Hotline 24/7
08983-08983

Bổ nhiệm ''con ông cháu cha'': Kích thích sinh trưởng đột biến?

Với quy trình hiện hành, con kiến mà không biết cách thì cứ loay hoay, nhưng những ông ba mươi, ông voi có chống lưng lại dễ dàng chui qua.

TS Lê Hồng Sơn - Nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp) nhận xét như vậy khi trao đổi với Đất Việt về quy trình bổ nhiệm 'con ông cháu cha'.

Thưa ông, quy trình bổ nhiệm con trai làm lãnh đạo Sabeco của cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đang gây nhiều tranh cãi.

VAFI thì cho rằng việc bổ nhiệm con trai 25 tuổi làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam (PVFI). Sau đó ở vị trí này, ông Hải để xảy ra thua lỗ trong 2 năm liên tiếp nhưng lại được đưa về làm Phó giám đốc trung tâm hỗ trợ xuất khẩu của Cục Xúc tiến thương mại rồi nhanh chóng tiếp tục được bổ nhiệm thành viên HĐQT đồng thời kiêm chức Phó tổng giám đốc của Sabeco khi mới 28 tuổi là có vấn đề. VAFI cũng khuyên ông Hải từ chức tại Sabeco để tránh mang tiếng.

Tuy nhiên, cả cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và con trai Vũ Quang Hải đều khẳng định "Sabeco xin người, việc bổ nhiệm là đúng quy trình" và chứng minh điều này. Ông bình luận ra sao trước những thông tin này? Có thể hiểu băn khoăn của dư luận rằng có sự ưu ái trong việc bố trí nhân sự trong trường hợp này như thế nào?

Bo nhiem ''con ongchau cha'': Kich thich sinh truong dot bien?
Các cơ quan, đơn vị có liên quan đều khẳng định việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải là đúng quy trình
Không chỉ đến bây giờ mới có chuyện dư luận xôn xao về "con ông cháu cha". Đây là chuyện vừa mới vừa cũ. Tuy nhiên ở thời nào, vấn đề này cũng có tính thời sự và đặc biệt nó gây ra ý kiến trái chiều, đồng thuận hay không đồng thuận. Tôi đã có bài viết ở báo này về câu chuyện "con ông cháu cha" và giải pháp nào để khắc phục, hạn chế hiện tượng này.

Tôi nói ý vừa mới, vừa cũ. Mới, bởi vì gần đây, rộ lên một loạt chuyện bổ nhiệm một số người thuộc diện “ con ông cháu cha” ở nơi này, nơi kia. Cũ, vì đây là câu chuyện của ngàn đời nay rồi. Đến mức người ta đã tổng kết thành câu "con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa" có ý mỉa mai.

Từ câu chuyện này làm tôi nghĩ đến một vấn đề khác có liên quan, đó là, tại sao từ xa xưa các cụ đã đưa ra quy định "cáo tỵ" và "hồi tỵ" hàm ý, là những quan tòa, những người cầm cân nảy mực khi họ có liên quan tới công việc đang xử lý, đến đương sự của vụ án thì buộc phải rút lui, không cho tham gia xử lý vụ án, công việc đó? Hoặc ngay từ thời kỳ phong kiến cũng đã có quy định không cho phép làm quan, đảm nhiệm chức vụ, quản lý ở ngay quê hương, bản quán. hoặc cấm, hạn chế việc sử dụng người thân, hành xử kiểu “dĩ công vi tư”?

Vậy đấy, từ xa xưa người ta đã biết, đã nói và quan trọng hơn là đã có giải pháp để ngăn ngừa hiện tượng trục lợi cá nhân, trong đó có giải pháp ngăn chặn, hạn chế việc đưa con cháu, người thân quen vào vị trí dưới quyền hoặc ngăn ngừa hiện tượng xử lý công việc liên quan tới gia đình, người thân. Hiện nay, nhà nước ta cũng đã có những quy định nhằm hạn chế những tiêu cực trong lĩnh vực này, nhưng tôi thấy nó chưa đủ độ cần thiết. Người cơ hội, thực dụng vẫn có thể lách qua một cách dễ dàng. Những vụ việc xảy ra gây xôn xao dư luận vừa qua có thể được chia làm hai dạng cơ bản.

