Hotline 24/7
08983-08983

Chuyện buồn của gia đình "vua đẻ" ở Cao Bằng

Với cái lý "sinh voi ắt sinh cỏ", ông Trương Văn Ve, trú tại thôn Tả Bốc, xã Lương Thông, huyện Thông Nông (tỉnh Cao Bằng) lấy liền 2 vợ và sinh một mạch 21 đứa con.

"Voi" thì sinh ra rồi, "cỏ" thì chưa thấy, gia đình ông Ve đang vật lộn, lo ăn từng bữa.

Ở cái tuổi 50, đã thấm cuộc sống cơ cực khi đông con, người đàn ông ấy chắc hẳn cũng rất ngán ngẩm với cái biệt danh "vua đẻ".

"Truyền thống" đẻ nhiều

Trên dải đất hình chữ S này chắc khó có nơi nào đẹp hơn Tả Bốc. Một bản nhỏ của người dân tộc Mông nằm gọn lỏn giữa thung lũng đầy hoa dại. Thứ hoa đẹp nhất, nhiều nhất phải kể đến hoa của cây thuốc lá.

Nó nhiều đến độ người ta còn mệnh danh nơi đây là "thủ phủ" của cây thuốc lá. Mới đây Tả Bốc bỗng dưng nổi như cồn vì có một "ông vua" - ông "vua đẻ".

Bữa cơm không quá thiếu thốn của những đứa con ông Ve.

Thấy chúng tôi cầm máy ảnh, bà con trong bản đã mau mắn hỏi: "Đến nhà ông vua đẻ à?"; "Đến nhà ông Ve phải không?". Người ta phong cho ông làm "vua đẻ" cũng không quá, và cũng ít ai vượt qua ngưỡng đó. Ông sở hữu 2 bà vợ, cả thảy có tới 21 người con… và chưa biết có ý định dừng lại không.

Ở cái bản Tả Bốc quanh năm mây phủ này, đâu cũng là anh em họ hàng của ông Ve. Anh em ruột, anh em họ rồi đến con cái, con rể rải khắp bản. Đơn giản vì dòng họ của ông có truyền thống đẻ nhiều.

Mấy đời gần đây thế hệ nào gia đình ông Ve cũng lập kỷ lục đẻ nhiều nhất bản. Đời ông cụ của ông Ve có đến 12 con, bố mẹ ông cũng sinh 8 người con, ông Ve là con thứ 2. Cuối cùng là vợ chồng ông Ve được cho là "hàng xuất sắc tiếp nối cha anh" với 21 người con.

Chúng tôi đến Tả Bốc khi trời chạng vạng tối, ngôi nhà sàn ọp ẹp nằm xiêu vẹo lưng chừng đồi. Người đàn ông 50 tuổi tất bật, luôn chân tay chuẩn bị bữa cơm chiều cho đàn con.

Khi thì mắt trợn lên mắng đứa nhỏ trèo lên mỏn đá cạnh nhà, lúc lại quát con đến bạt cả giọng vì tội nghịch lửa trong bếp. Bên trong ngôi nhà của ông "vua đẻ" ấy như thể một lớp mầm non.

Chỉ tay về đống đồ chơi tự chế cho các con, ông Ve nói như phân trần: "Đấy, một đống đồ chơi có chịu chơi đâu. Sểnh ra một cái là chạy loạn xạ lên, không trông là có chuyện ngay đấy".

Bà cả xay ngô chuẩn bị cho bữa cơm chiều

Dứt lời ông lôi chiếc điếu cày xó bếp kéo một hơi thật dài: "Ngày hôm nay tôi được các bà giao nhiệm vụ trông 8 đứa nhỏ, còn lại những đứa lớn đi theo mẹ lên nương ngô. Số thì chăn bò trong thung lũng, ai cũng có việc cả, nhưng trông trẻ đối với tôi là một công việc khó".

Nói là "ông vua" nhưng ở ngôi nhà ấy ông cũng chẳng lấy gì làm sung sướng khi mà hàng ngày ông phải gò lưng lo cho mấy chục cái tàu há mồm. Mặt trời còn chưa nhoi lên khỏi đỉnh núi sau nhà, ông Ve cùng hai người vợ đã phải lục tục dậy đun nước, rang mèn mén cho bữa sáng.

