Chiếc máy bay tư nhân được trang bị một chiếc lều đặc biệt được sử dụng để vận chuyển bệnh nhân mắc các bệnh có khả năng lây nhiễm cao đã hạ cánh tại Căn cứ Không quân Dobbins tại Marietta, Georgia, ngay ngoài phạm vi Atlanta.
 
BS Brantly sau đó đã được chuyển tới BV ĐH Emory với một đoàn xe hộ tống. Những đoạn băng được máy bay trực thăng của CNN ghi lại cho thấy BS Brantly được dìu ra khỏi xe cứu thương vào bệnh viện. Tình trạng hiện tại của bác sỹ được cho là ổn định.

Tại đây, BS Brantly được gặp vợ mình là chị Amber trong điều kiện bảo vệ trong vòng 45 phút. Chị Amber cho biết bác sỹ “có tinh thần tốt và cảm thấy rất biết ơn” vì đã được quay trở về nhà. Cha mẹ và chị của BS Brantly cũng có mặt tại bệnh viện; họ cảm thấy “thật nhẹ nhõm khi được đón chào cậu ấy trở về.”

Bệnh nhân thứ hai, nhân viên cứu trợ Nancy Writebol, dự kiến sẽ tới đây vào thứ Hai (4/8). Các quan chức Mỹ tin tưởng rằng cả hai bệnh nhân có thể được điều trị tại đây mà không gây nguy hiểm cho cộng đồng.
 
BV ĐH Emory được trang bị một trong những đơn vị cách ly hiện đại nhất nước Mỹ. Đơn vị chuyên môn này đã được xây dựng từ hàng chục năm trước đây nhằm chăm sóc cho các nhân viên y tế liên bang đã tiếp xúc với những loại vi khuẩn nguy hiểm nhất trên thế giới.
 
GĐ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ Tom Frieden thừa nhận rằng nhiều người Mỹ đang rất sợ hãi về việc đưa BS Brantly và nhân viên y tế Writebol quay trở lại Mỹ để điều trị Ebola, nhưng ông cũng khẳng định rằng không có bất kỳ rủi ro nào. “Ebola là một hiểm họa lớn ở châu Phi, nhưng tại Mỹ, nó sẽ không trở thành nguy hiểm lớn,” ông cho biết.
 
Tuần trước, khi được chẩn đoán mắc virus Ebola, BS Brantly đang có mặt tại Tây Phi cùng với nhóm truyền giáo nhằm đối phó với dịch Ebola tại đây. Hôm 31/7, các quan chức y tế Mỹ đã lên tiếng cảnh báo người dân Mỹ không di chuyển tới 3 quốc gia Tây Phi đang bị ảnh hưởng bởi bùng phát dịch Ebola, bao gồm Guinea, Liberia và Sierra Leone. Tại các nước nói trên, căn bệnh chết người này đã lấy đi sinh mạng của hơn 700 người trong năm nay.

BS Brantly, 33 tuổi, là người Mỹ đầu tiên được chẩn đoán mắc virus Ebola, loại virus có tỷ lệ tử vong lên tới 90%. Bà Whitebol, 60 tuổi, một nhà truyền giáo đến từ Charlotte, Bắc Carolina, là người thứ hai.
 
Nhiều nỗ lực đã được thực hiện để giúp đỡ cho họ với các phương tiện có sẵn tại Liberia, và chỉ vài giờ trước khi chuyến bay tới Atlanta được công bố, BS Brantly đã nhường lọ thuốc điều trị thử nghiệm duy nhất cho bà Writebol.

Máy bay chở BS Brantly hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Dobbins vào ngày 2/8/2014. (Nguồn: Reuters)

BS Brantly đã được truyền máu của một bệnh nhân Ebola 14 tuổi được chính ông chữa trị và hiện vẫn sống sót. Truyền máu từ những người sống sót sang cho bệnh nhân Ebola vẫn là một phương pháp điều trị được sử dụng nhiều cho các bệnh nhân, mặc dù chưa được chứng minh.

Tuy nhiên, hôm 31/7, tình trạng của bà Writebol thậm chí còn xấu đi, mặc dù đã được tiêm thuốc điều trị thử nghiệm.
 
Giai đoạn đầu của bệnh Ebola bao gồm các triệu chứng như sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, phát ban và tiêu chảy. Ở giai đoạn thứ hai, người bệnh sẽ bị sốt xuất huyết, khó thở, khó nuốt, và bị xuất huyết trong rất đau đớn. Tai và mũi của bệnh nhân sẽ chảy máu, mắt đỏ.

Họ sẽ phải chịu một cái chết đau đớn. Nói chung, những bệnh nhân đạt tới giai đoạn 2 của bệnh đều không qua khỏi.

Nguyên nhân nhiễm bệnh của BS Brantly và bà Writebol vẫn chưa được xác định.