Hotline 24/7
08983-08983

Báo động xâm hại bé gái: Có nhiều người Việt vô cảm

'Cần phải đưa ra giải pháp để phòng ngừa trước khi trẻ có khả năng bị xâm hại, chứ không thể cứ chạy theo hậu quả mãi như vậy được.

Liên tiếp những vụ việc xâm hại trẻ em nghiêm trọng tại Hà Nội, TPHCM và Vũng Tàu đang trở thành nỗi ám ảnh, lo sợ, hoang mang trong cuộc sống cộng đồng xã hội, gia đình và nhà trường.

Bao dong xam hai be gai: Co nhieu nguoi Viet vo cam
Ai phải chịu trách nhiệm với nỗi đau một đứa trẻ phải mang theo suốt đời?. Ảnh minh họa

Việc nghiêm trọng, xử lý chậm trễ

Lên tiếng trước thực trạng trên, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng đó là những hành vi vi phạm pháp luật vô cùng nghiêm trọng, cần phải nghiêm trị, nghiêm minh theo pháp luật.

Theo ông Tiến, trẻ em là những đối tượng còn nhỏ, chưa biết tự bảo vệ mình, tâm hồn non nớt dễ bị tổn thương. Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã qui định nghiêm cấm các hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Luật pháp Việt Nam và trên thế giới đã qui định cụ thể các hành vi xâm hại tình dục trẻ em được coi là tội phạm và xử lý nghiêm minh theo qui định của các quốc gia phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em 1989. Ở Việt Nam còn có Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nữa.

Đáng tiếc, dù các quy định pháp luật đều có rất rõ ràng, cụ thể nhưng những vụ việc xâm hại trẻ em vẫn ngày càng gia tăng với số lượng và tính chất đáng báo động. Đó là nghi vấn bé gái lớp 1 ở Thủ Đức chưa được trả lời thỏa đáng lại xảy ra vụ việc bé 8 tuổi ở Hoàng Mai bị xâm hại, 6 bé gái ở Vũng Tàu và còn bao nhiêu trường hợp như vậy nữa mà công luận chưa biết, bố mẹ chưa dám tố cáo hoặc không muốn tố cáo vì e ngại, vì định kiến...

Mỗi vụ việc đang thể hiện một mức độ vi phạm với tính chất nghiêm trọng khác nhau nhưng hậu quả chung là các em, các cháu đều đang phải chịu đựng sự tổn thương nghiêm trọng cả về thể xác lẫn tinh thần, không gì có thể bù đắp được.

Dù với lý do nào, là do bệnh lý hay do suy nghĩ đơn giản chỉ là muốn thử cho khác hay còn vì quan niệm, vì định kiến, vì cậy thế, cậy tiền nhưng hành vi coi thường pháp luật, bất chấp luân thường đạo lý, sẵn sàng chà đạp lên đạo lý và pháp luật để thực hiện cho được hành vi đồi bại của mình đều đáng bị lên án mạnh mẽ.

Thế nhưng, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, mức độ quan tâm của các cơ quan chức năng, cơ quan cảnh sát điều tra đối với những vụ việc trên còn chưa sát sao, thậm chí là chậm trễ, xao nhãng.

Điển hình như trường hợp của bé gái ở Vũng Tàu. Theo phản ánh gia đình đã có đơn tố cáo từ 6 tháng trước, cơ quan điều tra cũng đã tiếp nhận, mời gia đình lên làm việc nhưng lại giải quyết theo chiều hướng hòa giải dân sự. Cuối cùng, sự việc cũng bị trôi đi. Rõ ràng đó là cách xử lý chưa chuẩn, xử lý không đúng với tính chất của vụ việc và phải đợi đến khi có chỉ đạo của Chủ tịch nước lúc đó mới rục rịch điều tra lại là không thể chấp nhận được.

