Hotline 24/7
08983-08983

Bi hài chuyện đặt tên con và những hậu quả khó lường

Ngày nay không ai đặt tên con thật xấu như Đĩ, Hĩm, Tĩn… để tránh bị “ma bắt” như các cụ ngày xưa, thế nhưng những cái tên mới xuất hiện lại không kém phần khác thường.

Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân (bên trái).  Ảnh: InterneT
Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân (bên trái). Ảnh: Internet

Bi hài chuyện đặt tên con

Lần tìm những cái tên đặc biệt, chúng tôi tìm gặp được kiến trúc sư Nguyễn Thị Hài (Công ty Thương mại và kỹ nghệ Trường Giang, phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội). Nói về cái tên của mình, chị Hài cho biết: Từ ngày đi học, qua các cấp học ở quê cho đến khi lên Hà Nội học đại học rồi đi làm, chị chưa thấy có một ai khác trùng tên với mình. “Tên em quả thật đặc biệt như mong muốn của bố em khi đặt tên cho em vậy!”, chị Hài nói.

Chị Hài cho biết, sở dĩ cô có cái tên đặc biệt như hiện nay là vì bố cô muốn cô con gái cưng của mình phải là một cô gái đặc biệt. Đó là cái tên vừa ngồ ngộ, vừa không ai có. “Tôi nghe bố tôi kể rằng, ngày mới sinh, tôi đã là đứa bé vô cùng đáng yêu. Ông cưng tôi lắm, xem tôi như một báu vật đặc  biệt. Việc ông nghĩ ra một cái tên đặc biệt cho tôi là vì thế”, chị Hài vừa nói vừa tủm tỉm cười.

Mặc dù cái tên xuất phát từ tình yêu của bố dành cho mình thế nhưng khi lớn lên, chị Hài thường xuyên bị bạn bè trêu chọc. Đôi khi cũng đến khổ vì dỗi, vì giận chúng bạn. Cũng may được bố mẹ yêu thương hết mực, phân tích chỉ bảo đến nơi đến chốn nên những ngày thơ ấu đó may mắn là đã bình yên trôi qua. Bây giờ, mặc dù đã trưởng thành, đi làm nhưng thỉnh thoảng bạn bè thân thiết của chị Hài vẫn tếu táo trêu chọc cái tên của chị.

Nguyễn Thị Mỹ Nhân là tên một người bạn học phổ thông của chuyên gia tư vấn Nguyễn Yến Nhi (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống). Vì mong muốn con trở thành một cô gái xinh đẹp nên khi sinh ra Nhân, bố mẹ cô đã đặt cho cô cái tên yêu kiều như vậy. Thế nhưng càng lớn lên, hình thể và khuôn mặt của Mỹ Nhân lại hoàn toàn ngược lại với tên của cô.

“Tôi còn nhớ, mỗi lần thầy điểm danh, khi đọc đến tên Mỹ Nhân là cả lớp lại cười ồ lên khiến cho bạn ấy mặt đỏ tía tai, cúi gằm xuống bàn. Có lần bạn ấy bị trêu đến phát khóc rồi về nhà đòi bỏ học. Đến khi cô giáo phải ra lệnh nghiêm cấm thì việc trêu chọc bạn Nhân mới đỡ đi. Bạn bè không trêu bạn ấy trên lớp nhưng khi ra đường hay ở nhà bạn ấy vẫn bị kỳ thị như thường”, chị Yến Nhi nói.

Những hậu quả khó lường

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Lê (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ hạnh phúc và kỹ năng cuộc sống), việc đặt tên lạ, tên độc cho con được coi là một trong những trào lưu phổ biến hiện nay. Khi đặt tên cho con, bố mẹ mong muốn tên con phải toát lên được hoàn cảnh ra đời hay một kỷ niệm nào đó của bố mẹ.

Tuy nhiên, có những hoàn cảnh đứa trẻ ra đời quá đặc biệt với những cái tên quá đặc biệt, quá khác thường nên khi lớn lên đứa trẻ trở thành tâm điểm để bạn bè trêu chọc. Bị trêu chọc, bị kỳ thị vì tên gọi là một thực tế xảy ra không hiếm ở khắp mọi vùng, miền. Vì cái tên mà đứa trẻ thường xuyên bị trêu chọc sẽ khiến cho không ít đứa trẻ lớn lên trong tâm lý mặc cảm xấu hổ. Vì thế, cuộc sống của đứa bé sẽ không còn bình yên.

Nói về hiện tượng đặt tên kỳ lạ cho con, thạc sĩ Nguyễn Hồng Lê cho biết, hiện nay đã có sự thay đổi rõ rệt về xu hướng. Trước đây, các cụ thường đặt tên xấu như Hĩm, Đĩ, Cu, Tĩn vì muốn đứa con sinh ra dễ nuôi.

Còn ngày nay một số bậc bố mẹ lại muốn đặt tên thật độc, thật lạ như: Lò Vi Sóng, Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân hay những cái tên đặc biệt đã nêu ở trên như: Nguyễn Thị Mỹ Nhân, Nguyễn Thị Hài, Nguyễn Đô La… Có những cái tên nửa ta nửa tây như: Cao Ki A, Đinh Sâu Rum, Rô Nan Đô… Hay mới đây là tình trạng cả làng đua nhau đặt tên con theo tên người Hàn Quốc ở Tây Nguyên là một ví dụ.

Việc gắn kỷ niệm của bố mẹ vào tên con là một điều dễ hiểu vì đứa con là sự gửi gắm cả cuộc sống của họ. Thế nhưng thay vì gửi gắm những ý nghĩ tích cực thì một số bậc phụ huynh lại gửi gắm cả những ý nghĩ tiêu cực vào tên của con. Từ đó mới sinh ra những cái tên như Hoàng Hối Hận, Lê Văn Hận, Phan Bá Đạo…

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Lê cho rằng, hầu hết những tên gọi đặc biệt đều ít nhiều tác động xấu đến đứa con. Đối với tên gọi mang ý nghĩ tiêu cực của bố mẹ như: Hận, Thù, Bá Đạo… thường sẽ tác động rất xấu đến cuộc đời đứa con. Những vết thương lòng quá khứ của bố mẹ được gửi vào tên đứa con như là cách gửi những điều không tốt đẹp đó vào cuộc đời con, khiến cho đứa trẻ lớn lên không được như những đứa trẻ bình thường khác.

Do vậy, để đứa con được lớn lên một cách bình yên, theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Yến Nhi, bố mẹ nên đặt cho con một cái tên nhẹ nhàng và hết sức bình thường. Nên tránh những cái tên quá khác người, tên mang nỗi hận thù của bố mẹ, tên dài dòng phức tạp hoặc tên trùng với cô, dì, chú, bác, ông, bà… trong gia đình.

Ngày 28/10, trong phiên thảo luận về dự thảo Luật hộ tịch kỳ họp Quốc hội thứ 8, khóa 13, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nhung cho rằng, dự luật không quy định nguyên tắc đặt tên cho con sẽ làm khó khăn cho cán bộ hộ tịch ở địa phương khi cha mẹ đặt tên cho con không thuần Việt. Do vậy, đại biểu Nhung cho rằng nên có quy định về việc đặt tên cho con hoặc có Luật đặt tên để tránh được những vấn đề trên. Đề xuất của bà Nhung ngay lập tức nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận.

AloBacsi.vn
Theo Mạc Vi - Gia đình Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X