Hotline 24/7
08983-08983

'Cáp treo vào sân bay Tân Sơn Nhất chỉ là ý tưởng vui'

Trong khi có chuyên gia đánh giá cáp treo là giải pháp thông minh, khả thi để giải quyết tình trạng kẹt xe ở Tân Sơn Nhất, một số khác lại cho rằng đó chỉ là ý tưởng vui.

Công ty cổ phần Bilco vừa đề xuất ý tưởng xây hệ thống cáp treo từ hai công viên Gia Định và Hoàng Văn Thụ vào Cảng Hàng không Việt Nam (HKVN) Tân Sơn Nhất lên Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM.

Giải pháp ngắn hạn phù hợp

Kiến trúc sư (KTS) Trương Nam Thuận, chuyên gia nghiên cứu quy hoạch thành phố, thuộc Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng cáp treo là một giải pháp thông minh, sáng tạo và khả thi để giải quyết tình trạng kẹt xe ở các tuyến đường xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.

Khi nhu cầu sử dụng sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng tăng, đề xuất này sẽ giúp phân tán lưu lượng giao thông ra hai công viên lớn là Hoàng Văn Thụ và Gia Định. Tại hai địa điểm có diện tích lớn trên, thành phố sẽ có nhiều cách giải quyết vấn đề đậu xe, như xây dựng nhà xe cao tầng hoặc nhà xe ngầm.

Cáp treo vào sân bay Tân Sơn Nhất chỉ là ý tưởng vui - Ảnh 1.

Số liệu cơ bản của dự án cáp treo vào sân bay Tân Sơn Nhất. Đồ họa: Minh Trí.

KTS Thuận cho rằng so với hệ thống metro, cáp treo tỏ ra phù hợp hơn với tình hình hiện nay. Mặc dù metro vẫn là giải pháp giao thông công cộng mang tính bền vững nhất, nó đòi hỏi một lộ trình "dài hơi" và cần nguồn kinh phí vô cùng lớn.

"Trong 10 năm nữa, TPHCM vẫn không có đủ ngân sách để xây dựng hệ thống metro giải tỏa áp lực giao thông cho sân bay Tân Sơn Nhất. Trong thời gian ngắn hạn, cáp treo vẫn tỏ ra là một giải pháp hiệu quả", ông Thuận phân tích.

"Hơn nữa nếu phương án này được khai thác và đưa vào vận hành tốt thì hoàn toàn có thể thay thế metro trong tương lai dài. Nó không gây ô nhiễm tiếng ồn hay mất mỹ quan đô thị như hệ thống metro", KTS Trương Nam Thuận nói thêm.

Tuy nhiên, trong tương lai, khi sân bay quốc tế Long Thành được hoàn thành, Tân Sơn Nhất sẽ thành sân bay nội địa. Câu hỏi được đặt ra là liệu khi ấy hệ thống cáp treo có còn phát huy tối đa tác dụng?

Theo ý kiến của KTS Trương Nam Thuận, với áp lực dân số như hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất dù chỉ được sử dụng để phục vụ cho hàng không nội địa vẫn xảy ra hiện tượng quá tải, gây áp lực giao thông lên các tuyến đường xung quanh nếu không có các giải pháp thay thế khác.

Cáp treo vào sân bay Tân Sơn Nhất chỉ là ý tưởng vui - Ảnh 2.

Ở nhiều nước như Colombia, Anh, Singapore, Mỹ đã làm cáp treo trong thành phố từ rất lâu. Ảnh: Uncovercolombia.com.

Thêm vào đó, nếu không còn nhu cầu sử dụng cáp treo như một giải pháp giải tỏa giao thông, hệ thống này vẫn có thể được chuyển đổi thành một hình thức kinh doanh dịch vụ du lịch, cho phép du khách thưởng ngoạn thành phố từ trên cao.

Có thể thấy, cáp treo là một giải pháp phù hợp, dễ dàng trong việc xây dựng, không tốn nhiều kinh phí. Tuy nhiên, KTS Trương Nam Thuận vẫn nhận định đây là một bài toán phức tạp dành cho thành phố. "Không nên lập trạm check-in ở công viên, chỉ nên sử dụng các công viên như đầu mối giao thông là đủ", ông Thuận nói.

"Kẹt xe không phải do khách du lịch"

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, lại cho rằng đây là ý tưởng táo bạo nhưng không tưởng, không khả thi. Nếu tốt, có hiệu quả và an toàn, các nước phát triển đã làm chứ không phải chờ đến lúc chúng ta có ý tưởng này.

Theo TS Phạm Sanh, cáp treo chỉ có thể áp dụng trong các địa hình hiểm trở, vùng núi cao, ít hoặc không có người bên dưới, tránh làm đường nhằm bảo tồn các di tích văn hóa, phục vụ du lịch, khai thác cảnh quan và phục vụ lượng người đi ít, chứ không ai làm cáp treo để giải quyết kẹt xe.

TS Phạm Sanh phân tích thêm, mặc dù chi phí giảm hơn so với xây dựng tuyến metro kết nối sân bay nhưng phải bảo trì thường xuyên.

Ông Sanh cũng đặt câu hỏi: "Nếu dùng cáp treo như tuyến giao thông, mật độ sử dụng dày hơn rất nhiều, cho dù làm bằng công nghệ hiện đại tốt nhất, nhưng ai dám bảo đảm nó an toàn tuyệt đối. Thậm chí, nếu có cáp đung đưa trên đầu tại một đô thị đông dân, ai dám di chuyển ở bên dưới?".

Cáp treo vào sân bay Tân Sơn Nhất chỉ là ý tưởng vui - Ảnh 3.

Theo các chuyên gia, ùn tắc đường Trường Sơn chủ yếu do lượng xe của người dân thành phố chứ không phải do khách đi máy bay gây ra, nên xây cáp treo cũng không giải quyết được vấn đề. Ảnh: Lê Quân.

Đồng quan điểm với ông Phạm Sanh, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, một chuyên gia về kiến trúc đô thị, khẳng định: "Ý tưởng xây cáp treo vào sân bay Tân Sơn Nhất là thiếu thiết thực, không giải quyết bản chất của vấn đề giảm kẹt xe. Chắc đây là ý tưởng vui của nhà đầu tư trong tình hình kẹt xe ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất chưa thể giảm nhiệt".

Theo KTS Nam Sơn, kẹt xe tuyến đường vào sân bay Tân Sơn Nhất không phải do lượng khách du lịch vào sân bay lớn, mà chính là từ khách đi lại của thành phố. Chính vì thế làm cáp treo cũng không giải quyết được vấn đề, mà làm rối thêm kiến trúc đô thị ở khu vực sân bay.

Từ khi đường Phạm Văn Đồng đưa vào khai thác thì tình trạng kẹt xe tại tuyến đường Trường Sơn gia tăng. Người dân không tập trung di chuyển qua các tuyến đường Hoàng Minh Giám - Đào Duy Anh - Hồ Văn Huê để đi Hoàng Văn Thụ nữa.

Thay vào đó, người dân chọn lộ trình di chuyển ra đường Trường Sơn để đi Nguyễn Văn Trỗi vào trung tâm thuận tiện hơn, khiến đường Trường Sơn cùng các tuyến nối Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa bị ảnh hưởng, ách tắc thường xuyên.

"Thành phố nên có những phương án lâu dài, mở thêm tuyến đường từ Gò Vấp về trung tâm thì giải quyết được bài toán ùn tắc ở Tân Sơn Nhất", KTS Nam Sơn khẳng định.

Theo Phước Tuấn - Mai Chi - Thời đại

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X