Dạng thứ nhất, chính bản thân những người có quyền cao, chức trọng trực tiếp dùng quyền lực của mình tham gia vào quy trình lựa chọn và quyết định bổ nhiệm con, em, vợ hoặc chồng. Ở dạng này, người ta rất dễ nhận biết, dễ "đọc vị". Điều kiện hiện nay, dù vẫn có ở nơi này, nơi khác, nhưng thường người ta ít khi dùng cách này để đưa con, cháu vào vị trí thơm ngon, có quyền thế, vì họ biết cơ quan có thẩm quyền và công luận sẽ dễ dàng nhận ra, ngăn cản họ thực hiện.

Dạng thứ hai, là những người quyền cao, chức trọng hành xử dưới dạng "bất tác vi", im lặng, không trực tiếp tham gia vào quy trình lựa chọn, bổ nhiệm. Còn việc xử lý, quyết định lại do các “đàn em, đệ tử”, tay chân thân tín thực hiện. Mà ai cũng biết, tuy người có quyền cao chức trọng tuy không xuất đầu lộ diện, nhưng dấu hiệu mang tính đặc định "con ông cháu cha" lại là tín hiệu đầu tiên và quan trọng nhất để cho người ta quyết định việc bổ nhiệm một cá nhân vào một chức vụ lãnh đạo cụ thể.

Dạng này rất “Cao tay ấn”. Không có căn cứ trực tiếp nào để vạch mặt. chỉ tên cả. Và thường được giải thích với công luận, với cơ quan có thẩm quyền rầng trường hợp này là “Đúng quy trình”, “Đúng quy định”, rằng đây là “Quy trình sạch”, không phát hiện vi phạm nào trong quá trình bổ nhiệm. Nghe vừa bi, vừa hài. Nhiều người phải thốt lên “Nghe mà lộn cả ruột”. Không biết các Cụ ngày xưa làm thế nào? Nhưng Hậu thế thì đã nâng thủ đoạn tạo chỗ đứng, tạo vị thế cho con, cho cháu, cho thế hệ kế tiếp của Đại ca, của Đàn anh  theo cách này đã lên thành mức Nghệ thuật. “Cánh ta, chiến hữu” tiếp tay, bao biện cho nhau.

Sẽ thiếu và không khách quan nếu không nói thêm rằng, ngay cả trong nhận thức, đánh giá của nhiều người trong từng cơ quan, từng đơn vị, kể cả trong cử tri, trong xã hội thì yếu tố “con ông cháu cha” dễ được ghi nhận, cho điểm “ưu” khi thực hiện quy trình chung. Trừ một số cá biệt đã có thông tin, căn cứ về sự vi phạm pháp luật, đạo đức tư cách ở mức nghiêm trọng, còn lại thì rất dễ được cho qua. Ở đây có tâm lý đám đông, có cả sự nhận thức, hành xử kiểu đại khái, qua chuyện, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước công việc chung. Đây là lợi thế cho “con ông cháu cha”, dù đóng góp, cống hiến, kinh nghiệm của họ, nếu được xem xét, cân nhắc, so sánh với các trường hợp khác không phải là “con ông, cháu cha” thì còn rất non, rất mỏng, thậm chí là khá yếu kém.

TS Lê Hồng Sơn

Tôi đành phải nhắc lại câu” tiên trách kỷ, hậu trách nhân” thôi. Tập thể rất cần phải phát huy trí tuệ, trách nhiệm của mình khi tiến hành quy trình đánh giá dân chủ, công khai hiện nay. Phát huy tốt việc này sẽ là một sự ngăn cản hữu hiệu các ý định không trong sáng, thiếu khách quan trong lựa chon nhân sự lãnh đạo ở từng cơ quan, đơn vij cụ thể.

Không nhận ra hai dạng thức này thì người ta cũng dễ có những nhận định, đánh giá không đúng mức, không thấy rõ được bản chất vấn đề.

Ngay trong dư luận cũng có một loại quan điểm bảo vệ yếu tố "con ông cháu cha" khi quyết định lựa chọn, bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý, coi đó như một “tiêu chuẩn”. Thậm chí, có người còn cho rằng cha thế nọ, con thế kia như là một vận may, diễm phúc của đất nước. Họ biện luận, cho rằng đó là yếu tố kế thừa mang tính truyền thống, là gen lãnh đạo ở một số gia đình, một số dòng họ.

