dị bản về “3 vong hồn trinh nữ” đó. Như một thông lệ, cứ lái xe ngang khúc cua đó, cánh tài xế luôn ghé vào khấn cầu bình an hoặc nhấn 3 tiếng còi chào "cô".

Năm 1972, lực lượng công binh VNCH nâng cấp, mở rộng tuyến đèo Bảo Lộc, ngôi miếu thờ vong linh 3 cô bị dẹp bỏ. Trước khi dẹp, một người lính đã cúng thỉnh vong linh 3 cô gái đưa "ký thác" vào ngôi miếu Ông Hà thờ đa thần ở gần đó.

Bên trong chính điện

Từ đó, cánh tài xế gọi luôn ngôi miếu Ông Hà là miếu Ba Cô. Khi đi ngang, họ vẫn viếng hương hoặc nhấn còi chào Ba Cô. Dần dà, mọi người đều ngộ nhận ngôi miếu Ông Hà là miếu Ba Cô.

Do được đồn cho là linh thiêng, hằng năm cánh tài xế và khách tín ngưỡng thường xuyên ghé vào cúng bái. Ngôi miếu được nâng cấp dần. Và hiện tại, toàn cụm kiến trúc ngôi miếu mang dáng vẻ của một ngôi chùa Phật giáo. Phía sân trước có tượng Bồ tát Quán Thế Âm.

Cách thờ tự trong ngôi chính điện không theo một khuôn mẫu tín ngưỡng nào, vừa giống đạo Mẫu, vừa giống Phật giáo lại vừa giống tín ngưỡng đa thần Trung Hoa: Giữa chính điện là một bàn thờ có hình tượng 5 vị thánh nữ có trang phục trông giống Ngũ Hành Nương Nương. Bàn thờ tả phụ lại thờ tượng Phật đản. Cạnh đó là linh vị người lập miếu là ông bà Đặng Hà - Nguyễn Thị Biện và thân nhân.

Phía hậu liêu và xung quanh có vài cái miếu nhỏ. Một ngôi miếu thờ có biển ghi "Bàn này thờ 12 cô trên ngàn, 12 cô dưới thác, cô Liễu Lục dâng trà cho Vua Cha và Mẫu Mẹ". Một ngôi miếu khác ghi "Bàn này thờ 1 vị chết trước thời Pháp. 10 tuổi. Nay 108 tuổi đã thành thần Địa".

Không có cái miếu nào thờ Ba Cô cả!

Bà Đặng Thị Lộc - người quản miếu Ba Cô - cho biết, cha của bà (ông Đặng Hà) rời quê hương Bình Định về vùng núi hẻo lánh này lập miếu từ năm 1924. Vì vậy tên gọi đúng là miếu Ông Hà. Bà cũng khẳng định rằng, trước đây miếu của 3 cô gái ở sát đường nhưng nay không còn nữa.

Cung đèo tử thần

Năm 1927, để khai thác tài nguyên vùng cao nguyên Lâm Viên và Lâm Đồng, thực dân Pháp khởi công xây tuyến đường rải đá có chiều ngang 4 mét nối Đồng Nai với Bảo Lộc (QL20). Con đường vắt qua sườn ngọn núi Spung (tức núi Đại Bình) cao 1.100 mét so với mặt nước biển chính là ngọn đèo B'lao (tức Bảo Lộc ngày nay).

Ngày 31/5/1927, con đường được khánh thành. Tuy đã được khánh thành nhưng nhiều đoạn trên đèo B'lao có độ dốc hơn 17 độ. Trong 107 khúc cua trên đèo có 4 khúc cua bẻ góc 10 độ. Để hỗ trợ xe vượt đèo, lực lượng công chánh phải thường xuyên túc trực tại các điểm gấp khúc và độ dốc cao.

Thuở đó, mỗi tuần chỉ có 2 chuyến xe T Grand De Six bưu cục và tải lương đi qua tuyến đèo B'lao. Trước khi vượt đèo, xe phải dừng ở trạm đầu đèo chờ lực lượng công chánh triển khai đội hình hỗ trợ. Khi xe vượt những đoạn dốc, người phụ xế và lực lượng công chánh phải dùng súc gỗ chèn bánh nhích từng chút.

Sau nhiều lượt nâng cấp, đến năm 1972, tuyến đường này mới được tráng nhựa và những con dốc 17 độ mới hạ xuống còn 10 độ. Trước khi được tráng nhựa, nhiều tai nạn kinh hoàng đã xảy ra trên tuyến đèo này. Căn cứ vào tỷ lệ tai nạn thì 4 đoạn cua đầu đèo (km98, km101, km103 và km104) là nơi nguy hiểm nhất. Trong đó, khúc cua ở km103 - miếu Ba Cô - xảy ra tai nạn lật xe nhiều nhất. Vì vậy, cánh tài xế gọi đoạn này cung đèo tử thần.

