Hotline 24/7
08983-08983

Biện pháp phòng bệnh của người cao tuổi

Người cao tuổi (NCT) nên biết một số bệnh mà mình hay gặp để biết đi khám bệnh và quan trọng hơn là có biện pháp phòng bệnh thích hợp.

Người cao tuổi có sức đề kháng của cơ thể ngày một giảm đi do chức năng sinh lý càng ngày càng có xu hướng đi xuống. Tuy nhiên, sức đề kháng của cơ thể ở NCT suy giảm còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi

Đó là các bệnh: rối loạn giấc ngủ, tăng huyết áp, đau nhức xương khớp hoặc bệnh táo bón kéo dài…

Giấc ngủ của NCT sẽ có sự khác nhau của từng người, bởi vì nguyên nhân gây nên rối loạn giấc ngủ rất đa dạng và phức tạp. Có NCT buổi tối đi ngủ rất sớm nhưng đến nửa đêm, gần sáng đã tỉnh giấc và không làm sao ngủ lại được. Có NCT thì đi ngủ có muộn hơn nhưng ngủ thường hay có các cơn mê, đặc biệt là có các cơn ác mộng. Có NCT tổng số giờ ngủ trong một ngày đêm rất ít và vì vậy làm cho cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi. Cũng từ rối loạn giấc ngủ lại làm xuất hiện thêm một số bệnh mới hoặc làm nặng thêm các bệnh đã có sẵn.

Bệnh tăng huyết áp là một bệnh thuộc hệ tim mạch, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng NCT thường có tỷ lệ mắc cao hơn. Mặc dù người ta thường gọi bệnh này là một bệnh thầm lặng nhưng cũng có không ít người bị tăng huyết áp có kèm theo một số biểu hiện khác, hoặc do bệnh hoặc do tác dụng phụ của thuốc tăng huyết áp, mà NCT thấy đau đầu, nhất là sau gáy, hai bên thái dương, vã mồ hôi, có trường hợp có cả gây rối loạn vận mạch… Người ta cũng đã có những nghiên cứu cho thấy ở NCT có thể mắc bệnh táo bón kéo dài với một tỷ lệ đáng kể. NCT mắc bệnh táo bón cũng do nhiều nguyên nhân khác nhau như: do thói quen ít ăn rau, uống ít nước, ít vận động… Táo bón kéo dài ở NCT cũng để lại nhiều hậu quả xấu cho người bệnh, như mỗi lần đi ngoài phải ngồi lâu, phải rặn thật mạnh, như vậy rất có thể làm xuất hiện bệnh do táo bón là bệnh trĩ nội, nứt kẽ hậu môn.

NCT cũng có thể hay gặp rối loạn tiêu hóa như hay đi lỏng hoặc phân sền sệt, hoặc lúc lỏng lúc đặc; đôi khi kèm theo đau bụng từng cơn có khi ở thượng vị, có khi xuất hiện ở hố chậu trái, nguy hiểm nhất là cơn đau bụng xuất hiện ở hố chậu phải rất dễ nhầm với bệnh viêm ruột thừa.

Đầy hơi, chướng bụng cũng là một bệnh hay gặp ở NCT. Người bệnh luôn thấy bụng ậm ạch, ăn vào khó tiêu, luôn luôn có sôi bụng, nhiều khi có lợm giọng, buồn nôn, thậm chí nôn. Đầy hơi chướng bụng có thể là do bệnh lý ở ruột nhưng cũng có thể bệnh xảy ra ở dạ dày, thực quản.

NCT cũng rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng do sức đề kháng giảm sút. Một số bệnh nhiễm trùng mà NCT hay gặp nhất là viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng, viêm xoang, mũi… Một số NCT do sức khỏe quá yếu phải nằm lâu, ít được trở mình thì rất dễ bị lở, loét do vùng da, cơ, xương ở nơi bị tỳ lâu làm cho thiếu chất dinh dưỡng cục bộ. Nếu không được tắm, rửa và vệ sinh tốt thì rất dễ bị nhiễm trùng.

Phòng bệnh cho người cao tuổi

Trước tiên, NCT nếu có điều kiện thì nên đi khám bệnh tổng quát để biết mình đang bị mắc bệnh gì hay không? Những bệnh thường gặp ở NCT, ngoài việc dùng thuốc do bác sĩ kê đơn, cũng còn nhiều biện pháp khác không dùng thuốc vẫn có hy vọng làm cải thiện được. Nếu bị rối loạn giấc ngủ thì nên tập thói quen đi ngủ đúng giờ, không nên uống hoặc ăn các chất có tính kích thích mạnh trước khi đi ngủ như: bia, rượu, cà phê, thuốc lá.

 Tập luyện thể thao để phòng bệnh
Cũng không nên tập thể dục với những động tác nặng, mất nhiều sức lực trước lúc đi ngủ mà nên tập nhẹ nhàng, thoải mái. Mọi phiền toái, bức xúc hàng ngày nên loại ra khỏi đầu trước lúc lên giường đi ngủ. Không nên uống nhiều nước kể cả nước sinh tố (nước cam, chanh…) trước khi đi ngủ. Phòng ngủ nên thoáng, mát, tránh nhiều tiếng ồn và càng ít người qua lại càng tốt. NCT cần tập vận động hàng ngày chứ không chỉ tập trung vận động trước lúc đi ngủ tối. Không nên ngồi lâu mỗi lần đi ngoài, cố gắng tập cho phản xạ đi ngoài nhanh hơn, không đọc sách báo lúc đi cầu khiến thời gian đi vệ sinh kéo dài. Hàng ngày nên ăn nhiều rau và uống nhiều nước để tránh táo bón. NCT bị tăng huyết áp cần thực hiện chỉ định điều trị của bác sĩ, không được tự động thay đổi thuốc hoặc thay đổi liều lượng thuốc và đặc biệt lưu ý là phải dùng thuốc làm hạ huyết áp một cách thường xuyên, không được bỏ thuốc giữa chừng khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

PGS.TS. BÙI MAI HƯƠNG

Theo Suckhoedoisong

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X