Như tôi đã nhiều lần nói rõ, tôi hoàn toàn không phản đối yếu tố di truyền, yếu tố truyền thống. Ta đã chứng kiến nhiều dòng họ, nhiều gia đình truyền thống đã đóng góp, cống hiến cho dân tộc, cho sự nghiệp chung nhiều anh tài, hào kiệt, nhiều cá nhân xuất chúng. Tuy nhiên, tôi thấy, chỉ trừ trong các vương triều phong kiến cha truyền, con nối, còn lại chủ yếu là do các cá nhân từng người tự phấn đấu gian khổ để cống hiến, tự khẳng định mình trong tất cả các lĩnh vực, kể cả trong nghiên cứu khoa học, trong các hoạt đông xã hội, trong kinh danh.

Đặc biệt, yếu tố gien, yếu tố truyền thống gia đình, dòng họ  trong những thời kỳ đất nước gặp gian khó, nguy nan - tức là những thời  điểm cần sự xả thân, hy sinh, cống hiến đặc biệt vì sự nghiệp chung sẽ có cơ hội bộc lộ rõ nét. Vậy yếu tố “con ông cháu cha”, truyền thống gia đình không phải lúc nào cũng tiêu cực. Ngược lại, như trên đã nói, lại là yếu tố tích cực nếu biết phát huy đúng cách, đúng lúc

Đối với trường hợp ông Vũ Quang Hải mà dư luận hiện đang xôn xao, tôi cho rằng cần phải xem xét ở các yếu tố mang tính độc lập tương đối. Thứ nhất, cần phải xem lại toàn bộ quá trình đào tạo, đảm nhiệm các chức vụ khác nhau, thời gian thử thách, tích lũy kinh nghiệm đã phù hợp hay chưa? có bình thường hay không? Khi đọc lại những thông tin về quá trình thử thách cũng như đảm nhiệm các chức vụ, tôi thấy có những điểm không bình thường.

Nói tới đây tôi bất chợt nghĩ tới những loại thuốc đặc hiệu để kích thích sinh trưởng mang tính đột biến ở một số loại cây con. Sự liên tưởng này cũng có lý của nó đấy? Nếu những công dân bình thường khác, liệu có được những cơ hội để trong một thời gian ngắn, được giao đảm nhiệm các chức vụ và quá trình luân chuyển mau lẹ như thế hay không?  Và phải chăng ở đây cũng thuộc dạng thứ hai như tôi đã nói là đệ tử, cấp dưới thấy ông Hải thuộc diện "con ông cháu cha" nên đã trực tiếp ra tay giúp bác cả và giúp cháu nó?

Nếu thuộc trường hợp bậc sinh thành trực tiếp ra tay, có quyết định trực tiếp thì hồ hồ sơ, thủ tục sẽ thể hiện đầy đủ. Nếu cần thanh kiểm tra cũng chẳng khó gì.Vấn đề là trước vụ việc, trước các thông tin đã được nêu ra công khai như vậy, cơ quan có thẩm quyền có vào cuộc một cách thực chất hay không mà thôi? 

Những ý nghĩ này luôn ám ảnh tôi trong mấy ngày vừa qua, ngay từ khi thông tin về vụ việc này xuất hiện trên các trang mạng, trên báo chí. Tiếp theo, do có sự kích thích sinh trưởng một cách đột biến như vậy, nên khi xem lại độ tuổi cũng thấy một sự bất bình thường. Thanh niên 25- 28 tuổi, mới học ra trường vài ba năm mà đã kịp có "bề dày" luân chuyển, đảm nhiệm chức vụ chỗ này, chỗ kia như hồ sơ nhân sự của ông Hải đã thể hiện liệu có hợp lý hay không?

Đây tôi không nói trong trường hợp nước sôi, lửa bỏng, dấn thân hy sinh chiến đấu vì nước, vì dân - một phút làm nên lịch sử, một hành động cũng trở thành anh hùng. Hoặc có thành tích cống hiến, nghiên cứu đặc biệt xuất sắc, giành giải quốc gia, quốc tế được cả xã hội thừa nhận. Hoặc giả, đương sự được giao và đã giúp cho doanh nghiệp, nơi được luân chuyển đến công tác đạt được một kết quả, một thành công ngoạn mục, vượt trội - kể cả giúp đơn vị giải quyết thành công khủng hoảng, từ chỗ bị lỗ chuyển sang có lãi?

