Hotline 24/7
08983-08983

Chuyên gia nói rất khó xác định chất độc trong vụ sát hại Kim Jong-nam

Các chuyên gia cho rằng rất khó để xác định được loại chất độc đã được dùng để sát hại Kim Jong-nam nhưng việc này không phải là không thể.

Kim Jong-nam. Ảnh: BBC.

Kim Jong-nam. Ảnh: BBC.

Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bị sát hại tại sân bay Kuala Lumpur ngày 13/2. Kim bị hai nữ nghi phạm tấn công, xoa một loại chất lỏng, nghi là chất độc, lên mặt. Kim sau đó cảm thấy đau đớn và tử vong trên đường đến bệnh viện.

Nếu Kim thực sự bị hạ độc, xác định loại chất độc sẽ là phần khó nhất trong quá trình điều tra. Các mẫu mô và dịch cần phải gửi đến một cơ sở có quy mô lớn hơn ở nước ngoài, như Nhật Bản hoặc phòng thí nghiệm Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), để phân tích chuyên sâu, trong trường hợp giới chuyên gia Malaysia không thể tìm ra nguyên nhân.

"Chất độc càng bất thường, độc tính càng mạnh và càng dễ bay hơi thì nó càng khó bị phát hiện", New Straits Times dẫn lời Olif Drummer, chuyên gia chất độc tại Viện Victorian về Pháp y, Australia, nói. Drummer có hơn 40 năm kinh nghiệm thực địa.

Giới chuyên gia về các vụ đầu độc nói Kim Jong-nam bị sát hại là một "vụ đặc biệt" nhưng không phải là không thể khám phá. Họ tự hỏi loại chất gì có thể khiến nạn nhân tử vong nhanh mà không ảnh hưởng đến người sử dụng cũng như những người xung quanh.

Khó nhưng sẽ xác định được, họ nói.

"Đó không phải loại chất có thể chế trong phòng khách sạn. Phải có hiểu biết về hóa chất để thực hiện vụ tấn công này", theo Bruce Goldberger, chuyên gia chất độc đứng đầu phòng pháp y tại Đại học Florida.

Ông nhận định Kim có thể tử vong vì khí độc thần kinh hoặc ricin, hợp chất chết người có trong hạt thầu dầu, hoặc một hỗn hợp opioid mạnh. "Nó được nghiên cứu kỹ để không gây hại cho ai khác ngoài nạn nhân", Goldberger nói.

"Với tôi, giết người bằng chất độc rất dễ che giấu", John Trestrail, chuyên gia pháp y đã xem xét hơn 1.000 vụ đầu độc, cho biết. "Nếu những người nằm dưới mồ có thể giơ tay lên nếu họ bị hạ độc, chúng ta chắc chắn sẽ bị sốc".

Nghiên cứu của Trestrail chỉ ra rằng chất độc ít được dùng hơn là đâm dao hoặc súng đạn nhưng những kẻ đầu độc thường thực hiện nhiều hơn một lần. "Họ không bị chú ý cho đến khi có ai đó nói 'cô ấy có 4 đời chồng và họ đều đột tử'", Trestrail nói. "Sau đó sẽ là khai quật để khám nghiệm và: Bingo!".

Diễn biến vụ hạ độc Kim Jong-nam (Ấn vào hình để xem cỡ lớn). Đồ họa: Việt Chung/ Straits Times

Diễn biến vụ hạ độc Kim Jong-nam (Ấn vào hình để xem cỡ lớn). Đồ họa: Việt Chung/ Straits Times

Theo Như Tâm - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X