Hotline 24/7
08983-08983

Cân nhắc dự án thép Cà Ná: Thép nào đang dư thừa?

“Thay vì mời thêm các chuyên gia, nhà tư vấn, Chính phủ cần quy trách nhiệm cho từng Bộ trong việc kiểm tra, đánh giá dự án thép Cà Ná”.

Bài học từ Formosa

Trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận liên quan đến dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná, Thủ tướng Chính phủ kết luận đây là dự án đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, Thủ tướng “chưa có ý kiến về dự án này”.

Thủ tướng đã giao các Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ TN-MT đánh giá chi tiết, cụ thể về các lĩnh vực như thị trường thép, đánh giá công nghệ, thiết bị, tác động môi trường…

Sau khi xem xét cụ thể các báo cáo trên,Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định chính thức về vấn đề này.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này,  PGS TS. Nguyễn Văn Ngãi - Trưởng khoa Kinh Tế - Trường ĐH Nông Lâm TPHCM khẳng định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đúng đắn, phù hợp với những tâm tư, lo lắng của người dân.

Theo PGS.TS Ngãi, chúng ta đã có nhiều bài học từ những dự án đầu tư thép, gần đây nhất là việc Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung. Vì vậy việc đánh giá mức độ cần thiết cũng như các yếu tố về môi trường, công nghệ, xử lý thải là hết sức quan trọng vào thời điểm này.

Can nhac du an thep Ca Na:Thep nao dang du thua?
Các chuyên gia đều cho rằng chỉ đạo của Thủ tướng với dự án thép Cà Ná là cần thiết. Ảnh: LĐO

“Formosa chúng ta đã phải trả giá đắt rồi. Vì vậy trước đề xuất mới từ Ninh Thuận và Tập đoàn Hoa Sen chúng ta lại càng phải nghiên cứu kỹ hơn. Ở đây, các chuyên gia, các Bộ, ngành phải đánh giá cho chắc. Chúng ta sẽ được gì và mất gì khi triển khai dự án thép Cà Ná. Sau khi có kết luận cuối cùng thì Thủ tướng mới xem xét đưa ra quyết định cuối cùng”, PGS.TS Ngãi nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Quang Bình, Chủ nhiệm khoa kinh tế, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho rằng sau những hiểm họa môi trường từ dự án thép Formosa, với đề xuất mới này, chắc chắn Thủ tướng phải yêu cầu các Bộ, ngành đưa ra những cơ sở luận chứng khách quan, cụ thể, chính xác nhất.

“Thứ nhất do đây là dự án thép và đặc biệt được triển khai sau thảm họa môi trường của Formosa nên phải thận trọng. Chúng ta phải có những luận chứng đầy đủ, phải xem xét có thiết thực hay không. Ngoài ra cần đánh giá xem công nghệ có phải là loại tiên tiến không? Mỗi Bộ chịu trách nhiệm đánh giá về những lĩnh vực, khía cạnh riêng biệt.

Thứ hai là do dư luận chưa thật sự đồng tình. Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất này. Vì vậy chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ là cần thiết”, PGS.TS Bình khẳng định.

Quy trách nhiệm riêng cho từng Bộ

Để có những thông tin chính xác, đầy đủ, khách quan trình lên Thủ tướng Chính phủ, PGS.TS Bình cho rằng dù các Bộ được giao những nhiệm vụ, trọng trách riêng nhưng ngoài chuyện làm việc độc lập thì cần phối hợp với nhau để đưa ra những kết luận cuối cùng.

“Mỗi Bộ đánh giá độc lập, chịu trách nhiệm phần của mình nhưng sau khi hoàn thành phải tổng hợp lại, ngồi lại bàn bạc để có một cái thông tin đầy đủ, đánh giá chắc chắn để trình Thủ tướng xem xét.

Đặc biệt khi tiến hành đánh giá thì cũng cần tiếp thu những ý kiến phản biện dù tích cực hay tiêu cực từ các nhà khoa học, các nhà chuyên môn. Chúng ta có thêm nhiều kênh, nhiều ý kiến từ phản biện thì sẽ tốt hơn”, PGS.TS Bình nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Bình nhận định, để làm được như vậy cũng không hề dễ dàng, bởi khi đó bắt buộc chủ đầu tư phải công khai rộng rãi các thông tin về dự án. Tuy nhiên, điều này không phải doanh nghiệp nào cũng chấp nhận và sẵn sàng chia sẻ.

