Hotline 24/7
08983-08983

Bão lũ: Trên biển kịp vào bờ, sao dân trên bờ lại chết?

PTT Trịnh Đình Dũng khẳng định công tác ứng phó còn nhiều hạn chế, bất cập khi phát biểu tại hội nghị rút kinh nghiệm công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 1 và 2 chiều 8/8.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định trong ứng phó với bão còn chủ quan, lúng túng - Ảnh: Nam Trần
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định trong ứng phó với bão còn chủ quan, lúng túng - Ảnh: NAM TRẦN

Thẳng thắn nói về những tồn tại, hạn chế, Phó thủ tướng khẳng định công tác ứng phó còn nhiều hạn chế, bất cập cần phải quan tâm tập trung khắc phục và “đó chính là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại”.

Còn chủ quan, còn lúng túng

Phó thủ tướng chỉ rõ 5 tồn tại, hạn chế: Thứ nhất, trong chỉ đạo, ứng phó vẫn còn bị động, lúng túng, còn chủ quan, vẫn còn để bất ngờ xảy ra. Dự báo dù chưa sát nhưng nếu chủ động ứng phó sẽ hạn chế được thiệt hại. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn để tình huống bất ngờ xảy ra mà chưa ứng phó được.

Thứ hai, các địa phương trong chủ động ứng phó chưa cao. Còn tình trạng chờ thông tin từ trên chỉ đạo. Việc sơ tán, cưỡng chế người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm chưa quyết liệt. Điều này thấy rõ nhất ở những vùng sạt lở đất vừa qua.

"Vì sao biết người Dao ở khe suối, biết người dân ở đó nhưng không quyết liệt di dời khi có nguy hiểm? Dù biết lý do gì thì triển khai chỗ này cũng chưa quyết liệt" - ông Dũng nói.

Thứ ba, các địa phương chưa chủ động phòng chống mua lũ, chưa kiểm tra thường xuyên.

"Cột điện đổ, gãy thì có yếu tố gì? Thứ nhất là chất lượng kém. Thứ hai là do tác động nhưng rõ ràng là chưa chủ động kiểm tra, chưa chủ động giằng chống các công trình xung yếu" - ông khẳng định.

Thứ tư, khả năng chống chọi của các công trình rất hạn chế. Và từ thiệt hại vừa qua cho thấy những bất cập trong thiết kế công trình.

Thứ năm, công tác dự báo dù triển khai tích cực nhưng chưa lường hết được diễn biến phức tạp của khí hậu.

"Dự báo vừa rồi không đạt như mong muốn, nhưng cái đó là bất khả kháng vì năng lực kiểm soát thời tiết từ máy móc, thiết bị, công nghệ, con người của chúng ta chưa làm được, do đó rất ảnh hưởng đến cảnh báo cho dân trong ứng phó, sơ tán" - ông Dũng nhận định.

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia TKCN đặt vấn đề, “tại sao ở biển thì gọi được vào bờ còn ở miền núi không di chuyển được rồi bị lũ cuốn chết? - Ảnh: Nam Trần
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa - chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn - đặt vấn đề “tại sao ở biển thì gọi được vào bờ còn ở miền núi không di chuyển được rồi bị lũ cuốn chết?" - Ảnh: NAM TRẦN

Trên biển kịp vào bờ, vì sao dân trên bờ chết?

Đề cập về việc dự báo, đối phó với bão số 1, ông Phạm Đình Nghị - chủ tịch UBND tỉnh Nam Định - cho biết thực tế bão vào Nam Định với sức gió giật trên cấp 13. Thời gian bão đổ bộ kéo dài, diễn biến bão bất thường. 

"Chúng tôi đồng tình với nhận định thông tin dự báo cơn bão về hướng đi, thời gian đổ bộ là chính xác nhưng về cấp gió còn vênh nhau” - ông Nghị nói và đề nghị Chính phủ có đầu tư hơn nữa cho công tác dự báo, nâng cao chất lượng công tác dự báo đảm bảo dự báo chính xác cho người dân, cho địa phương. 

Phát biểu ngay sau đó, ông Phạm Văn Xuyên - phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - cũng khẳng định “bản tin lúc đầu nhận định về cường độ gió, mưa chưa sát với thực tiễn”.

Tuy nhiên, thiếu tướng Trương Đức Nghĩa - chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn - khẳng định: “Thông tin dự báo là thông tin cơ sở chung, quan trọng nhất là triển khai trong thực tiễn. Không thể chờ trung ương chỉ đạo rồi mới triển khai. Và phải rõ trách nhiệm khi triển khai đối phó. Cấp tỉnh lo đến đâu, huyện lo đến đâu, xã lo đến đâu"...

"Phải học bài học an toàn ngư dân trên biển. Mang vấn đề sạt lở so với an toàn trên biển thì sao được. Tại sao ở biển còn gọi vào bờ được mà ở miền núi không di chuyển được để rồi bị lũ cuốn chết? Ở cận kề tại sao không di chuyển được? Chuyện đó phải sòng phẳng trách nhiệm” - ông Nghĩa đặt vấn đề.

Theo ông Nghĩa, vấn đề tồn tại chính là địa phương chưa quyết liệt.

“Tại Thái Bình vừa qua có việc bao nhiêu người đi cứu một người. Tại sao lúc chưa nguy hiểm không quyết liệt di dời, đến khi nguy hiểm mới ứng cứu. Vì vậy phải quyết liệt và không để tình trạng đi cứu người này mà hi sinh người khác” - ông Nghĩa lưu ý.

Có mưa lớn, cảnh báo lũ phải sơ tán dân

Ông Nguyễn Xuân Cường - bộ trưởng Bộ NN&PTNT, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai - khẳng định mưa lớn từ tác động sau bão rõ ràng ảnh hưởng đến con người nhưng câu chuyện vẫn lặp đi lặp lại. Vì vậy, các địa phương phải tổng kiểm tra phương án 4 tại chỗ.

Riêng các tỉnh miền núi phía Bắc hiện còn hơn 2.000 điểm rất xung yếu, Bộ Tài nguyên - môi trường đã bàn giao bản đồ chi tiết rồi thì các địa phương phải tổng kiểm tra lại. Trước mắt khi chưa di dời được dân thì khi có mưa, cảnh báo lũ quét phải sơ tán dân để không có thiệt hại về người.


Theo Xuân Long - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X