Trước năm 1975, nhiều tài xế kỳ cựu vẫn tăng nhịp tim khi vượt cung đèo này. Trong trạng thái lo sợ, họ chỉ còn cách... dựa vào niềm tin tâm linh. Đó là lý do vong hồn 3 cô trinh nữ trở thành biểu tượng tín ngưỡng của cánh tài xế.

Sau này, tuyến đèo được mở rộng thêm, nhiều biện pháp kỹ thuật được áp dụng để hạn chế thấp nhất tai nạn. Thế nhưng cung đèo tử thần vẫn là nơi có tỷ lệ tai nạn cao nhất, mặc dù cánh tài xế vẫn... cúng viếng 3 cô.

Tấm bảng bên trong các ngôi miếu nhỏ

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, ở cung đèo đó, trung bình mỗi tháng xảy ra từ 2 đến 4 vụ va quẹt, té ngã của các loại xe. Đặc biệt, tính từ năm 2013 đến nay có 7 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm nhiều người chết.

Vụ tai nạn được đánh giá là kinh hoàng nhất xảy ra vào ngày 16/2/2013: Chiếc xe tải BKS 60P-1678, chở rau từ Đà Lạt đi TPHCM lấn trái để vượt 1 chiếc ô tô cùng chiều đã tông trực diện vào 3 chiếc xe máy chở 8 người chạy theo chiều ngược lại. Chiếc xe tải lao thẳng xuống vực sâu hơn 30 mét. Vụ tai nạn khiến 7 người vong mạng.

Vụ tai nạn kỳ cục nhất xảy ra vào ngày đầu năm 2014: Một chiếc xe tải đang xuống dốc trên cung đèo tử thần, bất chợt 1 chiếc lốp bung ốc văng ra trúng vào ông Đ (quê quán Hà Tĩnh) đi xe gắn máy chở mẹ vợ chạy chiều ngược lại. Hai nạn nhân tử vong tại chỗ.

May mắn nhất là vụ tai nạn xảy ra vào ngày 29/7/2016 được camera hành trình của một chiếc ô tô ghi lại: Một người đàn ông chở vợ ôm con nhỏ bằng xe gắn máy chạy rất nhanh, liên tục lấn làn ngược chiều để vượt các xe ô tô. Khi vừa vào cung đường tử thần, ông ta tiếp tục lấn làn ngược chiều để vượt một chiếc xe tải cùng chiều, đúng lúc từ hướng ngược lại một chiếc xe khách xuất hiện. Chiếc xe máy bị kẹp vào giữa xe tải và xe buýt nên ngã lăn ra đường.

Không hiểu sao, cả 3 người trên chiếc xe máy không bị cuốn vào gầm xe tải. Vụ ngã không gây cho 3 người vết xước nào, chỉ vừa đủ để người đàn ông kinh hoảng, không dám chạy xe ẩu tả, sai luật.

Trước khi xảy ra vụ xe khách mất thắng hơn 1 tuần, vào ngày 28/8/2016, một chiếc xe tải chở gỗ thông từ hướng Đà Lạt về TPHCM, khi vào đoạn đèo tử thần bất ngờ lạc tay lái va quẹt với 1 chiếc xe tải khác rồi đâm sầm vào vách núi. Cú va chạm mạnh khiến hàng trăm khúc gỗ ở thùng sau bị lực quán tính dồn tới, đẩy văng cabin xe ra ngoài, bẹp dúm, kẹp chặt tài xế. Người dân phải nạy cửa xe gần nửa giờ mới đưa tài xế ra khỏi ca bin đưa đi cấp cứu trong tình trạng trọng thương.

Trong vụ xe khách mất thắng, điều đầu tiên giúp 40 hành khách thoát lưỡi hái tử thần chính là sự bình tĩnh, khéo léo, chuyên nghiệp và có trách nhiệm của tài xế Phan Huy Toàn. Chính tài xế Toàn đã giữ vững tay lái suốt 1 đoạn đường gấp khúc ven vực sâu hun hút, trước khi chiếc xe khách gặp xe tải của anh Bắc. Tinh thần dũng cảm của tài xế Phan Văn Bắc và sự phối hợp nhịp nhàng của hai tài xế đã cứu toàn bộ người trên xe khách của anh Toàn thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Giới tài xế chạy tuyến đường đèo khẳng định: Những tài xế không thường xuyên chinh phục đường đèo rất hay rà thắng liên tục khi xuống dốc. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến mất thắng. Má thắng bị ma sát liên tục khiến nhiệt độ tăng cao gây ra hiện tượng sôi dầu thắng dẫn đến tuột áp. Để tránh hiện tượng này, các tài xế có kinh nghiệm đường đèo không rà thắng khi xuống dốc mà hãm tốc bằng số.

Xem ra, niềm tin là một chuyện, còn để phòng tai nạn thì vẫn phụ thuộc và là trách nhiệm của con người, chứ chẳng do thần linh nào cả!

Theo Nông Huyền Sơn - Công an nhân dân

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X