Đáng buồn, khi xem lại các thông tin mà người ta (cũng có thẩm quyền) đưa ra, tôi chẳng thấy một mảy may những dấu hiệu thành công, hay đóng góp dù nhỏ của đương sự cho đơn vị, cho doanh nghiệp. Ngược lại, chỉ thấy một sự vòng qua, đảo lại như có một bàn tay đang biến hóa. Một cá nhân chẳng có công lao gì, thành tích gì nổi bật, chỉ xoay qua, lộn lại theo kiểu “bật tường” để leo lên nhanh chóng, chỉ vì anh ta có “ Hộ chiếu đỏ”, có “ Thẻ xanh đặc biệt” là “con ông cháu cha” để rồi vượt qua mọi tiêu chuẩn, quy định, rào cản pháp lý liệu có tạo ra một sự “buồn tủi”, một sự "oán hờn" vì sự bất công nào đó trong các thế hệ thanh niên thời nay? Liệu những thanh niên bình thường chỉ trong mấy năm có đạt được những "thành tích luân chuyển” như ông Hải hay không để mà bây giờ người ta đưa "bề dày thành tích" đó để phân trần, giải thích với công luận? Và liệu dư luận có chấp nhận?

Những vấn đề khác mà VAFI nêu như: thời điểm ông Hải đảm nhận chức vụ tại các đơn vị có sự thua lỗ, thất thoát tài sản, tiền nong của nhà nước, của đơn vị, của doanh nghiệp, tôi không có văn bản, cứ liệu chính xác nên không dám lạm bàn. Tuy nhiên, vấn đề này hoàn toàn không khó với điều kiện là thời điểm xẩy ra  thua lỗ, nguyên nhân của việc thua lỗ cũng như trách nhiệm của những người có liên quan cần phải được công khai để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đối chiếu, đánh giá một cách khách quan, chính xác. Phần nào đó, chính công luận cũng đang đặt ra yêu cầu này. Chúng ta không cho phép, lại một lần nữa đưa ra giải thích là “Đúng quy trình”, “Đúng quy định “ để rồi “ngồi xổm” lên, bất chấp dư luận được. Hơn nữa, trường hợp này lại có đơn thư chính danh, công khai kiến nghị, phản ánh.

Vụ việc ông Vũ Quang Hải gây xôn xao sau hàng loạt những câu chuyện bổ nhiệm khiến dư luận đặt câu hỏi, từ việc giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng bổ nhiệm con trai (29 tuổi) làm phó Phòng quản lý hoạt động xây dựng, vợ ông chủ tịch thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu mắc sai phạm lại được điều chuyển tới những lùm xùm mới đây tại Bộ Công thương. Điều này đang phản ánh vấn đề trong việc lựa chọn nhân sự hiện nay, thưa ông?

 Như trên đã nêu, vừa qua có một loạt sự việc mà dư luận lên tiếng về hiện tượng “con ông  cháu cha”. Các ví dụ mà bạn nêu chỉ là một số ít trong đó. Có thể nêu thêm nhiều ví dụ khác nữa.

Tôi thấy, tiêu chuẩn mà Nhà nước đặt ra còn rất chung chung, thiếu cụ thể, rõ ràng, thiếu thực chất. Quy trình, thủ tục cũng hình thức. dân chủ nửa vời. Nhiều lần tôi và nhiều người khác đã nói rằng với quy trình hiện hành, có thể ví như lỗ kim. Con kiến mà không biết cách thì cứ loay hoay, rất khó chui lọt được. Nhưng những ông ba mươi, ông voi mà có chống lưng, có quý nhân phù trợ thì lại dễ dàng chui qua.

Với quy trình, tiêu chuẩn, thủ tục hiện nay và những cách thức để người ta đã và đang vô hiệu hoá nó, mà một phần đã được nêu ở trên, tôi thấy ẩn hiện đâu đó bóng dáng của quyền lực đen, của đồng tiền bẩn và hậu quả đương nhiên là người yếu kém, thất đức, bất tài vẫn có thể vượt qua. Người tốt, có tài mà không biết cách, thì phải ngậm ngùi ở lại. Đây là một biểu hiện của thoái hóa, biến chất, của tham nhũng, của hiện tượng chạy chức, chạy quyền mà dư luận ồn ào, râm ran lâu nay và lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã nhiều lần nêu ra.

