Hotline 24/7
08983-08983

Chìm ca nô ở Cần Giờ: Cơ quan tố tụng TPHCM trói chân doanh nghiệp?

Hơn 3 năm nay, hồ sơ vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ vẫn nằm trong tủ của cơ quan điều tra. Vì sao vụ án lại có thời gian kéo dài đến như vậy.

Doanh nghiệp vỡ hợp đồng triệu đô

Hơn 3 năm kể từ ngày xảy ra vụ “Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ”, đến nay, cơ quan tiến hành tố tụng TPHCM, vẫn chưa giải quyết dứt điểm vụ án.

Vụ án đang bị “treo” bằng quyết định tạm đình chỉ bị can. Hai ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Công ty Việt Séc và ông Đinh Văn Quyết - Giám đốc Công ty Vũng Tàu Maria cũng được tại ngoại sau 9 tháng tạm giam.

chim ca no o can gio: co quan to tung tp.hcm troi chan doanh nghiep? hinh 0
Nhiều công nhân mất việc làm, doanh nghiệp bị đình đốn sản xuất, nhiều hợp đồng triệu đô không thể ký kết do ông Vũ Văn Đảo không thể xuất cảnh.

Quay lại thời điểm xảy ra vụ án, ngày 2/8/2013, xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy tại huyện Cần Giờ, TPHCM khiến 9 người tử nạn.

Do tài công Phạm Duy Phúc điều khiển ca nô tử nạn, cơ quan cảnh sát điều tra đình chỉ điều tra tội Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy.

Nhưng người sản xuất ca nô ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết bị khởi tố về tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn. Cơ quan tố tụng TPHCM cũng hoàn tất nội dung truy tố gửi tòa án.

Tuy nhiên, Tòa án TPHCM liên tục hai lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vì không có cơ sở truy tố hai ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết tội Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.

Các chuyên gia pháp luật phân tích vụ án dựa trên cơ sở pháp lý đều khẳng định rằng, việc truy tố hai giám đốc doanh nghiệp là không có cơ sở, là oan sai.

Các tổ chức ban ngành từ Trung ương đến địa phương, Văn phòng Chính phủ, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã lên tiếng đề nghị cơ quan tố tụng xem xét vụ án.

Đặc biệt, chính những người lao động trong các công ty của ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết đội đơn lên cơ quan tố tụng yêu cầu sớm giải quyết vụ án nhưng tất cả đều chìm trong im lặng.

Việc kéo dài quá trình tố tụng của cơ quan điều tra TPHCM đến nay không chỉ gây sự hoài nghi trong dư luận mà đặc biệt đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của hàng trăm lao động, kìm chế sự phát triển của doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Văn Đảo, kể từ ngày bị truy tố oan sai, các doanh nghiệp của ông bị đình đốn sản xuất.

Nhiều hợp đồng giá trị triệu đô ký kết với các đối tác nước ngoài bị vỡ vì ông Vũ Văn Đảo đang bị trói bằng quyết định cấp xuất nhập cảnh.

Việc cơ quan tố tụng TPHCM đang “treo” vụ án không chỉ khiến cho hàng trăm lao động lâm vào tình cảnh thất nghiệp, còn gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng, đồng thời kéo lùi sự phát triển của doanh nghiệp.

Vụ án chìm ca nô kéo dài hơn cả đại án

Đầu tháng 8/2016, phóng viên VOV làm việc với Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (PC44) - Công an TPHCM về vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ.

chim ca no o can gio: co quan to tung tp.hcm troi chan doanh nghiep? hinh 1
Ông Vũ Văn Đảo đội đơn kêu oan khắp nơi, nhưng đến nay vụ án vẫn tiếp tục dài và chưa có hồi kết.

Trưởng phòng PC44 chỉ trả lời ngắn gọn rằng: Vụ án đang trong quá trình tạm đình chỉ bị can để yêu cầu giám định. Khi nào có thông tin chính thức của vụ án sẽ thông báo đến cơ quan báo chí.

Với trả lời của cơ quan điều tra thì đây sẽ là lần trưng cầu giám định lần thứ hai kể từ khi xảy ra vụ án.

Trước đó, cuối tháng 8/2015, khi thời hạn điều tra bổ sung sắp hết, cơ quan điều tra đã ra quyết định tạm đình chỉ bị can để thực hiện giám định tư pháp.

Gần 3 tháng sau (ngày 18/11/2015), Hội đồng giám định chuyên môn thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã có kết luận giám định trả lời cơ quan điều tra.

Kết luận giám định của hội đồng giám định Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa làm thỏa mãn cơ quan điều tra.

Và kể từ đó đến nay, cơ quan điều tra vẫn chưa có bất kỳ động thái nào “khởi động” lại vụ án sau thời gian dài tạm đình chỉ, khiến vụ án kéo dài lại càng dài thêm, gây khó khăn cho hàng trăm lao động, làm cho các doanh nghiệp bị đình đốn.

Trong hoạt động tố tụng của Việt Nam, thời gian gần đây đã đưa nhiều đại án kinh tế ra xét xử.

Gần nhất là vụ án kinh tế xảy ra tại ngân hàng Xây dựng - VNCB. Cuối tháng 7/2014, cơ quan cảnh sát điều tra bắt tạm giam cựu Chủ tịch VNCB Phạm Công Danh.

Kể từ ngày bắt tạm giam Phạm Công Danh đến khi đưa ra xét xử (vào ngày 19/8/2016) thì vụ đại án này chỉ kéo dài hơn 2 năm.

Hay như vụ đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng ACB, cơ quan tiến hành tố tụng hoàn tất quá trình điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian chưa đầy 2 năm. Bầu Kiên bị bắt vào cuối tháng 8/2012 và được đưa ra xét xử vào ngày 16/4/2014.

Đấy là hai trong rất nhiều đại án phức tạp. Tuy nhiên, so với thời gian tiến hành tố tụng của các đại án phức tạp trên thì vụ án “chìm ca nô ở huyện Cần Giờ” còn kéo dài hơn cả các đại án khi hơn 3 năm nay, hồ sơ vụ án vẫn đang nằm trong tủ của cơ quan cảnh sát điều tra.

Dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi, vì sao vụ án “chìm ca nô ở huyện Cần Giờ” lại kéo dài đến như vậy?.

Theo Việt Đức - VOV

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X