Hotline 24/7
08983-08983

'Chúng ta đều đối mặt căn bệnh nan y hơn cả ung thư'

"Đời sống bây giờ có đủ các vấn đề về thực phẩm, giáo dục, việc làm, ô nhiễm… làm cho chúng ta ai cũng dễ phát tác mầm trầm cảm. Mỗi chúng ta phải tự có cách phòng ngừa".

LTS: Từ năm 13 tuổi, tác giả/dịch giả Nguyễn Bích Lan đã phải đối mặt với căn bệnh loạn dưỡng cơ. Hơn 30 năm chiến đấu với căn bệnh không thuốc chữa đã nuôi dưỡng nơi chị tinh thần vượt khó, khả năng tự học hiệu quả, tự tìm cách vượt qua khiếm khuyết thể chất và trở thành người bạn hỗ trợ tinh thần cho nhiều người qua mạng xã hội.

Trong buổi trò chuyện đầu xuân cùng Tuần Việt Nam, chị đã chia sẻ về động lực tinh thần đưa chị đi qua con đường đầy nỗi đau ấy.

'Chúng ta đều đối mặt căn bệnh nan y hơn cả ung thư'

Tác giả/ dịch giả Nguyễn Bích Lan. Ảnh nhân vật cung cấp

Nhà báo Hoàng Hường: Chắc hẳn chị đã phải đối mặt rất nhiều khó khăn, đau đớn vì căn bệnh của mình. Vậy chị đã làm thế nào chị vượt qua được?

Nguyễn Bích Lan: Tôi sinh ra là một đứa trẻ khỏe mạnh. Đến năm lớp 8, khi đang là học sinh chuyên văn, tự nhiên tôi sụt cân trong thời gian dài, sau đó đi đứng rất khó khăn, ngã liên tục.

Gia đình đưa tôi đi 14 bệnh viện để khám, cuối cùng bác sĩ kết luận tôi bị bệnh loạn dưỡng cơ. Căn bệnh gây thoái hóa cơ toàn hệ thống trên cơ thể, đến bây giờ vẫn chưa có thuốc chữa.

Bác sĩ nói với mẹ tôi: “Cô cứ cho cháu về và chờ đợi”. Nhưng nếu cứ ngồi yên chờ, chắc tôi không xuất hiện ở đây. Cuộc sống chờ đợi chán nản lắm, chắc chắn sẽ kết thúc ở một thời điểm nào đấy.

Tôi cũng rơi vào tuyệt vọng và buồn chán trong một thời gian. Sự trống rỗng rất khủng khiếp. Tôi không đau, không khóc vì chịu những cái xét nghiệm kì quặc, như là tự nhiên người ta bắt mình lên bàn mổ và cắt một miếng thịt để làm sinh thiết. Nhưng tôi khóc vì ngày của tôi dài quá, trong khi các bạn tôi đều đang đi học.

Một hôm tôi nghe thấy em trai phát âm tiếng Anh “Hello”, rồi đếm. Tôi thấy âm thanh lạ bay vào tai và nhẩm đọc theo. Rồi tôi giấu mọi người học tiếng Anh vì sợ sẽ bị cấm. Lúc đó nhiệm vụ chính của tôi là giữ sức khỏe.

Một thời gian gia đình tôi phát hiện và đồng ý mượn sách gửi về cho tôi. Tôi bắt đầu không chỉ học để giết thời gian mà tìm được con đường cho mình. Lúc đó tôi khoảng 14, 15 tuổi.

Các bạn có thể hình dung tôi ở trong một căn phòng nhỏ 10 m2, ở một làng nhỏ không có thư viện, không thầy giáo tiếng Anh. Tôi kiếm được cái gì học cái đấy. Những quyển sách chỉ toàn bài tập, từ các bài tập tôi phải tự rút ra các cấu trúc câu để học.

Việc tự học cần kỷ luật sắt đá. Nhiều khi tôi cũng thương bản thân và tự hỏi: “mình có tàn nhẫn với bản thân quá không?”

Sau cuộc chiến đấu dằng dặc đó, chị đã đúc kết ra điều gì?

Sau 27 năm sống chung với căn bệnh không có thuốc chữa này, tôi đúc kết ra là, suy cho cùng con người sống trên đời không phải để tích lũy kiến thức, cũng chẳng phải để tích lũy của cải, mà để tận hưởng hạnh phúc nếu có, vượt qua đau khổ nếu cần và hoàn thành hành trình làm người trong cảm giác thanh thản.

Có một khoảng thời gian tôi buồn lắm, chẳng biết sống để làm gì. Thế nhưng bạn tồn tại trên đời đâu chỉ có một mình. Tôi có gia đình và tôi thấy mẹ lo lắng vất vả vì một đứa con, những thành viên khác trong nhà cũng vậy. Tôi thấy mình không thể nào rơi mãi vào chán nản, phải tự cứu mình, cũng là để trả lại sự bình yên cho gia đình.

Tôi đã viết câu thơ “con không mong lắm bạc tiền, chỉ mong chuộc lại êm đềm mẹ xưa”, và bây giờ gia đình tôi khá bình an trong cuộc khủng hoảng mà chúng tôi đã làm quen.