Đã nhiều lần tôi nói tới việc nên có một cơ chế thi tuyển cạnh tranh công khai, đánh giá khách quan khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo. Ví dụ, để bổ nhiệm một vị Thứ trưởng ở một Bộ, cần thiết phải có số dư-2 hoặc 3 người cạnh tranh bằng chương trình, kế hoạch hành động, có thảo luận, tranh luận công khai trước công chức của Bộ đó để đánh giá, đề xuất. Lên đến Thủ tướng Chính phủ- là người có thẩm quyền quyết định Bổ nhiệm- lại rất cần có một Hội đồng để nghe các ứng viên trình bày, giải đáp, qua đó mà lựa chọn, đề nghị Thủ tướng Bổ nhiệm. Cách này vừa lựa chọn được người có trình độ, bản lĩnh, tâm huyết, vừa loại trừ tối đa tiêu cực, chạy chức, chạy quyền.

Ta phải thấy rằng, trong thời kỳ khó khăn, cần sự cống hiến gian khổ, thậm chí phải hy sinh xương máu thì con đường đi, sự lựa chọn của phần lớn “con ông cháu cha”(dù không phải là tất cả), thường hướng về nơi yên ấm, an nhàn, hưởng thụ, né tránh nơi mũi tên, hòn đạn, nơi chiến trường gian khổ. Dễ hiểu là cha ông đã sắp đặt, lo liệu cho con cháu trong nhà. Lúc này, chức quyền mà lại phải ra đầu sóng, ngọn gió, nơi hòn tên, mũi đạn không phải là ưu tiên lựa chọn của họ.

Nay, đã bình yên, chức quyền thường gắn với “đặc quyền, đặc lợi”,“ngồi mát ăn bát vàng”, nhiều bổng lộc thì việc chiếm giữ vị trí lãnh đạo, chức quyền, thường đông nghĩa với việc được hưởng thụ các đặc quyền nêu trên.”Con cha cháu ông” thường không chú ý đến sự khó khăn, yêu cầu cao về trình độ, trách nhiệm của chức vụ lãnh đạo, quản lý. Họ chỉ chú ý đến việc có chức,có quyền sẽ gắn với bổng lộc, thụ hưởng, dễ tiêu cực, tham nhũng. Vậy nên cha ông của họ, lẽ đương nhiên, lại lo lót, thu xếp cho họ theo hướng này.

Tôi có biết một vài trường hợp, cha ông lo, nhưng họ từ chối, mặc dù họ đủ trình độ, bản lĩnh. Đáng tiếc, số này quá ít, nếu không nói là cá biệt. Số còn lại, chỉ hoặc là khi họ quá bất mãn, hoặc quá lười biếng, họ chơi bời lêu lổng, không chịu học, hoặc vi phạm pháp luật dạng “anh chị”, hoặc, nói xin lỗi, họ bị thiểu năng trí tuệ, tâm thần thì ông cha mới chịu bó tay cam chịu, không thể lo lót chức quyền cho họ.

Nói vậy để thấy, cơ chế lựa chọn nhân sự lãnh đạo hiện nay, dù có nhiều điểm tốt, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, nhiều lỗ hổng chết người. Một vấn đề nữa, tôi thấy cần nói là, cơ chế quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo cũng còn nhiều bất cập. Quản lý thế nào? kiểm tra, đánh giá thế nào mà vẫn để tiêu cực, tham nhũng ngày càng có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt là tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt.

Điều rất đáng quan tâm là do quản lý, giám sát lỏng lẻo mà hiện nay, không chỉ có một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa, biến chất, tiêu cực, tham nhũng như Đảng ta đã nhiều lần chỉ ra, mà điều nguy hiểm là, hiện nay, đang có một bộ phận trong đó đã bị lưu manh hóa. Có thể lúc đầu họ không xấu, nhưng, điều kiện, môi trường đưa đẩy mà họ bị lưu manh hóa dần dần, lúc nào không biết. Tình trạng này, nếu không nhanh chóng có biện pháp thì sẽ tích tụ mâu thuẫn, bất mãn trong xã hội, dễ dẫn đến sự bùng phát, phản ứng tiêu cực khó kiểm soát.

