Hotline 24/7
08983-08983

Chúng ta có dám minh bạch không?

Theo quy luật khi không có thông tin chính thức thì lập tức kẻ thù sẽ lợi dụng và lái sang chiều hướng khác.

Thời gian qua, nhiều vụ việc xảy ra ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của đất nước, trong đó có phần do không minh bạch thông tin. Ở đây người viết không nói đến những vấn đề an ninh, quốc phòng, lĩnh vực cần phải được bảo vệ, thông tin phải được bí mật. Nhưng nhiều lĩnh vực chẳng liên quan gì đến bí mật an ninh quốc gia cũng được... “bí mật”.

Minh bạch- chỉ số của phát triển

Thực chất, đã có sự lợi dụng, nhân danh “công việc nội bộ” “bí mật kinh doanh”, “bí mật nhà nước”…để che đậy những việc mang nặng lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Những chuyện “đấu thầu” dự án, đấu thầu mua thiết bị, mua vật tư máy móc, đến cả chuyện bổ nhiệm, chuyện chọn cán bộ…cũng đều bí mật.

Chúng ta có dám minh bạch không?

Công khai minh bạch được xem như chỉ số của sự phát triển và sinh hoạt dân chủ. Trong thực tiễn ở đâu có minh bạch, ở đó không có đất cho sự dối trá, lợi dụng kẽ hở để trục lợi.

Chúng ta đã có nhiều điều luật, nhiều nghị định liên quan đến công khai minh bạch. Song trong thực tế việc thực hiện nó lại vô cùng khó khăn, thậm chí có khi còn bị vô hiệu hóa.

Ví như luật Phòng chống tham nhũng. Tham nhũng là một lĩnh vực gây nhức nhối nhất trong xã hội hiện nay, là một trong 04 nguy cơ có thể làm thất bại con đường phát triển đi lên của đất nước. Thực tiễn đó cho thấy công khai minh bạch trong mua sắm công, xây dựng cơ bản; sử dụng tài chính ngân sách; trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trong quản lý doanh nghiệp nhà nước…là một yêu cầu không thể thiếu trong quản lý nhà nước.

Rồi cả chuyện kê khai tài sản cá nhân.

Thế nhưng thực tế thì sao? Câu “tham nhũng vẫn ổn định” không phải là chuyện đàm tiếu cho vui mà là sự thật.

Kê khai tài sản nói là công khai minh bạch, là đột phá của luật chống tham nhũng, một chủ trương đúng nhưng đi vào thực tế lại không có mấy thành công. 

Công tác tổ chức cán bộ, qui trình bổ nhiệm cán bộ được coi là rất chặt chẽ, là bước đột phá nhưng thực tế có đại biểu quốc hội đưa ra câu văn vần, (hay vè) mà cười không nổi: Đầu vàothì nát như tương/ Đầu ra chất lượng tương đương đầu vào. Những sai phạm gần đây trong khâu cán bộ khi điều tra, rút cục thông báo cho xã hội lại vẫn chỉ một điệp khúc: Đúng qui trình.

Đúng qui trình sao chất lượng lãnh đạo kém thế, toàn thua lỗ be bét.

Vì sao khó công khai minh bạch?

Vậy cái gì làm cho một số chủ trương chính sách đúng của Đảng, Nhà nước khó đi vào cuộc sống? Chủ trương công khai minh bạch mà một số lĩnh vực lại bị vô hiệu hóa?

Trước hết cần thấy rằng thông tin là thứ hàng hóa đặc biệt. Nếu như trong quân sự thông tin là yếu tố giành chiến thắng “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng” thì hình như phương châm này cũng lan tỏa khắp mọi ngóc ngách của đời sống. Nó bỗng trở thành một bảo bối để giành chiến thắng nên phải được giữ “bí mât”.

Tiếp theo là chuyện nắm giữ thông tin để trục lợi. Điều này chỉ có cán bộ mới có thông tin. Những thông tin như dự án, đấu thầu, con đường sắp mở, đô thị hình thành…cho cả đến bổ nhiệm nọ bổ nhiệm kia, chức này chức kia...  Đặt trong bối cảnh cơ chế xin- cho, lại càng phải giữ bí mật. Anh chạy tôi cho, anh xin tôi cho và không ai được biết, càng phải “bí mật”.

Trong đấu thầu, bí mật là qui định cho tất cả mọi thành viên thì đó cũng là… minh bạch. Cái sai ở chỗ bí mật với người này mà không bí mật với người kia, dẫn đến hiện tượng thông thầu, đấy là mảnh đất để trục lợi, là làm tiền, là không minh bạch.

Thứ ba, thông tin bị đánh tráo, bị biến tướng. Điều này có thể nói là khá phổ biến. Chính sách, chủ trương đúng nhưng đi vào thực tế lại sẽ rất khác. Họ đều tìm cách để vô hiệu hóa hoặc làm biến tướng. Chẳng hạn chủ trương minh bạch về tài sản nhà đất là chủ trương đúng nhưng thực chất lại bị biến tướng. Tài sản của chồng, của cha, nhưng vợ, con lại đứng tên.

Chúng ta chưa có chế tài để kiểm tra việc nhờ người thân, người nhà mua và đứng tên. Cũng bởi chúng ta không thể kiểm soát được "cái gốc" của dòng tiền lưu thông nên quản lý nhà nước luôn bị qua mặt. Đây là việc cải cách cấp bách nhưng hệ thống ngân hàng chưa làm được.

Và lĩnh vực chạy chức chạy quyền vẫn là vấn nạn, nếu không nói là nguy cơ hàng đầu hiện nay. Nó làm cho xã hội méo mó, không phát triển, lòng dân li tán, người tài thiếu động lực. Đã đến lúc cần có những qui trình khác phù hợp, thể hiện sự minh bạch trong tuyển chọn, tổ chức cán bộ phản ánh giá trị tài năng thật, phẩm chất thật.

Ở nhiều nước người đứng đầu có quyền quyết định nhân sự, nhưng họ cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm việc bổ nhiệm của mình, đó là sự minh bạch. Còn công tác cán bộ của ta là cấp ủy. Nói là dân chủ bàn bạc nhưng thực chất vẫn là người đứng đầu quyết định. Vậy nhưng khi có sai phạm lại không thể quy trách nhiệm cá nhân mà là trách nhiệm tập thể. Điều này trở thành nơi ẩn nấp cho những sai phạm, cũng là không minh bạch.

Cuối cùng sự nguy hiểm của không minh bạch thông tin là mảnh đất để các thế lực lợi dụng. Theo qui luật khi không có thông tin chính thức thì lập tức kẻ thù sẽ lợi dụng và lái sang chiều hướng khác. Do vậy, trong thế giới phẳng vấn đề không phải là che dấu thông tin mà là phải minh bạch, có như vậy, mới tạo được ổn định, người dân tin và chia sẻ, đồng thuận.

Theo Nguyễn Đăng Tấn - VietNamNet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X