Hotline 24/7
08983-08983

Chép phạt khi vi phạm giao thông: chỉ nên làm khi có quy định?

Nhiều ý kiến ủng hộ cách xử phạt vi phạm giao thông bằng cách chép phạt của CSGT Đà Nẵng nhưng theo một số chuyên gia pháp luật và lãnh đạo CSGT, chỉ nên áp dụng khi luật quy định.

Việc xử phạt “kiểu mới” được bàn tán xôn xao trên Facebook - Ảnh: Hữu Khá

Việc cảnh sát giao thông (CSGT) Đà Nẵng yêu cầu người vi phạm chép phạt 50 lần câu “Tôi hứa sẽ không đi ngược chiều” bên cạnh những ý kiến tỏ ra băn khoăn thì có nhiều người ủng hộ cách xử phạt "kiểu mới" này.

Vấn đề pháp lý đặt ra là luật pháp hiện không quy định biện pháp xử phạt bằng cách chép phạt này, vậy nếu CSGT áp dụng thì có bị xem là vi phạm hay không?

Tuổi Trẻ giới thiệu thêm các ý kiến khác nhau về vụ việc này.

Theo luật sư Hứa Thị Thảo - Đoàn Luật sư TPHCM, cách làm của CSGT Đà Nẵng là rất nhân văn. Không phạt tiền, giữ xe mà bị buộc chép phạt thì vẫn đủ sức răn đe, khiến người vi phạm cảm thấy áy náy, "nhớ đời" về vi phạm của mình mà sẽ không tái phạm.

Động cơ, mục đích việc xử phạt của CSGT Đà Nẵng là tốt, có tính giáo dục cao, tuy nhiên theo luật sư Thảo, cách làm đó căn cứ quy định pháp luật lại là không đúng.

Bởi theo quy định, người thi hành công vụ chỉ được phép thực hiện những hành vi mà luật pháp quy định. Theo Luật xử lý vi phạm hành chính, CSGT khi phát hiện cá nhân, tổ chức vi phạm luật giao thông thì phải xử phạt vi phạm hành chính.

Xử phạt vi phạm hành chính được định nghĩa là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm.

Theo quy định của điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính, các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng thì các hình thức xử phạt chỉ gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính); Trục xuất.

Ngoài ra, các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định cũng không có hình thức bắt chép phạt hoặc xử lý khác. Như vậy, việc xử phạt bằng cách bắt chép phạt của CSGT Đà Nẵng chưa được pháp luật quy định.

Thế nên, nếu cho rằng cách xử phạt trên là hiệu quả thì các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu để bổ sung quy định về hình thức xử phạt này trong luật để lực lượng CSGT cả nước có thể vận dụng.

Người thực thi công vụ "phải làm đúng quy định, tránh lạm quyền"

Theo TS Thái Thị Tuyết Dung - giảng viên Khoa Luật Hành chính Đại học Luật TPHCM, không phủ nhận rằng cách làm của CSGT Đà Nẵng là mới, lạ, mục đích và hiệu quả tuyên truyền, giáo dục tốt.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý những vấn đề sau. Thứ nhất, pháp luật quy định cán bộ, công chức Nhà nước - người thi hành công vụ chỉ được phép làm đúng những gì pháp luật quy định. 

Nguyên tắc này chỉ rõ phạm vi của người thi hành công vụ là luật có quy định thì làm, không thì thôi. Những hành vi nằm ngoài quy định bắt buộc thực hiện thì người thi hành công vụ không được làm.

Thứ 2, đối với các đô thị lớn, trực thuộc trung ương, dân cư đông, số vụ vi phạm pháp luật giao thông là rất nhiều, diễn ra hằng ngày.

Nếu thay đổi quy định cho phép CSGT làm như cách làm của CSGT Đà Nẵng thì e rằng sẽ không thể quán xuyến, bảo đảm thời gian, số lượng xử lý hành vi vi phạm. Và như vậy cũng khó có thể bảo đảm, giữ vững trật tự, kỷ cương.

