Hotline 24/7
08983-08983

Bộ trưởng Giáo dục: 'Đừng mắc hội chứng trường đại học 4.0'

Cho rằng cách mạng công nghệ 4.0 sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng Bộ trưởng Giáo dục khuyên các đại học không nên ngộ nhận với khái niệm "trường đại học 4.0".

Chiều 13/4, làm việc với Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhận được thắc mắc từ một giảng viên: "Chúng tôi không hiểu cách mạng 4.0 đang được nhiều người nói tới là gì, xin Bộ trưởng giải thích". Giảng viên này nêu thực trạng nhiều trường đại học đang rầm rộ tổ chức các hội thảo về cuộc cách mạng công nghệ 4.0, có trường còn xưng là "trường đại học 4.0".

Nhận xét đây là câu hỏi hay và thời sự, ông Nhạ cho rằng dư luận đang bàn rất nhiều về cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư này, song nếu không hiểu đúng bản chất của nó thì dễ mắc vào sự ngộ nhận.

Theo ông Nhạ, ở cuộc cách mạng công nghệ này, nền tảng công nghệ thông tin có mặt trong mọi khía cạnh của đời sống, trong đó có ngành giáo dục và đào tạo. Tại đây, nhiều ngành ứng dụng khoa học công nghệ ra đời và có ngành sẽ biến mất, đặt ra bài toán đào tạo cho các trường.

"Mặt khác, theo mục tiêu của Chính phủ, năm 2020 nước ta sẽ có khoảng một triệu doanh nghiệp, tức là cũng cần một triệu cán bộ công nghệ thông tin. Nhưng hiện chúng ta mới có 300 nghìn cán bộ này nên đây là cơ hội lớn cho các trường đào tạo", ông Nhạ cho biết.

Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, các trường đại học cần định hướng lại ngành đào tạo để nắm bắt chắc chắn cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ này mang lại. "Chúng ta không nên nói rằng trường đại học 4.0 hay mô hình đại học 4.0, đừng quá hội chứng cách mạng 4.0".

bo-truong-giao-duc-dung-mac-hoi-chung-truong-dai-hoc-40

Ông Phùng Xuân Nhạ (phải) tham quan phòng thực hành cơ khí của Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

Trước đó, tại buổi làm việc với trường, ông Nhạ yêu cầu Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cần rà soát lại các ngành đào tạo đang có và tập trung vào một số ngành quan trọng, tạo sự khác biệt. Công việc này phải ưu tiên cho chất lượng đào tạo và phù hợp với thực tiễn, thị trường lao động.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng trường) đề nghị Bộ Giáo dục cho phép sử dụng cơ sở vật chất sẵn có để tăng một phần nguồn thu bù đắp vào nguồn ngân sách Nhà nước cấp hàng năm. Bởi trường đang dự kiến xây dựng đề án về tự chủ theo lộ trình 5 năm tiến đến tự chủ hoàn toàn.

Ngoài ra, ông Dũng đề nghị được hỗ trợ một phần kinh phí để trường xây dựng một trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia trực thuộc Bộ tại trường, đồng thời được thành lập trung tâm xuất sắc về giáo dục kỹ thuật, trung tâm bồi dưỡng giáo viên trung cấp chuyên nghiệp về dạy nghề.

"Một trong những thế mạnh của trường chúng tôi so với các trường khối kỹ thuật khác là đào tạo giáo viên dạy nghề và nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân kỹ thuật trong cả nước", ông Dũng giải thích. 

Theo Mạnh Tùng - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X