Hotline 24/7
08983-08983

Bộ sưu tập hình ảnh giai nhân mỹ nữ Sài Thành xưa

Cùng ngắm nhìn vẻ đẹp của những mỹ nhân nức tiếng, từng đốn đổ biết bao trái tim chàng trai một thời ở Sài Thành xưa.

Những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, không ít phụ nữ Việt Nam với nhan sắc "nghiêng nước nghiêng thành" đã đốn đổ và làm mê đắm biết bao trái tim của các quý ông xưa.

Nếu ở Hà Thành nổi tiếng với "tứ đại mỹ nhân": cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy thì ở Sài Thành, không ai là không nghe tiếng của cô Ba Trà (Trần Ngọc Trà), cô Ba "xà bông", cô Tư Nhị...

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, chúng ta cùng ngược dòng lịch sử khám phá bí ẩn cuộc sống của những mỹ nhân Sài Thành nức tiếng thời xưa.

1. Cô Ba Trà

Sinh năm 1906, với nhan sắc hiếm có cùng trí thông minh vượt trội của mình, cô Ba Trà (tên thật là Trần Ngọc Trà) được mệnh danh là Étoile de Saigon (tạm dịch: ngôi sao Sài Gòn).

Với vẻ đẹp "sắc nước nghiêng thành", cô Trà đã đốn ngã hàng loạt tay chơi hào hoa giàu có bậc nhất Sài Thành như Hắc công tử (Trần Trinh Huy), Bạch công tử (Lê Công Phước), công tử Bích (người một lúc "chịu chơi" tặng cô 70.000 đồng trong lúc một lượng vàng thời đó chỉ khoảng 60 đồng).

Bộ sưu tập hình ảnh giai nhân mỹ nữ Sài Thành xưa 1Chân dung của cô Ba Trà

Có giai thoại kể lại rằng, không cần cô Trà mở lời, hễ Bạch công tử nghe thấy Hắc công tử tặng món đồ gì quý giá, ông sẽ hỏi giá và mua món quà đắt hơn để tặng người đẹp. Bởi vậy mà cô Trà sở hữu không biết bao nhiêu đồ trang sức quý giá, xe hơi, nhà cửa...

Sở hữu vẻ đẹp mặn mà cùng sự nổi tiếng nhưng ít ai ngờ tuổi thơ của người đẹp lại vô cùng cay đắng, tủi nhục. Cha của cô Trà đem lòng nghi ngờ sự chung thủy của vợ nên đã không thừa nhận cô là con của mình.

Vì quá ghen tuông, ông đã qua đời sớm, bà nội cô cũng vì đau buồn mà mất theo. Người bác ruột đã vin vào cớ này đuổi mẹ con cô ra khỏi nhà.

Bộ sưu tập hình ảnh giai nhân mỹ nữ Sài Thành xưa 2
Vì quá nghèo, mẹ đành gả cô làm vợ một viên quan người Pháp tuổi gần gấp 3 lần Trà khi cô 14 tuổi. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này cũng mau chóng kết thúc khi cô 15 tuổi.

Sau đó, cô Ba Trà còn kết hôn với con trai tỷ phú đất Phan Rang nhưng chỉ 2 năm sau họ cũng ly dị do người chồng cô quá lăng nhăng. Cô Ba Trà kết thân với BS Trần Ngọc Án và trở thành phu nhân của ông khi 18 tuổi.

Nhưng cuộc hôn nhân này cũng không trụ được lâu, cô lao vào cuộc sống tự do phóng khoáng, điểm mặt hàng ngày ở vũ trường và lao vào con đường cờ bạc đỏ - đen.

Những canh bạc đốt sạch gia sản của người đẹp, cô lâm vào cảnh nợ nần, túng bấn và phải đi làm thuê ở một cửa tiệm nhỏ. Khi còn trẻ, cô Ba Trà được săn đón bao nhiêu thì khi về già, cô càng tủi khổ bấy nhiêu và rồi kết thúc cuộc đời một mình cô quạnh.

Bộ sưu tập hình ảnh giai nhân mỹ nữ Sài Thành xưa 3
Cuộc đời đầy sóng gió của cô Ba Trà được "tiểu thuyết hóa"

Có thể nói, cuộc đời của giai nhân Trần Ngọc Trà đã khép lại bằng nốt trầm buồn nhưng vẻ đẹp của cô đã khiến không ít nhà văn, nhà thơ đã tốn giấy mực để miêu tả về một người đủ sức mê hoặc các tay chơi hào hoa khắp vùng rộng lớn.

2. Cô Ba "xà bông"

Cũng sở hữu tên là Ba nhưng người đẹp mang biệt danh cô Ba "xà bông" lại có cuộc đời và số phận trái ngược hoàn toàn so với cô Ba Trà. Sinh ra trong một gia đình quyền thế, cha cô là thầy thông Chánh nên cô Ba "xà bông" sống rất đúng mực, hiểu chuyện.

Bộ sưu tập hình ảnh giai nhân mỹ nữ Sài Thành xưa 4
Sắc đẹp của cô Ba "xà bông"

Đặc biệt, cô sở hữu một sắc đẹp tuyệt trần, tới mức được ghi lại tới ngày nay: "đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực keo su nhơn (nhân) tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức…".

