Hotline 24/7
08983-08983

Bao nhiêu bệnh nhân nghèo phải "bó chiếu đưa về"?

Trả lời câu hỏi này, giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La cho biết ông chưa chắc chắn 100%, nhưng trước mắt xác định mới có hai trường hợp đã đăng tải.

Ông Pe cùng cháu ngoại (con chị Phanh) và hai người con mắc bệnh tâm thần - Ảnh: QUANG THẾ

Trong căn nhà sàn nhỏ nằm ở giữa một đỉnh đồi thuộc bản Ít B (xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La), ông Lò Văn Pe (76 tuổi) cứ lấy hai tay đập vào đầu khi nhắc đến việc phải bó chiếu đưa thi thể con gái Lò Thị Phanh (42 tuổi) về nhà.

Ông Pe kể: “Lúc tôi và con lên viện để đưa Phanh về cũng muốn thuê ôtô vì thấy nó yếu lắm rồi nhưng do trong túi hai cha con chỉ còn 400.000 đồng, chỉ đủ thuê xe ôm. Đi được một đoạn thấy con tắt thở, người xe ôm cũng không chở nữa, nên anh nó phải bó chiếu đưa về nhà. Nhìn thấy nó phải chịu khổ ngay cả lúc đã chết tôi cứ thấy ân hận”.

Ông Pe nói tiếp: “Nó bị bệnh lâu rồi nhưng do gia đình nghèo quá, đến hôm bệnh nặng không thở được mới tới Bệnh viện Lao phổi tỉnh Sơn La. Đến tiền viện phí tôi còn phải nợ lại bệnh viện, điều trị được một thời gian nhưng không qua khỏi mới quyết định cho nó về nhà chờ chết”.

Quầng mắt thâm đen sau nhiều ngày phải thức đêm lo đám tang cho em gái, ông Lò Văn Muôn - người bó chiếu chở em gái trên xe máy - nhớ lại: “Tiền trong túi chỉ đủ trả xe ôm thì làm sao mà thuê được ôtô. Lúc đó em mình chết rồi nên cũng không còn cách nào đành bó chiếu lại. Khi về đến hồ nước dâng (thuộc lòng hồ thủy điện Sơn La) thì người quen trong bản đi thuyền ra đưa vào”.

Ông Lò Văn Muôn kể thêm: “Để thuê ôtô về thì hết 7 triệu nhưng gia đình chúng tôi lại không có tiền, vì thế mới đi thuê xe ôm về đến Quỳnh Nhai. Khi từ bệnh viện đến đoạn đường một chiều ở thành phố Sơn La thì Phanh chết nên xe ôm giao lại cho gia đình. Ngay lúc đó có một người đi đường thương mua cho 1 cái chiếu, 3 bó hương, 1 bát gạo để thắp hương”.

Cuộc sống của gia đình ông Pe quanh năm chỉ dựa vào ít lúa, ngô trên đồi. Trong ngôi nhà sàn xiêu vẹo không có gì đáng giá. Nhiều lỗ thủng trên mái nhà vẫn chưa có tiền tu sửa. Chồng mất sớm, chị Phanh cùng con gái đến nhà cha để tá túc.

“Nhà nó đến ngô còn không đủ ăn. Con Phanh ốm nên tất cả dựa vào ông Pe. Ông Pe hôm nào xin được ít cá mạt dưới sông thì mới có cái cải thiện bữa” - bà Tuynh (63 tuổi, người ở bản Ít A) nói.

Ông Pe sinh được ba người con, chị Phanh là con cả và hai người em sinh đôi. Số phận đưa đẩy khiến hai người con trai của ông mắc chứng bệnh thần kinh, trầm cảm từ bé không có khả năng lao động. Vợ ông Pe cũng mất sớm để lại gánh nặng lên vai ông. Khi thấy hai người con trai không như người bình thường, ông Pe nhận ông Muôn làm con nuôi.

Bà con lối xóm sống gần cho biết sau khi chồng mất, chị Phanh vẫn cùng con gái sống ở một ngôi nhà nhỏ trên nương cách trung tâm thôn mấy quả đồi. Bệnh tình ngày một nặng nên chị phải đến nhà cha tá túc.