“Về mặt nguyên tắc, chủ dự án phải cung cấp thông tin đầy đủ.  Sau khi đi vào hoạt động họ cũng phải làm đúng theo cái đó, không được chỉnh sửa. Muốn cho các nhà khoa học và dân chúng biết thì phải công khai tất cả các thông tin. Nhưng liệu rằng có thể làm được hay không? Đây mới là vấn đề. Tôi chỉ sợ không làm được”, ông Bình băn khoăn.

Trong khi đó, PGS TS. Nguyễn Văn Ngãi khẳng định, mỗi Bộ, ngành đều có các nhà khoa học, nhà chuyên môn với trình độ và hiểu biết sâu rộng. Vì vậy, thay vì mời thêm các chuyên gia, các nhà tư vấn độc lập, chính phủ cần phải quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các Bộ, đứng đầu đơn vị kiểm tra, thẩm định dự án này.

“Chúng ta không cần thiết thuê chuyên gia, tư vấn độc lập mà từng Bộ phải chịu trách nhiệm với thủ tướng chính phủ và nhân dân. Nếu Bộ nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm xử lý.

Chẳng hạn như Bộ TN-MT thì phải có các chuyên gia về môi trường. Bộ Khoa học công nghệ cũng không thiếu các nhà khoa học có kinh nghiệm đánh giá về công nghệ dự án…

Chúng ta đã có hệ thống hết rồi. Giờ làm thế nào làm một cách công khai, minh bạch, hiệu quả.

Chẳng hạn trong trường hợp các Bộ thấy không có đủ năng lực thì lúc đó có thể đề nghị Chính phủ thuê chuyên gia đánh giá, phân tích. Tuy nhiên chắc chắn các Bộ được giao trách nhiệm phải chịu trách nhiệm trước chính phủ và nhân dân, chứ không phải các chuyên gia tư vấn”, ông Ngãi nhấn mạnh.

Dự án phải xem xét lại

Ở góc độ một chuyên gia kinh tế độc lập, Trưởng khoa Kinh Tế - Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đánh giá, cần phải xem xét lại đề xuất của phía Ninh Thuận và Tập đoàn Hoa Sen đối với dự án thép Cà Ná.

Theo PGS.TS Ngãi, hiện nay thị trường thép thế giới tương đối bão hòa. Vì vậy đối với Việt Nam vốn đã có nhiều bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực này thì cần phải trả lời câu hỏi “có cần thiết phải tự sản xuất hay không?”.

“Chúng ta đang mở cửa hội nhập với thế giới đặc biệt là tham gia TPP. Trong thời gian tới thị trường thép thế giới sẽ thống nhất. Nếu Việt Nam chen vào mà sản xuất không hiệu quả thì chắc chắn thiệt hại thuộc về chúng ta. Nếu đầu tư ra không cạnh tranh được sẽ dẫn tới đóng cửa.Và khi đó lại là một sự lãng phí lớn. Chưa nói đến tác hại về môi trường. Cho nên tôi nghĩ phải xem xét thị trường thế giới. Chúng ta không nên cứng nhắc, bắt buộc phải sản xuất thép trong nước. Khi đó nếu so sánh thép nhập khẩu ngang bằng giá tự sản xuất thì đương nhiên nên lựa chọn nhập khẩu thép để giảm các tác động ô nhiễm về môi trường”, PGS.TS Ngãi nêu quan điểm.

Cùng nhận định trên, PGS.TS Bùi Quang Bình cho rằng trong lúc thị trường thép dư thừa, để đầu tư một nhà máy mới thì Việt Nam cần phải tính toán thận trọng, có cơ sở.

“Thép hiện nay còn dư thừa rất nhiều. Vấn đề là chúng ta sản xuất thép gì? Thép xây dựng hay thép dùng để luyện kim với công nghệ cao? Thép dùng cho các ngành chế tạo thì mới là cần thiết. Vì vậy phải xem xét toàn diện tất cả các khía cạnh, không được vội vã”, PGS.TS Bình khẳng định.

Theo Hoàng Nam - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X