Hotline 24/7
08983-08983

Chính quyền xã tiếp tay cho dân bán đất quốc phòng

Chính quyền xã cấp đất QP cho hộ dân. Chủ tịch UBND xã "hạ bút" viết lời chứng, ký tên, "cộp" dấu đỏ vào "Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất” (QSDĐ), để các hộ... bán đất quốc phòng.

Chính quyền xã tiếp tay cho dân bán đất quốc phòng
Những bản hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, có lời chứng của chính quyền xã. Ảnh: Hồng Bài

Chuyện có một không hai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Ngày 14/4/1980, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 113/TTg về việc cấp đất xây dựng đợt 1 sân bay Miếu Môn (trên địa bàn xã Đồng Tâm), với diện tích 208ha, trên đường bao gồm 16 mốc giới (từ mốc số 1 đến mốc số 16). Khu đất sân bay Miếu Môn do Tiểu đoàn 31, Lữ đoàn 28, Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý.

Do dự án sân bay Miếu Môn chưa triển khai xây dựng, một số hộ dân xã Đồng Tâm đã tự ý vào khu đất sân bay khai phá, làm lán trại, nhà tạm để phát triển kinh tế (trồng cây, chăn nuôi, sản xuất vật liệu xây dựng). Còn, UBND xã Đồng Tâm đã làm thủ tục "biến" đất quốc phòng thành đất thổ cư, đất vườn liền kề; thời hạn sử dụng lâu dài; đất ở cho các hộ. Hộ ông Trần Ngọc Viễn, 12.000m2; hộ ông Nguyễn Văn Toán, 11.000m2; hộ ông Nguyễn Văn Phương 1.500m2... Đây là khu đất "vàng", nằm trên trục đường 429, liền kề Trường bắn Quốc gia, cách Miếu Môn và quốc lộ 21 gần 600m.
 
Năm 2000 và 2011, hộ ông Toán và ông Viễn sửa chữa lại nhà ở, xây dựng lán trại chăn nuôi và xưởng sản xuất vật liệu xây dựng. Tiểu đoàn 31 (đơn vị quản lý sân bay) đã tiến hành ngăn chặn, yêu cầu hai hộ trên dừng việc xây dựng, sửa chữa nhà. Tuy nhiên, ông Viễn và ông Toán vẫn lén lút làm. Chỉ huy Tiểu đoàn 1 đã lập biên bản, yêu cầu hai hộ giữ nguyên hiện trạng.
 
Ngày 26/12/2006, ông Trần Văn Viễn vẫn làm hồ sơ "Biên bản thừa kế QSDĐ" cho 7 người con và một người cháu. Tổng diện tích đất phân chia, giao cho con, cháu là 5.922m2, trong đó có 360m2 đất thổ cư. Diện tích còn lại hơn 6.000m2, ông Viễn sử dụng.
 
Mặc dù đây là đất quốc phòng, nhưng Chủ tịch UBND xã, cán bộ địa chính xã Đồng Tâm vẫn ký hồ sơ, trích bản đồ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Viễn và các con, cháu ông Viễn.

Sau khi được chia đất, ngày 2/3/2008, chị Nguyễn Thị Hương (con gái ông Viễn) đã làm hồ sơ chuyển nhượng QSDĐ (bán) cho ông Vũ Đức Quyết (xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, Hà Tây). Theo bản hợp đồng chuyển nhượng, chị Hương bán cho ông Quyết 240m2; hình thức sử dụng xây dựng nhà ở; thời hạn sử dụng lâu dài, với giá 70 triệu đồng.
 
Ngày 25/3/2008, chị Trần Thị Hà (con gái ông Viễn) lập "Hồ sơ chuyển nhượng QSDĐ ở" cho ông Nguyễn Văn Hùng (Ba Thá, Viên An, Ứng Hòa) với diện tích 480m2, giá bán là 150 triệu đồng.