“Tiếng là nó có nhà nhưng nhà cũng chỉ như cái chuồng trâu thôi. Vì chỉ có mấy cái cột dựng lên ở cạnh đồi lấy nơi tránh mưa tránh nắng” - ông Pe bùi ngùi nói.

Bà Vũ Thị Thu, trưởng Phòng lao động - thương binh và xã hội huyện Quỳnh Nhai, cho biết ngay sau khi nắm được thông tin hoàn cảnh gia đình chị Lò Thị Phanh, UBND huyện Quỳnh Nhai lập tức hỗ trợ 5,4 triệu đồng và người dân địa phương cùng UBND xã Mường Sại hỗ trợ gia đình 4,8 triệu đồng để lo mai táng.

Trước hoàn cảnh bi đát của cháu Lò Thị Bó (6 tuổi, con chị Phanh) do cha mẹ đã chết, phải nương tựa vào ông ngoại, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn miễn học phí, tặng sách vở để bé Bó đến trường.

“Nguyện vọng của người thân mong muốn cho bé Bó được học tập và nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh, chúng tôi đang phối hợp với UBND xã Mường Sại lập hồ sơ cho bé Bó được hưởng hỗ trợ học tập, chính sách trợ cấp xã hội” - bà Thu nói.

Thêm trường hợp bó chăn đưa thi thể về nhà

Vụ việc cũng diễn ra tại BV Lao và bệnh phổi Sơn La. Thông tin này xuất phát từ người dùng Facebook có tên thật là Điêu Thị Hải Q., sống ở Mường Giôn, Quỳnh Nhai, Sơn La.

Những ngày đầu tháng 9 vừa qua chị Q. vào bệnh viện này điều trị, ngày 8-9 chị chứng kiến cảnh một gia đình nghèo phải bó chăn đưa thi thể bố về quê.

Theo chị Q., người nhà bệnh nhân tử vong không có tiền nên phải bó chăn thi thể bố ngay trong sân bệnh viện để chở xe máy đưa về quê (cũng ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La).

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lương Văn Tuận - giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La - xác nhận vụ việc đau lòng mà chị Q. đăng tải trên Facebook đúng là xảy ra tại bệnh viện hôm 8-9.

Bệnh nhân 57 tuổi, bị lao tái phát, khi chuyển đến bệnh viện (ngày 8-9) thì có dấu hiệu ngáp cá và tử vong sau gần một giờ được cấp cứu.

“Tôi đã trao đổi lại với khoa chuyên môn và được biết việc bó bệnh nhân vào chăn để đưa về quê là nguyện vọng của gia đình. Vì gia đình đó quá nghèo nên các cán bộ trực cũng có góp tiền để hỗ trợ gần 1 triệu đồng, về thủ tục chúng tôi giải quyết đầy đủ” - ông Tuận nói.

Trả lời câu hỏi có phải bệnh nhân nghèo tử vong tại bệnh viện đều phải bó chiếu đưa về quê, ông Tuận nói dù chưa chắc chắn 100%, nhưng trước mắt ông xác định mới có bệnh nhân vừa kể và chị Phanh.

Lan Anh

Giám đốc BV Lao và bệnh phổi Sơn La: “Tôi không thể vô can”

“Sau chuyện chị Phanh, chúng tôi có họp ban giám đốc, phòng kế hoạch tổng hợp, khoa chuyên môn. Thực tế là lúc nhân viên bệnh viện làm thủ tục cho bệnh nhân Phanh quay ra thì gia đình chị ấy đã về, ngày 16/9 họ mới quay lại thanh toán viện phí theo chế độ. Không phải cán bộ y tế vô cảm không chia sẻ” - ông Lương Văn Tuận, giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La, nói.

Tuy nhiên ông Tuận khẳng định 1-2 tuần tới, khi công việc ở bệnh viện ổn định trở lại, bệnh viện sẽ họp toàn thể để xem xét hình thức kỷ luật cán bộ có liên quan và ngay bản thân ông cũng sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật về vụ việc này.

“Chúng tôi chắc chắn không rút kinh nghiệm suông, khi bệnh nhân Phanh ra viện thì khoa chuyên môn chưa báo lên ban giám đốc nhưng để xảy ra vụ việc đau lòng này thì tôi là người đứng đầu bệnh viện không thể vô can” - ông Tuận nhấn mạnh.

L.Anh


Theo Quang Thế - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X