Hotline 24/7
08983-08983

Bỗng dưng... hết nhiễm HIV sau 19 năm?

Bị xác định nhiễm HIV từ năm 1997, ông Trần Ngọc Khanh chịu 19 năm sống trong tủi. Ngày 16/5, ông đi xét nghiệm lại thì bất ngờ thấy kết quả mình không hề nhiễm HIV.

Ông Trần Ngọc Khanh cầm trên tay các kết quả xét nghiệm âm tính với HIV - Ảnh: Nguyễn Nam
Ông Trần Ngọc Khanh cầm trên tay các kết quả xét nghiệm âm tính với HIV - Ảnh: Nguyễn Nam

Năm 1997, ông Trần Ngọc Khanh - 65 tuổi, ngụ Vĩnh Hải, Vĩnh Hảo, Tuy Phong, Bình Thuận bị xác định nhiễm HIV. Bao nhiêu hệ lụy đã ập đến gia đình ông từ “cái ngày đen tối” ấy. Sau 19 năm “vẫn sống nhăn”, ông Khanh đã tìm đến các cơ sở y tế uy tín để tự minh oan cho mình.

Tháng 7/1997, ông Khanh được cán bộ y tế tỉnh Bình Thuận và xã Vĩnh Hảo đến nhà đưa đi lấy máu xét nghiệm HIV. Ông Khanh cho rằng lý do xét nghiệm HIV có thể do ông từng sử dụng ma túy trước đây.

Vài ngày sau, cán bộ y tế tới nhà thông báo ông Khanh bị nhiễm HIV và đưa vào diện giám sát ca bệnh tại địa phương.

Người đời kỳ thị

Ông Khanh nhớ lại: “Khi nghe tin mình bị nhiễm HIV tôi bỏ ăn, tinh thần suy sụp dữ lắm. Thời đó người ta nói với nhau về bệnh siđa rất kinh khủng. Mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt khác”.

Cũng từ ngày ấy các con và vợ không ăn cơm chung với ông Khanh nữa. Tới bữa ăn ông lủi thủi bới cơm ăn một mình. Nhà vệ sinh chỉ có ông Khanh và vợ sử dụng, hai người con trai của ông Khanh chạy sang nhà nội hoặc tìm chỗ khác để tắm, đi vệ sinh.

“Từ khi biết tin ổng bị kết luận nhiễm HIV tui cũng không dám sinh hoạt vợ chồng với ổng, vì nghĩ tới HIV là tui ớn lắm.

Tôi hỏi ổng có đi chơi bời gì ở ngoài để mang bệnh không thì ổng trả lời không. Nghe nói bệnh này mau xuống sức lắm nhưng tui thấy ổng vẫn khỏe như thường” - bà Lê Thị Anh, 65 tuổi, vợ ông Khanh nói.

Con trai đầu của ông Khanh cho hay lúc nghe cha bị kết luận nhiễm HIV anh cảm thấy chán nản, mặc cảm và luôn nghĩ xấu về người cha mình.

“Gia đình tôi buồn lắm nhưng không ai nói ra. Còn việc sinh hoạt chung thì phải kiêng cữ vì cần phải phòng tránh cho nhau” - anh bộc bạch.

Ngày qua ngày, nhân viên y tế đều đặn một tháng một lần đến kiểm tra “bệnh tình” của ông Khanh.

“Mỗi khi đến khám họ hỏi tôi có bị tiêu chảy hay phát bệnh gì không, nhưng tôi thấy cơ thể mình vẫn bình thường. Họ còn hướng dẫn tôi đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Thuận để lấy thuốc uống điều trị HIV nhưng tôi từ chối vì thấy cơ thể mình vẫn khỏe mạnh” - ông Khanh cho hay.

Nhưng mọi người không tin ông bình thường. Nghe họ rỉ tai nhau “bệnh HIV/AIDS chết từ từ chứ không chết liền” khiến ông không khỏi lo lắng, thấp thỏm.

“Hai vợ chồng tui lo cơm áo gạo tiền nuôi mấy đứa con, tới đâu hay tới đó chứ không nghĩ chuyện đi xét nghiệm lại cho ổng. Công việc làm ăn của gia đình cũng gặp khó khăn vì người ta nói nhà có người bị HIV nên ngại tới” - bà Anh bày tỏ.

Trước đây ông Khanh làm nhân viên bưu tá, tại nhà có mở sạp bán hàng. Sau khi bị kết luận nhiễm HIV, ông chuyển sang làm đại lý bán vé số nhưng vẫn ế ẩm vì không ai dám tiếp xúc với ông.

