Hotline 24/7
08983-08983

Chuyên gia: Khó có giải pháp chống tắc đường Hà Nội với cuộc thi gấp gáp

Chuyên gia của Đại học Giao thông Vận tải cho rằng cuộc thi tuyển ý tưởng tổ chức giao thông của Hà Nội quá gấp và giải thưởng chưa đủ chi phí thực hiện các mô hình giao thông.

Ngay khi vừa công bố hôm 12/1, cuộc thi ý tưởng tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc của Hà Nội thu hút đông đảo người dân và chuyên gia với gần 900 bình luận, hiến kế gửi đến VnExpress.

Theo giám đốc Sở Giao thông Vũ Văn Viện, cuộc thi đưa ra 3 yêu cầu lớn. Một là đánh giá lại toàn diện phương án tổ chức giao thông của Hà Nội, gồm cả tồn tại và nguyên nhân. Hai là tổng kết mô hình tổ chức giao thông hiện đại của thế giới, trên cơ sở đó rút ra mô hình cho Hà Nội. Ba là ý tưởng tổ chức giao thông theo đầu bài cụ thể của thành phố.

Bởi yêu cầu chuyên môn cao như vậy nên đối tượng dự thi "bắt buộc phải là những doanh nghiệp, tổ chức tư vấn trong và ngoài nước thực sự có năng lực, kinh nghiệm; được Ban tổ chức mời tham gia".

Sau vòng sơ tuyển, Ban tổ chức lựa chọn không quá 5 đơn vị để hỗ trợ kinh phí thực hiện bài thi. Thời gian làm bài trong 3 tháng (đầu tháng 2 đến 27/4), lễ công bố kết quả và trao thưởng trong tháng 5. Ông Viện khẳng định, trên cơ sở ý tưởng đề xuất và đoạt giải, thành phố sẽ triển khai vào thực tế.

"Những ý tưởng nhỏ lẻ chúng tôi vẫn tiếp nhận theo cách bình thường", ông Viện nói thêm.

Ông Phạm Hữu Sơn (Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải - ủy viên thư ký Hội đồng chấm thi) cho rằng cuộc thi là rất cần thiết, muộn còn hơn không. "Cuộc thi sẽ nhận được các giải pháp tốt nếu đưa ra đầu bài mở cho các nhà tư vấn tự do sáng tạo. Với các đơn vị tư vấn quốc tế, nước họ từng trải qua ùn tắc giao thông nên có nhiều bài học, họ sẽ truyền lại cho chúng ta", ông Sơn nói.

chuyen-gia-kho-co-giai-phap-chong-tac-duong-ha-noi-voi-cuoc-thi-gap-gap

Ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành.

Trước những băn khoăn về việc thời gian nộp hồ sơ và làm bài thi quá ngắn, ông Sơn giải thích, đơn vị nào quan tâm thì ngay từ bây giờ họ đã tìm hiểu hiện trạng giao thông, nghiên cứu số liệu để đưa ra ý tưởng, "làm bài thi trong 3 tháng là phù hợp". 

Ông Vũ Văn Viện cũng cho rằng do "Sở lựa chọn mời những đơn vị thực sự am hiểu về Hà Nội, có năng lực và kinh nghiệm nên thời gian như vậy là đủ".

Trái với các ý kiến trên, TS Đinh Thị Thanh Bình (Trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, ĐH Giao thông Vận tải) nhận xét thời gian thi quá ngắn nên khó có giải pháp tốt.

"3 tháng để đưa ra một giải pháp cụ thể cho giao thông đô thị Hà Nội là rất khó, trừ trường hợp đơn vị tư vấn đã có sẵn ý tưởng, chỉ hoàn thiện thêm theo yêu cầu của Ban tổ chức. Ngoài ra, chi phí 25.000 USD cũng không đủ để thực hiện các mô hình giao thông", bà Bình nói và cho rằng với 3 tháng thì chỉ có thể đưa ra giải pháp chung như các đề án đã có.

TS Bình giải thích, Hà Nội đã có nhiều đề án nghiên cứu về ùn tắc giao thông ở các cấp khác nhau. Các đề án này đưa ra nhiều giải pháp chung cho giao thông đô thị song thiếu các "lời giải" chi tiết, ví dụ về hạn chế xe cá nhân thì chưa làm rõ hạn chế theo ngày, theo tuyến đường, hay theo phương tiện... 

"Chúng ta cần đi vào chi tiết, nếu cuộc thi chỉ đưa ra giải pháp định hướng thì không cần thiết", bà Bình nêu quan điểm. Chuyên gia này cho rằng, với kinh phí được tài trợ như trên, thành phố nên làm chiến lược quản lý giao thông đô thị và kế hoạch tổ chức giao thông, thay vì tổ chức cuộc thi ý tưởng.

Cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc do Sở Giao thông Hà Nội thực hiện có giải nhất trị giá 200.000 USD (khoảng 4,4 tỷ đồng); giải nhì 100.000 USD (khoảng 2,2 tỷ đồng). Các hồ sơ đạt tiêu chí dự thi được hỗ trợ 25.000 USD làm bài. Toàn bộ kinh phí do doanh nghiệp tài trợ.

Ban tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký từ 19 đến 23/1 tại Ban quản lý các dự án duy tu, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (đường Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội).

Cuộc thi nhằm lựa chọn phương án tổ chức giao thông, chống ùn tắc, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân trên cơ sở mạng lưới hạ tầng hiện trạng và quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Các bài thi tập trung vào các vấn đề như: Định hướng xây dựng không gian ngầm, bao gồm hướng tuyến, vị trí và quy mô các tuyến đường sắt đô thị; vị trí, quy mô hầm đường bộ và khu vực dự kiến xây dựng bãi đỗ xe ngầm; Đề án giao thông thông minh, ứng dụng các công nghệ tiên tiến về điện-điện tử trong quản lý điều hành giao thông và kiểm tra, xử phạt vi phạm giao thông, kiểm soát giao thông; Đề án tăng cường quản lý phương tiện cá nhân.


Theo Đoàn Loan - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X