Ngày 17/5/2011, cháu gái ông Viễn là Trần Ngọc Mai, người được ông Viễn "tặng" 441m2 đất đã lập "Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ", diện tích 200m2 cho ông Nguyễn Duy Chính (Hồng Dương, Thanh Oai, Hà Nội).  

Với 11.000m2 đất, mặc dù đã bị Chỉ huy Tiểu đoàn 31 (đơn vị quản lý sân bay Miếu Môn) lập biên bản, ngăn chặn không cho sửa chữa nhà, xây dựng trại chăn nuôi, nhưng tháng 9/2011, ông Nguyễn Văn Toán vẫn làm "Hồ sơ chuyển nhượng QSDĐ" cho ông Trần Công Kiên (Vạn Thái, Ứng Hòa, Hà Nội) với diện tích 424m2.

Tháng 6/2010, ông Toán chuyển nhượng cho bà Vũ Thị Hà (số 14, đường Phúc Xá, Hà Nội) với diện tích 110m2.

Những người mua đất của con, cháu ông Trần Ngọc Viễn và ông Nguyễn Văn Toán, chắc chưa đặt chân lên đất mà họ đã bỏ tiền mua, nên chưa ai biết là đã mua phải đất quốc phòng. Trường hợp ông Nguyễn Văn Bình (Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội) là một thí dụ. Ông Bình mua 215m2 đất của ông Nguyễn Văn Phương, xóm 13, xã Đồng Tâm với giá 300 triệu đồng. Bản hợp đồng chuyển nhượng không ghi ngày tháng. Mua được đất, ông Bình chở vật liệu đến thửa đất để làm nhà thì bị Chỉ huy Tiểu đoàn 31 thông báo, đất ông Bình mua là đất quốc phòng quản lý. Nghiêm cấm hộ dân xâm phạm, lấn chiếm.

Ngày 10/4/2014, ông Bình đã làm đơn gửi UBND huyện Mỹ Đức giúp đỡ lấy lại tiền đã mua đất của ông Phương.

Chính quyền xã Đồng Tâm có biết đất mà hộ ông Trần Ngọc Viễn, Nguyễn Văn Toán và Nguyễn Văn Phương sử dụng là đất quốc phòng quản lý?

Không chỉ chính quyền xã mà tất cả người dân xã Đồng Tâm đều biết rõ ranh giới đất quốc phòng - đất sân bay. Tại Công văn 803/UBND ngày 29/7/2014 của UBND huyện Mỹ Đức, do ông Hoàng Mạnh Sơn, Chủ tịch UBND huyện ký, gửi Quân chủng Phòng không - Không quân; Lữ đoàn 28 ghi rõ: "Phần diện tích đất do gia đình ông Trần Ngọc Viễn và gia đình ông Nguyễn Văn Toán, xóm 13 đang sử dụng, thuộc địa giới xã Đông Tâm, do Lữ đoàn 28, Quân chủng Phòng không - Không quân quản lý...".

Thông báo số 961/TB-LĐ ngày 23/10/2014 của Lữ đoàn 28 gửi công dân xã Đồng Tâm, khẳng định: "Việc các hộ dân trong đó có gia đình ông Trần Ngọc Viễn, gia đình ông Nguyễn Văn Toán nằm hoàn toàn trong đất quốc phòng, do Tiểu đoàn 31 quản lý". Đối với các hộ dân, Lữ đoàn 28 làm công văn đề nghị UBND huyện Mỹ Đức cùng các cấp chính quyền địa phương của xã Đồng Tâm yêu cầu các hộ phá dỡ những công trình xây dựng trái phép trên đất quốc phòng.

Như vậy, Chủ tịch UBND xã, cán bộ địa chính xã Đồng Tâm ghi lời chứng, trích sơ đồ thửa đất chuyển nhượng, ký tên, đóng dấu vào hồ sơ chuyển nhượng QSDĐ của con, cháu ông Viễn và ông Toán là trái thẩm quyền, là hành vi cố tình vi phạm Luật Đất đai, tiếp tay cho một số người bán đất quốc phòng.

Theo Hồng Bài - Thanh Tra

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X