Hotline 24/7
08983-08983

Chuỗi giá trị nông nghiệp

Vụ lúa đông xuân ở miền Tây luôn được xem là thời vụ tốt nhất trong năm, nhưng mưa trái mùa, sương muối, nhiệt độ xuống thấp và không biết tình huống xấu nào sẽ xảy đến trong nay mai.

Thời tiết khắc nghiệt, nông dân muốn ngưng hóa chất cũng chẳng được. Ảnh: Lê Hoàng Yến.

Trạm iMetos Cần Thơ, vẫn đưa tin dự báo hàng ngày qua hai nhà mạng Vinaphone và Mobifone: Thời tiết ngày 13/2: ngày nắng, đêm không mưa, độ ẩm 76%, nhiệt độ từ 22 - 32 độ. Đồng bằng sông Cửu Long đang bước sang mùa khô, bà con nông dân có thể chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả và những khu vực đất gò cao khó lấy nước tưới, sang trồng đậu xanh hay đậu nành để tăng thêm thu nhập…

Dự án iMetos Việt Nam đã đoạt giải Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu của ngân hàng Thế giới và bộ Khoa học và công nghệ. Nông dân Vĩnh Long đang ủ ê trước thiệt hại do lúa đổ ngã nói: Nhẹ nhất là 50%, thiệt hại nặng nhất khi lúa bị gãy đổ, một số đã lên mộng, biết bán cho ai và làm sao chuyển hướng trong lúc này?

Tại Hậu Giang, khoảng 20.000ha lúa bị ngã đổ, giá dịch vụ thu hoạch lúa ngã đổ đã tăng lên 350.000 đồng/công, cao hơn lúa đứng 100.000 đồng, nhưng vẫn khó thuê máy lẫn công cắt lúa. Ngành chức năng khuyến cáo bà con nên tranh thủ bán sớm nếu giá cả hợp lý. Nghiệt ngã bây giờ là thương lái có chịu mua không; hay họ chỉ chuộng lúa đứng, đẹp mã, ngon cơm, lúa đổ ngã lại là giống tầm tầm bậc trung chết chắc.

Nông dân Vĩnh Thạnh, Cần Thơ, cho biết năm nay “thời tiết, côn trùng rất lạ”! Lâu nay muỗi hành được xem là đối tượng gây hại thứ yếu, nhưng vụ đông xuân năm nay trở thành lớn chuyện khi nhiều xã ở vùng Bắc Cái Sắn bị gây hại, không ít nông dân phải trục bỏ sau khi đã phun xịt thuốc tốn rất nhiều tiền.

“Nông dân nên trục bỏ lúa bị thiệt hại trên 70% và đừng sạ lại ngay mà đợi tới giữa tháng 4 và đầu tháng 5/2017 (vụ hè thu chính vụ) mới gieo sạ để né sâu rầy và tránh tình trạng ngộ độc hữu cơ”, ngành nông nghiệp cảnh báo.

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng hậu quả là do nông dân xuống giống trễ so nông lịch, sạ dày và bón phân thừa đạm nên tạo cơ hội cho muỗi hành và các loại sâu hại khác bùng phát, làm lúa dễ đổ ngã.

Ở huyện Đông Hải, Bạc Liêu, lẽ ra người làm muối đã thu hoạch 20.000 tấn muối, nhưng mưa khiến cả làng không có muối cào, không biết do đâu!

Thời tiết khắc nghiệt hơn cả năm ngoái là điều có thể xảy ra, với những kiểu gây hại muôn hình vạn trạng. Làm gì khi ông trời không thương mình? Anh Chín Chi ở Trà Ôn, nói có người nói nếu xài thuốc Bonsai thì lúa cứng cây, đâu có đổ ngã. Vốn tính cẩn thận, anh Chín hỏi người quen mới biết nông dân Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, xài thuốc tên Bonsai cho lúa tài nguyên Thạnh Trị, đúng là lúa cứng cây nhưng gạo cũng biến chất, cứng cơm. Chuyện xảy ra mấy năm rồi, vậy sao người hàng xóm bày bậy? Thật ra người hàng xóm cũng chỉ nghe bóng nghe gió. Người hàng xóm này, hồi đầu vụ  nói với anh Chín, thời tiết thuận lợi cứ thử giảm phân, giảm thuốc hoá học, chứ nghe tin gạo xuất khẩu dính 12 loại thuốc cấm bị trả về thấy ê mặt.

Năm 2016 là năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) do bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phát động, nhưng theo cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, có tới 3.877 cơ sở vi phạm quy định về chất lượng, ATTP (chiếm 13%) bị phát hiện, với tổng số tiền xử phạt hành chính là 21,9 tỉ đồng (kiểm tra 29.214 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, giống cây trồng, giống vật nuôi), khoảng 1.923 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản vi phạm quy định ATTP trong tổng số 21.364 cơ sở đã kiểm tra, số tiền nộp phạt lên tới gần 7 tỉ đồng.

Những nông dân muốn sản xuất an toàn, liệu có phải trở lại với hoá chất để giảm những thiệt hại không thể lường trước do thời tiết? Thực tế đang chia rẽ, có người nói nếu cần thiết thì phải làm, “4 đúng”, “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”… nói chung là có nhiều cách ứng dụng, vấn đề là thuốc đó là thiệt hay giả, thiệt tới mức nào chứ nguyên nhân sâu xa của việc lạm dụng là thiệt giả lẫn lộn, xài không hiệu quả phải xài liều cao, đổi thuốc khác hoặc tự pha chế theo kiểu “ phối - kết hợp”. Thiên tai đáng sợ, nhưng không bằng cái trò gian xảo nhắm vào người gặp rủi ro để bán hàng gian, hàng giả, kém chất lượng để trục lợi.

Theo Vân Anh - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X