Hotline 24/7
08983-08983

Bệnh nhân Kiên tử vong: Bệnh viện FV thừa nhận sai sót

Ngày 19/8, chị Mai Thu Huyền, con gái ông Kiên cho biết, hôm qua (18/8), lãnh đạo bệnh viện FV đã có buổi làm việc với gia đình với thái độ thành khẩn nhận sai sót.

Theo đó, bệnh viện đã thừa nhận sai sót về chuyên môn, không thực hiện đúng các quy trình và chưa làm các xét nghiệm đầy đủ... dẫn đến cái chết đáng tiếc cho bệnh nhân Kiên. Tuy nhiên,  về hình thức xử lý theo ý kiến bệnh viện FV còn phải chờ Sở Y tế TPHCM họp hội đồng chuyên môn đánh giá kết luận. Sau đó, dựa trên kết luận của hội đồng chuyên môn, bệnh viện FV sẽ họp cùng với hội đồng chuyên môn và bác sĩ trực tiếp phẫu thuật để đưa ra mức độ xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.

Bệnh viện FV hứa với gia đình ngày 23/8 sẽ có văn bản trả lời chính thức cho gia đình về kết luận của hội đồng cũng như mức độ xử lý đối với những người liên quan.

Đám tang ông Mai Trung Kiên
Đám tang ông Mai Trung Kiên

Xung quanh vụ việc này, tòa soạn đã nhận được nhiều ý của bạn đọc. Để rộng đường công luận, chúng tôi xin đăng tải ý kiến của các chuyên gia và bạn đọc về  vấn đề này.

Coi thường tính mạng bệnh nhân

BS Lê Minh Hương (TPHCM) cho biết, bất kỳ một bác sĩ đa khoa nào cũng phải biết, biến chứng hậu phẫu hay gặp sau khi phẫu thuật mở ổ bụng là nhiễm trùng, xuất huyết, dính ruột và tắc ruột... nhất là trên bệnh nhân lớn tuổi. Việc bác sĩ phẫu thuật không phân biệt nổi biến chứng ngoại khoa, xuất huyết ổ bụng với cơn đau thắt ngực, và sai lầm hơn nữa là tiếp tục cho bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông là sự sai trái do chủ quan hết sức nghiêm trọng.

Thêm nữa, khi bệnh nhân được chuyển đi, BV Tâm Đức báo kết quả tim mạch bệnh nhân bình thường và tình trạng xuất huyết ổ bụng về cho Bệnh viện FV, đúng ra BS Tuấn phải lập tức nhận ra sai sót chuyên môn của mình. Lãnh đạo bệnh viên FV cũng phải triệu tập khoa ngoại hội chẩn mổ cấp cứu ngay thì không xảy ra sự việc đáng tiếc. Nhưng ở đây, êkíp phẫu thuật của khoa ngoại tổng quát cũng như lãnh đạo bệnh viện FV quá vô trách nhiệm, coi thường tính mạng bệnh nhân.

Theo PGS.TS Nguyễn An Nhiên, giảng viên trường ĐH Y dược TPHCM, ca này sau 2 ngày bệnh nhân mới chảy máu, đó là chảy máu thứ phát có thể do vết đốt điện đã hoại tử. Với kỹ thuật bây giờ chỉ cần siêu âm 5 phút sau là có kết quả. Tiếc cho một ca phẫu thuật đơn giản lại dẫn đến một kết cục bi thương. Ngoài ra, theo tập tục người Việt, khi có người mất phải lo hậu sự chu đáo thì việc hỗ trợ, giúp đỡ cho gia đình bệnh nhân là rất cần thiết chứ không thể cứ cứng nhắc chuyện thủ tục được.

Sau mổ phải theo dõi kỹ chảy máu

PGS.TS Nguyễn Ngọc Bích, trưởng khoa Ngoại, BV Bạch Mai cho biết, biến chứng chảy máu rất hay xảy ra sau phẫu thuật, nhất là đối với các bệnh nhân đã và đang sử dụng thuốc chống đông máu thì tỷ lệ thường cao hơn và phải được theo dõi sát sao hơn. Khi đã chảy máu, dùng thuốc chống đông càng dễ cho chảy máu nhiều hơn và việc cầm máu khó khăn hơn. Vì vậy, nguyên tắc đang mổ thì không dùng thuốc chống đông, trừ những trường hợp đặc biệt. Việc phát hiện chảy máu không khó, thông quá khám bụng, các chỉ số huyết động và siêu âm...

Đặc biệt, PGS.TS Bích lưu ý, sau mổ phải theo dõi toàn thân và đặc biệt không nên chủ quan đối với bệnh vừa được phẫu thuật. Thực tế, trước đây cũng có một trường hợp, bệnh nhân mổ ruột thừa nhưng đang bị sốt xuất huyết nên các bác sĩ chú ý vào điều trị sốt xuất huyết cũng lơ là trong việc nghĩ đến chảy máu do vết mổ ruột thừa nên bệnh nhân cũng nguy kịch. Đây là bài học để các phẫu thuật viên phải chú ý và không được chủ quan.

PGS.TS Triệu Triều Dương, Chủ nhiệm khoa Ngoại nhân dân, BV TƯ Quân đội 108 cho biết,  trong các loại phẫu thuật đều có thể chảy máu sau phẫu thuật. Có nhiều nguyên nhân song chủ yếu là do người thực hiện kỹ thuật. Đặc biệt, với bệnh nhân dùng thuốc chống đông thì có nguy chảy máu càng cao hơn nên bắt buộc phẫu thuật viên trong quá trình phẫu thuật phải cầm máu cẩn thận bằng các phương pháp đốt điện, kẹp, buộc chỉ... Nếu thực hiện kỹ thuật không tốt, nguy cơ chảy máu sau mổ rất dễ xảy ra.

Xảy ra chảy máu sau mổ là lỗi của phẫu thuật viên. Điều kiện bắt buộc đối với bất kỳ phẫu thuật nào là sau mổ bệnh nhân cần phải được theo dõi kỹ càng để phát hiện sớm nhất các biến chứng nói chung sau phẫu thuật và chảy máu nói riêng. Việc phát hiện chảy máu sau mổ không khó, nếu chuyên môn cao chỉ cần sờ và khám bụng sẽ thấy (bụng trướng), theo dõi các chỉ số huyết động: mạch, huyết áp... và đặc biệt siêu âm ổ bụng dễ dàng phát hiện ngay. Khi có rối loạn huyết động - chảy máu - nếu ít có thể dùng thuốc để cầm và theo dõi chặt, trường hợp chảy nhiều thì phải mổ ngay càng sớm càng tốt. Lúc này tính mạng người bệnh phải được đặt lên hàng đầu, tránh các thủ tục ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh.

Liên quan đến tiền sử bệnh tai biến mạch máu não và tim mạch của bệnh nhân Mai Trung Kiên, chị Mai Thu Huyền khẳng định, bệnh tai biến của bố chị bị cách đó 4 tháng đã điều trị hoàn toàn ổn định. Tại thời điểm điều trị bệnh ruột thừa không có biểu hiện của bệnh và bệnh viện FV cũng chỉ nghi ngờ do tiền sử tim mạch. Tuy nhiên, về bệnh tim mạch, bố chị đã mổ cách đó 8 năm cũng ổn định và điều này đã được minh chứng, khẳng định bằng các xét nghiệm tại bệnh viện Tâm Đức, các chỉ số tim đều bình thường.
AloBacsi.vn (Theo Khoa học & Đời sống)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X