"Vất vả lắm, sáng nào cũng phải dậy sớm làm bữa sáng cho các con. Bữa sáng cũng chỉ có bát canh, mỗi người một lưng mèn mén rang thôi. Lo được đến thế là vất vả lắm rồi" - Vừa lau mặt cho đứa con nhỏ, ông Ve vừa kể.

Để phân công công việc hàng ngày cho hàng chục con người trong nhà là chuyện không hề đơn giản. Sáng nào ông Ve cũng phải nghĩ nát óc cho buổi "giao ban" trong gia đình mình.

Ngồi chễm chệ trên chiếc ghế mây, ông Ve ra lệnh: "Ngày hôm nay bà lớn (bà cả) với 3 đứa lên nương làm cỏ ngô. Bà hai đi cùng 5 đứa lên đồi cắt cỏ bò cho mấy ngày tới. Còn tôi đang mệt nên sẽ ở nhà trông mấy đứa nhỏ còn lại. Thôi ai vào việc nấy!". Sau buổi "giao ban", người thì tự mài dao, đứa thì mài cuốc cứ thế dăm dắp mà làm.

Ông Ve tỏ ra hài lòng về những đứa con của mình, ông bảo: "Thế thôi nhưng chúng nó ngoan lắm. Nhà còn 4 đứa nhỏ, đứa thì chưa biết đi, đứa đã đi được nhưng chưa vững, số lớn hơn chút thì luôn phải để mắt đến, rời mắt cái là có chuyện ngay".

Chúng tôi ngỏ ý muốn nói chuyện với một số người con của ông Ve, nhưng đó là điều không hề dễ dàng. Bởi, trong số 21 đứa con chỉ có một vài đứa nói được tiếng Kinh. Đưa chúng tôi ra phía bờ suối, ông Ve giới thiệu đứa con gái thứ 3, đã lấy chồng, có thể tiếp chúng tôi bằng tiếng Kinh.

Trương Thị Sỉ (SN 1992), người con hiếm hoi được học chữ. Sỉ kể: "Vì bố mẹ em đẻ nhiều nên gia đình em nghèo nhất ở đây. Phần lớn anh chị em trong nhà đều không được nuôi dưỡng, học hành như bạn bè". Để học được hết cấp 2, Sỉ đã phải hy sinh rất nhiều. Để có tiền đi học, em tự mình đi gùi đất, gùi cát thuê cho những cai xây dựng.

Kể đến đây Sỉ rớm nước mắt tâm sự: "Trong nhà em chỉ có em và thằng Vàng biết chữ thôi. Em muốn học lắm nhưng vì phải nghỉ để lấy chồng, 3 chị gái trên em đều lấy chồng cả rồi".

Sinh "voi" mà không sinh "cỏ"

Dù được mệnh danh là "ông vua đẻ" nhưng đến giờ phút này ông Ve cũng chẳng lấy làm sung sướng. Với 21 đứa con, cùng 2 bà vợ thì chỉ cần lo cho mỗi miệng ăn một bát ngô mỗi bữa thôi cũng là quá sức.

Trong danh sách những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã, gia đình ông Ve luôn đứng đầu bảng, được báo động là có khả năng đói ăn nếu mất mùa.

Ảnh cưới hiếm hoi của ông Ve

Đến giờ ông Trương Văn Ve vẫn không thể lý giải vì sao mình lại sinh hơn 20 đứa con. Cái đói, cái nghèo vì đông con có lẽ ông Ve là người hiểu rõ nhất.

Ông nói: "Cũng vì muốn sinh con trai, rồi có con trai rồi lại sinh thêm con gái cho có nếp có tẻ nên mới thành ra thế này. Cả cuộc đời tôi, gần như có thể đếm được những lần được ăn cơm nấu từ gạo.

Những đứa nhỏ bây giờ tôi thương chúng nó quá. Đi chơi về cứ khóc ngặt đòi ăn cơm, không chịu ăn mèn mén. Hỏi ra mới biết chúng nó thấy bạn bè đều được ăn cơm trắng. Buồn lắm chú ạ".

