Hotline 24/7
08983-08983

Cắt ngọn nhà nguyên PGĐ Sở: Qua hai năm vẫn trơ gan

Công trình vi phạm nhà A3-ngõ 8 Lý Nam Đế, P.Hàng Mã được quận Hoàn Kiếm ra văn bản xử lý từ tháng 10/2015, đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Tháng 10/2015, UBND quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định cưỡng chế phá dỡ diện tích vi phạm ở tòa nhà được cấp phép 7 tầng, nhưng xây 10 tầng ở địa chỉ A3, ngõ số 8 Lý Nam Đế (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) của ông Nguyễn Hoàng Linh - nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.

Cụ thể, ba tầng 8, 9, 10, diện tích mỗi tầng 140m2, và tum thang diện tích 21,4m2 sẽ bị phá dỡ hoàn toàn. Ngoài ra chủ đầu tư phải nộp phạt 15 triệu đồng vi phạm hành chính về trật tự xây dựng.

Có tiền vẫn chưa cắt?

Theo ghi nhận của phóng viên tại địa điểm trên vào ngày 5/1/2017, căn nhà của nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh vẫn đứng sừng sững giữa trời, cao vượt lên so với những căn nhà khác cùng khu vực.

Một số người dân sinh sống tại ngõ 8 Lý Nam Đế cho biết, trong suốt thời gian qua, phần xây dựng trái phép của tòa nhà A3 tuy được vây kín lại nhưng không có dấu hiệu của hoạt động tháo dỡ. Mọi hoạt động trong tòa nhà này vẫn được diễn ra bình thường.

Cat ngon nha nguyen PGD So:Qua hai nam van tro gan
Căn nhà của ông Nguyễn Hoàng Linh vẫn sừng sững giữa trời

''Thi thoảng tôi vẫn thấy ông Linh đi về tại căn nhà này. Căn nhà xây quá đến 2, 3 tầng nhưng vẫn đứng hiên ngang giữa đất trời, nếu mà là nhà của người dân bình thường thì có lẽ chỉ vài ngày là bị xử lý đến nơi đến chốn ngay'', bà N. một người dân sống trong ngõ 8 Lý Nam Đế nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Cường - Tổ trưởng tổ dân phố số 8 (phường Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội) xác nhận, hiện tại phần xây dựng trái phép tại nhà của ông Nguyễn Hoàng Linh vẫn chưa được cắt gọt theo yêu cầu của quận.

Ông Cường cho hay, ban đầu khi cơ quan chức năng phát hiện phần xây dựng trái phép của tòa nhà thì chủ nhà khẳng định sẽ tự giải quyết. Tuy nhiên sau đó lại phát sinh nhiều vấn đề khác liên quan đến chi phí cắt gọt tòa nhà nên tới hiện tại mọi việc vẫn chưa được giải quyết.

Trước đó, ngày 4/11/2016, ông Nghiêm Xuân Giao, Chủ tịch UBND phường Hàng Mã cho biết, sau khi UBND quận Hoàn Kiếm ban hành quyết định cưỡng chế công trình vi phạm trên, chính quyền phường đang hoàn thiện hồ sơ phá dỡ, giải quyết đơn thư khiếu nại việc phá dỡ công trình gây lún nứt công trình liền kề.

Thời gian phá dỡ 2 tầng vi phạm của nhà ông Linh dự kiến mất 7 đến 10 ngày. Theo ông Giao, khó khăn lớn nhất hiện nay là chủ công trình vi phạm không hợp tác, không chuyển kinh phí cưỡng chế dự kiến gần 1 tỷ đồng, buộc phường phải báo cáo UBND quận tìm phương án tháo gỡ, bởi ngân sách phường không đủ tạm ứng

Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh, trước mắt UBND quận sẽ tạm ứng ngân sách để phường Hàng Mã tổ chức thực hiện quyết dịnh cưỡng chế ngay trong tháng 11/2016.

Về việc này, Tổ trưởng tổ dân phố số 8 khẳng định, hiện tại kinh phí cắt gọt toàn nhà đã được quận Hoàn Kiếm chuyển về cho phường Hàng Mã. Bản thân ông không có trách nhiệm giải quyết sai phạm của toà nhà A3 nhưng với vai trò là người quản lý trực tiếp địa bàn nên được UBND phường Hàng Mã giao làm người chứng kiến những việc liên quan đến toàn nhà này.

''Nghe nói, hiện tại UBND phường vẫn đang lên phương án phá dỡ phần sai phạm của nhà ông Linh và tìm công ty có thể đảm nhận được việc này'', ông Cường cho biết thêm.

Việc cắt ngọn không khó

Trước bài toán mà UBND phường Hàng Mã đang gặp phải, phóng viên tiếp tục liên hệ đến Công ty TNHH xây dựng Hợp Kim Phát - Đơn vị chuyên phá dỡ công trình xây dựng để tìm hiểu về những khó khăn trong việc cắt ngọn nhà dân trong khu dân cư.

Theo anh T.X.V, đại diện của Công ty này, việc tìm một đơn vị thích hợp để thực hiện việc phá dỡ những công trình tương tự như nhà A3 không khó.

''Đối với những công trình nhỏ từ 200m2 trở xuống, việc cắt ngọn không hề khó khăn, rất nhiều công ty có thể thực hiện được việc này chứ không cứ phải là những công ty tầm cỡ.

Nếu để chúng tôi làm, chỉ cần 5 ngày là có thể hoàn thành cơ bản việc phá dỡ. Vấn đề là người vi phạm có chấp nhận hợp tác, tạo điều kiện để công ty thực hiện việc đó hay không thôi. Nhà 8B Lê Trực còn cắt được, chẳng lẽ nhà dân lại không thể cắt?'', anh V. khẳng định.

Liên quan đến chi phí cho việc dỡ bỏ phần vi phạm của những tòa nhà xây trái phép, anh V. cho biết: ''Thông thường những công trình mà công ty tôi thực hiện thì người vi phạm phải là người chịu khoản chi phí đó.

Mỗi loại công trình sẽ có một bảng báo giá riêng dựa trên mặt bằng chung về giá xây dựng, do vậy không có chuyện đắt rẻ trong trường hợp này. Về nguyên tắc, một khi đã vi phạm là phải bị xử lý ngay, không thể để kéo dài cả năm như vậy.''

Liên quan việc xử lý phần xây dựng trái phép của nhà A3, ngõ 8 Lý Nam Đế, bà Trần Thị Quốc Khánh (ĐBQH Hà Nội) khẳng định, chính quyền và các đơn vị liên quan phải nhanh chóng vào cuộc xử lý, tránh để kéo dài chậm trễ.

''Tôi cũng biết rằng thành phố đợt này quá nhiều việc. Dù thành phố chỉ đạo rất quyết liệt nhưng rõ ràng 1 số chỗ cũng chưa đảm bảo. Việc cắt ngọn nếu các cơ quan chức năng vào cuộc thì không có gì không làm được cả'', bà Khánh nói.

Theo nữ ĐBQH, cần phải xử lý nghiêm các sai phạm nếu có. Đặc biệt trong trường hợp cán bộ vi phạm thì phải cương quyết hơn nữa không để người dân bức xúc.

''Có thể tiến tới phải xử lý cán bộ, không thể để lâu quá như vậy được. Liệu có sự câu kết không? Phải làm rõ việc này, sai đến đâu xử đến đó'', bà Khánh khẳng định.

Theo Tiền Hải - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X