Hotline 24/7
08983-08983

Bản án tù chung thân Lê Bá Mai đầy nghịch lý

Ngay tại phiên tòa phúc thẩm kỳ án vườn mít đối với Lê Bá Mai lần thứ ba năm 2013, quan điểm của viện kiểm sát và tòa mâu thuẫn nhau.

Luật sư Trịnh Thanh đang bào chữa cho Mai trong phiên sơ thẩm (lần ba) vào tháng 1.2013Luật sư Trịnh Thanh đang bào chữa cho Mai trong phiên sơ thẩm (lần ba) vào tháng 1/2013

Chứng cứ buộc tội quá khập khiễng

Có người lý giải việc hạ mức án là do có những tình tiết giảm nhẹ nhưng thực sự không phải vậy. Tình tiết giảm nhẹ so với trước đây là không có, tại phiên tòa sơ thẩm đầu tiên Mai khai nhận phạm tội mà vẫn bị tuyên tử hình, giờ khai không nhận tội (không thành khẩn khai báo) mà tòa lại tuyên tù chung thân cho thấy tòa còn lấn cấn chỗ này.


Khi nhân chứng Hằng 9 tuổi nói biết Mai (thay đổi lời khai sau lời khai ban đầu hung thủ là “người thanh niên”), về nguyên tắc phải cho nhân chứng nhận dạng xem có nhận ra đúng Mai hay không để chứng minh chính xác Hằng nhận ra hung thủ chở nạn nhân đi đúng là Mai.

Vi phạm tố tụng quan trọng nhất là công an không cho Hằng nhận dạng, vì vậy không thể biết chắc được Hằng có biết Mai hay không. Đưa nguồn chứng cứ này dự tính và sử dụng để buộc tội Mai nên “năm ăn năm thua”, tòa không tuyên “thẳng băng” như những trường hợp có nhận dạng.

Chưa kể chính tòa tối cao từng tuyên tử hình Mai trong bản án phúc thẩm đầu tiên năm 2005, nay tình tiết vụ án không có gì mới lại giảm án còn tù chung thân cũng gây ra thắc mắc.

Trong vụ án còn hàng loạt tình tiết cho thấy cơ quan điều tra vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng mà Báo Pháp Luật Việt Nam mới đây đã đăng tải trong loạt 9 bài “Hé lộ nhiều oan khuất trong kỳ án vườn mít 10 năm dai dẳng” như xe máy “bay” qua suối, điều tra viên, nhân chứng lẫn bị cáo biết phép “phân thân”, điều tra viên, nhân chứng biết “tiên tri” đường đi nước bước của hung thủ trước khi hung thủ khai nhận tội... Cơ quan điều tra càng vi phạm tố tụng nhiều thì bản án càng không vững chắc.

Tuy tòa án và viện kiểm sát nói có nhiều chứng cứ để buộc tội Lê Bá Mai, nhưng thật ra chỉ có hai nguồn chứng cứ. Một là lời khai của nhân chứng Hằng 9 tuổi. Nhưng nếu xem lại lời khai của Hằng thì thấy có rất nhiều vấn đề. Lúc đầu Hằng nói với cha là “người thanh niên” chở nạn nhân đi, cha Hằng cũng nói lại với công an là “người thanh niên”, các nhân chứng trong lời khai ban đầu cũng khai là “người thanh niên”…

Nếu anh thấy đó là Mai thì anh phải khai là Mai chứ, nếu anh khai là “người thanh niên” thì người đó không phải là Mai rồi, logic chính là chỗ đó. Công an xác định cuối cùng khoảng cách giữa “người thanh niên” với Hằng chỉ có 15m thôi, 15m là nhìn thấy rõ rồi. Tất cả những điều này vẫn còn lưu giữ trong hồ sơ.

Nếu nói về lời khai nhận tội của Mai cũng cho thấy Mai không phải là hung thủ. Mai khai nhận nhưng hoàn toàn không đúng với diễn biến, các tình tiết của vụ án: không đúng đồ vật mang theo xe máy, không đúng địa điểm phát hiện ra tử thi, không đúng hướng đi của hung thủ (Hằng nói hung thủ chạy xe đi thẳng, còn Mai khai đến ngã ba rẽ trái)...

Hai nguồn này cứ ngỡ là nguồn chứng cứ buộc tội nhưng xem kỹ sẽ thấy nó không phải là chứng cứ buộc tội. Nhìn tổng thể không có cơ sở vững chắc để buộc tội Lê Bá Mai.

Chụp hình để làm bằng chứng trong kỳ án vườn mít Lê Bá Mai

Cơ hội minh oan bao nhiêu phần trăm?

 “Với câu phát biểu tại nghị trường Quốc hội của Viện trưởng VKSNDTC nêu trên, cơ hội minh oan cho Mai trong vụ án này là bao nhiêu phần trăm so với những diễn biến trước đây?”, chúng tôi hỏi.


Luật sư Trịnh Thanh đáp ngay: “Tôi thấy cơ hội minh oan do giám đốc thẩm hay tái thẩm cho Mai vẫn còn nguyên. Bản chất vụ án còn nằm trong hồ sơ, tuy một vài cái này cái kia đã bị tiêu hủy rồi nhưng bản ảnh còn, hiện trường còn…

Nếu vụ án này được chính viện trưởng hoặc chánh án xem xét kỹ càng thì Mai sẽ được minh oan, cơ hội minh oan cho Mai vẫn còn nguyên. Ở góc độ luật sư, tôi vẫn tin tưởng như thế”.

Ngay chánh án và viện trưởng chưa từng đặt chân đến hiện trường kỳ án vườn mít, trong khi bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thực địa hiện trường hai lần, sờ trực tiếp, nhìn thấy trực tiếp hiện trường rằng Mai không thể nào chạy xe bay qua suối như vậy được.

Vụ án này còn nhiều người quan tâm như đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng, ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội… thì cuộc chiến vì công lý sẽ chưa ngã ngũ.

Theo Điều 278 Bộ luật Tố tụng hình sự, việc kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Bản án phúc thẩm xử Mai tù chung thân vào ngày 30.8.2013 đến nay đã hơn một năm, như vậy viện trưởng và chánh án cấp tối cao không được phép kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng tăng án lên thành tử hình đối với Lê Bá Mai được nữa.

Về kháng nghị tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án thì viện trưởng cấp tối cao phải thực hiện trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và thời hạn không được quá một năm kể từ ngày viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện (Điều 295 Bộ luật Tố tụng hình sự). Nếu xét về tin báo của nhân chứng mới là bà Hảo thì thời hạn này vẫn còn.

ĐBQH Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cung cấp thêm nhân chứng minh oan cho Lê Bá Mai tại diễn đàn QH sáng 27/10
Còn thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì có thể tiến hành bất cứ lúc nào, không hạn chế về thời gian, trong cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ (Điều 278, 295).


AloBacsi.vn
Theo Lê Đình  - Một thế giới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X