"Tôi phải nói rằng, quy định pháp luật đã có nhưng việc thực hiện còn quá lỏng lẻo, nếu không muốn nói là thiếu sự chủ động của các cấp, các ngành liên quan. Bên cạnh đó ý thức, trách nhiệm thực thi pháp luật của các cơ quan này còn bị buông lơi, thậm chí có dấu hiệu bao che, cho chìm xuồng.

Thời gian qua sở dĩ có quá nhiều vụ việc xâm hại trẻ em như trên một phần do sự thái độ vào cuộc của các cơ quan điều tra, do việc xử lý không nghiêm minh, không nghiêm trị được những kẻ gây ra tội", ông Tiến thẳng thắn.

Đồng tình với quan điểm cho rằng,vấnđề bảo vệ, chăm sóctrẻ em không chỉ là nhiệmvụ của riêng các cơ quan quản lý nhà nước mà nó còn là trách nhiệm của cả một tập thể bao gồm từ nhà trường, gia đình và cả xã hội.

Nhưng bên cạnh thái độ của gia đình, nhà trường, xã hội thì sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan điều tra cũng là một biện pháp nhằm ngăn chặn,đẩy lùisự lây nhiễm của "căn bệnh xã hội" này.

Do đó, ông Lê Như Tiến đề nghị bên cạnh việc xem xét xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi vi phạm thì cũng phải xử lý nghiêm khắc với những người có trách nhiệm, có nhiệm vụ thực thi pháp luật nhưng lại lờ đi, hoặc xử lý không tới nơi tới chốn, tạo điều kiện cho kẻ phạm tội lộng hành. Thậm chí có những thái độ thách thức dư luận, coi thường pháp luật.

Từ quan sát của mình, ông Lê Như Tiến cho rằng, cần phải phát huy tốt hơn nữa vai trò tai mắt của cử tri, người dân, và công luận để đồng loạt cùng lên án mạnh mẽ, cùng có cái nhìn khinh bỉ không cho kẻ phạm tội có chỗ đứng trong xã hội.

Bên cạnh đó, ông Tiến cũng nhấn mạnh tới vai trò quản lý cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan nhà nước. Thời gian qua có quá nhiều cán bộ, công chức bị điều tra vì có liên quan tới những sai phạm kinh tế.

Tuy nhiên, lạ một điều là cứ khi được hỏi đến thì các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản đều trả lời không biết cán bộ của mình đang ở đâu, đi đâu và đang làm gì. Tình trạng trên cần phải được chấm dứt, công tác quản lý cán bộ phải được làm thực chất hơn, chặt chẽ hơn.

Đặc biệt, cần lên án quan niệm quan hệ giao cấu với gái trinh nguyên, quan hệ với trẻ em thì sẽ có sức khỏe phi thường hoặc có được sự may mắn, thuận lợi, thành đạt trong làm ăn. Ông Tiến cho rằng, quan niệm trên là phi khoa học cần phải lên án mạnh mẽ.

Theo ông Tiến, sự tồn tại của một số quan niệm không khoa học cũng là nguyên nhân khiến cho những đối tượng có tiền, có quyền chạy theo với tâm lý muốn có được sức khỏe, có được sự may mắn.

Quá vô cảm

Nhìn nhận từ góc độ tâm lý, TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý cho biết hiện tượng xâm hại tình dục trẻ em được diễn ra theo một chu trình với một khoảng thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng.

Hành vi trên có thể gặp ở tất cả các tầng lớp từ cả công chức, viên chức, học giả, trí thức cho tới những người dân lao động, thợ xây, thợ hồ hay xe ôm... Từ cả những người mắc bệnh lý cho tới những người có sức khỏe, tâm lý bình thường.

Bà Quý phác họa chu trình dẫn tới hành vi xâm hại trẻ em diễn ra như sau:

Đầu tiên, những đối tượng có thể là những người mắc bệnh lý hoặc ở những người có tâm lý phát triển bình thường nhưng trong quá trình rèn luyện bản thân không tốt, dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi phim ảnh, tranh, sách có hình ảnh, có nội dung mô tả về các hành vi ấu dâm, hoặc các hành vi mô tả quan hệ tình dục với trẻ em rồi nảy sinh nhu cầu.