Theo nhiều giai thoại kể lại, tiếng tăm của cô Ba "xà bông" nổi lên từ cuộc thi hoa hậu đầu tiên do chính người Việt Nam tổ chức tại Sài Gòn diễn ra năm 1865.

Bộ sưu tập hình ảnh giai nhân mỹ nữ Sài Thành xưa 5
Trong cuộc thi ấy, cô trở thành hoa khôi đầu tiên sau khi đánh bại gần 100 cô gái xinh đẹp khác. Thậm chí, nhiều nhiếp ảnh gia Pháp đã mời cô chụp ảnh áo tắm để đăng báo ở chính quốc. Tuy nhiên, cô Ba đã từ chối vì điều ấy không phù hợp với thuần phong mỹ tục thời đó.

Bộ sưu tập hình ảnh giai nhân mỹ nữ Sài Thành xưa 6(Nguồn ảnh: Thanh Niên)

Tuy nhiên, không vì điều ấy mà danh tiếng của cô Ba giảm sút. Sau cuộc thi hoa hậu, cô trở thành biểu tượng của hãng xà bông Việt Nam nổi tiếng do ông Trương Văn Bền lập ra.

Trong các mẫu xà bông của hãng này, mẫu nào cũng có hình của cô Ba, khiến hình ảnh cô lan tỏa đi khắp Sài Gòn và lục tỉnh bấy giờ. Đó cũng chính là lý do cô mang biệt danh cô Ba "xà bông".

Bộ sưu tập hình ảnh giai nhân mỹ nữ Sài Thành xưa 7

Dẫu vậy, hồng nhan thường bạc mệnh và cô Ba "xà bông" cũng không ngoại lệ. Sau này, gia đình cô gặp phải biến cố xung quanh cái chết của Biện lý Jaboin.

Có tài liệu cho rằng chính cô Ba "xà bông" đã dùng súng bắn chết tên này, nhưng cũng có người khẳng định hung thủ là cha cô. Sau vụ án trên, cô Ba "xà bông" bị bắt và qua đời sau đó không lâu nhưng chưa rõ nguyên nhân.

3. Cô Tư Nhị

Là một mỹ nhân nức tiếng Sài thành xưa, cô Tư Nhị nổi danh là người đẹp nối gót cô Ba Trà. Cô là người mang hai dòng máu, cha cô gốc Khơme còn mẹ là người Việt (Sa Đéc). Tư Nhị cũng sở hữu cái tên tây rất kêu là "Marianne Nhị".

Đầu thế kỷ XX, cô gái xinh đẹp này dấn thân vào cuộc sống chốn thị thành ở Sài Gòn. Cô "bạo gan" làm quen và may mắn được đàn chị Ba Trà nhận làm em nuôi.

Bộ sưu tập hình ảnh giai nhân mỹ nữ Sài Thành xưa 8
Biệt danh "Tư Nhị" từ đó mà ra đời. Được sự giúp đỡ của cô Ba Trà, Marianne Nhị nhanh chóng nổi danh là một trong những mỹ nhân đẹp nhất Sài Gòn, được nhiều công tử, đại gia theo đuổi.

Tuy nhiên, cũng từ đây, cô gái này nhanh chóng sa vào những cuộc chơi trác táng, thâu đêm cũng như làm bạn với thuốc phiện. Người ta đồn rằng Tư Nhị "thay" người yêu như thay áo, thậm chí còn cố cạnh tranh, thoát khỏi tầm ảnh hưởng của người chị Ba Trà.

Cũng chính vì lẽ đó mà nhan sắc của cô sớm tàn lụi. Marianne Nhị nhanh chóng biến mất không tung tích vào giữa thập niên 1940.

Bộ sưu tập hình ảnh giai nhân mỹ nữ Sài Thành xưa 9
Hình ảnh ngôi nhà của cô Tư Nhị.

Sau này, có giai thoại kể rằng cô Tư Nhị đã trở thành một người ăn mày trên các đường phố Sài Gòn. Người cuối cùng gặp cô là Ba Quan - một tay chơi lịch lãm thời ấy.

Theo như ông này kể lại, khi đó Tư Nhị môi thâm đen, quần áo rách rưới, ruồi bu đen đầy các vết thương mưng mủ… Ông chỉ kịp đưa cho mỹ nhân xưa 20 đồng bạc rồi bỏ đi ngay lập tức. Cũng từ đó, tung tích về Marianne Nhị trở nên bí ẩn, không ai hay biết.

Ngày 20/10 hàng năm được chọn là Ngày Phụ Nữ Việt Nam, đó là sự ghi nhận của đất nước với những con người được Bác Hồ tặng 8 chữ vàng: "Cần cù, bất khuất, trung hậu, đảm đang".

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, trong đó, phụ nữ Việt Nam giữ một vai trò trọng yếu. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: "Nam nữ bình quyền". Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.

Chính vì vậy mà vào ngày 20/10/1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ chính thức được thành lập. Sự kiện lịch sử này thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Tổ chức cao cấp nhất của phụ nữ Việt Nam đã ra đời, đánh dấu một mốc quan trọng, chính thức công nhận vai trò và thể hiện sự tôn trọng bình đẳng của nam giới đối với phụ nữ.


AloBacsi.com
Theo Màn ảnh sân khấu

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X