Liên quan tới vụ việc, Bộ Công thương cũng đã yêu cầu Sabeco phải báo cáo đồng thời yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ quy trình bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải. Ông đánh giá thế nào về cách xử lý của Bộ Công thương? Theo ông, Bộ Công thương cần phải làm gì tiếp theo? 

Với trách nhiệm của Bộ chủ quản, nơi xẩy ra vụ việc, nơi quản lý nhân sự có liên quan, Bộ Công thương phải vào cuộc, yêu cầu các đầu mối có liên quan tường trình, báo cáo. Tất nhiên, nếu sự việc có liên quan đến lãnh đạo Bộ thì cũng phải xem xét từ đây.

Mặt khác, các cơ quan quản lý, kiểm tra, giám sát cấp trên cũng phải vào cuộc để xác định dúng , sai, phải, trái, từ đó mà có các quyết định xử lý khách quan, nhanh chóng, chính xác, đúng người, đúng phần lỗi của họ, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước. Việc trả lời cho công luận rõ nội dung, các quyết định xử lý, nếu có, theo tôi, là việc nên làm và cần phải làm sớm.

Có một thực tế là con quan được lựa chọn vào vị trí lãnh đạo cao, ngay lập tức sẽ khiến dư luận đặt dấu hỏi. Thưa ông, ở các nước khác, họ phải giải quyết vấn đề này như thế nào? Việc công khai minh bạch trong công tác nhân sự nên được mở ra tới đâu, để hạn chế những nghi ngại có thể còn mang nhiều cảm tính của người dân?

Tôi cho rằng việc dư luận quan tâm là lẽ đương nhiên. Đây cũng là dấu hiệu tốt, cho thấy rằng hiện nay, người có thẩm quyền không thể chủ quan, tùy tiện. Càng công khai, minh bạch, dân chủ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Ở đâu cũng vậy, nước nào cũng vậy, cần phải có tiêu chuẩn rõ ràng, các yêu cầu phải được công khai. Quy trình, thủ tục phải rõ ràng. Làm sao cho khi cần lựa chọn nhân sự vào một vị trí nào đó, mọi người phải nắm rõ vị trị đó cần người với các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể như thế nào? Rồi các ứng viên, các thông số về nhân thân,về trình độ, kinh nghiệm, năng lực ra sao cần phải được công khai để mọi người đánh giá, kể cả người co trách nhiệm đánh giá, quyết định cuối cũng.

Tóm lại, cơ chế công khai, minh bạch, tạo sự cạnh tranh thực chất trong số được lựa chọn, không bưng bít, ém thông tin, không để cơ chế chọn kiểu đơn tuyến, thiếu sự giám sát, đánh giá khách quan là yêu cầu hiện nay để chống tiêu cực, tham nhũng, dẫn đến chọn nhầm người

Có đề xuất cho rằng, cùng với việc thi tuyển lãnh đạo trong cơ quan hành chính, chúng ta nên thi tuyển các chức danh lãnh đạo ở các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước còn giữ vốn để chọn được người thực sự tài giỏi tham gia lãnh đạo. Ông có đồng tình với đề xuất này không và vì sao? Theo ông, đây liệu có là một đề xuất khả thi?

Thi tuyển lãnh đạo đã được thí điểm ở một số nơi. Bước đầu đã có một số thành công. Tuy nhiên, tôi đã có bài phân tích vấn đề này khá kỹ ở Báo Đất Việt. Tôi thấy đề xuất thi tuyển lãnh đạo ở những địa chỉ như bạn nêu là rất cần. Đương nhiên, cách làm này, sẽ vấp phải sự phản đối, trước hết, ở những người đã quen kiếm ăn, quen nhận hối lộ từ cơ chế bổ nhiệm hiện nay.

Để việc thi tuyển có chất lượng, đúng thực chất, không theo kiểu “đánh trận giả” như vài nơi vấp phải, theo tôi, trước hết, phải có quy chế thật cụ thể, rõ ràng để một khi thực hiện, người trong cuộc, dù có muốn tiêu cực cũng không thể. Có như vậy, mới thu hút được nhiều sỹ tử có trình độ, tâm huyết tham gia ứng thí. Còn nếu lại là “đánh trận giả” thì sẽ nguy hiểm hơn cách làm lâu nay.

Theo Vũ Lan - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X