Khi ham muốn bản năng trỗi dậy, phần con lớn hơn phần người, họ sẽ đi tìm kiếm đối tượng để thực hiện hành vi giao cấu nhằm thỏa mãn phần con của mình.

Trong quá trình tìm kiếm đối tượng, những người này sẽ tìm cách tiếp cận rồi lên kế hoạch thực hiện ý đồ xâm hại tình dục.

Sau khi thực hiện được ý đồ xâm hại, phần người cũng sẽ thức tỉnh, nhiều đối tượng tỏ ra có chút ăn năn, hối hận. Tuy nhiên, bản năng con người sẽ không bao giờ mất đi và phần con sẽ tiếp tục trỗi dậy nếu hành vi sai trái trên không bị pháp luật nghiêm trị, công luận, xã hội không lên án mạnh mẽ mà để sự việc nhẹ nhàng qua đi . Khi đó những đối tượng này sẽ lại tiếp tục nuôi dưỡng ý đồ và đi tìm kiếm cơ hội tiếp tục thực hiện hành vi sai trái của mình.

Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế khi xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra thời gian qua vị chuyên gia cho biết, kết quả đều không đi tới đâu.

Theo bà Quý, một phần do luật pháp của Việt Nam quá coi trọng vật chứng, trong khi hầu hết các vụ xâm hại trẻ em đều không thể tìm được tang chứng, vật chứng. Vị chuyên gia cho rằng, đây là điểm yếu trong vấn đề bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Vì đợi được đến lúc đi tìm tang chứng vật chứng thì dấu tích cũng không còn.

"Tôi từng làm việc ở Bộ LĐ-TB-XH tôi đã đấu tranh rất nhiều với những vụ việc trên, tuy nhiên hầu hết đều nhận lấy thất bại vì không thể cung cấp được tang chứng, vật chứng do vụ việc đã xảy ra lâu rồi hoặc vụ việc chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nên không thể có tang chứng, vật chứng", bà Quý nói.

Nhìn từ những vụ việc nói trên, TS Nguyễn Thị Kim Quý cho rằng pháp luật cần phải sửa đổi, hành vi ấu dâm phải được coi là một hình thức phạm tội và phải đưa vào quy định tại các điều khoản cụ thể trong luật định.

Bên cạnh đó, vấn đề thực thi pháp luật phải nghiêm minh, chấm dứt tình trạng luồn lách, lo lót chạy chọt để được xem xét giảm nhẹ hoặc cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian, gây khó khăn cho quá trình điều tra.

Một yếu tố nữa là tâm lý của gia đình, phụ huynh khi có con bị hại thường e ngại, xấu hổ, hoặc lo lắng cho danh dự của con cái sau này cũng là một phần nguyên nhân khiến các vụ việc xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng, gia tăng với mức độ nghiêm trọng hơn.

Vì vậy, theo bà Quý, các cơ quan có trách nhiệm cần phải nghĩ tới những giải pháp dài hơi, tổ chức những khóa tập huấn, đào tạo kỹ năng mềm cho trẻ khi đứng trước tình huống nguy hiểm cần phải biết cách phòng vệ.

Về phía các bộ, ngành, cơ quan liên quan phải đưa ra giải pháp để phòng ngừa trước khi trẻ có khả năng bị xâm hại, chứ không thể cứ chạy theo hậu quả mãi như vậy được.

"Lâu nay tôi vẫn nghe nói nhiều về người Việt vô cảm. Sau những vụ việc như thế này tôi thừa nhận đúng là có nhiều người Việt quá vô cảm. Việt Nam có rất nhiều cơ quan, ban ngành chịu trách nhiệm trong vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em như Bộ Giáo dục, Ủy ban chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Y tế... nhưng sau những vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra vẫn chưa có một cơ quan nào thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình", bà Quý bức xúc.

Theo Thái An - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X