Hotline 24/7
08983-08983

Chết vì ăn tiết canh

Món “khoái khẩu” này dường như có sức hấp dẫn khiến người ăn nhập viện không chỉ 1 lần. Bất chấp những cảnh báo về những căn bệnh chết người tiềm ẩn.

Ba tháng, 2 lần nhập viện

Ngày 18/9, tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ còn đang điều trị cho 3 ca liên cầu khuẩn lợn. Anh Nguyễn Văn Tùng (ở Hà Nội) đã vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đau đầu, buồn nôn, trên vùng da ở chân, tay đã xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử... Anh Tùng cho hay: Nhà anh có chăn nuôi lợn. Trước khi phải vào viện một vài ngày, anh có uống rượu với món tiết canh. Điều đáng nói là trước đó 3 tháng, chính anh

Tùng cũng đã phải điều trị ở đây vì bệnh liên cầu lợn 1 tháng. Dường như, quãng thời gian mất sức, mất của đó vẫn không hề hấn gì nên anh vẫn tiếp tục ăn tiết canh để phải nhập viện lần thứ hai như vậy.

Mới chỉ cách đây 10 ngày, anh Hoàng Minh (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) là trường hợp mới nhất tử vong do liên cầu lợn. Sau 4 tháng điều trị ở BV Bệnh nhiệt đới TƯ, mặc dù được cứu chữa tận tình, nhưng anh vẫn không qua khỏi. Từ những biểu hiện ban đầu là sốt cao, kèm theo rét run, đau đầu, nôn; bệnh của anh chuyển sang biểu hiện có các tử ban ở tay chân và toàn thân, cuối cùng là hôn mê, sốc nhiễm khuẩn và tử vong.

Một bệnh nhân ở trong tình trạng thập tử nhất sinh vì ăn tiết canh

Một bệnh nhân ở trong tình trạng thập tử nhất sinh vì ăn tiết canh

Theo thống kê của BV Bệnh nhiệt đới TƯ, từ tháng 5 đến nay, cứ mỗi tháng BV tiếp nhận 10 – 15 ca liên cầu lợn. Họ đến từ các tỉnh Hòa Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa... TS Nguyễn Tiến Lâm – Trưởng khoa Virus ký sinh trùng - cho hay: Diễn tiến của bệnh khá nhanh, nhiều bệnh nhân đã nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, phát ban hoại tử nhiều trên da, sốc, suy hô hấp phải thở máy.

Theo BS Lâm, 30% bệnh nhân bị liên cầu lợn được người nhà khẳng định là có ăn tiết canh trước đó. Những người khác cũng đều có tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh hoặc ăn những món từ thịt lợn nhưng chưa được chế biến kỹ như nem chua, nem chạo. Người bệnh từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại lần sau dù đã được điều trị khỏi. Liên cầu lợn giống như nhiễm trùng liên cầu bình thường, không tạo ra miễn dịch lâu dài cho cơ thể. Người dân còn chủ quan, thậm chí “điếc không sợ súng” nên vẫn mắc bệnh lại vì thế.

Trong máu của gia súc, gia cầm kể cả những con khỏe mạnh đều chứa rất nhiều virus, vi khuẩn gây bệnh. Khi ăn thịt chưa được nấu chín, người bệnh sẽ trực tiếp nhiễm các mầm bệnh này. Thậm chí, khuẩn liên cầu lợn cư trú trong họng con lợn mà không gây bệnh, nhưng khi lợn ốm, sức miễn dịch bị suy giảm, khuẩn sẽ được dịp phát triển mạnh, gây bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết cho lợn. Dù không ăn thịt nhưng khi người mổ thịt những con lợn bệnh này hoặc đi tiêu hủy không đúng kỹ thuật, virus vẫn có thể xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hóa hay đường hô hấp. Đặc biệt, trên cơ địa những người có tiền sử mắc các bệnh như tiểu đường, suy gan, nghiện rượu... thì liên cầu khuẩn lợn càng dễ gây bệnh và bệnh nặng hơn.

Tỉ lệ tử vong do liên cầu lợn chiếm khoảng 7 – 10%. Người bệnh nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời khi có các biển hiện ban đầu của bệnh trong vòng 10-20h đã có thể rất nguy hiểm. Thông thường, bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 2 - 3 tuần. Những ca nhiễm trùng huyết phải điều trị đến 2 tháng. Chi phí điều trị bình thường khoảng 500.000đ/ngày, nếu di chứng nặng phải hồi sức thì chi phí 3 – 5 triệu đồng/ngày.
AloBacsi.vn
Theo Quang Duy - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X