Trước kia có một vợ, đẻ vài ba đứa con, cuộc sống có vẻ đủ đầy, kể cả những năm thất thu thì vẫn còn bữa no bữa đói. Giờ lấy thêm vợ nữa, con đẻ nhiều hơn, vợ chồng con cái kéo nhau lên núi khai hoang, trồng thêm ngô, thêm sắn nhưng vẫn đói triền miên.

Thế rồi cuộc sống còn kéo theo bao chuyện phiền phức. Hai bà vợ thường xuyên xảy ra xích mích, cãi vã. Lý do đơn giản là vì chúng tranh nhau ăn, hai bà bênh con ruột của mình chuyện phân công công việc.

Đã nhiều lần xảy ra chuyện lớn, cũng may ông Ve là trụ cột, có tiếng nói đứng ra hòa giải. "Nhiều lúc tôi cũng bất lực vì chuyện cãi vã đó. Đã nhiều lần phải nhờ đến chính quyền xã đến giải quyết hộ" - ông Ve lắc đầu ngán ngẩm.

Trong ngôi nhà sàn xiêu vẹo ấy còn đến 3 thế hệ cùng chung sống. Chưa đầy 20 tuổi nhưng Trương Văn Vàng (SN 1997, con trai bà cả) cũng đã có cho mình 1 cô vợ và hai đứa con. Vàng cũng là đứa con được liệt vào hàng may mắn trong số hơn 20 anh em.

Thế nhưng cũng như chị Sỉ, Vàng phải tự mình cày thuê cuốc mướn để có tiền đi học. Muốn đi học thêm, quyết tâm làm thuê để lo cho đường học cũng không được. Vàng bị bố mẹ ép nghỉ học sớm để lấy vợ.

Giờ vợ Vàng đang chửa, mấy tháng nữa sẽ lại thêm một thành viên nữa. Vàng tâm sự: "Em cũng thuộc hàng may mắn nên đã học lên đến lớp 9. Hôm nay em phải cùng bố ở nhà chăm các em. Rồi còn lo bữa trưa để mang cho hai mẹ con trên rẫy".

Vàng cho chúng tôi xem bữa trưa mình chuẩn bị cho vợ, con, bố mẹ và các em, Vàng rưng rưng: "Toàn mèn mén thôi anh ạ. Có bao giờ được ăn cơm trắng với thịt đâu. Nếu khi nào thịt gà chắc phải mổ 4 -5 con may chăng thì mới đủ.

Tả Bốc là bản giữ nhiều kỷ lục về sinh đẻ nhất.

Cả thảy phải bày biện ra làm 4 mâm". Mới đây, 4 đứa con trai của bà hai cũng thi nhau lấy vợ về, họ tiếp tục sống chung vì không đủ đất. Dự tính trong thời gian tới, tính tổng các thành viên trong gia đình ông Ve có thể sẽ lên tới 30 người.

Chia tay với gia đình ông Ve, điều chúng tôi ám ảnh là những tiếng cười ngây thơ của lũ trẻ. Dường như cha mẹ chúng cũng chẳng quan tâm đến số phận, tương lai của chúng.

Vậy ai sẽ là người quan tâm đến chúng lại là câu hỏi chưa có câu trả lời. Không lẽ xã hội cứ mặc kệ, ai có thân người ấy phải lo. Không lẽ cứ phó mặc cho cái lý luận "trời sinh voi, trời ắt sinh cỏ" của ông "vua đẻ" này.

Chị Nông Thị Ngọc, cán bộ chuyên trách dân số xã Lương Thông - Thông Nông - Cao Bằng cho biết: "Chúng tôi đã nhiều lần đến gia đình anh Trương Văn Ve để vận động sinh đẻ có kế hoạch. Tuy nhiên, anh ấy một mực nói với chúng tôi là muốn sinh cho được con trai. Chính vì thế anh ấy quyết định lấy vợ hai để sinh thêm con trai. Điều đặc biệt là cả 2 người vợ của anh Ve đều không làm thủ tục đăng ký kết hôn. Đẻ nhiều con gần như đã trở thành "truyền thống" ở bản Tả Bốc này. Trung bình mỗi cặp vợ chồng đang độ tuổi sinh con là 5 người".

Theo Quang Anh - Công an nhân dân

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X