Trò chuyện với chị, tôi bỗng nhớ thỉnh thoảng báo chí đưa tin có những người mẹ khỏe mạnh, có công việc, nhưng vì gặp vấn đề nào đó, đã mang cả con mình đi tự tử. Theo chị, nỗi buồn gì ghê gớm đến độ người ta có thể hủy hoại cuộc sống bản thân và cả con mình?

Tôi nghĩ những người mẹ đó mang căn bệnh tinh thần trầm kha. Chúng ta thường chỉ lo chăm sóc bệnh đau thể chất, mà không chú ý lắm đến căn bệnh về tinh thần.

Mỗi chúng ta cũng tiềm ẩn căn bệnh trầm kha đó. Đời sống bây giờ có đủ nỗi mệt mỏi, từ thực phẩm, giáo dục, việc làm, ô nhiễm, cuộc sống đô thị… làm cho ai cũng dễ phát tác mầm trầm cảm. Mỗi người phải tự có cách phòng ngừa.

Ví dụ, trong công việc dịch thuật, khi căng quá tôi giở máy khâu ra cắt, may quần áo cho mọi người. Tôi trồng nhiều cây ở ban công và chăm bón. Những thú vui nhỏ đó giúp tôi giải tỏa căng thẳng.

Có những phụ nữ có gia đình, con cái nói với tôi: “Tôi không còn thời gian, không còn mở mắt ra được nữa, cô đừng nói đến các loại thú vui”. Nhưng tôi trả lời, nếu chị cứ ngập tràn trong bức bối, sớm muộn chị cũng phải giải quyết bằng cách nghỉ hẳn tất cả mọi thứ và uống thuốc. Nó thậm chí còn là bệnh nan y hơn cả ung thư.

Chị từng tiếp xúc, dịch sách của Nick Vujicic, chị có thấy mình được truyền cảm hứng từ Nick?

Tôi dịch 4 cuốn sách của Nick Vujicic. Cậu ấy kém tôi 8 tuổi, không phải khi gặp Nick tôi mới tìm thấy người thầy vượt khó, mà lúc ấy tôi đã sống theo cách gần giống như cậu ấy rồi, chỉ là theo con đường riêng thôi.

Những người phải đối mặt với khó khăn đặc biệt như chúng tôi thường có điểm chung là lòng lạc quan lớn. Chúng tôi không để những điều lặt vặt kiểu như “tôi không có quần áo đẹp” làm phiền lòng. Chúng tôi thu gọn mối quan tâm vào tinh thần. Con người có xu hướng tìm tới chỗ sáng, vì vậy những người lạc quan thường thu hút mọi người đến gần bên mình.

Tôi học hỏi ở Nick một điều là qua quá trình chia sẻ vượt khó thì bạn cũng nhận lại món quà là những sự khích lệ. Chưa biết ai đã truyền nghị lực cho ai đâu, có thể chính những người bình thường, những bạn đọc đang truyền nghị lực cho tôi hàng ngày để tôi có thể tiếp tục dịch sách, làm việc.

Điều tôi học được lớn nhất của Nick là “cười”. Từ khi dịch sách của Nick, tôi tập cười nhiều hơn. Căn bệnh ảnh hưởng tới cơ mặt của tôi nên cười cũng rất khó khăn. Đó là lý do tôi ít cười. Sau khi gặp Nick tôi đã tập cười nhiều hơn.

'Chúng ta đều đối mặt căn bệnh nan y hơn cả ung thư'

Nguyễn Bích Lan gặp diễn giả Nick Vujicic. Ảnh nhân vật cung cấp

Ngoài sự lạc quan, để có một tinh thần vững vàng, thì điều gì là mấu chốt?

Đó là ý chí. Có người nói “sự thành công lớn nhất trong đời con người là sự thành công về ý chí”. Nó giúp ta vượt qua hoàn cảnh khó khăn, giúp ta vượt qua các cám dỗ, để chúng ta không ngả sang lề bên kia của đạo đức, làm những việc khiến ta vướng bận lương tâm khi chúng ta về già.

Cuối cùng là sự chăm chỉ. Tôi gọi mình là “thợ cày” dù mọi người gọi tôi nào là nhà văn/dịch giả gì đó.

Tôi rất khâm phục những người thợ cắt tóc. Họ kiếm hai chục, ba chục, năm chục một. Họ cứ kiên nhẫn như thế và nuôi con cái họ thành những người lương thiện.

Bạn thấy không, nhiều bi kịch khởi nguồn từ việc ta quá sốt ruột kiếm tiền. Trái Đất quay quanh trục của nó, nhưng nhiều người lại coi rằng trục của Trái Đất này là tiền chứ không phải là hạnh phúc hay sự chia sẻ với nhau trong cuộc đời hữu hạn này.

Thế thì thử hỏi tại sao con cái chúng ta không hoa mắt vì tiền? Tại sao có cướp giật, thảm sát vì vài chỉ vàng. Bạn gian lận, lừa lọc, bảo bọc trợn, bạn tàn ác, thì chắc chắn con bạn không thể tránh khỏi cái người ta gọi là “màu đen của cuộc sống” bởi vì cách sống của bạn chính là bài học trực quan và thuyết phục nhất đối với các con của mình!

Theo Hoàng Hường - VietNamNet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X