Thứ 3, nếu thay đổi quy định theo hướng cho phép CSGT thực hiện như cách làm của CSGT Đà Nẵng thì cũng cần phải có cơ chế kiểm soát tốt. Nếu không, dễ dẫn tới hậu quả vô cùng lớn là khả năng tùy tiện, lạm quyền trong xử phạt của CSGT (gây mất thời gian, làm khó người vi phạm...).

Thứ 4, hành xử như CSGT Đà Nẵng là nhân văn, tuy nhiên cần có thời gian đủ để cách hành xử đó đi vào nề nếp, có kỷ cương. Ứng xử văn hóa phải cần phù hợp với pháp luật chung.

Trên cơ sở đó, cần có đánh giá, tổng kết toàn diện để thay đổi, bổ sung quy định pháp luật, nghiên cứu kỹ lưỡng để có nên nhân rộng cách xử phạt đó hay không và áp dụng trên phạm vi nào là thích hợp?

Khó áp dụng, dễ sinh phản tác dụng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an TPHCM cho biết mỗi địa phương có một đặc thù khác nhau, riêng TPHCM do mật độ dân số đông, thì phải áp dụng theo đặc thù, khác những nơi khác.

Theo lãnh đạo này, tại TPHCM, hiện yêu cầu đầu tiên đặt ra đối với cán bộ chiến sĩ đi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phải làm đúng pháp luật. Còn chuyện linh động chỉ là phần phụ trong quá trình xử lý vi phạm.

Theo CSGT TPHCM, trong quy định có những vi phạm luật được phép xử phạt cảnh cáo. Tuy nhiên, xử lý cảnh cáo đó cũng phải đúng theo quy định hiện hành.

Chẳng hạn như phát hiện hành vi “chạy xe lạng lách, đánh võng” thì khung hình phạt từ 6-12 triệu đồng, không có khung nào để phạt cảnh cáo được.

Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, không phải phòng khuyến khích nhưng vẫn cho phép cán bộ chiến sĩ tuyên truyền nhắc nhở linh động cho người dân cảm thấy gần gũi hơn.

Dù vậy, việc nhắc nhở này cũng phải đúng chuẩn mực theo từng tình huống cụ thể bởi nếu không sẽ dễ phát sinh những chuyện phản tác dụng, nên phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình, quy định pháp luật.

Chép phạt khi vi phạm giao thông: chỉ nên làm khi có quy định? CSGT xử phạt một trường hợp vi phạm tại quận 3, TP.HCM - Ảnh: T.T

Thượng tá Trần Văn Bình - Phó phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang cho biết theo quan điểm cá nhân ông, việc CSGT Đà Nẵng cho người vi phạm chép phạt có thể có ý nghĩa xã hội nhưng ông không đồng thuận cách làm này bởi đó là cách giải quyết không đúng quy định, quy trình xử lý vi phạm giao thông.

Bởi thông tư, nghị định đã quy định cụ thể về việc phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm, trong đó quy định cụ thể các hình thức xử phạt tiền hay cảnh cáo.

Việc tuyên truyền, nhắc nhở cũng phải theo quy định chứ không được “ngẫu nhiên” xử lý theo quan điểm cá nhân của từng cán bộ chiến sĩ, dễ làm ảnh hưởng không tốt đến người khác.

Thực tế thời gian qua, cũng có địa phương đưa hình nộm cảnh sát giao thông bắn tốc độ, hay treo biển báo không theo quy định, không theo chỉ đạo của Bộ Công an… đều bị nhắc nhở tháo gỡ.

Theo thượng tá Bình, trong thực tiễn, có những quy định cần phải được bổ sung, hoàn thiện để đi vào cuộc sống mang lại hiệu quả cao, nhưng việc này cũng phải theo quy trình, bổ sung chính thức trong quy định pháp luật thì cán bộ chiến sĩ mới được áp dụng.

Theo Ái Nhân - Sơn Bình - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X