“Tôi đi ăn giỗ, vừa đặt đũa gắp miếng thịt thì mấy người ngồi cùng bàn không ai dám đụng tới nữa. Có người còn nói với tôi là ông bị nhiễm HIV mà giấu. Tui sống nhiều năm trong tủi nhục như vậy đó” - ông Khanh tâm sự.

Trong một đêm không ngủ vào tháng 5-2016, ông Khanh trăn trở vì sao đã 19 năm bị nhiễm HIV mà mình không chết? Có sự nhầm lẫn gì đây? Ngay sáng hôm sau ông bắt xe vào TPHCM với một niềm tin nội tâm rất lớn.

Thoát “án tử hình”

Cầm phiếu xét nghiệm của Công ty TNHH y tế Hòa Hảo (TPHCM) ngày 16/5 cho kết quả âm tính với HIV, ông Khanh vui sướng tột cùng.

“Để cho chắc ăn, hai ngày sau tôi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận (TP Phan Rang) làm xét nghiệm tại khoa hóa sinh - vi sinh. Kết quả vẫn âm tính với HIV. Vẫn chưa yên tâm, ngay hôm sau tôi lên đường vào thẳng BV Bệnh nhiệt đới TPHCM để làm xét nghiệm lần nữa” - ông Khanh nói.

Ngày 19/5, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM sau khi xét nghiệm đã cho kết quả ông Khanh âm tính với HIV. Ông Khanh cho biết mỗi lần cầm kết quả xét nghiệm trên tay ông cảm thấy như vừa thoát án tử hình và được hồi sinh để sống lại cuộc đời mới.

Ngày 25/5, ông Khanh tìm đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Thuận (nơi cách đây 19 năm kết luận ông bị nhiễm HIV) đề nghị lấy mẫu xét nghiệm HIV đối với ông.

“Nếu như nơi này đã xét nghiệm nhầm lẫn thì họ phải có trách nhiệm “đính chính” lại cho tôi” - ông Khanh nói. Sáng 30/5, tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Thuận, ông Khanh nhận được kết quả xét nghiệm với kết quả hoàn toàn khỏe mạnh, không hề bị nhiễm HIV.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, quyền trạm trưởng Trạm y tế xã Vĩnh Hảo, cho biết đã hướng dẫn ông Khanh đến Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Thuận báo sự việc, xét nghiệm lại để đưa ra khỏi diện theo dõi bệnh HIV.

“Ông Khanh được chúng tôi quản lý từ lâu. Trong quá trình thăm khám thấy sức khỏe ổng bình thường. Chúng tôi chưa biết là do nhầm hay do ông Khanh uống thuốc điều trị hết nữa” - bà Nguyễn Thị Thanh Loan cho hay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Việt - giám đốc Sở Y tế Bình Thuận - cho biết nếu trường hợp ông Trần Ngọc Khanh xét nghiệm lại không nhiễm HIV thì cơ quan chức năng phải thông báo công khai tại địa phương để cho mọi người biết.

Ông Việt cũng đã chỉ đạo giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Thuận làm rõ trường hợp của ông Khanh.

Có trường hợp không điều trị nhưng hết bệnh

Ông Phạm Thanh Thành - giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Thuận - cho biết vẫn có những trường hợp không điều trị mà hết bệnh do miễn dịch của cơ thể tăng lên, trường hợp này rất hiếm và người ta vẫn chưa giải thích được.

Hoặc có những người có gen đột biến, kháng lại tác nhân gây bệnh của nhiều loại chứ không phải chỉ riêng HIV. Có những người uống thuốc ARV đến 20 năm vẫn thấy cơ thể bình thường, như trường hợp chị P.T.H. (Hải Phòng).

Về khả năng kết quả xét nghiệm nhầm lẫn, ông Thành cho hay mỗi mẫu xét nghiệm đều làm đúng theo quy định của Bộ Y tế, khó có khả năng sai sót. Bây giờ quy trình đó càng ngày càng chặt hơn.

“Tôi nghĩ anh Khanh quan tâm đến sức khỏe đi xét nghiệm lại âm tính là chuyện đáng mừng cho anh Khanh và cả gia đình. Những người điều trị tại trung tâm chúng tôi sẽ cho xét nghiệm lại hết trước khi cho vào điều trị” - ông Thành cho hay.


Có thể khởi kiện đòi bồi thường

Đối với trường hợp ông Trần Ngọc Khanh, sau khi xác định kết luận oan bị nhiễm HIV thì cơ quan chức năng phải thông báo công khai tại địa phương, xin lỗi và bồi thường tổn thất tinh thần, vật chất cho ông Khanh.

Đồng thời, ông Khanh cũng có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu được bồi thường thiệt hại trong 19 năm bị kết luận nhiễm HIV oan.

Luật sư PHAN MINH (Đoàn luật sư TPHCM)


Theo Nguyễn Nam - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X