Hotline 24/7
08983-08983

Bỏ sư tử, tì hưu: Cần giới thiệu mẫu linh vật thuần Việt

Đó là nhận định của ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Rất đúng, rất kịp thời

Chia sẻ thông tin với Đất Việt, ngày 3/9, về việc Bộ VHTT&DL đã có công văn chỉ đạo các Ban, Ngành, Sở VHTT&DL, các cơ quan đơn vị về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, ông Tiến cho biết: "Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ sự vào cuộc của Bộ văn hóa trong việc loại trừ sử dụng linh vật lạ của nước ngoài vào các nơi đình chùa, cơ quan công sở".

Theo ông Tiến thì trong thời gian vừa qua xuất hiện rất nhiều linh vật lạ, sư tử xa lạ với truyền thống văn hóa, không đúng với thuần phong mỹ tục, biểu tượng thể hiện cho văn hóa của VN.

Chính vì vậy, nên Bộ văn hóa đã vào cuộc siết chặt, nghiêm cấm, ngay sau đó nhiều nơi đã bỏ các linh vật, biểu tượng này, đặc biệt là những con sư tử lạ dữ dằn biểu tượng của nước ngoài. Thậm chí, những con chó đá, con hổ, con rồng lạ không phù hợp linh vật truyền thống của người Việt, để lại từ nhiều đời.

Đó cũng là nhận định của PGS.TS Tống Trung Tín, dù ở thời nào và tư thế nào thì thần thái của sư tử VN luôn thể hiện là một loại linh vật biểu tượng cho sức mạnh, nhưng lại hết sức gần gũi với con người, với cộng đồng cư dân Việt. Ngắm nhìn các hình tượng sư tử Việt luôn luôn gợi được cảm giác sư tử Việt trấn giữ, tiêu diệt kẻ ác, bảo vệ điều thiện và chính nghĩa.

Sư tử đá tạo hình của Trung Quốc được đặt trước vườn tháp ở di tích chùa cổ Chân Tiên (phố Bà Triệu, Hà Nội).

Sư tử đá tạo hình của Trung Quốc được đặt trước vườn tháp ở di tích chùa cổ Chân Tiên (phố Bà Triệu, Hà Nội).

Nhưng sư tử ngoại lai, nhất là sư tử phương Bắc bất kì góc độ nào đều thể hiện thần thái dữ dội, thân hình vặn vẹo, các thớ thịt nổi lên cuồn cuộn, nanh vuốt giơ lên, dáng vẻ hết sức dữ dội, nhìn vào có cảm giác sợ hãi, xa cách. Những người thiện nhìn vào cũng thấy sợ hãi thế cho nên Trung Quốc mới sử dụng để phòng tránh việc xâm phạm mồ mả.

"Tôi cho rằng đây là việc làm rất đúng, rất kịp thời, nếu để linh vật là thì nó rất xa lạ với truyền thống văn hóa của dân tộc Việt", ông Tiến nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ủy ban sẽ có văn bản kiến nghị với các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra và khuyến nghị những cơ sở, đơn vị thờ tự hay chùa chiền… mà có những con sư tử đá ấy thì nên bỏ, thay vào đó là những linh vật Việt Nam.

“Những nghiên cứu của các nhà khoa học, phản ánh tử các cơ quan ngôn luận sẽ là những kênh thông tin để Ủy ban xem xét", ông Tiến nhận định.

Phải tuyên truyền sâu rộng

Nhìn nhận ở một góc độ khác, ông Tiến thiết nghĩ, bên cạnh việc sát sao loại bỏ khỏi đền, chùa miếu mạo, công sở, thì Bộ văn hóa cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn, chỉ rõ những linh vật thuần Việt, phải có mẫu của linh vật thuần Việt để người dân lấy đó làm chuẩn.

Tránh dùng linh vật lạ không phù hợp với văn hóa của VN, thì phải tuyên truyền, hướng dẫn người dân, đồng thời phải có mẫu linh vật thuần Việt, như sư tử, rồng thuần Việt, hình tượng con nghê, chó đá, đưa ra mẫu chuẩn mực để mọi người dân có thể lựa chọn đưa vào vị trí xứng đáng.

Đặc biệt, ông Tiến cũng cho rằng cần có hướng dẫn, định hướng cụ thể cho các nghệ nhân, thợ thủ công, những người đang trực tiếp sản xuất những sản phẩm sư tử đá ngoại lai hiểu và phân biệt được đâu là sư tử đá Trung Quốc linh vật canh mộ và đâu là sư tử đá Việt Nam biểu trưng cho sức mạnh Phật giáo.

Còn tại các công sở, khách sạn hay nhà dân việc sử dụng tượng sư tử đá trước một cách tùy tiện tưởng như không mấy ảnh hưởng nhưng đó lại tiềm tàng một nguy cơ xấu do sự thiếu kiến thức văn hóa.

Đồng tình với nhìn nhận của ông Tiến, PGS.TS Bùi Quang Thanh, Trưởng Ban nghiên cứu Văn hóa - Nghệ thuật nước ngoài - Viện Văn hóa nghệ thuật VN cũng cho rằng: "Bên cạnh việc thông báo, quyết định loại bỏ thì Bộ văn hóa cần phải có hướng dẫn chi tiết thì người dân mới hiểu được, muốn như vậy Cục di sản phải có biểu trưng về di tích.

Bên cạnh đó, là câu chuyện bây giờ cấm sử dụng sư tử, tỳ hưu TQ nhưng vấn đề là cấm cái này thì trưng cái nào ra? Cục di sản với Cục mỹ thuật cần đưa ra các khuôn mẫu áp dụng cho thực tế. Cái này phụ thuộc tính năng động của đội ngũ các nhà quản lý văn hóa các cấp, họ cũng cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình thì mới hiểu văn hóa, áp dụng thực tiễn".

Trong một khía cạnh khác, nói về suy nghĩ hám tiền của người Việt, ông Tiến một mực thấy, đúng là suy nghĩ hám tiền của người dân ngày càng nhiều.

Thế nhưng có thiếu gì linh vật mà cứ phải dùng tỳ hưu, thiềm thừ...những con vật của TQ với ý thức giữ tiền, giữ của, kể cả dùng cả tượng ông lộc để giữ lộc? Có nhiều cách để giữ không nên dùng biểu tượng như thế.

Theo ông Thanh để giải quyết được triệt để vấn nạn này, cần:

Thứ nhất, trên các phương tiện truyền thông cần có bài viết mang tính khoa học, giải thích ý nghĩa của các biểu tượng trong các thời điểm nói riêng, truyền thống tâm linh các dân tộc khác tại VN. Phải có văn bản mang tính khoa học giải thích như thế thì bạn đọc, người nghe đài, xem truyền hình mới nhận biết được cái đúng, cái sai.

Thứ hai, nâng cao ý thức người dân, ý thức, nhận thức trình độ của các nhà quản lý các cấp.

Thứ ba, các văn bản chính sách, các cơ chế văn hóa cần song hành để thể hiện sự cương quyết chứ không phải là ra quyết định rồi không theo dõi, quản lý chặt chẽ thì sẽ không đem lại hiệu quả.

Thứ tư, nên có sự kết hợp chặt chẽ trong phạm vi gia đình - dòng họ - nhà trường một cách đồng bộ. Nếu làm được tôi tin chắc sẽ thành công và đi đến kết quả cụ thể.

AloBacsi.vn
Theo Thanh Huyền - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X